Lý Hào Trọng
WSJ đưa tin một nguồn tin nội bộ từ Hồng Kông tiết lộ rằng cơ quan quản lý tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây đã có “ý kiến tư vấn” cho các ngân hàng nước ngoài. Theo đó, họ trực tiếp nêu tên JPMorgan Chase, Goldman Sachs và đề nghị các chiến lược gia của những ngân hàng này tránh “bình luận nhạy cảm” về mặt chính trị trước thềm Đại hội 20.
Đại hội 20 của ĐCSTQ sẽ được tổ chức vào ngày 16/10, đây là sự kiện phân bổ quyền lực tại Trung Quốc được đông đảo giới quan sát bên ngoài chú ý. Dù những dấu hiệu ngày càng rõ ràng hơn cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, nhưng vấn đề lo ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng là tâm điểm (vì chính sách ‘Zero-COVID’ trong phòng chống dịch bệnh và tác động của sụp đổ thị trường bất động sản Trung Quốc). Gần đây, trong báo cáo mới nhất của JPMorgan Chase từng nhắc nhở thị trường lưu ý liệu Trung Quốc có “biến cố Lehman Brothers” thứ hai hay không. Vào thời điểm này, bất kỳ báo cáo nào bất lợi cho kinh tế Trung Quốc đương nhiên là rất không phù hợp với không khí “Tập Cận Bình tái nhiệm”.
Thực tế vào các giai đoạn quan trọng thay đổi quyền lực chính trị của ĐCSTQ, các ngân hàng nước ngoài này sẽ có báo cáo phân tích kinh tế đi cùng sự kiện. Ví dụ vào tháng 5/2020, giai đoạn dịch bệnh khiến kỳ họp Nhân đại ĐCSTQ bị trễ vài tháng, trước khi khai màn thì JPMorgan Chase đã có phân tích: Do dịch bệnh khiến biện pháp trái phiếu chính phủ được ban hành để kích thích nền kinh tế có thể làm gia tăng thâm hụt tài khóa của Trung Quốc, và trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không ổn định cũng là đám mây đen đối với tình hình xuất khẩu của các công ty Trung Quốc…
Tuy nhiên, hầu hết trường hợp đều thường có tín hiệu khác, như đặc điểm chung của ngành tài chính trong bi quan luôn có thể tìm thấy lối ra lạc quan để đầu tư. Đối với việc phân tích “mặt chính trị” của một quốc gia ảnh hưởng như thế nào đến “mặt kinh tế” cũng là vấn đề khá phổ biến ở các thị trường tài chính phương Tây. Theo lý ĐCSTQ không cần phải hành động thận trọng như WSJ đưa tin, đặc biệt là cảnh báo các ngân hàng nước ngoài “nên thận trọng trong lời nói và việc làm” trước Đại hội 20 của ĐCSTQ.
Truyền thống các ngân hàng nước ngoài này thường không vì mục đích chính trị nhất định nào đó mà gây tổn hại đến tính chuyên nghiệp của họ, huống hồ JPMorgan Chase cuối cùng đã chính thức trở thành công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đầu tiên được Chính phủ Trung Quốc chấp thuận vào năm ngoái, ít nhất là đại diện cho lĩnh vực tài chính Trung Quốc và Mỹ không căng thẳng như các ngành khác. Vậy vào thời điểm này ĐCSTQ lo lắng điều gì?
Điều này có thể nhìn lại một nhận xét “sơ ý” của Giám đốc điều hành JPMorgan Chase là ông Jamie Dimon tại một cuộc hội thảo vào tháng 11 năm ngoái. Thời điểm đó, ông đang mở thành công cánh cửa Trung Quốc cho JPMorgan Chase (một công ty 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc), cho thấy tham vọng mở rộng kinh doanh, vì vậy ông đã phát biểu trước hội nghị: “Tôi hy vọng chúng ta có thể ở đó (Trung Quốc) trong một thời gian dài”. Sau đó, ông Jamie Dimon lại nhắc đến một “chuyện vui” mà ông đã kể ở Hồng Kông. Đó là vào năm 2021, ĐCSTQ kỷ niệm 100 năm thành lập, còn JPMorgan cũng vậy (chi nhánh đầu tiên của JPMorgan ở Thượng Hải vào năm 1921), vậy là ông cá rằng “tuổi thọ của chúng ta [JPMorgan] sẽ dài hơn [của ĐCSTQ]”.
Mặc dù “trò đùa” này thuộc về kiểu hài hước thường thấy kiểu Mỹ, nhưng đối với người Trung Quốc thì đã phạm đại kỵ. Đặc biệt lời đùa của ông Dimon có thêm “điểm nhấn” là ông nói bổ sung: “Tôi không thể kể chuyện đùa này ở Trung Quốc, vì rất dễ dàng đến tai họ (quan chức Trung Quốc) bất cứ lúc nào”.
Dù thị trường Trung Quốc đúng là miếng bánh quan trọng đối với JPMorgan, nhưng qua “chuyện vui” của ông giúp người nghe hiểu được đánh giá của ông ấy về ĐCSTQ. Tất nhiên, ông Dimon đã nhanh chóng chủ động công khai “cáo lỗi chân thành” vì cách đùa của mình. Sau đó, ông tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn Cầu ĐCSTQ đã đáp lại trên Twitter: “Thực ra ông không phải hối tiếc… Thành công của ĐCSTQ lớn hơn nhiều so với JPMorgan Chase. Với tư cách Đảng viên ĐCSTQ, tôi không có gì phải lo ngại Quý công ty ảnh hướng gì tới danh tiếng của ĐCSTQ”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên một lần nữa chất vấn ông Dimon: “Cần thiết gì phải dùng mấy lời rào đón [cáo lỗi] để tuyên truyền?”
Con sóng dư luận trước chuyện đùa của ông Dimon cuối cùng cũng lắng xuống. Khi ông Dimon kể chuyện đùa vui này là đúng vào thời điểm thương hiệu thời trang H&M (hàng đầu Thụy Điển) và thương hiệu thể thao NIKE (lớn nhất của Mỹ) đang bị ĐCSTQ mạnh mẽ tấn công, vì họ cáo buộc vấn đề sản xuất bông tại Tân Cương có nguy cơ sử dụng lao động cưỡng bức. Thời điểm đó, một học giả người Mỹ trong một cuộc phỏng vấn đã cho hay: “Chính phủ Trung Quốc đã chứng minh đầy đủ rằng nếu một công ty nước ngoài công khai thách thức họ dù trực tiếp hay gián tiếp, thì họ (Chính phủ Trung Quốc) có thể kiềm chế hoặc đóng cửa công ty nước ngoài này không cho kinh doanh ở Trung Quốc”.
Rõ ràng, lời cáo lỗi của ông Dimon vào lúc đó hoàn toàn là để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của JPMorgan tại Trung Quốc. Nhưng ai hiểu “tính hài hước của người Mỹ” sẽ biết rằng đây là kiểu biểu đạt nói lên thực tế [không hay ho] một cách tế nhị mà tránh cho đối phương mất mặt (làm sao khi nói sự thật mà đối phương nghe phải bật cười, nếu không bạn có thể trả giá bằng tính mạng). Cách nói đùa của ông Dimon rõ ràng là phản ánh tâm thái của ông, và tất nhiên người Trung Quốc biết rất rõ cách nhìn của doanh nhân nước ngoài này. Có lẽ vì vậy, trong thời khắc quan trọng này, ĐCSTQ đã ra lời cảnh báo những doanh nhân nước ngoài tránh công bố thông tin kinh tế tiêu cực, và môi trường chính trị đầy nhạy cảm hiện nay của Trung Quốc đặc biệt cũng rất “nhạy cảm” đối với “châm chích hài hước kiểu Mỹ”.
Lý Hào Trọng