Chiến tranh Ukraina hủy hoại uy tín của Nga tại Trung Á

Thanh Hà

24/11/2022

Trung Á giữ khoảng cách với Nga, lo sợ chung số phận với Ukraina, chín tháng sau khi Matxcơva đưa quân sang xâm chiếm một quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Tại thượng đỉnh Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể (CTSO) tại Erevan hôm 23/11/2022, tổng thống Vladimir Putin ghi nhận thêm một số tín hiệu về sự thận trọng của các đối tác khu vực đối với Nga: 3 trong số 5 nước Trung Á là Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan cùng nhau tìm cách thoát khỏi cái bóng của nước Nga.

Lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzsta, Armenia và Nga) họp tại Yerevan, Armenia, ngày 23/11/2022. via REUTERS – SPUTNIK

Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể CTSO là một sáng kiến của Nga được thành lập từ 2002 bao gồm 6 quốc gia: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không chắc hài lòng khi rời khỏi thượng đỉnh Erevan chiều qua. Trước hết, trên cương vị chủ nhà, Armenia, một quốc gia trong vùng Kavkaz từng là chư hầu của Liên Xô cũ đã không ngần ngại chỉ trích liên minh quân sự với thành viên quan trọng nhất là Nga. Thủ tướng Nikol Pachinian trực tiếp đả kích CTSO, «bất lực trong việc bảo vệ một thành viên» trong xung đột vũ trang tại Thượng Karabak với Azerbaijan. Nhìn từ Erevan, thái độ thụ động và thiếu đoàn kết này làm «sứt mẻ uy tín» của tập thể.

Hãng tin Reuters giải thích trong cuộc xung đột với một quốc gia sát cạnh là Azerbaijan, tháng 09/2022, Armenia đã yêu cầu CTSO giúp đỡ về mặt quân sự, thế nhưng thành viên quan trọng nhất trong tổ chức này là Nga chỉ cử một quan sát viên đến «giám sát hiện trường».

Đáp lời thủ tướng Pachinian, ông Putin nhìn nhận sự thiếu sót đó do liên minh quân sự CTSO đã phải đối mặt với một số «vấn đề» ngoài ý muốn. Chủ nhân điện Kremlin cũng khẳng định rằng các bên cần phải «nỗ lực nhiều hơn nữa» để vãn hồi hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan.

Không chỉ có những trách móc của Erevan khiến tổng thống Nga bực mình. Chủ nhân điện Kremlin có thể còn khó chịu hơn nữa về thái độ của Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan, ba nước Trung Á thành viên Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể.

Sau chín tháng Nga bị phương Tây trừng phạt kinh tế vì đưa quân xâm chiếm Ukraina, vậy mà ba quốc gia Trung Á này không mặn mà giúp đỡ Matxcơva giảm nhẹ các hậu quả từ các đòn trừng phạt đó. Thậm chí ba nước này còn duy trì liên lạc với Ukraina.

Kazakhstan, quốc gia lớn nhất trong khu vực, không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý, một thủ thuật để Nga thôn tính bốn vùng lãnh thổ của Ukraina hồi đầu mùa thu vừa qua. Chính quyền của tổng thống Kassym Jomart Tokaeiv tuy chịu ơn Matxcơva dẹp loạn hồi tháng Giêng vừa qua, nhưng tuyệt đối không sử dụng lại các khẩu hiệu tuyên truyền của Kremlin, theo đó cuộc xâm lăng Ukraina là nhằm «giải phóng quốc gia này khỏi chế độ phát xít». Astana thậm chí cho phép người dân biểu tình phản đối chiến tranh Ukraina. Thêm vào đó nhiều công dân Nga trốn lệnh động viên bán phần đã tìm đường sang các nước Trung Á «tỵ nạn».

Các nước Trung Á không còn khiếp sợ Nga?

Theo giới phân tích, chỉ nội chừng đó cũng đủ khiến ông Vladimir Putin nổi đóa. Bởi vì cho tới nay, nguyên thủ Nga vẫn coi sự kiện Liên Xô cũ bị tan rã là «một trong những thảm họa kinh khủng nhất của thế kỷ XX» và Trung Á «phải là một vùng vẫn chịu ảnh hưởng của Matxcơva». Cánh tay nối dài của ông Putin là cựu tổng tống Dmitri Medvedev từng đe dọa Kazakhstan rồi cũng sẽ «chung số phận như Ukraina». Phe diều hâu ở Matxcơva nêu lên khả năng cũng phải «phi phát xít hóa chế độ ở Astana».

Những lập trường cứng rắn đó dường như không quan tâm đến một số thực tế được ghi nhận trong thời gian gần đây. Một là kinh nghiệm của Ukraina cho thấy quân đội Nga không hùng mạnh như mọi người lầm tưởng, cho nên Trung Á có vẻ như cũng không còn khiếp sợ Matxcơva như xưa. Điểm thứ nhì là tại các quốc gia từng là chư hầu của Liên Xô cũ vẫn còn đọng lại nhiều hiềm khích từ thời bị Matxcơva đô hộ. Điểm thứ ba nữa, Trung Á là một vùng đất giàu tài nguyên từ Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ, đang được Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ và nhất là Trung Quốc ve vãn.

Tìm cách thoát khỏi phụ thuộc  Kazakhstan từ lâu nay đã bị Con Đường Tơ Lụa thế kỷ XXI của Bắc Kinh làm mê hoặc. Astana vừa ký với Thổ Nhĩ Kỳ một thỏa thuận hợp tác quân sự. Về phần Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo ngoại giao khối này vừa kết thúc một vòng công du Trung Á. Tổng thống Kazakhstan, Kassym Jomart Tokaiev chuẩn bị viếng thăm nước Pháp vào tuần tới.

Theo nhà nghiên cứu Michael Levystone, Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp IFRI, những động thái nói trên cho thấy Trung Á «không bỏ tất cả trứng vào một giỏ». Trung Quốc, hay Mỹ, Liên Âu là những đối tác cho phép khối này bớt lệ thuộc vào một mình Liên bang Nga. Song có một thực tế không thể chối cãi: Matxcơva vẫn là điểm tựa quan trọng của các nước trong vùng về thương mại. Nga là nơi có đông đảo cộng đồng người Khazakhstan hay Kirghizistan đang sinh sống, họ kiếm tiền gửi về quê nhà, giúp đỡ thân nhân.

Do vậy kịch bản Trung Á quay lưng lại với Matxcơva là điều không tưởng, nhưng chiến tranh Ukraina là cơ hội để từ Astana đến Bichkek hay Douchanbe tìm kiếm những điểm tựa mới dù đó là Âu Mỹ hay Trung Quốc, mà không nhất thiết phải quá lệ thuộc vào một nước.

Related posts