TP.HCM: Người dân vẫn khó tìm được nơi đổ xăng
Chiều 10/10, tình trạng nhiều cây xăng tại TP.HCM tạm nghỉ, hoạt động cầm chừng vẫn tiếp diễn, người dân rất khó tìm được nơi đổ xăng.
Tính đến 17h ngày 10/10, trên địa bàn TP.HCM có 3/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%); có 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%).
Theo Dân Trí, trước đó, tối 9/10, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, vào khuya cùng ngày, Petrolimex TP.HCM huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình để tăng cường nguồn cung.
Dù vậy, nhiều trạm xăng dầu bán lẻ vẫn trong tình trạng nhiên liệu không đủ, khiến nhiều người dân khó khăn đi tìm nơi đổ xăng. Những người tìm được cửa hàng còn hoạt động cũng phải chờ đợi lâu mới đến lượt.
Nhiều người dân TP.HCM cho biết, chưa bao giờ chứng kiến tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa, quá tải hàng loạt như vậy trong vài ngày qua.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chủ doanh nghiệp sở hữu 4 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM cho biết, hiện mỗi ngày doanh nghiệp của ông lỗ gần 300 triệu đồng do chi phí nhập hàng cao hơn giá bán ra. Giá bán lẻ xăng dầu bị “đóng khung” bởi quy định về mức giá cơ sở, cửa hàng bán lẻ không được phép bán cao hơn giá niêm yết. Trong khi đó, giá bán buôn lại liên tục biến động bởi các diễn biến từ tỷ lệ cung cầu trên thị trường .
Việc gồng gánh các chi phí bán lẻ cùng với lịch nhập hàng nhỏ giọt để duy trì là nguyên nhân dẫn đến đứt gãy cung ứng nhiên liệu đến người dân.
Huệ Liên
Sạt lở núi vùi lấp tổ máy thuỷ điện, một công nhân mất tích
Khoảng 18h tối 10/10, một vụ sạt lở núi xảy ra ở khu vực Thuỷ điện Kà Tinh, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Một công nhân bị mất tích, chưa liên lạc được.
Ông Đặng Minh Thảo, Bí thư huyện Trà Bồng xác nhận và cho biết trên báo VnExpress tối 10/10, đoàn công tác của huyện đang cố gắng tiếp cận hiện trường nhưng chỉ đến được cách vị trí sạt lở 300m do trời tối, mưa lớn.
“Công trường dự án tối mịt, điện chiếu sáng bị cắt toàn bộ nên khó xác định vị trí sạt lở. Huyện đang lên phương án tiếp cận”, ông Thảo nói.
Theo báo cáo của cán bộ địa phương, có một công nhân trực tổ máy nhưng hiện chưa liên lạc được.
Từ đêm 9/10, tại Quảng Ngãi có mưa rất lớn, huyện Trà Bồng là địa phương có lượng mưa lên đến 200mm.
Thủy điện Kà Tinh có tổng mức đầu tư trên 437 tỷ đồng, do Công ty CP thủy điện Trà Bồng làm chủ đầu tư. Thủy điện khai thác theo hình thức 2 bậc gồm thủy điện Kà Tinh nhà máy 1 và thủy điện Kà Tinh nhà máy 2. Tổng công suất của thủy điện là 12MW. Dự án này chặn dòng sông Hà Doi và đặt tổ máy cạnh tuyến tỉnh lộ 622B.
Huệ Liên
Quảng Bình: Sét đánh chết hơn 3 tấn cá trong hồ nuôi của ngư dân
Ước tính ban đầu, có khoảng hơn 3 tấn cá lóc của ngư dân xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) bị chết sau trận dông sét.
Ngày 10/10, ông Trần Kim Trung – Chủ tịch xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) thông tin về việc người dân địa phương bị thiệt hại tài sản sau trận dông sét.
Trước đó, vào khoảng 21h30 ngày 9/10, tại khu vực thôn Tân Hải (xã Ngư Thủy Bắc) xảy ra trận dông sét dữ dội. Trong thời gian xảy ra dông sét, 10 hồ cá của 5 hộ dân bị sét đánh trúng.
Theo người dân địa phương, sáng 10/10, nhiều chủ hồ bất ngờ phát hiện cá chết hàng loạt, tấp vào ven bờ sau khi bị sét đánh trúng.
Ước tính ban đầu, có khoảng hơn 3 tấn cá lóc của người dân địa phương đã chết. Một lượng lớn cá bị chết đang trong độ tuổi phát triển, một số sắp thu hoạch.
May mắn trận dông sét không gây thiệt hại về người.
Sau khi nhận được thông tin về sự việc, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân tìm hướng tiêu thụ lượng cá chết do sét đánh.
An Khánh
Miền Trung mưa lớn dồn dập, nhiều nơi ngập nặng
Mưa lớn kéo dài từ tối 9/10 đến chiều 10/10 khiến nhiều khu dân cư, cây cầu ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận bị ngập; hàng chục nhà dân cũng bị tốc mái do lốc xoáy.
Chiều 10/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Trung tâm) cho biết trong 24 giờ qua (từ 13h ngày 9/10 đến 13h ngày 10/10), khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Đặc biệt, nhiều nơi đã ghi nhận lượng mưa rất lớn như Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) 140,8 mm; Minh Hóa (Quảng Bình) 267,2mm; Ba Nàng 215,8 mm, A Bung (Quảng Trị) 210,6mm; Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế) 692 mm; Bà Nà (Đà Nẵng) 503 mm; Giao Thủy (Quảng Nam) 524,4 mm; Sơn Lỳ (Quảng Ngãi) 373,4 mm; An Hưng (Bình Định) 237,1 mm…
Theo Trung tâm, mô hình độ ẩm đất cho thấy độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và Bình Thuận đã đạt trạng thái gần bão hòa (trên 95%).
Trong khi đó, dự báo thời tiết trong chiều và tối nay 10/10, khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, Bình Thuận và Kon Tum tiếp tục có mưa vừa và mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa tích lũy phổ biến ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum từ 70 – 130 mm, có nơi trên 220 mm; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị từ 30 – 60 mm, có nơi trên 90 mm.
Trung tâm cảnh báo, trong 12 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, Bình Thuận và Kon Tum.
Tại Quảng Bình, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến trưa cùng ngày (10/10), nhiều thôn bản và các xã vùng núi biên giới của tỉnh bị chia cắt tạm thời do nước lũ dâng cao, chảy xiết. Một số khu vực xảy ra sạt lở đất.
Tại huyện Minh Hóa, mực nước tại ngầm Ka Ai, Ka Định của xã Dân Hóa đã dâng từ 0,8 – 1m gây chia cắt cục bộ bản Hà Nôông, Tà Rà, Ka Ai.
Một số khu vực miền núi ở huyện Bố Trạch cũng đối diện tình trạng ngập sâu, có nơi lên đến 1,7m. Tại tuyến đường 20, khu vực Km 37 bị sạt lở không thể lưu thông.
Tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nước sông suối bắt đầu dâng cao, đường vào các bản Ploãng, Zìn zìn, Dóc Mây, Trung Sơn bị ngập. Phía bắc cầu 123, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có 1 điểm sạt lở dài khoảng 10m, giao thông tê liệt.
Tại Quảng Ngãi, đến 15h ngày 10/10, do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn ào ạt đổ về khiến cầu sông Rin, tại thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà trên tuyến Quốc lộ 24, nối hai huyện Sơn Hà – Sơn Tây bị ngập, làm 2 địa phương này bị chia cắt.
Theo giới chức phường Phổ Văn (thị xã Đức Phổ), đến 15h ngày 10/10, nước sông Trà Câu lên rất nhanh, trên mức báo động 3 và đã làm cho hơn 40 ngôi nhà ở khu dân cư số 5, số 6, tổ dân phố Đông Quang và khu dân cư số 1, tổ dân phố Tập An Nam bị ngập nước với mức độ ngập từ 15 – 20cm.
Cũng trong ngày, tại xóm 4, thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) bất ngờ xuất hiện một trận lốc xoáy kèm theo mưa lớn đã làm tốc mái 20 nhà dân, 1 nhà bị sập và 1 người bị thương.
Tại Bình Thuận, đường Trần Phú nơi có trụ sở Huyện ủy và UBND huyện Hàm Thuận Nam ngập nặng gần nửa mét. Hàng trăm học sinh ở thị trấn Thuận Nam không thể đến trường bởi trên đường nước lũ chảy xiết.
Tại xã Tân Lập, cách đó 5 km nước lũ từ hệ thống sông suối và hồ thủy lợi đổ về không kịp thoát, gây ngập hơn 50 căn nhà. Hơn 100 ha thanh long đang chong điện bị chìm trong biển nước. Nhiều ao cá mới thả giống của người dân bị nước lũ tràn qua, cuốn sạch.
Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường ở thành phố Tam Kỳ ngập sâu, có nơi gần cả mét. Hàng loạt phương tiện chết máy dắt bộ trong mưa.
Nhiều tuyến giao thông ĐT 608, 609, 611, 612,615, 617 tại thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành… bị tắc đường do mưa lớn ngập nước.
Ông Phan Đình Dung, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành), cho biết một cô giáo mầm non vừa bị nước lũ cuốn trôi, tử vong.
Theo đó, khoảng 16h20 cùng ngày, cô giáo Lương Thị Mỹ Linh (xã Tam Mỹ Tây) chạy xe máy, chở theo con gái từ nhà riêng đến nhà mẹ ruột.
Khi đến đoạn đường ngập (thôn Trung Lương), cô Linh tắt máy, dắt xe qua nhưng không may bị nước chảy xiết, cuốn trôi xuống ruộng. Thời điểm gặp nạn, cô Linh mặc áo mưa.
Thấy mẹ bị lũ cuốn, con gái cô Linh la hét, nhờ người ứng cứu. Người dân ở gần phát hiện, bơi ghe ra ứng cứu thì cô Linh đã tử vong.
Minh Long