Huyền Anh
Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei hiện đang rời bỏ thị trường châu Âu và tìm cách tồn tại ở thị trường nội địa Trung Quốc. Tờ Politico nhận định rằng, động thái thu hẹp quy mô kinh doanh ở châu Âu là dấu hiệu chứng tỏ tham vọng chiếm lĩnh thị trường viễn thông toàn cầu của Huawei đã tan thành mây khói.
Tờ Politico đã phỏng vấn hơn 20 nhân viên cũng như cố vấn chiến lược hiện tại và trước đây của Huawei, đồng thời xuất bản một phân tích tin tức đầy đủ về gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Theo đó, Huawei đang giải tán nhóm vận động hành lang cấp cao ở châu Âu, thu hẹp quy mô hoạt động ở châu lục này và từ bỏ mong muốn thống trị thị trường viễn thông toàn cầu.
Huawei hiện đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng ở thị trường nước ngoài mà dẫn đầu là Hoa Kỳ. Hiện tại, gã khổng lồ viễn thông này đang tái tập trung vào thị trường Trung Quốc, cũng như một vài quốc gia như Đức, Tây Ban Nha và Hungary.
Một nhân viên Huawei giấu tên cho biết, Huawei không còn là một công ty toàn cầu nữa, mà giờ đây công ty đang “cố gắng tồn tại ở thị trường nội địa Trung Quốc”. Hầu hết các nhân viên khác của Huawei được phỏng vấn cũng đều có chung quan điểm.
Vào tháng 7, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã có bài phát biểu trước các giám đốc điều hành tại trụ sở chính của công ty ở Thâm Quyến.
“Kịch bản mà chúng ta phải đối mặt trong năm 2019 khác với kịch bản mà chúng ta phải đối mặt ngày nay. Đừng cho rằng chúng ta sẽ có một tương lai tươi sáng hơn”, ông Nhậm Chính Phi nói.
“Chúng ta từng theo đuổi mục tiêu toàn cầu hóa và nỗ lực phục vụ nhân loại. Thế nhưng lý tưởng hiện tại của chúng ta là gì? Chính là tồn tại!”, ông chia sẻ.
Chuỗi lệnh trừng phạt của cựu Tổng thống Trump đã giết chết Huawei
Trong những năm 2010, hầu hết người dân châu Âu đều coi Huawei là một công ty công nghệ thân thiện với chính quyền địa phương. Chi phí xây dựng thấp đã làm tăng khả năng cạnh tranh của Huawei.
Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời ông Trump rất lo ngại rằng, cơ sở hạ tầng viễn thông của Huawei có nguy cơ gián điệp và bảo mật nghiêm trọng. Năm 2019, Huawei bị Mỹ trừng phạt. Con gái của của ông Nhậm Chính Phi – ‘công chúa Huawei’ Mạnh Vãn Chu – đã bị bắt tại sân bay ở thành phố Vancouver, Canada, theo yêu cầu dẫn độ từ Mỹ vào tháng 12/2018.
Bà bị cáo buộc lừa dối ngân hàng HSBC và gian lận chuyển tiền, cố gắng che giấu hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ thông qua công ty Hong Kong Skycom, được cho là chi nhánh của Huawei.
Huawei đang chiến đấu chống lại chuỗi lệnh trừng phạt của Trump. Ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu, có trụ sở ở Berlin, cho biết, Huawei cũng được hậu thuẫn bởi một số nhà khai thác viễn thông lớn vào thời điểm đó. Vào đầu năm 2020, Huawei dường như có thể chống lại nhiều lệnh cấm của Hoa Kỳ.
Vào ngày 28/1, Thủ tướng Vương quốc Anh lúc bấy giờ, ông Boris Johnson, đã bật đèn xanh cho Huawei tham gia vào một phần cơ sở hạ tầng 5G của đất nước. Một ngày sau, Liên minh châu Âu (EU) đã vạch ra chiến lược giảm sự phụ thuộc quá mức vào các nhà cung cấp Trung Quốc, nhưng tích cực vận động các chính phủ mở cửa thị trường cho công nghệ Huawei.
Vào tháng 5/2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã gia tăng nỗ lực của mình bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Huawei. Chính sách trừng phạt mạnh tay này về cơ bản đã cắt đứt nguồn cung cấp chất bán dẫn của Huawei.
Hết tin xấu này đến tin xấu khác dồn dập ập tới Huawei. Vào tháng 7/2020, ông Boris Johnson tuyên bố rằng, tất cả thiết bị Huawei phải được gỡ bỏ khỏi mạng 5G của Vương quốc Anh.
Từ năm 2020 đến 2021, các chính phủ châu Âu, bao gồm Pháp, Thụy Điển, Romania, các nước Baltic, Bỉ và Đan Mạch, đã cấm các thiết bị viễn thông Huawei tham gia vào mạng 5G của quốc gia, cũng như yêu cầu các nhà khai thác ngừng sử dụng thiết bị Huawei trong trung hạn.
Chiến tranh Nga – Ukraine là một đòn chí mạng đối với Huawei
Sau hàng loạt chính sách trừng phạt của ông Trump đã dồn ép Huawei tới bờ vực tử thần, chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ tiếp tục giáng một đòn chí mạng vào gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Sau khi ông Trump rời Nhà Trắng vào năm 2021, dịch bệnh ở châu Âu dần lắng xuống, Huawei dường như đã thấy tia hy vọng le lói. Các nhà vận động hành lang của Huawei cũng tỏ ra lạc quan tại Brussels, Bỉ, rằng nhu cầu về thiết bị 5G tốc độ cao, giá rẻ của châu Âu đã vượt xa những lo ngại về an ninh. Theo đó, Huawei đã sắp xếp một loạt các cuộc họp tại Nghị viện Châu Âu.
Tuy nhiên, vào ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đối với người châu Âu, phép tính rủi ro – lợi ích đối với Huawei đã thay đổi chỉ sau một đêm.
Ông John Strand, một nhà tư vấn viễn thông độc lập của Đan Mạch, người theo dõi tác động thị trường của Huawei ở châu Âu trong nhiều năm, cho biết: “Thay đổi lớn nhất mà tôi chứng kiến là sự phụ thuộc của chúng ta đối với khí đốt của Nga, đặc biệt là Đức”.
Điều này đặt ra câu hỏi: “Điều gì tồi tệ hơn, việc phụ thuộc vào khí đốt của Nga hay lệ thuộc vào cơ sở hạ tầng viễn thông của Trung Quốc?”.
Các nước châu Âu ngày càng cảnh giác với công nghệ của Huawei
Vào tháng 10, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo mới về việc sử dụng công nghệ Huawei để xây dựng mạng 5G. Ngay sau đó, chính phủ Anh cũng lặp lại yêu cầu loại bỏ công nghệ và thiết bị của Huawei khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của nước này.Theo các nhà phân tích trong ngành, Huawei vẫn đang duy trì thị phần vững chắc ở một số quốc gia châu Âu như Đức và Tây Ban Nha.
Theo một nghiên cứu năm 2020 của Strand Consult, hơn một nửa số thiết bị mạng truy cập vô tuyến 4G (Radio Access Network – RAN) tại 15 trong số 31 quốc gia châu Âu đều đến từ các nhà cung cấp Trung Quốc.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này đã đưa ra các quy định yêu cầu các nhà khai thác loại bỏ dần hoặc hạn chế mạnh mẽ việc sử dụng thiết bị từ “các nhà cung cấp có rủi ro cao” trong vài năm tới.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có lập trường mạnh mẽ hơn đối với Huawei. Trong tháng này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã công khai ngăn một nhà đầu tư Trung Quốc mua lại một cơ sở bán dẫn của Đức do lo ngại về an ninh.
Huyền Anh
Theo Visiontimes