Ukraina phải đối diện với mùa đông lạnh giá và tăm tối?
Theo Tổng thống Ukraina, ông Volodymr Zelenskyy, khoảng 4,5 triệu người Ukraina đang phải đối phó với tình trạng mất điện vào tối thứ Năm (3 tháng 11), theo CNN.
Các hộ gia đình trên khắp Ukraina đã tạm thời bị cắt nguồn cung cấp năng lượng theo lịch trình khẩn cấp, nhằm ổn định lưới điện mỏng manh của quốc gia. Nga đã ném bom và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự, làm dấy lên lo ngại về một mùa đông lạnh giá và tăm tối.
Hầu hết người dân bị ảnh hưởng ở thủ đô Kyiv và 9 khu vực khác gồm: Dnipropetrovsk, Zhytomyr, Zaporizhzhia, Sumy, Kirovohrad, Kharkiv, Chernihiv, Khmelnytskyi, Cherkasy. Các khu vực khác cũng có thể bị mất điện.
Phát biểu qua video tối thứ Năm, ông Zelenskyy nói: “Việc Nga dùng đến khủng bố nhằm vào lĩnh vực năng lượng cho thấy sự yếu kém của kẻ thù. Họ không thể đánh bại Ukraina trên chiến trường và do đó họ đang cố gắng phá vỡ người dân của chúng tôi theo cách này”.
Hiện các thành viên G7 đang họp bàn ở Đức – về cách hỗ trợ Ukraina trong suốt mùa đông để giúp họ đối phó với các cuộc tấn công của Nga.
Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an họp về vấn đề Triều Tiên
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ Washington đã yêu cầu Hội đồng Bảo an họp công khai ngày 4 tháng 11 (giờ Mỹ) sau khi Triều Tiên phóng một loạt hoả tiễn trong những ngày qua.
Anh, Pháp, Albania, Ireland và Na Uy ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ, các nguồn tin cho Reuters biết. Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài MSNBC cùng ngày 3 tháng 11, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã phản đối Triều Tiên phóng hoả tiễn, đồng thời mô tả đây là hành động vi phạm ‘hàng loạt’ nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên lâu nay bị Hội đồng Bảo an cấm tiến hành các vụ thử hạt nhân và các vụ phóng hoả tiễn đạn đạo. Hội đồng trong những năm qua cũng tăng cường các chế tài lên Bình Nhưỡng để tìm cách cắt đứt nguồn tài chính cho các chương trình hạt nhân của nước này
Nhưng trong những năm gần đây, Hội đồng gồm 15 thành viên này bị chia rẽ về cách đối phó với Bình Nhưỡng. Hồi tháng 5, Trung Quốc và Nga phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các chế tài lên Bình Nhưỡng để đáp trả các vụ phóng hỏa tiễn.
Sau vụ phóng một loạt 23 hoả tiễn vào thứ Tư. Hôm thứ Năm 3/11, Triều Tiên lại cho phóng thêm 3 hoả tiễn khác về phía biển Nhật Bản, trong đó có một hoả tiễn liên lục địa, được cho là đã bị rơi ít lâu sau khi rời bệ phóng. Việc Bình Nhưỡng liên tục thị uy bằng hoả tiễn, giới phân tích hầu như đều nhất trí rằng đó là hành động đáp trả của Triều Tiên đối với cuộc tập trận không quân Mỹ-Hàn trên quy mô lớn vừa được khởi động.
Mang tên là Bão Táp Cảnh Giác (Vigilant Storm), đây là một cuộc tập trận không quân hỗn hợp Mỹ-Hàn lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hàng trăm chiến đấu cơ của cả hai bên – chính xác là 240 phi cơ các loại – thực hiện các cuộc tấn công giả định 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, với khoảng 1.600 cuộc xuất kích, một số lượng mà Không Quân Hàn Quốc công nhận là “lớn chưa từng thấy”.
Điều đáng nói là cuộc tập trận huy động một số chiến đấu cơ tiên tiến của Hàn Quốc và Mỹ – F-35A và F-35B. Cả hai đều là máy bay tàng hình được thiết kế để tránh bị radar phát hiện, và chính việc sử dụng các loại phi cơ này khiến Bình Nhưỡng lo ngại.
Trần Phong
Mỹ: Cạn kiệt tên lửa và đạn pháo, Nga tìm kiếm viện trợ từ Triều Tiên
Theo chính quyền ông Biden, Triều Tiên đã gửi cho Nga một “khối lượng đáng kể đạn pháo” để hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của nước này tại Ukraine. Trong khi đó, các nhà cầm quyền tại Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục bác bỏ cáo buộc về việc hỗ trợ quân sự cho Moscow.
Mỹ có thông tin cho thấy Triều Tiên đang bí mật cung cấp cho Nga một số lượng “đáng kể” đạn pháo cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, phát ngôn viên Bộ An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết hôm thứ Tư (2/11).
Ông Kirby tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, Triều Tiên đang cố gắng che giấu các lô hàng bằng cách chuyển chúng qua các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi.
Theo ông Kirby, số lượng đạn pháo này không đáng kể, không có khả năng thay đổi động lực hoặc kết quả của cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể gây thương vong cho người dân Ukraine.
“Và chắc chắn nó sẽ không thay đổi những tính toán của chúng tôi … hoặc của rất nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi về những khả năng mà chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine”, ông nói. Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Truyền thông chiến lược Mỹ John Kirby trả lời các câu hỏi trong cuộc họp giao ban hàng ngày tại Nhà Trắng, hôm 1/8/2022. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)
Ông Kirby cho biết, các chuyến hàng của Triều Tiên không chỉ là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng hỗ trợ Nga mà còn cho thấy tình trạng thiếu vũ khí của Moscow do các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ dẫn đầu.
Phát ngôn viên Bộ An ninh quốc gia nói rằng, Mỹ hiện đang xác định cách ứng phó với hành vi của Triều Tiên, đồng thời khẳng định rằng, bất cứ hành vi viện trợ đạn pháo nào của Bình Nhưỡng cho Moscow đều sẽ phạm tội “diệt chủng” đối với người dân Ukraine.
Hôm thứ Hai (31/10), quân đội Nga đã tiến hành một đợt tấn công tên lửa lớn nhất nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự trọng yếu ở Ukraine, gây mất điện và nước trên diện rộng, đe dọa đến sự sống còn của người dân Ukraine.
Theo ước tính của quân đội Mỹ và Anh, kho vũ khí tên lửa của lực lượng Nga trên thực tế đã cạn kiệt trong cuộc xâm lược kéo dài hơn 8 tháng. Moscow đang cố gắng giành được sự hậu thuẫn vũ khí của quốc tế và Triều Tiên đã hoạt động tích cực với vai trò này.
Triều Tiên có thể đã gửi “hàng triệu” tên lửa và đạn pháo cho Nga
Trái ngược với phần còn lại của thế giới, Triều Tiên đang thắt chặt mối quan hệ với Nga; đổ lỗi cho Mỹ về việc khiến Nga xâm lược Ukraine; đổ lỗi cho phương Tây về “các chính sách bá quyền” đối với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Theo Nhà Trắng, các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện Bộ Quốc phòng Nga đang mua hàng triệu tên lửa và đạn pháo từ Triều Tiên để tiếp tục xâm lược Ukraine.
Mặt khác, Triều Tiên đã bác bỏ các cáo buộc này.
Triều Tiên hồi tháng 9 cho biết, họ chưa bao giờ cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho Nga và không có kế hoạch làm như vậy, đồng thời cảnh báo Mỹ nên “ngậm miệng lại” và ngừng tung tin đồn nhằm “làm hoen ố” hình ảnh nước này.
“Gần đây, Mỹ và nhiều lực lượng kém thân thiện khác đã cáo buộc Triều Tiên ‘vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc’ và ‘tung tin đồn buôn bán vũ khí’ giữa Triều Tiên với Nga. Chúng tôi chưa bao giờ bán vũ khí hoặc đạn dược cho Nga và sẽ không có kế hoạch làm như vậy”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cho biết vào hồi tháng 9.
Mối bang giao “khăng khít” giữa Moscow và Bình Nhưỡng lại mâu thuẫn với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên tuyên bố sẽ triển khai các công nhân xây dựng để hỗ trợ tái thiết các khu vực mà binh lính Nga chiếm đóng ở miền đông Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Nga Izvestia ngày 19/7, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho biết, Moscow có thể thuê công nhân Triều Tiên để xây dựng lại khu vực Donbass bị tàn phá bởi chiến tranh Ukraine. Khu vực này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Trước đó, đại sứ Triều Tiên tại Moscow đã gặp các đặc phái viên từ hai khu vực Donetsk và Luhansk của vùng Donbass thuộc Ukraine, tuyên bố rằng việc hợp tác giữa Nga và Triều Tiên “trong lĩnh vực xuất khẩu lao động” là hoàn toàn khả thi.
Triều Tiên đã trở thành quốc gia duy nhất, ngoài Nga và Syria, công nhận sự độc lập của hai khu vực trên thuộc vùng Donbass của Ukraine vào tháng 7. Động thái này đã phần nào giúp Triều Tiên tăng cường mối bang giao với Nga trong cuộc chiến Ukraine.
Việc Triều Tiên chuyển giao vũ khí cho Nga sẽ là hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc buôn bán hoặc nhập khẩu vũ khí cho các nước khác.
Thêm vào đó, động thái xuất khẩu lao động đến lãnh thổ Ukraine do Nga chiếm đóng và kiểm soát cũng sẽ vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải hồi hương tất cả lao động Triều Tiên khỏi lãnh thổ của họ vào năm 2019.
Thanh Hải
Ukraine tuyên bố phá hủy các cơ sở hậu cần thuộc miền nam nước Nga
Quân đội Ukraine cho hay rằng nhiều cơ sở hậu cần tiếp vận của lực lượng Nga tại miền Nam nước này đã bị phá hủy trong ngày qua, theo tờ Ukrainska Pravda.
Cụ thể, trong tuyên bố đưa ra hôm 3/11 vừa qua, Bộ Tư lệnh tác chiến phía nam Ukraine cho biết các binh sĩ thuộc lực lượng này đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các vị trí đóng quân của Nga tại khu vực này. Theo đó, các máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine đã tấn công các tổ hợp phòng không và một cứ điểm tập trung quân của quân đội Nga. Hỏa lực từ tên lửa và pháo binh Ukraine cũng tấn công dồn dập các cơ sở hậu cần và tuyến đường tiếp vận của Nga tại các khu vực đang được Moscow kiểm soát.
Bộ Tư lệnh tác chiến phía nam Ukraine xác nhận quân đội Ukraine đã tiến hành hơn 167 nhiệm vụ chiến đấu, tiêu diệt một xe tăng, 9 xe bọc thép, 2 kho đạn và loại khỏi vòng chiến đấu 32 binh sĩ Nga.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh tác chiến phía nam Ukraine cáo buộc Nga đang tích cực sử dụng các phương tiện theo dõi không người lái để thu thập tin tức tình báo trên chiến trường.
“Đối phương vẫn đang ngoan cố sử dụng các phương tiện cảnh báo sớm không người lái để tìm kiếm vị trí đóng quân của quân đội Ukraine và chỉ điểm cho pháo binh”, Bộ Tư lệnh tác chiến phía nam Ukraine cho biết.
Các tàu chiến của Nga tại khu vực Crimea cũng đang được lệnh tuần tra gần bờ dưới sự yểm trợ của lực lượng phòng không tại thành phố Sevastopol. Một số tàu tên lửa của Hạm đội Biển Đen hiện vẫn được lệnh trực chiến và không loại trừ khả năng Nga sẽ tiếp tục tập kích tên lửa Ukraine trong thời gian tới.
Phan Anh
Hãng tin CBC của Canada buộc phải đóng cửa chi nhánh tại Bắc Kinh
Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Canada (CBC) đang đóng cửa văn phòng thông tấn của mình ở Bắc Kinh sau hơn 40 năm hoạt động tại Trung Quốc.
Nguyên nhân là do đơn xin cấp thị thực làm việc của phóng viên CBC với các cơ quan chức năng Trung Quốc đã không được xử lý trong một thời gian dài, thậm chí không có một lời hồi âm.
Tổng biên tập Brodie Fenlon của CBC đã công bố quyết định này trong một bài đăng trên blog vào ngày 2/11. Ông viết: “Không có ý nghĩa gì khi giữ một văn phòng không có người, trong khi chúng ta có thể thành lập một văn phòng tại quốc gia khác một cách thuận lợi, nơi chào đón các nhà báo, và tôn trọng giám sát tin tức.”
“Đóng cửa chi nhánh Bắc Kinh là điều chúng tôi không muốn làm nhất, chúng tôi buộc phải làm vậy,” ông Fenlon nói.
“Cam kết của chúng tôi trong việc đưa tin về Trung Quốc và Đông Á là không thay đổi. Chúng tôi sẽ bắt đầu tìm kiếm một ngôi nhà mới trong vài tháng tới.”
Trước đó, ông cho biết CBC sẽ chỉ cử người tới đó khi có tin tức quan trọng.
Đồng thời trong vòng 2 năm tới, ông Philippe Leblanc, phóng viên của đài phát thanh tiếng Pháp của CBC, Canada (Radio-Canada), vốn trú tại Bắc Kinh, sẽ bắt đầu làm việc ở một vị trí mới ở Đài Loan.
Trải nghiệm bất lực khi xin thị thực Trung Quốc
Ông Fenlon cho biết từ tháng 10/2020, CBC đã nhiều lần đàm phán, và yêu cầu gặp Lãnh sự quán Chính phủ Trung Quốc tại thành phố Montreal, Canada, nhằm xin thị thực cho phóng viên Leblanc của Radio-Canada sang Trung Quốc, nhưng không thành công.
Phóng viên cuối cùng của CBC tại Bắc Kinh, ông Saša Petricic, đã về nước sau khi Chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh chính sách “Zero-COVID”.
Kể từ đó, CBC chỉ đến Trung Quốc một lần, để đưa tin về Olympic Mùa đông 2022. Nhưng tại Thế vận hội đó, các phóng viên bị giới hạn trong các tuyến đường khứ hồi, và địa điểm thể thao được kiểm soát chặt chẽ, ông Fenlon nói.
Trong một bài đăng trên blog về việc đưa tin của CBC trong kỳ Olympic, ông viết: “Các đội tin tức của chúng tôi không thể di chuyển tự do như ở các kỳ Thế vận hội khác. Họ không thể tìm thấy những câu chuyện bên ngoài địa điểm Thế vận hội. Những nỗ lực thu thập thông tin của họ sẽ bị theo dõi, và có khả năng bị xâm phạm.”
Ngày 4/2, trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Sjoerd den Daas, phóng viên trú tại Trung Quốc của Đài Phát thanh Công cộng Hà Lan (NOS), đã bị xô đẩy bởi một người đàn ông mặc thường phục đeo phù hiệu đỏ của phía Trung Quốc, bị cưỡng chế phải rời khỏi cảnh quay khi đang phát trực tiếp Thế vận hội. Cảnh tượng này khiến nữ MC Hà Lan trong trường quay ngẩn người vì bất ngờ.
Tờ NOS cũng đã tweet: “Các phóng viên của chúng tôi … đã bị an ninh kéo khỏi máy quay. Thật không may, điều này đang dần trở thành hiện thực hàng ngày đối với các phóng viên ở Trung Quốc.”
Vào tháng Một, một báo cáo do “Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Trung Quốc” công bố: “Tự do báo chí ở Trung Quốc đang suy giảm với tốc độ cực kỳ nhanh chóng, điều này thật đáng lo ngại.”
Báo cáo cũng cho biết các quan chức chính phủ ở Trung Quốc đã sử dụng đại dịch COVID-19 như một cái cớ, để trì hoãn việc phê duyệt thị thực cho các nhà báo mới, hủy các chuyến đi báo cáo, và từ chối các yêu cầu phỏng vấn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc báo cáo độc lập, chính xác và công bằng
Ông Fenlon viết trong bài đăng trên blog của mình: “Báo chí là hành động tìm kiếm và nói lên sự thật, được hướng dẫn bởi các tiêu chuẩn nghề nghiệp như tính độc lập, chính xác và công bằng. Nó liên quan đến việc thu thập và kiểm tra các sự kiện, thử thách các giả định, tìm ra những người chịu trách nhiệm, đóng vai trò là nhân chứng khi các sự kiện tin tức diễn ra – dù báo cáo của chúng tôi có thể sẽ khiến ai khó chịu.”
Theo ông, tác phẩm báo chí tốt nhất đến từ các phóng viên có mặt tại hiện trường. “Đó là lý do tại sao CBC News có những người túc trực để đưa tin mọi lúc mọi nơi.”
“Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ mở cửa với các nhà báo của chúng tôi một lần nữa, cũng như việc chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó Nga sẽ xem xét lại quyết định trục xuất chúng tôi.”
Ông viết: “Thiên chức cao nhất của báo chí là tìm kiếm sự thật. Khi nói đến Nga và Trung Quốc, ít nhất là tại thời điểm này, chúng ta phải tìm ra những cách thức mới và khác biệt, để tiếp tục mang lại những tin tức tốt nhất cho người Canada, về các sự kiện và con người tại những khu vực này, trên phạm vi quốc tế và thế giới.”
Trong một báo cáo ngày 2/3/2020, Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc (Foreign Correspondents Club of China, FCCC) cho biết, Bắc Kinh đã “vũ khí hóa” thị thực, xem nó như một phần của biện pháp gia tăng áp lực đối với giới phóng viên nước ngoài.
Ngoài ra, năm 2019, FCCC cũng chỉ ra rằng “Bức tường lửa vĩ đại” (Great Firewall) của ĐCSTQ đã tận lực kiểm duyệt ngôn luận trên mạng Internet.
Trong tổng số 215 tổ chức truyền thông quốc tế có phóng viên ở Trung Quốc, có tới 23% trang web của họ bị chặn tại Trung Quốc, 31% trang truyền thông quốc tế bằng tiếng Anh đã bị ĐCSTQ ngăn chặn truy cập, nhưng danh sách này vẫn không ngừng gia tăng, khiến người dân ở Trung Quốc đã bị hạn chế nghiêm trọng việc truy cập vào các kênh tin tức nước ngoài.
Bình Minh