Quan chức Ukraine nêu con đường duy nhất để kết thúc xung đột với Nga
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, mới đây đã nêu ra con đường duy nhất để kết thúc cuộc xung đột hiện nay với Nga, trong đó có thất bại của Moscow trên chiến trường.
“Chỉ có một con đường duy nhất để kết thúc chiến tranh: quân đội Nga thất bại trên chiến trường + lệnh trừng phạt làm cạn kiệt nền kinh tế Nga + sự cô lập Nga trên thị trường thế giới + việc gây suy yếu bên trong nước Nga = chiến thắng của Ukraine và khôi phục an ninh toàn cầu”, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán của Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 11/12 vừa qua.
Не треба боятися постпутінського майбутнього. Є лише один шлях до завершення війни: військові поразки Росії на полі бою + санкційне виснаження ru-економіки + ізоляція Росії на світових ринках + внутрішній саботаж всередині Рф = перемога України та відновлення глобальної безпеки.
— Михайло Подоляк (@Podolyak_M) December 11, 2022
Trước đó, ngày 1/12, ông Podolyak xác nhận Ukraine đã mất 10.000 – 13.000 binh sĩ kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công từ cuối tháng 2. Ông cũng bác bỏ mọi nhượng bộ về lãnh thổ, khẳng định việc từ bỏ lãnh thổ là “không thể chấp nhận đối với Ukraine”.
Bên cạnh đó, ông cho hay rằng Kyiv chưa bao giờ từ chối đàm phán với Moscow, tuy nhiên hiện không có cơ sở để nối lại các cuộc đàm phán. Ông Podolyak cho biết các cuộc đàm phán sẽ chỉ nối lại khi quân đội Ukraine giành được những chiến thắng mang tính quyết định trên các mặt trận miền nam và miền đông.
Theo quan chức Ukraine, các cuộc đàm phán với Nga về việc giải quyết xung đột đã bị đình chỉ, do Nga vẫn mang tư duy rập khuôn. Ông Podolyak cho hay rằng Nga không nhận ra rằng cuộc chiến tại Ukraine không còn diễn ra theo đúng cách thức, kế hoạch và lịch trình mà Moscow dự tính.
Hồi tháng 8, cố vấn của Tổng thống Ukraine tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào được đàm phán với Moscow sẽ phụ thuộc vào lệnh ngừng bắn và việc rút quân của Nga. Trong khi đó, Nga nhiều lần cho biết rằng chiến dịch quân sự chỉ chấm dứt khi Kyiv đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra, bao gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass – nơi có 2 vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.
Phan Anh
The Times: Mỹ bật đèn xanh cho Ukraine dùng UAV tấn công vào lãnh thổ Nga
Quân đội Ukraine gần đây liên tục dùng máy bay không người lái (UAV) ném bom vào bên trong nước Nga, Lầu Năm Góc tuyên bố không đồng ý với các cuộc tấn công quá khích của quân đội Ukraine, nhưng truyền thông Anh nói rằng hành động này của Ukraine thực chất đã có được sự đồng tình của Lầu Năm Góc.
Tờ The Times của Anh đưa tin, kể từ khi cuộc tấn công vào khu dân sự tại Ukraine bị quân xâm lược Nga phát động vào tháng 10, Lầu Năm Góc đã kiểm tra lại và đánh giá mức độ đe dọa của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, cũng đánh giá liệu vũ khí cung cấp cho Kyiv có khả năng dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO hay không.
Thông tin dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi vẫn đang tính toán khả năng leo thang, nhưng lo ngại về leo thang đã thay đổi, lý do là người dân Ukraine đang phải chịu đựng hành vi tàn ác của quân xâm lược Nga”.
Nguồn tin cho biết Lầu Năm Góc hiện có nhiều khả năng cung cấp vũ khí tầm xa cho Kyiv. Theo phân tích, điều này là do những lo ngại của Lầu Năm Góc đã lắng xuống về khả năng Nga tấn công hạt nhân chiến thuật, hoặc tấn công các thành viên NATO có biên giới với Nga.
Các kênh truyền thông hàng đầu khác như Business Insider và Free Press Kashmir cũng đăng lại thông tin của The Times.
Nguồn tin nói với The Times rằng Washington không nói với Kyiv “đừng tấn công người Nga [ở Nga hoặc Crimea]”.
“Chúng tôi không thể bảo họ phải làm gì. Họ có quyền tự do sử dụng vũ khí”. Nhưng Washington nhắc nhở quân đội Ukraine rằng họ phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiệp ước Geneva khi sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.
The Times cũng đưa tin, Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa công nghệ cao, gồm bệ phóng tên lửa và máy bay không người lái được vũ trang. “Không có gì là không thể”, The Times dẫn lời quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ.
Vào ngày 5/12, các căn cứ không quân của Nga là Dyagilevo và Engels-2 cách biên giới kiểm soát thực tế giữa Nga và Ukraine lần lượt là 500 km và 700 km đã hứng chịu oanh tạc, sau đó vào ngày 6/12 sân bay Kursk của Nga cũng bị tấn công.
New Imagery of the aftermath of the attack on the #Russian #Dyagilevo airbase today – burn marks near a Tu-22M bomber. pic.twitter.com/NVlzhXcSse
— ImageSat Intl. (@ImageSatIntl) December 5, 2022
Thời điểm đó, nhiều nguồn tin cho biết rằng Washington không muốn bị coi là khuyến khích Ukraine tấn công Nga. Theo BBC, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói rằng Mỹ không khuyến khích hay cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ nước Nga, Washington không cung cấp vũ khí cho Kyiv để tấn công lãnh thổ Nga, Mỹ không khuyến khích các lực lượng Ukraine tấn công bên ngoài lãnh thổ Ukraine.
Để đề phòng các mục tiêu trên lãnh thổ Nga bị tấn công, Mỹ cũng đã đặc biệt điều chỉnh vũ khí cung cấp cho Ukraine, hơn nữa bệ phóng rocket đa năng HIMARS chỉ được trang bị đạn chính xác với tầm bắn 80 km. Sau khi phía Mỹ điều chỉnh thì quân đội Ukraine không thể sử dụng loại đạn tầm xa hơn có được từ các nguồn khác ngoài Mỹ trên bệ phóng HIMARS. Vấn đề này cũng được tờ WSJ đưa tin.
Nga cảnh báo Mỹ không vượt qua ranh giới
Tổng thống Nga Putin cảnh báo rằng nếu Washington cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine nghĩa là “vượt quá giới hạn”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo nếu Washington quyết định cung cấp vũ khí tầm xa cho Kyiv, họ sẽ vượt qua lằn ranh đỏ và trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cho rằng đã từ lâu phương Tây số hóa bản đồ của Nga, có thể cung cấp đường bay chính xác để tránh radar giúp máy bay không người lái của Ukraine có thể thuận tiện thực hiện các cuộc tấn công tầm xa.
Khả Doãn, Vision Times
Đường phố Bắc Kinh vắng tanh vì số ca nhiễm gia tăng sau khi bỏ phong tỏa
Có nhận định cho rằng nỗi tức giận của công chúng Trung Quốc về chính sách chống dịch COVID-19 đang chuyển sang lo lắng về bùng phát dịch bệnh sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bỏ ‘Zero COVID’.
Từ thứ Tư tuần trước (7/12), mặc dù ĐCSTQ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế nghiêm ngặt về kiểm soát dịch bệnh COVID-19, chẳng hạn như bỏ kiểm tra xét nghiệm thường xuyên ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, nhưng vẫn phải chứng kiến cảnh hoạt động kinh tế ảm đạm.
Lý do được cho là nhiều doanh nghiệp trước đó buộc phải ngừng hoạt động vì số người lao động nhiễm virus phải cách ly, hoặc nhiều người thuộc diện nguy cơ cảm nhiễm cao, đã quyết định không ra ngoài. Nơi thường thấy nhiều người chỉ có ở bên ngoài các phòng khám và hiệu thuốc, tại đó những đoàn người xếp hàng dài chữa trị và mua thuốc.
Nhà dịch tễ học Trung Quốc Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) nói với truyền thông rằng chủng Omicron lưu hành ở Trung Quốc rất dễ lây lan, một người nhiễm có thể lây lan cho 18 người. “Chúng ta có thể hứng chịu hàng trăm ngàn hoặc hàng chục ngàn người ở một số thành phố lớn bị nhiễm COVID-19”, ông Chung nói.
Bằng chứng chỉ ra là tại thủ đô Bắc Kinh với dân số gần 22 triệu người, là nơi có nhiều trường hợp nhiễm hơn hết.
Mặc dù số ca COVID-19 gia tăng đột biến, nhưng do giảm xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn, khiến số trường hợp mới bị COVID-19 trong thống kê chính thức đã “giảm mạnh”. Vào thứ Bảy, cơ quan y tế Trung Quốc đã báo cáo 1661 ca nhiễm mới ở Bắc Kinh, giảm 42% so với 3974 ca vào ngày 6/12 là ngày trước khi chính sách kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng ở mức độ lớn.
“Ở công ty của chúng tôi, số người âm tính với COVID-19 gần như bằng không”, một nhân viên công ty du lịch ở Bắc Kinh cho biết. “Chúng tôi nhận ra rằng đây là điều không thể tránh khỏi – mọi người đều phải làm việc tại nhà”.
Con đường phục hồi bình thường còn đầy gian khó
Chủ Nhật là ngày làm việc bình thường của các cửa hàng ở Bắc Kinh, đó là ngày thường sôi động, đặc biệt là ở khu phố Thập Sát Hải (Shichahai) có lịch sử lâu đời là nơi tập trung đông đúc cửa hàng nghệ thuật và quán cà phê. Tuy nhiên, Chủ Nhật này (11/12) lại có rất ít người ra ngoài. Tại quận Triều Dương là nơi đông dân nhất của Bắc Kinh, nhưng các trung tâm mua sắm gần như vắng bóng người, nhiều thẩm mỹ viện và nhà hàng cùng cửa hàng bán lẻ đóng cửa.
Các nhà kinh tế nhìn chung dự đoán con đường phục hồi sức khỏe kinh tế của Trung Quốc sẽ rất khó khăn, vì những cú sốc như tình trạng thiếu lao động do người lao động nghỉ bệnh làm trì hoãn quá trình phục hồi hoàn toàn.
Nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Capital Economics (tổ chức nghiên cứu kinh tế độc lập có trụ sở tại London) là Mark Williams cho biết: “Nguy cơ lây nhiễm cao hơn đã khiến chi tiêu cá nhân của mọi người không ngừng giảm thiểu trong nhiều tháng qua”.
Theo Capital Economics, so với cùng kỳ năm 2022 thì năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 1,6% trong quý đầu tiên và 4,9% trong quý thứ hai.
Chuyên gia dịch tễ Trung Nam Sơn cũng cho biết sẽ mất vài tháng để tình hình trở lại bình thường: “Quan điểm của tôi là vào nửa đầu năm sau, cụ thể là khoảng sau tháng Ba năm sau”.
Hiện nay, dù ĐCSTQ đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong nước, nhưng ở mức độ lớn thì xuất nhập cảnh từ nước ngoài cũng không nới lỏng, bao gồm cả khách du lịch.
Từ Giản, Epoch Times
Cảnh sát Trung Quốc bắt họa sĩ vẽ chân dung người biểu tình
Gần đây có thông tin họa sĩ Tiêu Lượng người Giang Tây (Trung Quốc) đã bị bắt, vì đăng bức chân dung của ông Bành Tái Chu (Bành Lập Phát) – người biểu tình và giăng biểu ngữ phản đối ông Tập Cận Bình trên cây cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh.
Trước thềm Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một người đàn ông Bắc Kinh đã treo biểu ngữ lớn gần cầu Tứ Thông, với dòng chữ “Không cần axit nucleic, cần lương thực; không cần phong tỏa, cần tự do; không cần dối trá, cần tôn nghiêm”, gây chấn động quốc tế.
Ngày 11/12, theo Human Rights Defenders, họa sĩ Tiêu Lượng tại thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã bị chính quyền giam giữ hành chính với danh nghĩa “gây gổ và gây rối”, vì đã đăng một bức chân dung của Bành Tái Chu – người biểu tình tại cầu Tứ Thông trên nền tảng truyền thông xã hội Twitter nước ngoài.
Ông đã bị chuyển đến trại giam hình sự, và đến nay vẫn mất liên lạc với thế giới bên ngoài.
Theo báo cáo, Twitter của họa sĩ Tiêu Lượng được cập nhật lần cuối vào ngày 15/10, tức ngày ông công bố bức chân dung của Bành Tái Chu.
彭立发先生画像 pic.twitter.com/jeUfpX9nEf
— 中国画者 (@xiaoliang999) October 15, 2022
Tối ngày 11/12, trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, bà Diêm là vợ của ông Tiêu Lượng tiết lộ rằng ông đã bị cảnh sát bắt vào ngày 16/10, và một trong số các máy tính của ông cũng bị mang đi. Khi đó lại đúng lúc bà không có nhà.
“Vào khoảng 6:00 tối hôm đó, Đội An ninh Quốc gia của Văn phòng Công an Đông Hồ thuộc thành phố Nam Xương đã đến nhà đưa tôi đi thẩm vấn. Cảnh sát hỏi tôi: ‘Lão Tiêu có sở thích gì, kết bạn với người thế nào? Ông ấy có tham gia tổ chức nào, hay nhận tiền của ai không?’ Tôi nói, cuộc sống vợ chồng của chúng tôi rất đơn giản. Ông ấy không thích kết bạn, nên ít giao du với bạn bè, cũng không tham gia bất kỳ tổ chức nào hay nhận tiền của bất kỳ ai”.
Bà Diêm cho biết, sau đó, cảnh sát nói với bà rằng ông Tiêu Lượng không được phép về nhà, họ vẫn đang điều tra.
“Sau đó, ông ấy (Tiêu Lượng) bị tạm giam với tội danh gây gổ và gây rối. Viện kiểm sát ký lệnh vào ngày 7/12. Tôi không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra khi ông ấy bị bắt. Cảnh sát nói rằng họ không thể cho chúng tôi biết.”
Theo bà Diêm, sau đó bà đã thuê luật sư cho ông Tiêu Lượng, đến nay cũng đã được gặp ông 2 lần, nhưng không thảo luận bất kỳ vấn đề gì. “Luật sư nói hiện trạng thái tinh thần của ông ấy rất tốt. Lão Tiêu mắc bệnh tiểu đường, mỗi ngày đều cần insulin, tôi đã đưa thuốc cho ông ấy 2 lần.”
Trước đó, ngày 13/10, Vision Times đưa tin, ngay trước thềm khai mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ, ông Bành Tái Chu, một công dân Bắc Kinh, đã treo biểu ngữ trên cầu Tứ Thông ở quận Hải Điện, nơi an ninh được kiểm soát rất chặt chẽ.
Biểu ngữ ghi: “Không cần axit nucleic, cần lương thực; không cần phong tỏa, cần tự do; không cần dối trá, cần tôn nghiêm; không cần Cách mạng Văn hóa, cần cải cách; không cần lãnh tụ, cần bầu cử; không làm nô lệ, làm công dân.” “Bãi khóa, bãi công, bãi chức quốc tặc Tập Cận Bình.”
Ông còn hô vang những khẩu hiệu như “Cần lương thực! Cần tự do! Cần bầu cử!”
Ông Bành Tái Chu đã nhanh chóng bị cảnh sát bắt đi, hiện vẫn chưa rõ tung tích.
Giới chức ĐCSTQ vẫn im lặng về việc làm thế nào ông ấy có thể vượt qua được sự kiểm soát của các nhân viên an ninh, và thành công trèo lên cầu treo những biểu ngữ lớn.
Sự việc này đã nhanh chóng được dư luận trong và ngoài nước hưởng ứng. Nội dung của tấm biểu ngữ cũng trở thành khẩu hiệu kêu gọi, phản đối chung của nhân dân cả nước trong “Phong trào Giấy trắng” vừa qua.
Biểu tình giấy trắng ở Bắc Kinh. (Ảnh chụp màn hình video)
Khi các cuộc biểu tình phản đối Zero-COVID nổ ra khắp Trung Quốc, nhiều người biểu tình đã cầm tờ giấy trắng để bày tỏ sự tức giận trước hành động phong tỏa tàn bạo của ĐCSTQ.
Hình thức biểu đạt bất đồng chính kiến theo cách hiếm thấy này đang được chứng kiến trên khắp các đường phố và khuôn viên trường đại học ở một số thành phố của Trung Quốc.
Hưởng ứng cuộc “Cách mạng Giấy trắng”, hơn 50 trường cao đẳng và đại học tại Trung Quốc đã phát động biểu tình phản đối thể chế toàn trị của ĐCSTQ.
Epoch Times đưa tin, tối ngày 28/11, hơn 100 sinh viên Trung Quốc đã tập trung trước Tòa thị chính Sydney để phản đối chính sách Zero-COVID cực đoan và chế độ độc tài của ĐCSTQ. Họ hô vang khẩu hiệu: “Tập Cận Bình hãy từ chức! ĐCSTQ hãy hạ đài”.
Theo thông tin được chia sẻ trên mạng, cô Lý Khang Mộng (Li Kangmeng), nữ sinh Học viện Truyền thông Nam Kinh, người được mệnh danh là người đầu tiên trong “Phong trào Giấy trắng”, đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vào ngày 30/11 vì cầm một tờ giấy trắng để phản đối chính sách phong tỏa. Hiện cô cũng mất liên lạc.
Bình Minh (t/h)