Chuyên gia công nghệ: ‘Tiktok không nên tồn tại trong xã hội dân chủ’

Chuyên gia công nghệ: 'Tiktok không nên tồn tại trong xã hội dân chủ'
Logo TikTok hiển thị trên màn hình điện thoại được chụp ở Krakow, Ba Lan, hôm 18/7/2021. (Ảnh: Jakub Porzycki/NurPhoto/Getty Images)

Theo một chuyên gia công nghệ, gã khổng lồ truyền thông xã hội TikTok và những liên hệ ‘mờ ám’ của nó với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia Mỹ, cũng như đe dọa đến một xã hội dân chủ.

Ông Geoffrey Cain, một nhà báo điều tra độc lập và là tác giả của một cuốn sách viết về những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc xây dựng một nhà nước toàn trị. Ông tin rằng sự trỗi dậy của TikTok cùng với cấu trúc công ty mờ ám và mối liên hệ với luật dữ liệu của Trung Quốc khiến nó trở thành mối đe dọa duy nhất của nước Mỹ.

“TikTok chính là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ và các quốc gia bên ngoài Trung Quốc”, ông Cain nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 29/9 trong chương trình “American Thought Leaders” của đài NTD, một kênh truyền thông anh em của The Epoch Times.

“Đó là một thảm họa sắp xảy ra, bởi vì TikTok về cơ bản có nghĩa vụ tuân theo luật pháp của Trung Quốc, luật do ĐCSTQ đưa ra”.

Việc TikTok ‘dời đô’ đến Mỹ diễn ra trong bí mật

Ông Cain nhấn mạnh rằng, TikTok không chỉ thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance của Trung Quốc, mà còn được tạo ra bởi một trong những nhà lãnh đạo của công ty về trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua nguồn vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital có trụ sở tại Mỹ.

Hơn nữa, việc TikTok ra mắt thị trường thế giới diễn ra trong bối cảnh không mấy “rõ ràng”, vì phần mềm này chỉ được người dùng toàn cầu biết đến sau khi mua lại công ty Musical.ly (đặt tại Thượng Hải) vào năm 2017 với giá 1 tỷ USD. Đây là một công ty truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Trung Quốc. 

Musical.ly có một văn phòng tại Santa Monica, California. Sau thương vụ thu mua, ByteDance đã xoá sổ Musical.ly và tạo ra TikTok.

TikTok cũng không thông báo cho các quan chức Mỹ về thương vụ sáp nhập, bất chấp mối quan hệ của cả hai công ty với Trung Quốc, ông Cain nói.

“Có rất nhiều cảnh báo nguy hiểm, nhưng dấu hiệu lớn nhất về thương vụ mua lại này là TikTok đã không thông báo cho chính phủ Mỹ về việc mua lại”, ông Cain nói.

“Điều đó đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo. Tại sao TikTok không cân nhắc điều đó? Cứ như thể họ lẻn vào thị trường và đặt phần mềm của họ vào tay thế hệ trẻ”.

Sau đó, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã cấm TikTok cũng như nỗ lực bán lại cho một công ty mẹ ở Mỹ. Đến nay, vụ việc vẫn đang được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét.

Ông Cain gần đây đã điều trần trước Thượng viện Mỹ về vấn đề này. Trong lời khai của mình (pdf), ông đã phân tích về các mối liên hệ giữa ByteDance, TikTok và ĐCSTQ, bao gồm các cuộc họp nội bộ của công ty mà các nhân viên được cho là đã ca ngợi ĐCSTQ.

Ông Cain tin rằng ĐCSTQ đang sử dụng TikTok để truyền bá sự giám sát và kiểm duyệt của mình trên phạm vi toàn cầu.

“Các giám đốc điều hành của TikTok tiền nhiệm cũng thừa nhận rằng, thuật toán mà TikTok sử dụng được dùng để ngăn chặn các nỗ lực phơi bày những tin tức xấu xa trong nội bộ Trung Quốc”, ông Cain nói.

Ông Cain đề cập đến lời khai của một giám đốc điều hành TikTok, người đã làm chứng trước Quốc hội Anh vào năm 2020 rằng, TikTok đã kiểm duyệt hoặc đàn áp thông tin về vụ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương theo yêu cầu của chính quyền ĐCSTQ.

Ông Cain cũng nêu ra một hướng dẫn kiểm duyệt bị rò rỉ vào năm 2019 cho thấy, TikTok và ByteDance đã chỉ thị những người kiểm duyệt toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ, ngăn chặn bất kỳ video nào hiển thị cảnh nghèo đói, khu ổ chuột hoặc những người Trung Quốc xấu xí, đồng thời kiểm duyệt các bình luận chỉ trích các hành vi của ĐCSTQ ở Tây Tạng và Quảng trường Thiên An Môn.

TikTok đã cho biết, các chính sách đó nay đã không còn hiệu lực.

ĐCSTQ có thể truy cập vào mọi thông tin

Trọng tâm lo ngại của ông Cain đối với rủi ro của TikTok là sự giao thoa giữa luật dữ liệu của ĐCSTQ, cũng như mối liên hệ giữa các công ty và các chủ sở hữu có trụ sở tại Bắc Kinh.

Ví dụ, Luật Tình báo Quốc gia và Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ yêu cầu tất cả các công ty hoạt động bên trong Trung Quốc hoặc có phần lớn cổ phần của Trung Quốc phải giao toàn bộ dữ liệu theo yêu cầu của ĐCSTQ.

Điều này có nghĩa là bất kỳ giám đốc điều hành nào tại TikTok hoặc ByteDance, nếu có trụ sở tại Trung Quốc, đều có thể bị ĐCSTQ buộc phải bàn giao dữ liệu của công ty, bao gồm thông tin về nhận dạng khuôn mặt của người dùng, hoạt động duyệt web và mật khẩu.

Do đó, một số chuyên gia bảo mật nhận định rằng, TikTok là một ứng dụng được “vũ khí hóa” theo hướng có lợi cho các chiến dịch gián điệp và quân sự của ĐCSTQ.

“Đây là nơi mà mối liên hệ giữa TikTok và ByteDance trở nên cực kỳ có vấn đề”, ông Cain nói.

“Sẽ không có ranh giới tách biệt giữa TikTok và ByteDance, do đó ĐCSTQ sẽ coi TikTok về cơ bản là một công ty Trung Quốc và cần phải báo cáo với ĐCSTQ”.

TikTok trước đây đã nói rằng tất cả dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ tại Mỹ.

Tuy nhiên, TikTok sau đó đã thừa nhận rằng tuyên bố này là sai sự thật. Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 9, các giám đốc điều hành của TikTok đã từ chối cam kết cắt đứt luồng dữ liệu của Mỹ chuyển về Trung Quốc.

Ông Cain lo ngại rằng những dữ liệu này có thể dễ dàng bị ĐCSTQ lợi dụng để săn lùng và bịt miệng những người bất đồng chính kiến.

Ông Cain nói rằng, đó có thể là những nhà bất đồng chính kiến ​​ở Hong Kong, cũng có thể là những chỉ huy quân sự của Mỹ, họ có thể là bất kỳ ai có quan điểm bất đồng với ĐCSTQ.

“Các giám đốc điều hành đó được luật pháp Trung Quốc yêu cầu phải bàn giao dữ liệu”, ông cho hay.

Mối đe doạ đối với luồng thông tin tự do và cởi mở

Với suy nghĩ đó, ông Cain nói rằng việc cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Washington trong khi nó vẫn thuộc sở hữu của ByteDance là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Hơn nữa, ông nói, điều đó không ăn nhập gì với quyền tự do ngôn luận được các quốc gia dân chủ coi trọng.

“Điều gì ngăn cách TikTok và ByteDance đang hoạt động trên khắp thế giới với những gì đang diễn ra tại Tân Cương?”, ông Cain hỏi.

“TikTok có thể không phải là nhà điều hành các trại tập trung theo nghĩa đen, nhưng họ đã tham gia vào việc đàn áp và kiểm duyệt tin tức về những hành động tàn bạo như vậy. Về cơ bản, họ đang sử dụng các công nghệ tương tự như những gì chính phủ Trung Quốc đã và đang sử dụng để giám sát và kiểm soát người dân của họ”.

Giải pháp duy nhất để ngăn chặn mối đe dọa mà Tiktok gây ra cho công dân Mỹ là chấm dứt mối liên hệ của nó với ByteDance và Trung Quốc.

Ông Cain nói, chỉ cần chuyển quyền sở hữu công ty của ĐCSTQ sang một công ty của Mỹ mới có thể giảm thiểu mối đe dọa đó.

“Tối thiểu thì TikTok nên được bán lại cho một công ty Mỹ”, ông Cain nói. “Chúng ta không thể cho phép các công ty lớn có liên hệ với ĐCSTQ vận hành các nền tảng truyền thông xã hội khổng lồ ở Mỹ”.

“Đó là con ngựa thành Troy. Đó là thứ mà quý vị không hề mong muốn trong một nền dân chủ hiện đại”, ông Cain cho hay.

The Epoch Times đã liên hệ với TikTok để đưa ra bình luận.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Related posts