Xuân Hoa
Một nhà hoạt động môi trường, từng là thành viên của nhóm chống biến đổi khí hậu cấp tiến có tên “Cuộc nổi dậy vì vấn nạn Tuyệt chủng”, đã kêu gọi nước Úc đừng phạm phải sai lầm của châu Âu. Lục địa già đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ sau khi theo đuổi một cách cực đoan chính sách “Không phát thải CO2”.
Bà Zion Lights, cựu phát ngôn viên của tổ chức “Cuộc nổi dậy vì vấn nạn Tuyệt chủng” (Extinction Rebellion), cho biết châu Âu hiện là một “con tàu đang chìm”, nơi mà người dân phải rất vất vả để có đủ năng lượng cho các mục đích sử dụng khác nhau.
“Châu Âu đang ở trong một cuộc khủng hoảng năng lượng và là một cuộc khủng hoảng mà chính chúng tôi đã tạo ra. Xin đừng phạm những sai lầm mà chúng tôi đã mắc phải”, bà Lights nói với các khán giả tại CPAC (Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ) Úc ở Sydney, được tổ chức vào ngày 01/10.
“Người châu Âu hiện không thể trả tiền điện vì một giấc mơ viễn vông dựa trên sự tưởng tượng thay vì dựa trên bằng chứng”.
Nhà hoạt động môi trường người Anh tiết lộ rằng người dân ở Đức đang nói với nhau về việc “không có đủ củi đốt để giữ ấm qua mùa đông”; trong khi ở Anh, chính phủ có thể cắt điện của doanh nghiệp – một “kế hoạch dự phòng” nếu Vương quốc Anh cạn kiệt năng lượng trong mùa đông này.
Bà Lights nói thêm: “Các quốc gia phát triển đáng lẽ không bao giờ phải đối mặt với việc phân bổ [năng lượng] cho người dân, không bao giờ nên nói với người dân rằng họ chỉ có thể được tắm trong thời gian bao lâu”. “Đây là những sai lầm mà giới lãnh đạo yếu kém [thật ra] đã nhìn trước được”.
Năng lượng hạt nhân
Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu là kết quả của việc các quốc gia dần loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân và dồn mọi nỗ lực vào năng lượng tái tạo mà không có phương án dự phòng nào, bà Lights nói.
Theo bà Lights, năng lượng hạt nhân là “sạch”, “ổn định” và “đáng tin cậy”.
Nhà hoạt động môi trường người Anh lập luận: Không một quốc gia quy mô công nghiệp nào trên thế giới có lưới điện công nghiệp không phát thải CO2 mà không có năng lượng hạt nhân hỗ trợ.
“Không ai muốn chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch hơn tôi. Từ lâu, tôi đã đi trên con đường đó. Nhưng tôi cũng không muốn mọi người chịu đựng mất điện và thiếu thốn năng lượng”.
Bà Lights gọi Úc là “quốc gia hạt nhân” tiềm năng bởi Úc là nước xuất khẩu uranium lớn thứ 3 thế giới và có các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như ANSTO (Tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Úc). Bà cũng nêu tên một số nhà máy nhiệt điện than có thể được chuyển đổi thành địa điểm sản xuất năng lượng hạt nhân.
Nước Úc đã cấm năng lượng hạt nhân kể từ năm 1998 như một phần trong thỏa thuận của chính phủ liên minh với Đảng Xanh Úc theo cánh tả và Đảng Dân chủ Úc; từ đó, chính phủ có thể thông qua các dự luật khác tại Thượng viện.
Tuy nhiên, một số Thượng nghị sĩ Úc đang thúc giục chính phủ liên bang dỡ bỏ lệnh cấm. Thượng nghị sĩ Matt Canavan của bang Queensland đã giới thiệu một dự luật mới, trong đó thể hiện nỗ lực loại bỏ các lệnh cấm năng lượng hạt nhân.
Đừng đi sai đường
Bà Lights cũng tiết lộ rằng bà đã rời bỏ tổ chức “Cuộc nổi dậy vì vấn nạn Tuyệt chủng” sau khi nhận ra rằng cách tiếp cận của nhóm đối với các vấn đề môi trường không mang đến giải pháp khả thi.
“Tôi bắt đầu nghĩ về việc chúng tôi đã thực hiện các hoạt động phản đối trong 20 năm”, bà nói. “Chúng tôi có đi sai đường không? Mọi người có phát ngán khi nghe những gì họ không muốn nghe hay không?”.
Bà nói thêm: “Khi quý vị tham gia phong trào bảo vệ môi trường, có một tiêu chuẩn rằng quý vị phải phản đối năng lượng hạt nhân. Và tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi về điều đó khi tôi còn trẻ; lúc đó tôi thực sự lo lắng cho môi trường”.
“Có thể quý vị không quan tâm đến biến đổi khí hậu, nhưng quý vị nên để tâm đến vấn đề năng lượng bởi vì chúng ta có được chất lượng cuộc sống cao khi chúng ta tiếp cận được với năng lượng. Hiện tại ở châu Âu, chúng tôi đang đánh mất khả năng tiếp cận năng lượng”.
Xuân Hoa