Văn Thiện
Khi dự đoán tốc độ tan chảy của các tảng băng ở Nam Cực, bây giờ các nhà nghiên cứu có thể cần tính đến một con sông mới được phát hiện nằm sâu bên dưới chúng, dài khoảng 460 km (286 dặm). Nguyên nhân là dòng sông này và các nhánh của nó có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến cách lớp băng phía trên nó chảy và tan chảy.
Theo Science Alert, trong phát hiện mới, để khảo sát một khu vực rộng lớn bao gồm các tảng băng từ cả đông và tây Nam Cực, nơi có dòng sông ngầm chảy ra biển Weddell, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kết hợp các mô hình dòng chảy với kỹ thuật khảo sát từ trên không với radar gắn trên máy bay có thể nhìn xuyên qua lớp băng.
Nhà băng học Martin Siegert từ Đại học Hoàng gia London ở Anh cho biết: “Khu vực mà nghiên cứu này khảo sát có đủ lượng băng để khiến mực nước biển trên toàn cầu dâng thêm 4,3 mét (14 feet)”.
Ông nói thêm: “Băng tan chảy bao nhiêu, và có tốc độ như thế nào, liên quan đến độ trơn trượt của đáy băng. Hệ thống sông mới được phát hiện có thể ảnh hưởng mạnh đến quá trình này”.
Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng có nước chảy dưới các tảng băng. Điều này xảy ra do hai nguyên nhân: địa nhiệt và ma sát. Nguyên nhân thứ hai có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở Bắc Cực và Greenland, nơi có nhiều biến đổi theo mùa hơn về độ dày của băng.
Nghiên cứu mới cho thấy là ở Nam Cực, sự tan chảy xảy ra đủ nhiều ở đáy các tảng băng để các con sông hình thành. Các kênh nước ngọt, áp suất cao này có thể đẩy nhanh quá trình tan băng do nền của sông băng trở nên kém ổn định hơn tại điểm nó chảy vào biển.
Trong khi chúng ta ngày càng tiến bộ hơn trong việc đo lường mức độ băng tan ở Bắc Cực và Nam Cực, thì hiểu biết về các quá trình phức tạp thúc đẩy sự tan chảy lại rất hạn chế. Những khám phá như trong nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các quá trình cơ bản, có nghĩa là có thể tạo ra các mô hình chính xác hơn về băng tan trong tương lai.
Nhà băng học Neil Ross từ Đại học Newcastle ở Anh cho biết: “Các nghiên cứu trước đây đã xem xét sự tương tác giữa các rìa của tảng băng và nước đại dương để xác định băng tan chảy như thế nào” .
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, việc phát hiện ra một con sông dài hàng trăm km trong đất liền thúc đẩy một số quá trình này cho thấy chúng ta không thể hiểu đầy đủ về băng tan nếu không xem xét toàn bộ hệ thống: các tảng băng, đại dương và dòng nước ngọt”.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu muốn sử dụng các kỹ thuật được triển khai trong phát hiện mới ở các khu vực khác của lục địa để xem các nhà khoa học có thể còn chưa biết về điều gì khác, với hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra ở khoảng 100 km (62 dặm) ở hai bên các con sông chính chảy dưới băng.
Siegert nói: “Khi chúng tôi lần đầu tiên phát hiện ra các hồ bên dưới lớp băng ở Nam Cực cách đây vài thập kỷ, chúng tôi đã nghĩ rằng chúng bị cô lập với nhau”.
Ông nói thêm: “Bây giờ chúng tôi bắt đầu hiểu rằng có toàn bộ hệ thống ở dưới đó, được kết nối với nhau bởi các mạng lưới sông rộng lớn,…”
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.
Văn Thiện