Làn sóng phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), liên quan những vấn đề như ‘Zero COVID’ và những hạn chế hà khắc đối với quyền tự do dân sự, tiếp tục lan rộng ra quốc tế. Tại hơn chục thành phố quan trọng ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á đã cho thấy các hoạt động hỗ trợ người dân Đại Lục. Nhiều sinh viên quốc tế nói rằng đi biểu tình là trách nhiệm, và họ không sợ ĐCSTQ trả thù.
Những cuộc tuần hành ở nước ngoài này là trường hợp hiếm hoi về việc người dân Trung Quốc đoàn kết trong và ngoài nước để bày tỏ tức giận đối với ĐCSTQ. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây một thập kỷ, nhà cầm quyền toàn trị này đã đàn áp những người bất đồng chính kiến và thắt chặt kiểm soát đối với xã hội dân sự, phương tiện truyền thông và internet, do đó các cuộc biểu tình chống phong tỏa quy mô lớn nổ ra trên nhiều thành phố ở Trung Quốc như hiện nay là rất hiếm.
New York – Mỹ
Chủ nhật (27/11), trong khuôn viên Đại học Columbia và tại Quảng trường Washington gần Đại học New York, nhiều sinh viên Trung Quốc đã tụ tập để ủng hộ phong trào phản kháng của người dân Trung Quốc Đại Lục và để tang các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Urumqi – Tân Cương hôm 24/11.
Tại Đại học Columbia, sinh viên treo bảng hiệu trong trung tâm hoạt động sinh viên:
– “Ủng hộ các cuộc biểu tình chống lại xét nghiệm axit nucleic và phong tỏa cưỡng chế ở tất cả các vùng của Trung Quốc, chống chế độ độc tài độc đảng!”
– “Ủng hộ yêu cầu của người dân Trung Quốc về dân chủ, pháp quyền và tự do ngôn luận!”
– “Cầu mong tiếng kêu này lan đến mọi nơi trên thế giới, cầu cho tất cả những ai yêu chuộng tự do đều nghe thấy!”
– “Vinh quang cho tất cả những ai đứng lên và từ chối làm nô lệ!”
Tại Quảng trường Washington bên cạnh Đại học New York, một số lượng lớn sinh viên Trung Quốc đã bất chấp gió lạnh và mưa phùn, để tụ tập giống như đồng bào của họ ở Trung Quốc Đại Lục. Họ giương cao biểu ngữ và giấy trắng đồng thời hô vang khẩu hiệu: “Chấm dứt ngăn chặn và kiểm soát, trả lại quyền tự do; chấm dứt dối trá, khôi phục tôn nghiêm; không Cách mạng Văn hóa, phải cải cách; chấm dứt [nhét] lãnh đạo [tùy tiện]; phải bầu cử; không làm nô lệ, cần làm công dân!”.
Paris – Pháp
Một số người biểu tình Trung Quốc ở nước ngoài cho biết đã đến lượt họ phải chia sẻ áp lực cho bạn bè và gia đình tại Đại Lục.
“Đây là điều tôi nên làm. Khi tôi nhìn thấy rất nhiều công dân và sinh viên Trung Quốc Đại Lục xuống đường, cảm giác của tôi là họ phải chịu đựng nhiều hơn chúng tôi… Chúng tôi hiện đang ở nước ngoài cũng cần đoàn kết với họ”, nghiên cứu sinh Chiang Seeta nói. Seeta là một trong những người tổ chức cuộc biểu tình ở Paris vào Chủ nhật (27/11) nhằm đoàn kết với Trung Quốc thu hút khoảng 200 người.
Người biểu tình đặt hoa và thắp nến bên ngoài Trung tâm Pompidou ở Paris tưởng niệm các nạn nhân vụ hỏa hoạn tại Urumqi – Tân Cương. Một số đổ lỗi cho Tập Cận Bình và ĐCSTQ, yêu cầu họ trả lại quyền lực cho người dân.
Luân Đôn – Anh
Tối Chủ nhật, một số lượng lớn người Anh gốc Hoa đã đổ xô đến đối diện với Đại sứ quán của ĐCSTQ ở London, phần lớn trong số họ là sinh viên Trung Quốc. Họ phản đối bộ máy cai trị chuyên chế ĐCSTQ áp đặt ‘Zero COVID’, thương tiếc các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Urumqi và hô vang những khẩu hiệu như “Tập Cận Bình trả lại quyền lực [cho dân]”, “Đảng Cộng sản trả lại quyền lực [cho dân]!”.
Tối ngày 27/11, đông đảo sinh viên Trung Quốc tại Anh đã đổ xô đến đối diện với Đại sứ quán của ĐCSTQ ở London để phản đối ‘Zero COVID’ và cai trị chuyên chế của ĐCSTQ. (Ảnh: Steven Leung)
Ông Ma Jian, một nhà văn người Anh [gốc Hoa] từng trải qua sự kiện Thiên An Môn năm 1989, cũng có mặt. Ông nói với tờ Epoch Times tại Anh rằng ông đã chứng kiến rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc Đại Lục đứng lên làm trái tim ông trào dâng: “Tôi rất cảm động…, sau 3 năm dịch bệnh COVID-19 thì người thân và bạn bè của họ ở Trung Quốc đã bị bức hại, bây giờ họ cảm thấy mình không còn gì, mọi thứ đều bằng không…. Điều bất thường nhất là giờ đây họ hô vang ‘Đả đảo Đảng Cộng sản, đả đảo Tập Cận Bình’”.
Ông nói rằng nhiều năm qua thường chỉ thấy sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài hành động theo chỉ dẫn của Đại sứ quán ĐCSTQ tập hợp ủng hộ nhà cầm quyền và lên án người chỉ trích, còn các cuộc biểu tình chống ĐCSTQ khá hiếm. Nhưng chính sách phong tỏa của ĐCSTQ đã thay đổi điều này, như các cuộc biểu tình ở London cho thấy các du học sinh đã trở nên tỉnh táo hơn.
Biểu tình tại nhiều nơi ở Canada
Tối Chủ nhật, tại các thành phố lớn ở Canada (Toronto, Vancouver, Calgary, Halifax, Ottawa, Montreal…) đều có cảnh sinh viên Trung Quốc ra đường phố giận dữ hô vang: “ĐCSTQ trả lại quyền lực [cho dân]!”
Trước Lãnh sự quán ĐCSTQ ở Toronto, những đám đông xếp hàng dài hai bên đường, ước tính có gần nghìn người, hầu hết đều là sinh viên trẻ Trung Quốc du học, họ giơ những tờ giấy trắng và hô vang: “Chấm dứt xét nghiệm axit nucleic, trả lại tự do!”, “Chấm dứt [nhét] lãnh đạo [tùy tiện]; phải bầu cử”, “Không làm nô tài, cần làm công dân!”, “Chấm dứt dối trá, trả lại tôn nghiêm!”, “Người Trung Quốc cố lên”, “Bỏ phong tỏa Tân Cương”, “Thượng Hải thả người”…
Người dẫn chương trình Harrison Faulkner của Ratio’d đã tweet một video về cuộc biểu tình ở Toronto cho thấy những người biểu tình hô rất to. Mọi người đồng thanh: “Người Trung Quốc không chấp nhận [ĐCSTQ]!”, “Tự do hoặc chết!”, “ĐCSTQ hãy trả lại quyền lực [cho dân]!”
Tokyo – Nhật Bản
Vào Chủ nhật, nhiều người biểu tình gồm sinh viên Trung Quốc đã đến Shinjuku -Tokyo để phản đối chính sách ‘Zero COVID’ phong tỏa xã hội của ĐCSTQ. Reuters đưa tin, một trong những sinh viên đại học đến từ Bắc Kinh nói rằng bất kỳ cuộc biểu tình nào chống lại ‘Zero COVID’ nổ ra ở Trung Quốc hiển nhiên là quy trách nhiệm cho ĐCSTQ.
“Cốt lõi của nó là thể chế [toàn trị] Trung Quốc (ĐCSTQ)”, Sinh viên tên Emmanuel nói.
Sydney và Melbourne – Úc
Sinh viên Trung Quốc và sinh viên quốc tế tại Sydney – Úc cũng tổ chức hoạt động biểu tình, mọi người thắp nến và giơ những tờ giấy trắng tượng trưng cho các cuộc biểu tình ở Trung Quốc chống lại chính sách cai trị hà khắc của ĐCSTQ và để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Urumqi.
Trước thư viện bang Victoria – Úc vào Chủ nhật đã diễn ra hoạt động thỉnh nguyện phản đối do những người trẻ tuổi từ Trung Quốc Đại Lục tổ chức.
Hoạt động kháng nghị này có sự tham gia chủ yếu của hơn 100 sinh viên Trung Quốc Đại Lục từ các trường đại học khác nhau ở Melbourne cùng nhiều bạn trẻ địa phương. Mọi người được truyền cảm từ một loạt hoạt động biểu tình kháng nghị công khai ở nhiều nơi tại Trung Quốc Đại Lục như Urumqi, Trịnh Châu, Thượng Hải, Nam Kinh…, họ từ mọi ngóc ngách của Melbourne đã tự phát đến cổng thư viện bang để thắp nến tưởng nhớ những nạn nhân vụ hỏa hoạn tại chung cư ở Urumqi vào 24/11. Mọi người cũng giơ cao các áp phích khẩu hiệu và cùng nhau hô vang khẩu hiệu mà họ đã luôn cổ vũ: “Tự do hoặc chết”, “ĐCSTQ trả lại quyền lực [cho dân]!”, “Trả lại tự do, bỏ xét nghiệm axit nucleic”, “Chấm dứt [nhét] lãnh đạo [tùy tiện]; phải bầu cử!”
Anne-Marie Brady, một chuyên gia về Trung Quốc và là giáo sư tại Đại học Canterbury, đã tweet một bức ảnh cô cầm tờ giấy trắng thể hiện đoàn kết với các cuộc biểu tình ở Trung Quốc, cô viết bằng tiếng Trung Quốc: “Tôi sát cánh cùng những người dân Trung Quốc đang dũng cảm phản đối chính phủ, để chính phủ Trung Quốc biết rằng thế giới đang quan tâm cho người dân Trung Quốc”.
Trong các cuộc biểu tình nổ ra ở Trung Quốc gần đây, nhiều người đã biểu tình với những tờ giấy trắng trên tay, tượng trưng cho sự phản đối hệ thống kiểm duyệt hà khắc tàn bạo của ĐCSTQ.
Đài Loan
Tại Quảng trường Tự do ở Đài Bắc tối Chủ nhật (27/11) cũng chứng kiến cảnh nhiều người cầm giấy trắng và thắp nến bày tỏ tình đoàn kết với người dân Đại Lục trong chiến dịch chống lại ĐCSTQ.
Tại hiện trường có những biểu ngữ lớn: “Tự do hoặc chết”, “Cầu cho người chết yên nghỉ, cầu cho người sống phản kháng, cầu cho tiếng khóc trong im lặng được nghe thấy!”, “Chúng tôi bị gãy chân, các người lại bịt miệng chúng tôi”….
Các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân vụ hỏa hoạn tại chung cư ở Tân Cương bắt đầu lúc 6:30 tối và ngày càng đông người tham gia. Một số người viết lời chia buồn trên dải vải trắng, trong khi một số người cầm biểu ngữ với dòng chữ tiếng Trung: “Đừng im lặng, đừng tê liệt, đừng sợ hãi”. Ngày càng có nhiều băng rôn mang đến với nội dung “Đả đảo Đảng cộng sản”, “Đả đảo kẻ phản quốc Tập Cận Bình”, “Vùng lên thoát khỏi ách nô lệ”…
Hồng Kông
Tối thứ Hai (28/11), hàng chục người biểu tình đã tập trung tại khu trung tâm thương mại (Central District) của Hồng Kông, nơi đây vào năm 2019 đã là một trong những địa điểm người Hồng Kông tập trung biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông.
Lam, một công dân Hồng Kông 50 tuổi, nói: “Tôi nghĩ đây là quyền bình thường để mọi người bày tỏ quan điểm của mình. Tôi không nghĩ họ (ĐCSTQ) nên đàn áp quyền này”, Reuters đưa tin.
Ngoài ra, những video lan truyền trên mạng cho thấy hàng chục sinh viên cũng tập trung tại khuôn viên Đại học Trung Văn Hồng Kông để tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn ở Urumqi – Tân Cương.
Nhiều cư dân mạng Hoa Lục bày tỏ nỗi ân hận và xin lỗi người Hồng Kông vì đã đứng về phía cảnh sát và lên án họ trong phong trào biểu tình chống dẫn độ năm 2019.
Một cư dân mạng Đại Lục trả lời rằng bây giờ hoàn toàn có thể hiểu được cảm giác của người dân Hồng Kông: “Khi phong trào chống dẫn độ đang diễn ra, đại đa số người dân ở Trung Quốc Đại Lục ủng hộ cảnh sát và mắng người dân Hồng Kông. Bây giờ chúng ta phải chịu báo ứng.”
Sau đó, một số cư dân mạng lần lượt bình luận bày tỏ lời xin lỗi đến người dân Hồng Kông (trích đoạn như sau):
“Năm 2019 cười chê Hồng Kông, năm 2020 phỉ báng Hồng Kông, năm 2021 hiểu ra Hồng Kông, năm 2022 đi theo Hồng Kông. Xin lỗi Hồng Kông, Thượng Hải, Đài Loan, Tây Tạng, và Tân Cương.”
“Có một cái giá phải trả cho sự vô cảm. Khi người dân Hồng Kông đấu tranh cho tự do, chúng tôi đã để cho các phương tiện truyền thông trong nước thao túng dư luận và không lên tiếng cho họ. Vì vậy, bây giờ, tôi biết ơn và xấu hổ vì bất kỳ tiếng nói nào trong Hồng Kông không quan tâm đến những nghi ngờ trong quá khứ. Cảm ơn bạn.”
“A… nghĩ lại những gì Hồng Kông đã trải qua trước đây… Tôi rất tiếc là lúc đó tôi đã không ủng hộ, và bây giờ Bức tường Dân chủ tại Đại học Hồng Kông đã không còn nữa.”
“Vẫn luôn là Đại Lục có lỗi với Hồng Kông.”
“Hồng Kông… xin lỗi… lúc đó họ bịt mắt tôi, bịt tai tôi và hóa trang thành hề. Hồng Kông, xin cảm ơn!”
“Này, bây giờ đã nhận ra thật ngu ngốc khi chế nhạo sinh viên đại học Hồng Kông chưa?”
“Vinh quang cho Hồng Kông, vinh quang cho Trung Quốc.”
Một cư dân mạng Hồng Kông viết trong một tin nhắn: “Tôi không thể quên sự giễu cợt và mỉa mai của người Đại Lục đối với chúng tôi trong năm 2019. Vì bạn đã đứng lên, tôi hy vọng bạn sẽ thành công, và tôi hy vọng rằng xương của bạn sẽ cứng cáp hơn. Đừng vì tiểu ân tiểu huệ mà đánh mất cốt khí ngày hôm nay”.
Cũng có cư dân mạng Hồng Kông kêu gọi buông bỏ oán hận đối với đồng bào Đại Lục, nói rằng họ cũng bị ĐCSTQ xúi giục, và giờ đây họ đã có thể thức tỉnh.
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho biết trong một cuộc họp giao ban thường kỳ hôm thứ Hai rằng ông ta không biết về các cuộc biểu tình nổ ra ở nước ngoài kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt chính sách ‘Zero COVID’. Khi được hỏi về các cuộc biểu tình trong nước, ông Triệu Lập Kiên cho biết câu hỏi không phản ánh tình hình thực tế, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh tin rằng cuộc chiến chống lại dịch bệnh sẽ thành công.
Mộc Vệ (t/h)