Tạp chí Forbes: Tỷ phú Elon Musk mất 1/3 tổng tài sản trong vòng chưa đầy một năm
Người đàn ông giàu nhất thế giới hiện nay, tỷ phú Elon Musk, đã mất hơn 100 tỷ USD tính từ tháng 11/2021, theo tạp chí Forbes.
Cụ thể, giá trị tài sản của CEO Tesla và SpaceX đã giảm gần 35%, từ 320,3 tỷ USD vào ngày 4/11/2021 xuống còn 209,4 tỷ USD vào ngày 19/10/2022. Nguyên nhân khiến tài sản của nhà tỷ phú này sụt giảm chủ yếu là do giá cổ phiếu Tesla giảm mạnh. Theo Forbes, chỉ riêng trong tháng 10 vừa qua, tài sản của ông Musk đã giảm 28 tỷ USD.
Matt Maley, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty tư vấn đầu tư Miller Tabak +, cho biết: “Ông ấy [Elon Musk] đã bán những chiếc xe đắt tiền của mình. Một cuộc suy thoái kinh tế là một viễn cảnh không mấy khả quan cho công việc kinh doanh của ông”. Tạp chí Forbes cho biết rằng kế hoạch mua Twitter và bán cổ phiếu Tesla của Elon Musk đang khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng hành động của ông là vô trách nhiệm và đang phải trả một cái giá quá đắt.
Dù bị mất 1/3 khối tài sản nhưng ông Elon Musk vẫn giữ ngôi vị là người đàn ông giàu nhất thế giới. Đứng sau ông là người sáng lập trang thương mại điện tử Amazon Jeff Bezos với 151 tỷ USD.
Ở một diễn biến khác, tỷ phú Elon Musk mới đây đã nói với các nhà đầu tư tiềm năng rằng ông có kế hoạch loại bỏ gần 75% nhân viên của Twitter nếu tiếp quản công ty truyền thông xã hội này, Washington Post đưa tin hôm thứ 20/10 vừa qua.
Tin tức về kế hoạch cắt giảm nhân sự của ông Musk đến vào thời điểm khó khăn đối với Twitter. Công ty cho biết vào tháng 7 rằng họ đã ngưng đáng kể việc tuyển dụng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, vốn buộc nhiều công ty phải sa thải nhân sự.
Trong khi đó, viễn cảnh bị tỷ phú Tesla mua lại được cho là đã khiến tinh thần nhân viên xuống thấp và xin nghỉ việc hàng loạt. Twitter đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến pháp lý với vị tỷ phú trong nhiều tháng sau khi ông Musk cố gắng từ bỏ thỏa thuận tiếp quản trị giá 44 tỷ USD, trước khi đảo ngược lại quyết định vào đầu tháng này và nói rằng ông sẽ tiến tới.
Phan Anh
Ukraina đã bắn rơi 2 chiếc trực thăng của Nga trong một ngày
Không quân Ukraina đưa tin: “Vào khoảng 16h ngày 22/10, đơn vị tên lửa phòng không của Bộ chỉ huy Trung tâm, đã tiêu diệt thêm một máy bay trực thăng tấn công Ka-52 của Nga ở hướng Nam”. Như vậy quân Ukraina đã bắn rơi 2 chiếc trực thăng của Nga trong một ngày, theo 4studio.
Ít nhất 4 cuộc không kích của quân đội Nga đã bị đẩy lùi ở khu vực Kyiv ngày 22/10. Cảnh sát trưởng Vùng Kyiv Andrii Nebytov cho biết trên Telegram: “Nơi bắn rơi tên lửa của quân xâm lược thuộc một trong những vùng của Kyiv. Cảnh sát và các dịch vụ khẩn cấp đang làm việc. Ít nhất 4 cuộc không kích mạnh mẽ của kẻ thù đã bị đẩy lùi bởi Lực lượng vũ trang Ukraina ở Vùng Kyiv ngày hôm nay “.
Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW của Ukraina) chắc chắn rằng quân Nga sẽ cố gắng cho nổ đập nhà máy thủy điện Kakhovka (HPP) và đổ lỗi cho Ukraina về vụ nổ.
Điều này được nêu trong báo cáo ISW ngày 21 tháng 10 vừa qua.
ISW cho rằng, quân Nga bắt đầu rút các đơn vị chiến đấu của họ khỏi phía Tây của vùng Kherson. Đồng thời, quân Nga sẽ rời Kherson trong vài tuần tới. Nếu quân đội Ukraina quyết định tấn công, thì quân đội của ông Putin có thể sẽ gặp vấn đề lớn.
Hiện Nga vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc liệu Putin có ra lệnh rút quân khỏi khu vực Kherson hay không. Rất có thể, Nga đang chuẩn dư luận cho một sự sụp đổ sắp xảy ra.
Quân Nga có thể che đậy sự rút lui của họ bằng cách cố gắng phá hoại đập của nhà máy thủy điện Kakhovskaya. Điều này sẽ có thể ngăn chặn quân đội Ukraina trong việc truy kích quân Nga đang rút chạy khỏi khu vực Kherson.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh Ukraina, nhiều khả năng Nga sẽ tung tin rằng quân trú phòng Ukraina đã cho nổ đập. Tuy nhiên, Ukraina không hề có lợi ích nào trong việc phá hoại nó, bởi vì việc phá hủy đập sẽ dẫn đến lũ lụt của 80 thành phố và hàng trăm nghìn người dân sẽ phải di dời. Điều đó cũng sẽ làm hỏng hệ thống năng lượng của Ukraina, hệ thống mà quân Nga đang tiếp tục phá hủy bằng các cuộc tấn công tên lửa.
Đổi lại, Nga có mọi lý do để cố gắng che chở cho các lực lượng đang rút lui. Bất kỳ tuyên bố nào nói rằng quân Nga sẽ không cho nổ con đập, vì lo ngại về nguồn cung cấp nước cho Crimea là vô lý.
Trần Phong
Hàng điện tử công nghệ Trung Quốc sang Mỹ giảm hơn 60%
Chiến tranh thương mại khiến hàng nhập khẩu điện tử công nghệ từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 62% kể từ 2018.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với các máy chủ, moderm, bộ định tuyến, tai nghe không dây và đồng hồ thông minh của Trung Quốc khi ông châm ngòi cuộc chiến thương mại.
Từ mốc này, nhập khẩu các thiết bị phần cứng công nghệ thông tin và điện tử tiêu dùng của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 62% trong khi nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới cao hơn 60%, theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) công bố hôm thứ năm.
Báo cáo cũng cho thấy, thị phần nhập khẩu của Mỹ đối với các sản phẩm này từ Trung Quốc đã bị cắt giảm gần hai phần ba, từ 38% xuống còn 13% trong bốn năm. Trong khi đó, Mexico và Đài Loan đã tăng đáng kể thị phần.
Tuy nhiên, với mặt hàng là chất bán dẫn, Mỹ vẫn chưa có sự thay thế hoàn toàn sự mất mát nhập khẩu của Trung Quốc, theo PIIE. Trung Quốc chiếm 47% lượng chip nhập khẩu của Mỹ trước thời điểm tháng 7/2018, nhưng đã giảm xuống còn 39% ngay sau khi các lệnh thuế quan được áp dụng.
Các nhà máy của Trung Quốc chuyên sản xuất một lượng chip truyền thống, có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Theo PIIE, những sản phẩm này không hấp dẫn với những gã khổng lồ sản xuất chip như TSMC, Samsung – đang muốn sản xuất những con chip tiên tiến, có lợi nhuận cao hơn.
PIIE cho biết, những con chip truyền thống – vốn không có lợi nhuận cao để sản xuất – nên nếu Mỹ không muốn nhập khẩu chúng từ Trung Quốc thì không biết đơn vị nào sẽ tham gia sản xuất. Đây chính là câu hỏi mà ngành công nghiệp Mỹ, như lĩnh vực ôtô, phải đối mặt vì vẫn có nhu cầu cao.
Ôtô là một trong những ngành phải cắt giảm quy mô sản xuất do tình trạng thiếu chip toàn cầu. Nguồn cung thiết bị bán dẫn đã giảm trong Covid-19 do các nhà máy đóng cửa. Doanh số bán các thiết bị điện tử sau đó đã tăng vọt do các công ty làm việc từ xa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng.
Báo cáo của PIIE cũng cho biết, bất chấp thuế quan, nhập khẩu thiết bị tập thể dục và pin lithium của Mỹ từ Trung Quốc tăng đáng kể với thị phần chiếm 50% cho cả 2 mặt hàng này. Nhu cầu của người Mỹ với máy chạy bộ, tập chèo thuyền và xe điện tăng cao.
Các sản phẩm được Mỹ miễn thuế, bao gồm máy tính xách tay, màn hình máy tính, điện thoại, máy chơi game và đồ chơi, hiện chiếm 27% tổng hàng hoá mà Mỹ nhập từ Trung Quốc, tăng từ mức 21% trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu.
Theo PIIE, dữ liệu chỉ tiết lộ những thay đổi về nơi lắp ráp hàng hoá nhập khẩu chứ không thể hiện bất cứ thay đổi nào đối với hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hoá nhập vào Mỹ. Bên cạnh đó, cũng có một số bằng chứng về sự chia rẽ thương mại giữa Mỹ – Trung và điều này khiến các doanh nghiệp cả hai nước đều bị tổn thất.
Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang cân nhắc rút một số mức thuế quan dưới thời ông Trump, đặc biệt trước tình hình lạm phát gia tăng. Tuy nhiên đến nay, Mỹ vẫn giữ nguyên chính sách này, theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước. Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước đã hết hạn cuối 2021. Báo cáo trước đó của PIIE đã gọi điều này là thất bại lịch sử sau khi Trung Quốc chỉ mua 57% hàng hoá của Mỹ so với cam kết.
Đức Minh