Ngày 17/11, Giám đốc Christopher Wray của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã nói rõ khi làm chứng trước Quốc hội rằng trong các lĩnh vực an ninh quốc gia và kinh tế, đến nay mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Mỹ là Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc/ ĐCSTQ).
“Mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với trí tuệ, đổi mới và an ninh kinh tế của quốc gia chúng ta, an ninh quốc gia của chúng ta là đến từ Trung Quốc (ĐCSTQ)”, ông Wray nói trong lời làm chứng trước Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Mỹ. “Chính phủ ĐCSTQ mong muốn thành siêu cường toàn cầu ngang bằng hoặc vượt qua Mỹ, qua đó gây ảnh hưởng đến thế giới bằng hệ giá trị được định hình bởi những lý tưởng phi dân chủ và chuyên quyền”.
Ông Wray tuyên bố rằng FBI đang “đối đầu trực diện với mối đe dọa này”, lưu ý đến việc công khai gần đây các cáo buộc hình sự đối với hơn chục người mà ông mô tả là “các hành vi tội phạm đại diện cho ĐCSTQ nhằm gây ảnh hưởng ở Mỹ”.
Ông Wray lưu ý rằng mỗi văn phòng trong số 56 văn phòng hiện trường của FBI đều tiến hành “hàng loạt điều tra quan trọng” về các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Giám đốc FBI đặc biệt chỉ ra ĐCSTQ rất hung hăng trong lĩnh vực tội phạm mạng. “ĐCSTQ có chương trình hacker lớn nhất thế giới, họ đã đánh cắp nhiều dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp của Mỹ hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại”, ông nói.
Ông cũng chỉ rõ Nga, Iran và Triều Tiên “đã trở nên hung hăng hơn, trắng trợn hơn và có khả năng hơn”, và “tấn công chúng ta từ mọi góc độ” nhằm phá hoại nền dân chủ, luật pháp và an ninh quốc gia của Mỹ.
Ông Wray cho biết đe dọa đó ở trên các mối đe dọa từ các nhóm khủng bố như ISIS và al-Qaeda, những tổ chức đó “vẫn đang kích động, lên kế hoạch và phát động” các cuộc tấn công chống lại Mỹ và các đồng minh “cả trong và ngoài nước” Mỹ. Ông cũng nhận xét rằng khả năng Mỹ thu thập thông tin tình báo ở Afghanistan đã giảm sút kể từ khi rút quân.
Giám đốc Christine Sandra Abizaid của Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia Mỹ nói tại phiên điều trần rằng khả năng al-Qaeda tấn công đất liền Mỹ từ Afghanistan hiện “khá hạn chế” do các nỗ lực xử lý của Mỹ như vụ giết thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của al-Qaeda vào mùa hè năm ngoái.
Nhắc lại rủi ro an ninh của TikTok
Vào thứ Ba (15/11), ông Wray đã làm chứng tại phiên điều trần thường niên về “Mối đe dọa toàn cầu” của Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện rằng “TikTok có rủi ro an ninh quốc gia lâu dài đối với Mỹ”.
Ông cho biết ngoài lo ngại về việc dữ liệu người dùng TikTok bị rò rỉ cho ĐCSTQ, FBI còn lo ngại ĐCSTQ có thể thông qua “kiểm soát thuật toán” gây ảnh hưởng hoặc kiểm soát trên hàng triệu phần mềm thiết bị. “Theo luật của ĐCSTQ, về cơ bản các công ty Trung Quốc buộc phải làm bất cứ điều gì Chính phủ Trung Quốc muốn họ làm về mặt chia sẻ thông tin hoặc trở thành công cụ của Chính phủ Trung Quốc”. Ông Wray nhấn mạnh, “Điều đó tự nó là lý do đủ để chúng tôi rất lo lắng”.
FBI đã chuyển mối quan ngại tới Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) – một cơ quan chính phủ đang xem xét liệu TikTok có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ hay không.
Vì lý do an ninh quốc gia, năm 2020 thời Tổng thống Trump đã ban hành lệnh hành pháp cấm TikTok hoạt động tại Mỹ. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã thu hồi lệnh và yêu cầu Bộ Tài chính xem xét lại các vấn đề an ninh liên quan.
Sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, Đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Hạ viện nên TikTok có thể gặp khó khăn trong tương lai. Thượng nghị sĩ Cộng hòa vừa tái đắc cử là Marco Rubio (Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện) và dân biểu Mike Gallagher tuần trước đã tiết lộ trong một bài bình luận trên tờ Washington Post rằng họ dự định đưa ra luật có tác động lớn đến Mỹ: Cấm TikTok và các nền tảng khác “bị ĐCSTQ kiểm soát một cách hiệu quả”.
Tuần trước chương trình “60 phút” của kênh truyền thông Mỹ CBS đã đưa tin rằng Douyin (tên của TikTok ở Trung Quốc) dường như cung cấp hai phiên bản: “phiên bản rau bina” và “phiên bản thuốc phiện” nhằm gây nghiện đối với thanh thiếu niên ở các nước khác, trong khi với giới trẻ Trung Quốc bị giới hạn dùng là 40 phút mỗi ngày.
Tiêu Nhiên, Vision Times