Báo cáo mới đây của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) tiết lộ Bắc Kinh đang vượt tường lửa của chính họ, tận dụng YouTube để chinh phục trái tim và tâm trí người dùng phương Tây, đồng thời thu lợi từ dịch vụ quảng cáo trên YouTube.
Được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, báo cáo có tên “Những người có ảnh hưởng ở biên giới: Bộ mặt tuyên truyền mới của Trung Quốc” đã xem xét, nghiên cứu 1.741 video của 18 người có ảnh hưởng rộng lớn trên YouTube; những người này được cho là sống ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông (Trung Quốc).
Theo báo cáo, những “người có ảnh hưởng ở biên giới”, hầu hết là những cô gái trẻ thuộc các dân tộc thiểu số, đã được Bắc Kinh chọn lựa cẩn thận và được coi là đáng tin về mặt chính trị.
Trong bài báo giới thiệu về báo cáo, các tác giả đến từ ASPI cho biết: “Trong các video, những khu vực này hiện lên một cách tiêu chuẩn hóa, phi tôn giáo/tín ngưỡng và trong điều kiện tốt, với những người phụ nữ hiện đại, đã Hán hóa và đầy lòng trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ]”.
“Chiến dịch tuyên truyền tinh vi này cho thấy tầm nhìn về một ‘Trung Quốc xinh đẹp’ của Chủ tịch Tập Cận Bình, một tầm nhìn đã tẩy trắng các yếu tố chính trị và tôn giáo, thay vào đó là một môi trường tự nhiên thôn dã và các yếu tố văn hóa vô thưởng vô phạt như nấu ăn hoặc nhảy múa”.
Một ví dụ đáng chú ý là Lý Tử Thất (Li Ziqi) – nhân vật Trung Quốc nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng lớn nhất trên mạng xã hội quốc tế. Những video nơi miền quê bình dị (tỉnh Tứ Xuyên) của cô đã thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi ở nước ngoài.
Mạng đa kênh
Báo cáo của ASPI lưu ý rằng mặc dù video của những người có ảnh hưởng này dường như do chính họ tạo ra, chúng thực sự được tạo ra với sự trợ giúp từ các công ty quản lý. Những công ty này, được gọi là mạng đa kênh (MCN), là bên thứ ba giữa YouTube và các nhà sáng tạo nội dung, có trách nhiệm ‘quản lý’ những người có ảnh hưởng đặc biệt.
Các tác giả của báo cáo cho biết: “Các kênh [Youtube] được sản xuất một cách cẩn thận để có vẻ ngoài chân thực, tạo được sự tin cậy cao hơn [trong lòng khán giả] so với các phương tiện truyền thông truyền thống của đảng và nhà nước [Trung Quốc] – những thứ thường cứng nhắc và mô phạm”.
“Tuy nhiên, các kênh được sản xuất bởi MCN … đều có mối quan hệ mật thiết với ĐCSTQ. Một số MCN có người của ĐCSTQ hoạt động bên trong. Luật pháp Trung Quốc yêu cầu tất cả MCN phải đảm bảo rằng các nhân tài [các nhà sáng tạo nội dung] cần tuân thủ các giá trị của ĐCSTQ và thúc đẩy các chương trình của ĐCSTQ”.
Sự góp sức từ Youtube
Hầu hết những người sáng tạo nội dung của Trung Quốc luôn gặp khó khăn trong việc kiếm tiền từ video của họ trên YouTube do “Vạn lý tường lửa” của Bắc Kinh, nhưng MCN lại không bị ràng buộc bởi những hạn chế này và có thỏa thuận riêng với YouTube. Kết quả là, gã khổng lồ chia sẻ video trở thành bên hỗ trợ hiệu quả và tích cực cho các chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch của ĐCSTQ.
Báo cáo của ASPI đã phát hiện ra 8 công ty Trung Quốc điều hành các kênh YouTube nổi tiếng tại Trung Quốc (MCN), tất cả đều có thỏa thuận như vậy với YouTube.
Ví dụ, Giám đốc điều hành Zhu Danjun của công ty Xiaowu Brothers nói với truyền thông Trung Quốc rằng, kể từ năm 2018, công ty Xiaowu Brothers và những người có ảnh hưởng mà công ty này đại diện đã có các cuộc họp với “chiến lược gia đến từ YouTube” mỗi một hoặc hai tháng/lần, theo báo cáo.
Ngoài ra, các kênh Youtube của những người Trung Quốc có ảnh hưởng đã hiển thị quảng cáo của các thương hiệu như Squarespace (Mỹ) và Norwegian Cruise Line (Mỹ).
Báo cáo nêu rõ: “Trên các video về bông Tân Cương, chúng tôi đã nhìn thấy các quảng cáo trước và giữa video về KFC Úc và Vimeo, cùng các thương hiệu khác”.
Phủ nhận tội ác nhân quyền
Ngoài việc sử dụng những cách thức tinh vi để tác động đến người dùng Youtube, những người có ảnh hưởng còn trực tiếp lên tiếng phủ nhận lo ngại của cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc đàn áp nhân quyền. Ví dụ, một người có ảnh hưởng đã nói: “Mọi người đều hạnh phúc và tất cả các dân tộc đang chung sống hòa thuận với nhau”.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã tiến hành giám sát hàng loạt, giam giữ và “cải tạo” người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, với cái cớ là để giải quyết bất ổn và chống khủng bố.
Trong khi ĐCSTQ từ lâu vẫn phủ nhận cáo buộc “diệt chủng” ở Tân Cương, các hồ sơ rò rỉ từ Sở Cảnh sát Tân Cương hồi tháng 5 lại cho thấy câu chuyện ngược lại. Các hồ sơ đã cung cấp bằng chứng về cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung hàng loạt, bao gồm cả việc hành quyết những người chạy trốn.
Các cáo buộc về tội ác nhân quyền ở Tân Cương bao gồm cưỡng hiếp, bạo lực tình dục, biệt giam, tra tấn tâm lý và ép uống thuốc, theo một báo cáo do Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền công bố vào tháng 8.
Phía trước là ‘trận chiến cam go’
Chủ tịch điều hành Nurgul Sawut của Diễn đàn Tự do Duy Ngô Nhĩ cho biết: “Báo cáo này cho thấy một cách rõ ràng mức độ độc hại và phạm vi lan truyền sâu rộng của những mạng lưới thông tin sai lệch từ bên trong Trung Quốc và cách chúng vươn ra ngoài biên giới để đến với khán giả quốc tế”.
Bà Sawut nói với The Epoch Times: “Chắc chắn rằng chúng ta có một trận chiến khó khăn và cực kỳ cam go ở phía trước”.
Tổ chức của bà vẫn đang cố gắng liên hệ với các chính phủ, các cơ quan viễn thông và cơ quan mạng để đề xuất biện pháp đối phó với thông tin sai lệch từ ĐCSTQ.
“Nếu không có sự giúp đỡ từ họ, cơ hội để chúng tôi chiến thắng [các chiến dịch truyền bá] thông tin sai lệch là rất mong manh”, bà Sawut nói.
Xuân Hoa
Theo The Epoch Times