NATO: Sau chiến thắng ở Kherson, Ukraine đối mặt với những tháng khó khăn
Đánh giá tình hình chiến sự, người đứng đầu NATO cho biết Nga ‘vẫn có khả năng đáng kể, cũng như một số lượng lớn quân đội’.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau khi tái chiếm thành phố Kherson, Ukraine phải đối mặt với những tháng khó khăn phía trước.
Ông Stoltenberg hôm thứ Hai đã ca ngợi “lòng dũng cảm đáng kinh ngạc” của các lực lượng Ukraine sau khi Nga rút quân khỏi thủ đô khu vực chiến lược phía nam và kêu gọi tiếp tục hỗ trợ quốc tế cho Kyiv.
“Những tháng tới sẽ khó khăn. Mục đích của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin là để Ukraine lạnh giá và tăm tối trong mùa đông này,” ông nói với các phóng viên ở The Hague sau cuộc gặp với các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Hà Lan.
“Chúng ta không nên mắc sai lầm khi đánh giá thấp Nga”, ông Stoltenberg nói, đồng thời nhấn mạnh rằng các lực lượng của Moscow “vẫn duy trì được những năng lực đáng kể cũng như một số lượng lớn binh lính”.
Ông Stoltenberg nói thêm: “Nga đã thể hiện rằng họ sẵn sàng gánh chịu những tổn thất đáng kể.”
Thành phố Kherson là trung tâm đô thị lớn đầu tiên rơi vào tay lực lượng Nga sau cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2 và là thủ đô khu vực duy nhất mà quân đội Moscow giành được quyền kiểm soát.
Các lực lượng Nga đã rút lui vào tuần trước sau khi Tướng Sergey Surovikin tuyên bố rằng họ không còn có thể tiếp tế cho khu vực.
Ông Stoltenberg nói: “Sự rút lui của Moscow thể hiện lòng dũng cảm đáng kinh ngạc của các lực lượng vũ trang Ukraine, nhưng nó cũng cho thấy sự hỗ trợ liên tục của chúng tôi đối với Ukraine”.
Việc giải phóng thành phố là thất bại mới nhất trong chuỗi thất bại của Điện Kremlin sau khi bị đẩy lùi khỏi phần lớn lãnh thổ ở phía nam và phía đông.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm thứ Hai đã đến thăm thành phố mới được giải phóng sau khi thông báo hôm Chủ nhật rằng có nhiều bằng chứng chỉ ra hàng trăm “tội ác chiến tranh” do những người chiếm đóng Nga thực hiện.
Ông Stoltenberg cho biết các lực lượng Nga đã “thể hiện sự tàn bạo tột độ”. Ông cũng nói rằng giờ đây Ukraine phải quyết định các điều khoản đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về chuyến thăm Kherson của ông Zelensky và khẳng định: “Lãnh thổ này là một phần của Liên bang Nga”.
Lê Vy
FBI: Trung Quốc, Iran thuê thám tử tư theo dõi những người bất đồng chính kiến ở Mỹ
Trung Quốc và Iran đang tăng cường thuê các nhà điều tra tư nhân để giám sát và theo dõi những người bất đồng chính kiến đang sinh sống một cách hợp pháp tại Hoa Kỳ, theo một báo cáo hôm thứ Hai từ New York Times (NYT).
Nhiều công dân bỏ chạy khỏi các chế độ độc tài toàn trị này để tới Hoa Kỳ, và ở hoàn cảnh có được tự do hơn về ngôn luận, họ công khai chỉ trích chính quyền cũ của mình. Điều đó khiến họ trở thành mục tiêu của chính quyền cũ. Giới chức Liên bang Hoa Kỳ đã xác định có những trường hợp thuộc loại này, mà trong đó cơ quan tình báo nước ngoài thuê các nhà điều tra tư nhân làm việc cho họ ở New York, California và Indiana, nhưng mà nhà điều tra không được biết tình huống chân thật, theo tờ Times đưa tin.
Ví dụ một điều tra viên, ông Michael McKeever, được thuê để làm một việc có vẻ rất bình thường là giám sát một người đang nợ tiền ở Dubai. Nhưng trên thực tế, mục tiêu là nhà báo Masih Alinejad, một phụ nữ Iran đã chỉ trích gay gắt chế độ độc tài ở quê hương mình.
Thời điểm đó các đặc vụ FBI cũng đang giám sát bà, vì đó là một phần của cuộc điều tra và phá án Iran mưu đồ xuyên quốc gia định bắt cóc người người phụ nữ này.
“Khách hàng của ông không phải như ông nghĩ đâu”, một đặc vụ đã bảo cho ông McKeever biết, theo NYT. “Họ là kẻ xấu, động cơ của họ rất không tốt”.
Trung Quốc cũng có những hoạt động tương tự. Theo các báo cáo, Trung Quốc đã mời một cựu sĩ quan NYPD trở thành điều tra viên tư nhân, nhưng thực tế đó là nằm trong mưu đồ cưỡng ép một người đàn ông đang ở New Jersey trở về Trung Quốc.
Trung Quốc còn có cả biện pháp thô ráp hơn để đàn áp công dân đang sinh sống hợp pháp ở nước khác, ví như họ thiết lập hàng chục cái gọi là “trạm dịch vụ cảnh sát hải ngoại”, được biết đến với cái tên “đồn công an 110”, ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Về vấn đề này, theo báo cáo tháng trước của Safeguard Defenders, một cơ quan giám sát nhân quyền, thì các trạm cảnh sát đó tỏ vẻ như đang nhắm vào những nghi phạm về các tội như tội lừa đảo trong khi các nghi phạm này ở ngoài Trung Quốc, nhưng trên thực tế các trạm đó đã “thuyết phục” khoảng 230.000 công dân quay trở lại Trung Quốc.
“[Trung Quốc] làm như vậy là né tránh phương thức hợp tác song phương chính thức về phương diện cảnh sát và tư pháp, và cách làm đó là vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời có thể vi phạm nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ vì họ thiết lập theo cách bất hợp pháp một cơ chế kiểm soát song song về chức năng với cơ chế của cảnh sát chính thống nơi bản địa”, cũng theo Safeguard Defenders.
Phần nhiều các đồn công an 110 là ở Châu Âu, có 4 đồn ở Bắc Mỹ: 3 đồn ở Toronto Canada và 1 đồn ở New York Hoa Kỳ. Trong một báo cáo cũng của Safeguard Defenders thì Trung Quốc tuyên bố họ có đến 54 đồn công an như vậy ở hải ngoại.
Thiên Đức (Theo Foxnews)
Mỹ xác nhận đàm phán với Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, không liên quan đến Ukraina
Toà Bạch Ốc hôm 14 tháng 11 đã xác nhận với hãng tin Newsweek rằng các phái đoàn từ Hoa Kỳ và Nga hiện đang tổ chức các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cho biết các cuộc thảo luận chỉ tập trung vào việc giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân giữa hai quốc gia, chứ không phải về cuộc chiến hiện tại ở Ukraina.
Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia nói với Newsweek: “Chúng tôi rất cởi mở về việc chúng tôi có các kênh liên lạc với Nga về kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro hạt nhân và rủi ro đối với sự ổn định chiến lược” .
Vị này tiếp tục nói rằng, “như một phần của nỗ lực này,” Giám đốc CIA William Burns “hôm nay có mặt ở Ankara để gặp người đồng cấp Nga.” Nga đã cử Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài Sergey Naryshkin tham gia cuộc trao đổi.
“Ông ấy không tiến hành các cuộc đàm phán dưới bất kỳ hình thức nào. Ông ấy không thảo luận về việc giải quyết cuộc chiến ở Ukraina”, phát ngôn nhân cho biết. “Ông ấy đang truyền tải thông điệp về hậu quả của việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và nguy cơ leo thang đối với sự ổn định chiến lược. Ông ấy cũng sẽ nêu ra các trường hợp công dân Mỹ bị giam giữ vô cớ.”
“Chúng tôi đã thông báo trước cho Ukraina về chuyến đi của ông ấy”, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia nói thêm. “Chúng tôi kiên quyết tuân thủ nguyên tắc cơ bản của mình: không có gì về Ukraina mà không có Ukraina.”
Báo cáo về các cuộc đàm phán lần đầu tiên xuất hiện hôm thứ Hai trên tờ báo Nga Kommersant, trong đó nói rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin có mặt ở Ankara.
Sau khi ban đầu không xác nhận cũng không phủ nhận, phát ngôn nhân Điện Kremlin Dmitry Peskov cuối cùng cũng xác thực các báo cáo, nói với hãng thông tấn TASS của Nga rằng “các cuộc đàm phán như vậy thực sự đã diễn ra” và “chúng được khởi xướng bởi phía Hoa Kỳ.”
Ankara là trung gian hòa giải tích cực nhất giữa Kyiv và Matxcova kể từ khi cuộc chiến bắt đầu hồi cuối tháng Hai. Vào tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Liên Hợp Quốc đã thuyết phục được cả hai bên ký kết thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột gây ra.
Trần Phong
Ba Lan và Đức tuyên bố tiếp quản tài sản công ty Gazprom của Nga
Hôm 14/11 vừa qua, Chính phủ Ba Lan tuyên bố sẽ tiếp quản tài sản tại Ba Lan của công ty khí đốt Gazprom của Nga, trong khi đó, Chính phủ Đức cũng thông báo sẽ quốc hữu hóa công ty con cũ của Gazprom là Công ty Bảo đảm Năng lượng châu Âu (Sefe), còn gọi là Gazprom Germania, theo hãng tin AP.
Cụ thể, Warsaw sẽ tiếp quản cổ phần của công ty EuRoPol Gaz, chủ sở hữu tại Ba Lan của đường ống dẫn khí Yamal-Europe, một phần quan trọng của hệ thống vận chuyển khí đốt tự nhiên tại Ba Lan. Trên thực tế, Gazprom đã có 48% cổ phần của EuRoPol Gaz; 48% khác thuộc sở hữu của công ty PGNiG của Ba Lan; còn 4% cổ phần còn lại thuộc về Gas Trading của tập đoàn PKN Orlen.
Bộ trưởng Bộ Phát triển và Công nghệ Waldermar Buda cho hay rằng quyết định về việc tiếp quản tài sản của Gazprom tại Ba Lan được thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan an ninh nội địa nước này.
Ngay sau quyết định của Ba Lan, Chính phủ Đức cũng tuyên bố sẽ quốc hữu hóa công ty con cũ của Gazprom là Công ty bảo đảm năng lượng châu Âu (Sefe), còn gọi là công ty Gazprom Germania. Bộ Kinh tế Đức cho biết rằng việc tiến hành quốc hữu hóa Sefe là do Berlin lo ngại công ty này mất khả năng thanh toán, qua đó có thể “đe dọa đến an ninh nguồn cung năng lượng của Đức”.
Gazprom Germania được đánh giá là công ty đóng vai trò quan trọng đối với nguồn cung khí đốt của Đức đến mức không được phá sản trong bất kỳ tình huống nào. Công ty này hiện chiếm khoảng 20% thị phần khí đốt tại Đức và theo kế hoạch sẽ được chính phủ liên bang Đức tiếp quản hoàn toàn.
Phan Anh (Trí Thức VN)