Phần Lan dự định xây tường biên giới với Nga để ngăn chặn người di cư vượt biên

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết hôm thứ Ba rằng bà tin sẽ nhận được “sự ủng hộ rộng rãi” trong Quốc hội cho việc xây dựng hàng rào ở biên giới phía đông của đất nước với Nga, một động thái mà Lực lượng Biên phòng Phần Lan đã kêu gọi gần đây.

Theo đề xuất của Lực lượng Biên phòng Phần Lan, nước này sẽ xây dựng hàng rào dọc theo một phần của biên giới dài hơn 1.300km với Nga, hàng rào dài nhất trong số các thành viên của Liên minh châu Âu.

Tổng hàng rào biên giới được đề xuất sẽ dài từ 130km đến 260km, với phần chính nằm xung quanh các chốt kiểm soát biên giới ở đông nam Phần Lan

Theo các báo cáo, một đoạn thử nghiệm hàng rào dài 3km sẽ được xây dựng nhanh chóng, trong khi quyết định cuối cùng về việc xây dựng toàn bộ hàng rào có thể sẽ được giao cho chính phủ tiếp theo vào năm 2023.

Dự án sẽ được hoàn thành trong vòng ba đến bốn năm và ước tính sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu euro, theo ước tính của các quan chức biên giới.

Hiện tại, chỉ có một hàng rào bằng gỗ nhẹ đánh dấu biên giới giữa Phần Lan và Nga. Nhưng sự thù địch đã gia tăng giữa hai nước sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, khi Phần Lan tìm kiếm tư cách thành viên NATO, và Helsinki lo ngại Moscow có thể sử dụng vấn đề di cư để gây áp lực chính trị lên Phần Lan.

Hàng rào được đề xuất sẽ ngăn chặn người nhập cư quy mô lớn vào nước này từ Nga, một viễn cảnh đã bất ngờ thành hiện thực sau lệnh triệu tập quân sự gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vào cuối tháng 9, chính phủ Phần Lan thông báo họ sẽ đóng cửa biên giới đối với người Nga đi du lịch hoặc quá cảnh tới đất nước này “cho đến khi có thông báo mới” sau khi ước tính có khoảng 17.000 người Nga đã vượt biên vào để trốn quân dịch ở quê nhà.

Bà Marin nói với các phóng viên sau cuộc họp giữa các bên để thảo luận về đề xuất hôm thứ Ba rằng việc này “nhằm đảm bảo giám sát thích hợp biên giới [phía đông] của Phần Lan trong tương lai.”

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi có đủ sự hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ biên giới của chúng tôi để thực hiện kiểm soát biên giới hiệu quả và phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cần chuẩn bị cho bất kỳ tình huống gây rối nào”, bà nói thêm.

Việc xây dựng hàng rào mới đã được cho phép theo một luật mới được Quốc hội Phần Lan thông qua vào tháng 7, khi nước này phê duyệt việc tăng cường hàng rào dọc biên giới Phần Lan với Nga.

“Do hoạt động chính trị và sức ép của Đảng Phần Lan, Quốc hội Phần Lan đã thông qua luật cần thiết vào mùa hè, cho phép tạm thời đóng cửa biên giới phía đông và đình chỉ quy trình xin tị nạn”, chủ tịch Đảng Phần Lan Riikka Purra nói với Newsweek.

Bà nói thêm: “Để bảo vệ hiệu quả biên giới phía đông của Phần Lan, một số phần nhất định của biên giới phải được bảo vệ bằng hàng rào biên giới và các biện pháp kỹ thuật khác. Tất cả các quốc gia có biên giới khác đều đã có hàng rào chống lại Nga.”

Kể từ đầu cuộc chiến, Phần Lan đã lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược của Nga đối với quốc gia láng giềng và ủng hộ độc lập và chủ quyền của Ukraine.

Kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố ý định gia nhập NATO, Nga đã đe dọa hai nước, nói rằng sẽ có “hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị” nếu họ tham gia liên minh.

Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Phần Lan cho biết: “Lực lượng Phòng vệ Phần Lan đang theo dõi tình hình an ninh ở châu Âu rất kỹ lưỡng và chúng tôi đã thực hiện các biện pháp liên quan đến sự chuẩn bị sẵn sàng của mình, chẳng hạn như tăng cường số lượng các cuộc tập trận và mức độ đào tạo bồi dưỡng cho các quân nhân dự bị của chúng tôi.”

Ngân Hà (theo Newsweek)

Nga, Iran thách thức phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến UAV

Ngày 19/10, Nga cảnh báo Liên Hợp Quốc không tiến hành điều tra các cuộc tấn công được cho là của máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất ở Ukraine, và phía Tehran cũng phủ nhận nguồn gốc của vũ khí, trong bối cảnh Liên minh châu Âu chuẩn bị áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới.

Hoa Kỳ, Pháp và Anh đã triệu tập một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an về cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga, mà họ mô tả là vi phạm các hạn chế vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Tehran.

Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đều khẳng định, họ có bằng chứng về việc Iran cung cấp máy bay không người lái giá rẻ Shahed-136s cho Nga. Phía Ukraine cũng tuyên bố, quân đội nước này đã bắn hạ hơn 220 máy bay không người lái của Iran trong vòng hơn một tháng, và họ chụp được nhiều bức ảnh cho thấy mối liên hệ của chúng với Iran.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga Dmitry Polyanskiy đã bác bỏ “những cáo buộc vô căn cứ và thuyết âm mưu”. Ông trao đổi với các phóng viên bên ngoài Hội đồng Bảo an: “Các UAV mà quân đội Nga sử dụng ở Ukraine được sản xuất tại Nga. Tôi khuyên vị không nên đánh giá thấp khả năng công nghệ của ngành công nghiệp máy bay không người lái của Nga.”

Ông còn cảnh báo Liên Hợp Quốc không nên tiến hành bất cứ cuộc thăm dò nào ở Ukraine, như một phần của việc thực thi các lệnh trừng phạt hiện có đối với Iran.

“Nhóm này không có nhiệm vụ tiến hành điều tra; họ không phải là một phần trong ủy ban trừng phạt. Vì vậy, hành động đó [điều tra] hoàn toàn không chuyên nghiệp và mang tính chính trị”, ông nhấn mạnh. Nếu Ban thư ký Liên Hợp Quốc hoặc Tổng thư ký Antonio Guterres vẫn tiếp tục, “chúng tôi sẽ phải đánh giá lại việc hợp tác của chúng tôi với họ, điều mà hầu như không có lợi cho bất kỳ ai”, ông Polyanskiy nói thêm.

Đặc phái viên LHQ của Iran Amir Saeid Iravani cũng bác bỏ “những tuyên bố vô căn cứ và không có cơ sở” về việc chuyển giao máy bay không người lái cho Nga. Ông cho hay, Tehran muốn có một “giải pháp hòa bình” cho cuộc chiến.

Ngày 19/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian lên tiếng yêu cầu chính quyền Kiev cung cấp bằng chứng về việc Nga sử dụng máy bay không người lái của Iran trong cuộc chiến Ukraine, nếu họ có. Ông Amirabdollahian lưu ý, Iran và Nga đã có quan hệ hợp tác quốc phòng từ nhiều năm nay. Ông tái khẳng định việc Iran không ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine và không cung cấp cho Nga vũ khí để sử dụng trong cuộc chiến ở quốc gia láng giềng.

Các vụ chuyển giao vũ khí bị cáo buộc trong bối cảnh Iran đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc đàn áp các cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm, gây ra bởi cái chết của cô Mahsa Amini 22 tuổi khi đang bị giam giữ trong đồn cảnh sát.

Liên minh châu Âu dự kiến ​​sẽ thông qua các lệnh trừng phạt đối với máy bay không người lái của Iran trước cuộc họp thượng đỉnh hôm 20/10 tại Brussels.

Theo AFP, EU đã lên kế hoạch trừng phạt 3 quan chức quân sự của Iran, bao gồm Thiếu tướng Mohammad Hossein Bagheri, tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang; Tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Saeed Aghajani; ông Hojatollah Qureish, người phụ trách hậu cần tại Bộ Quốc phòng Iran cũng như nhà sản xuất máy bay không người lái Shahed Aviation Industries, một công ty hàng không vũ trụ có liên hệ với thế lực Vệ binh Cách mạng.

Hoa Kỳ cũng đánh giá rằng việc Iran cung cấp các UAV này cho Nga là vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Minh Ngọc (Theo Newsweek)

Related posts