Thượng viện Mỹ phê duyệt khoản viện trợ mới trị giá 12 tỷ USD cho Ukraine
Hôm 29/9 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ kinh tế và quân sự mới trị giá 12 tỷ USD cho Ukraine.
Quyết định trên, được các Thượng nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ nhất trí, ủy quyền cho Tổng thống Joe Biden chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ lấy số vũ khí và vật liệu trị giá 3,7 tỷ USD trong kho của quân đội Mỹ cung cấp cho Ukraine. Bên cạnh đó là khoản viện trợ 3 tỷ USD để mua vũ khí, vật dụng và tiền lương cho quân đội Ukraine và 4,5 tỷ USD nhằm giúp Kiev giữ ổn định nền tài chính của đất nước cũng như duy trì hoạt động của Chính phủ và cung cấp các dịch vụ cho người dân Ukraine.
Trước đó, ngày 28/9, Mỹ đã công bố khoản viện trợ quân sự mới gồm vũ khí và trang bị cho Ukraine trị giá 1,1 tỷ USD để củng cố các lực lượng của Kiev trong trung hạn và dài hạn. Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, gói viện trợ mới này bao gồm 18 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) cùng đạn dược, các hệ thống radar, thiết bị chống máy bay không người lái, 150 xe bọc thép và 150 phương tiện chiến thuật.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay rằng giai đoạn viện trợ vũ khí mới sẽ mất vài năm để xây dựng và chuyển giao, tập trung vào nỗ lực cung cấp cơ sở hạ tầng quốc phòng lâu dài của Ukraine trong khi các đồng minh và đối tác tăng tốc các gói thiết bị và đạn dược phù hợp cho những nhu cầu cấp bách nhất. Quan chức này cũng cho biết HIMARS đại diện cho một “thành phần cốt lõi của lực lượng chiến đấu Ukraine trong tương lai”.
Cũng trong ngày 28/9, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng Mỹ dự định tăng cường sản xuất các vũ khí “hỏa lực tầm xa đặt trên mặt đất, hệ thống phòng không, vũ khí đối đất và các năng lực khác” cần thiết để duy trì quân đội Ukraine trong dài hạn. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết gần 20 quốc gia khác cũng đồng ý mở rộng cơ sở công nghiệp và đẩy nhanh sản xuất những vũ khí có thể thay thế các thiết bị từ thời Liên Xô và Nga của Ukraine bằng các hệ thống hiện đại được NATO sử dụng.
Những thông báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh Nga đã phát lệnh động viên khoảng 300.000 lính nghĩa vụ được cho là để thay thế và tăng viện cho lực lượng ở Ukraine. Một quan chức Mỹ cho hay rằng việc chuẩn bị sẵn sàng cho những binh sĩ mới huy động sẽ là thách thức đối với Điện Kremlin, về cung cấp hậu cần cần thiết cũng như đào tạo họ.
Theo một quan chức quốc phòng, gói vũ khí được công bố gần đây nhất của Mỹ cho Ukraine bao gồm các vũ khí và thiết bị sẽ mất từ 6 tháng đến 2 năm để giao hàng và đòi hỏi các nhà thầu quốc phòng khởi động lại hoặc tăng cường sản xuất.
Ukraine cũng sẽ nhận thêm 150 chiếc Humvee bọc thép, cho phép quân đội vận chuyển binh sĩ và cơ động xung quanh chiến trường trong các chiến dịch tấn công. Bên cạnh đó, Kiev cũng được hỗ trợ thêm trên 200 phương tiện giúp họ vận chuyển thiết bị hạng nặng, đi kèm với việc được phương Tây cung cấp một lượng lớn vũ khí hạng nặng.
Gói này còn bao gồm các hệ thống được thiết kế để khắc chế những vũ khí mà người Nga đã sử dụng một cách hiệu quả, trong đó có các radar có thể phát hiện pháo binh và máy bay không người lái đang bay tới. Ukraine hiện có 26 bệ phóng tên lửa di động tiên tiến, bao gồm 16 hệ thống HIMARS của Mỹ và 10 bệ phóng M270 cũ hơn do Mỹ sản xuất, được Anh và Đức cung cấp.
Phan Anh
Putin đang mất dần các đồng minh ở Trung Á
Các đồng minh truyền thống của Mát-xcơ-va ở Trung Á đang âm thầm thực hiện các động thái có khả năng làm mất lòng nhà lãnh đạo Nga, theo Aljazera.
Tổng thống Kazakhstan – ông Kassym-Jomart Tokayev, từng phát biểu với câu châm ngôn nổi tiếng: “Mối quan hệ tốt với các nước láng giềng chính là sự bảo đảm an toàn”.
Tuy nhiên, những gì ông đang làm có thể làm căng thẳng nghiêm trọng mối quan hệ của Kazakhstan với nước láng giềng hùng mạnh Nga.
Ông Tokayev đã chỉ thị cho chính phủ của mình giúp đỡ hàng chục nghìn người Nga tràn vào đất nước của ông, vì cuộc huy động quân sự hỗn loạn và quy mô lớn cho cuộc chiến ở Ukraina.
Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết, gần 100.000 người Nga đã tới Kazakhstan kể từ ngày 21 tháng 9, khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố điều động.
Ông Tokayev nói: “Phần lớn họ phải ra đi vì tình thế vô vọng. Chúng tôi phải chăm sóc và bảo đảm an toàn cho họ”.
Những người Hồi giáo ở Trung Á là nguồn lao động lớn di cư đến Nga trong nhiều thập niên trước đây. Đã có những báo cáo tiêu cực về chủ nghĩa bài ngoại ở Nga, cũng như những lời phàn nàn về hoạt động của cảnh sát Nga đối với họ.
Ngược lại Trung Á cũng là nơi sinh sống của rất nhiều người dân tộc Nga, những người có cha ông của họ đã từng di cư tới đây vào thời liên bang Xô Viết.
Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Kazakhstan cho biết, họ sẽ không công nhận “cuộc trưng cầu dân ý” ở các khu vực Ukraina bị chiếm đóng.
Vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Tokayev đã thản nhiên nói với Tổng thống Nga Putin rằng, chính phủ của ông sẽ không tuân theo Mát-xcơ-va trong việc công nhận “nền độc lập” của các tổ chức ly khai ở Donetsk và Luhansk của Ukraina.
Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết, họ sẽ chỉ dẫn độ những người Nga bị đưa vào danh sách truy nã quốc tế.
Ông Marat Akhmetzhanov, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Việc tìm kiếm người Nga được tiến hành bởi các Văn phòng tuyển quân, là không có căn cứ để dẫn độ”.
Số lượng người Nga đến Kazakhstan đang tăng lên theo từng giờ. Kazakhstan cho phép người Nga đi qua biên giới của mình mà không cần hộ chiếu nước ngoài. Chủ yếu họ đến qua đường biên giới trên đất liền trải dài 7.644 km.
Theo các nhà hoạt động giám sát biên giới, hàng nghìn ô tô và xe buýt đã bị mắc kẹt tại 10 cửa khẩu biên giới, và thời gian chờ đợi tăng lên từ ba giờ thành ba ngày.
Vé máy bay là thứ không thể có được. Các khách sạn, ký túc xá và nhà nghỉ tư nhân ở miền bắc Kazakhstan chật cứng đến mức, chủ một rạp chiếu phim ở thành phố biên giới Oral đã gây xôn xao, khi ông cho những người Nga vô gia cư ngủ miễn phí trong khuôn viên.
Mặc dù Kazakhstan có tỷ lệ dân số gốc Nga lớn nhất ở Trung Á, hầu hết những người mới đến đều coi đây là nơi trú ẩn tạm thời, cho đến khi họ tìm được vé máy bay đến các quốc gia khác.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế số lượng các hãng hàng không ở Nga, khiến giá vé tăng chóng mặt.
Quan chức phụ trách vấn đề di cư – Aslan Atalykov cho biết: “Khả năng người Nga sử dụng các sân bay của chúng tôi để di dời, là một trong những lý do khiến người nhập cư đến rất đông”.
Trang web Orda.kz đưa tin, trích dẫn dữ liệu của Bộ Nội vụ Kazakhstan, cho biết, hai phần ba trong số 100.000 người mới đến đã rời đi, và chỉ khoảng 8.000 người nhận được mã số thuế cần thiết để mở tài khoản ngân hàng hoặc nhận giấy phép cư trú tạm thời.
Một số người chạy đến Uzbekistan, quốc gia đông dân nhất Trung Á nằm ở phía nam Kazakhstan – và tuyệt vọng tìm kiếm chỗ ở.
Nhưng các nhà chức trách Uzbekistan đã thận trọng hơn nhiều so với người Kazakhstan.
Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev không ủng hộ hay phản đối chiến tranh. Ông đã sa thải ngoại trưởng Abdulaziz Komilov, vì hồi tháng 3, ông này từng nói rằng Tashkent không công nhận các tổ chức ly khai. Nhưng cuối cùng, không quốc gia Trung Á nào công nhận các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk.
Sự im lặng của Uzbekistan do lo ngại rằng Nga có thể trục xuất ít nhất hai triệu người di cư lao động Uzbekistan đang làm việc tại nước này.
Điện Kremlin thường dùng đến việc giam giữ và trục xuất hàng loạt người di cư lao động từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, như một công cụ để gây sức ép với chính phủ của họ.
Các quan chức phụ trách di cư Kyrgyzstan không báo cáo số lượng người Nga nhập cảnh vào quốc gia của họ sau ngày 21 tháng 9, nhưng một nhóm có tên ‘Chào mừng đến với Kyrgyzstan’ trên Telegram, có số thành viên tăng lên nhanh chóng và tự hào có hàng nghìn thành viên.
Trần Phong
Lính Nga phải ra tiền tuyến dù mới được huấn luyện 2 ngày
Nhóm nhân quyền Perviy Otdel cho biết những người đàn ông Nga được biên chế để chiến đấu ở Ukraine đang bị buộc phải ra tiền tuyến mà được huấn luyện rất ít hoặc thậm chí còn không được huấn luyện.
Perviy Otdel cho biết trên Telegram hôm thứ Tư rằng chính quyền Nga đang đưa lính nghĩa vụ đến các vùng chiến sự ở Ukraine một cách bất hợp pháp mà không có các bài tập huấn luyện hay kiểm tra y tế.
Theo bài đăng của Perviy Otdel, nhóm đã bắt đầu nhận được xác minh rằng những người lính nghĩa vụ đang bị buộc phải viết báo cáo tuyên bố rằng họ sẵn sàng chiến đấu trong tại Ukraina mặc dù mới chỉ được huấn luyện hai ngày.
Nhóm nhân quyền cũng cho biết họ đã nhận được thông tin rằng binh lính Nga được huy động không được cung cấp hỗ trợ tài chính như chính quyền đã hứa
Một người Nga được điều động gần đây cho biết trong đoạn video được Perviy Otdel đăng lên Telegram rằng các binh sĩ mới đã được gửi thẳng đến Kherson, khu vực là mục tiêu phản công của Ukraine mà không qua bất kỳ khóa huấn luyện nào.
Người này nói: “Chúng tôi chính thức được thông báo rằng sẽ không có cuộc huấn luyện nào trước khi chúng tôi được điều động đến khu vực chiến sự”, “Trung đoàn trưởng chính thức xác nhận điều này.”
Trần Phong
Ukraina tấn công 10 khu vực tập trung quân Nga
Báo Pravda ngày 29/9 cho biết, trong khi phòng thủ tuyến liên lạc phía Nam, quân đội Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công trên bộ và trên không, đánh vào 10 khu vực tập trung nhân lực và trang thiết bị của Nga.
Tờ báo dẫn nguồn Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraina báo cáo tình hình tóm tắt hoạt động hiện tại ở miền nam cho ngày 28/9. Báo cáo cho biết, đơn vị này đã phá hủy một thành trì của kẻ thù gần làng Khreshchenivka.
Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraina cho biết: “Kẻ thù đang tiếp tục những nỗ lực của họ cầm giữ các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, họ đang tìm cách ngăn cản chúng tôi thực hiện các kế hoạch của mình , đôi khi họ cố gắng phá hoại và do thám hoặc tấn công”.
“Một nhóm kẻ thù có quy mô gần bằng một đại đội cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật và tiến về làng Bezymenne từ làng Chkalove. Họ đã không thành công và rút lui với tổn thất. Các đơn vị địch đang tiến hành trinh sát trên không liên tục. Đáp trả hành động này, các đơn vị của chúng tôi đã bắn rơi 3 UAV giám sát Orlan-10”.
“Các lực lượng Nga đã thực hiện 6 cuộc không kích. Họ phóng tên lửa hành trình nhằm mục tiêu vào các máy bay của Không quân Ukraina”.
“Vào đêm 28/9, máy bay Nga đã sử dụng 5 tên lửa Kh-59 tấn công vào các tháp pháo Dnipropetrovsk và Zaporizhzhia. Bốn trong số 5 tên lửa đã bị lực lượng phòng không của Bộ Tư lệnh Không quân miền Đông phá hủy và một quả đánh trúng một cơ sở chế biến ngũ cốc gần thành phố Kryvyi Rih. Cơ sở sản xuất đã bị hư hại nhưng không có thương vong.”
“Máy bay Ukraine đã thực hiện sáu cuộc không kích vào các khu vực Nga tập trung quân nhân và thiết bị và vào các vị trí phòng không của Nga.
Lực lượng tên lửa và đơn vị pháo binh Ukraine đã thực hiện hơn 220 nhiệm vụ hỏa lực nhắm mục tiêu vào 4 khu vực tập trung nhân lực và thiết bị của Nga ở làng Charivne, thị trấn Oleshky và thành phố Kherson, hai trạm tác chiến điện tử vô tuyến ở quận Beryslav, và kiểm soát dọc theo cây cầu ở thành phố Nova Kakhovka.
Tổn thất được xác nhận của Nga trong các hoạt động này như sau: 18 quân nhân, 2 xe tăng và 6 xe bọc thép và các phương tiện khác.”
Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraina báo cáo thêm rằng: “Tám tàu của hạm đội Nga đang điều động gần bờ biển Crimea trên Biển Đen. Một tàu đổ bộ cỡ lớn và ba tàu chiến mặt nước được trang bị 24 tên lửa hành trình Kalibr đang tuần tra trực chiến”.
Trần Phong
Phần Lan đóng cửa biên giới với du khách Nga
Hãng tin Reuters cho biết Phần Lan đã từ chối cho du khách Nga nhập cảnh sau khi hàng nghìn người từ Nga tìm cách rời khỏi đất nước. Theo đó, quốc gia này sẽ không cho phép khách du lịch Nga nhập cảnh kể từ nửa đêm. Với tuyên bố đưa ra ngày 29/9, Phần Lan đã đóng cửa tuyến đường bộ trực tiếp cuối cùng từ Nga vào EU (Liên minh châu Âu).
Chính phủ Phần Lan cho hay rằng động thái này sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể lượng người nước ngoài nhập cảnh. Thống kê của Phần Lan chỉ ra rằng gần 17.000 người Nga đã nhập cảnh trong cuối tuần qua.
Theo Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, quyết định trên được đưa ra sau những cuộc đàm phán với Ukraine và các nước láng giềng. Ông Haavisto cho biết việc nhập cảnh với mục đích thăm gia đình hoặc phục vụ công việc và học tập vẫn được cho phép.
Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva đã áp đặt các hạn chế tương tự kể từ ngày 19/9. Vào thời điểm đó, Estonia đã bày tỏ sự thất vọng khi mà Phần Lan không áp đặt lệnh cấm.
Estonia nhận định rằng khách du lịch Nga gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Trong khi đó, lãnh đạo Ukraine nói rằng người Nga nên ở nhà và tìm cách ngăn chặn cuộc xung đột.
EU đã cấm tất cả các chuyến bay từ Nga, chỉ cho phép các tuyến đường sắt và đường bộ. Vào tháng 9, EU đã đồng ý hạn chế cấp thị thực Schengen cho công dân Nga.
Ở một diễn biến khác, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow hôm 28/9 vừa qua đã thúc giục công dân Mỹ song tịch Mỹ-Nga hãy rời khỏi Nga hoặc sẽ gặp rủi ro bị ép phải đi lính chiến đấu trong cuộc chiến tranh đang leo thang tại Ukraine.
Trong cảnh báo an ninh phát đi hôm 28/9, Đại sứ quán Mỹ cho hay: “Nga có thể từ chối xác nhận quốc tịch Mỹ của các công dân song tịch, từ chối quyền của họ được tiếp cận trợ giúp lãnh sự Mỹ, ngăn chặn họ rời khỏi Nga, và gọi các công dân song tịch này nhập ngũ”.
Cảnh báo trên được Đại sứ quán Mỹ đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước ra lệnh gọi nhập ngũ khoảng 300.000 quân dự bị, biệt phái sang chiến trường Ukraine chiến đấu trong cuộc chiến đã kéo dài 7 tháng.
Tin tức tuần qua cho thấy nhiều đàn ông Nga đã vượt biên sau khi Tổng thống Putin kêu gọi huy động quân đội “một phần”.
Cảnh báo của Đại sứ quán Mỹ hôm 28/9 cũng thúc giục công dân Mỹ không nên di chuyển tới Nga vì đại sứ quán bị “hạn chế nghiêm trọng” trong việc giúp đỡ họ. Đại sứ quán Mỹ cũng nói rằng công dân Mỹ hiện đang ở Nga hãy “chủ động thu xếp” rời khỏi đất nước này sớm nhất có thể trong lúc các tuyến đường bộ vẫn mở.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm DMZ, lên án Triều Tiên thử vũ khí
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã lên án các vụ thử vũ khí của Triều Tiên ở Seoul trước chuyến thăm đầu tiên của bà tới Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên vào thứ Năm, chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa.
Bà Harris đã hạ cánh xuống thủ đô của Hàn Quốc vào đầu ngày thứ Năm và lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên trong cuộc hội đàm theo kế hoạch với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Bà cũng thảo luận về những lo ngại của Seoul về những thay đổi trong trợ cấp xe điện của Hoa Kỳ, mối quan hệ ba bên liên quan đến Nhật Bản và hành động của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan.
Các phụ tá cho biết chuyến thăm DMZ nhằm thể hiện cam kết vững chắc của Hoa Kỳ đối với an ninh của Hàn Quốc, đặc biệt sau khi căng thẳng gia tăng khi hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn được bắn ngoài khơi bờ biển phía đông của Triều Tiên hôm thứ Tư.
Trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã và đang xây dựng các liên minh để kiềm chế Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cả về vấn đề Đài Loan, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào Chủ nhật rằng trong một cuộc xung đột về Đài Loan, Triều Tiên có nhiều khả năng tiến hành khiêu khích và rằng liên minh nên tập trung vào mối quan tâm đó trước tiên.
Vụ thử tên lửa là lần thứ hai kể từ Chủ nhật và diễn ra hai ngày sau khi lực lượng Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông của Hàn Quốc với sự tham gia của một tàu sân bay.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cho biết họ đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa để phòng thủ trước các mối đe dọa của Mỹ.
Sau khi dừng chân tại một căn cứ quân sự ở Nhật Bản, bà Harris đã gọi các vụ phóng tên lửa gần đây là một phần của “chương trình vũ khí bất hợp pháp đe dọa sự ổn định khu vực và vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.”
Chuyến thăm của bà Harris tới DMZ là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao của chính quyền Biden tới khu vực này.
Một số cựu Tổng thống Hoa Kỳ và bản thân ông Biden trước khi trở thành Tổng thống cũng đã đến thăm DMZ, nhưng cựu Tổng thống Donald Trump đã trở thành người đầu tiên gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên ở đó khi ông tổ chức cuộc gặp thứ ba với Kim Jong Un vào năm 2019 trong khuôn khổ nỗ lực thuyết phục Kim từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
DMZ thường được mô tả là biên giới cuối cùng của Chiến tranh Lạnh trên thế giới và nó tồn tại kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kết thúc trong một hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.
Khả năng Triều Tiên thử hạt nhân
Trước đó, hôm thứ Tư, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên có thể diễn ra vào tháng tới.
Bình Nhưỡng có khả năng sẽ chọn thời điểm giữa Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra vào ngày 16 tháng 10 và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Hoa Kỳ vào ngày 7 tháng 11 để thử hạt nhân tiếp theo, cơ quan này cho biết.
Triều Tiên, quốc gia đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc vì các chương trình vũ khí của mình, thường tìm cách tối đa hóa tác động địa chính trị của các cuộc thử nghiệm với thời gian cẩn thận.
Chế độ này đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân sáu lần kể từ năm 2006. Vụ cuối cùng và mạnh nhất vào năm 2017, có đương lượng ước tính là 250 kiloton.
Dưới thời Tổng thống Yoon, Seoul và Washington đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung, mà họ nhấn mạnh là hoàn toàn mang tính phòng thủ. Triều Tiên coi chúng như những cuộc diễn tập cho một cuộc xâm lược.
Cheong Seong-chang thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên, Viện Sejong nói với AFP rằng ông mong ông Yoon và bà Harris thảo luận về kế hoạch đáp trả một vụ thử hạt nhân khác của Bình Nhưỡng.
Lê Vy