Bình Định: Cựu Bí thư huyện giả chữ ký để ‘thâu tóm’ gần 140ha đất rừng phòng hộ

Trong gần 140 ha đất rừng phòng hộ bị ông Nguyễn Đình Kim giả chữ ký để thâu tóm, có 115 ha đất ở xã Vĩnh Hiệp và 23,4 ha ở xã Vĩnh Hảo. (Ảnh minh họa: baobinhdinh.vn)

Trong gần 140 ha đất rừng phòng hộ bị ông Nguyễn Đình Kim giả chữ ký để “thâu tóm”, có 115 ha ở xã Vĩnh Hiệp và 23,4 ha ở xã Vĩnh Hảo.

Ngày 13/12, Thanh tra tỉnh Bình Định công bố sai phạm liên quan việc chiếm đất rừng trong nhiều năm của cựu Bí thư huyện Vĩnh Thạnh Nguyễn Đình Kim.

Theo kết luận, ông Kim đã tự viết đơn, giả chữ ký, làm giúp hồ sơ xin giao đất cho 5 trường hợp đều có quan hệ họ hàng với ông này.

Cụ thể, tại tiểu khu 176 a ở xã Vĩnh Hoà (nay là xã Vĩnh Hiệp), huyện Vĩnh Thạnh, Thanh tra tỉnh Bình Định xác định UBND huyện Vĩnh Thạnh giao đất cho các hộ: Bùi Văn Sum, Nguyễn Thị Thử, Bùi Thị Ngọc Vân và cá nhân Nguyễn Đình Sơn là không đúng đối tượng. Trong đó, ông Sum, bà Vân là cháu ruột; bà Thử là chị ruột; còn ông Sơn là con ruột ông Nguyễn Đình Kim.

Thời điểm được giao đất rừng, 4 người này đều không có hộ khẩu tại xã Vĩnh Hoà. Đơn xin giao đất không thể hiện được nhu cầu sử dụng đất, không ghi địa điểm cụ thể khu đất xin giao. Mục đích sử dụng trồng rừng sản xuất gắn kết trồng rừng phòng hộ là không đúng quy định.

Bản đồ trích lục các khu đất xin giao do ông Nguyễn Đình Kim nhờ người đo vẽ rồi chuyển cho Phòng Kinh tế – Hạ tầng nông thôn huyện ký xác nhận. Tại thời điểm giao đất, Phòng không có thiết bị và không có cán bộ chuyên môn phù hợp để đo, vẽ; biên bản thẩm định hồ sơ xin giao đất không có đầy đủ thành phần tham dự.

Từ khi được giao đất (năm 2004) đến nay, ông Kim trực tiếp quản lý, sử dụng. Tổng diện tích đất rừng phòng hộ bị thiệt hại là 115 ha.

Ngoài ra, tại tiểu khu 169 ở xã Vĩnh Hảo, UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng đã giao đất cho hộ vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng, cháu ruột ông Nguyễn Đình Kim, không đúng quy định. Vụ việc có dấu hiệu thông đồng, hợp thức hoá hồ sơ giao đất, đứng tên hộ, gây thiệt hại nhà nước với diện tích 23,4 ha đất rừng phòng hộ.

Thanh tra tỉnh Bình Định kết luận UBND huyện Vĩnh Thạnh giao đất cho những trường hợp tại tiểu khu 176 a và tiểu khu 169 là không đúng đối tượng. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định. Vụ việc có dấu hiệu thông đồng, hợp thức hoá hồ sơ giao đất, đứng tên hộ, gây thiệt hại cho nhà nước 138,4 ha đất rừng phòng hộ, có dấu hiệu tội phạm.

Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định đã đề nghị UBND huyện Vĩnh Thạnh thu hồi toàn bộ 138,4 ha đất rừng phòng hộ cấp sai, đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh để điều tra, làm rõ.

Phạm Toàn

Trung tâm thẩm mỹ tiêm thuốc khiến cô gái tử vong: Chỉ đăng ký ngành nghề chăm sóc da

Trung tâm thẩm mỹ “Key Beauty Center” đã gỡ biển hiệu, dọn sạch đồ từ tầng trệt đến tầng 2 sau khi khiến một khách hàng 25 tuổi tử vong. (Ảnh: thanhtra.medinet.gov.vn)

Đăng ký ngành nghề kinh doanh là chăm sóc da mặt, phun thẩm mỹ, Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (quận Phú Nhuận, TP.HCM) lại thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ đốt mỡ, khiến cô gái trẻ bị sốc thuốc gây tê, tử vong 3 ngày sau đó.

Theo thông tin từ đại diện UBND phường 8, quận Phú Nhuận (TP.HCM), Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (địa chỉ 154/9 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM) – nơi khiến một phụ nữ 25 tuổi tử vong do sốc thuốc gây tê trước khi phẫu thuật hút mỡ – do ông Huỳnh Trung Đồng làm chủ, đăng ký giấy phép kinh doanh ngày 29/3/2022.

Ngành nghề đăng ký kinh doanh của trung tâm này là chăm sóc da mặt, phun thẩm mỹ, không có giấy phép dùng thuốc tê và phẫu thuật làm đẹp. Sở Y tế chưa cấp phép cho cơ sở này thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Đáng lưu ý, Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center đã đăng ký giấy phép kinh doanh tại UBND quận Phú Nhuận và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM với tên hai người khác nhau.

Vào ngày 3/5/2022 và ngày 8/7/2022, Công an phường 8 và Trạm y tế phường 8 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh này. Nhưng trong cả 2 lần đến, cơ sở đều đóng cửa, không hoạt động.

Như tin đã đưa, ngày 26/11, N.T.P. (SN 1997) đã tử vong 3 ngày sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đó, bệnh nhân được tiêm thuốc gây tê/mê để chuẩn bị phẫu thuật đốt mỡ vùng 2 cánh tay và ngực tại Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center. Bệnh nhân được xác định tử vong do bị sốc phản vệ, tổn thương não và biến chứng hôn mê, suy hô hấp tuần hoàn.

Ngày 6/12, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đến kiểm tra cơ sở thì thấy cơ sở thẩm mỹ nói trên đã gỡ biển hiệu, tầng trệt còn sót lại một ghế tiểu phẫu. Chủ nhà cho biết ngày 1/12, người thuê căn nhà để kinh doanh chăm sóc da đã trả nhà, thanh lý hợp đồng và dọn đi nơi khác.

Hiện Sở Y tế TP.HCM đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan vụ việc đến Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Sở Y tế TP.HCM cho biết theo quy định, cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu, làm móng được hoạt động không cần điều kiện quy định về y tế, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (đăng ký kinh doanh công ty), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Những cơ sở chăm sóc sắc đẹp này hoàn toàn không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì. Đây là nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế.

Một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chui (nâng mũi, cắt mí mắt) không giấy phép. không biển hiệu tại tại số 256/69 Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM bị người dân phát giác. (Ảnh: thanhtra.medinet.gov.vn)

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phun, xăm, thêu trên da cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp và thêm điều kiện bắt buộc là người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Các cơ sở này phải gửi thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ đến Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Những cơ sở thuộc nhóm này không được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

“Hiện chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng “dịch vụ làm đẹp”. Hiện tượng phổ biến là hầu hết biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên “Thẩm mỹ viện” hay “Viện thẩm mỹ”… – Sở Y tế TP.HCM cho hay. Dù bị cấm, một số cơ sở chăm sóc da (spa), cắt tóc, gội đầu, làm móng và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da đã sử dụng thuốc tê dạng tiêm và cung cấp các dịch vụ làm đẹp trái phép.

Trong đó, cơ sở chăm sóc da – Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center lén lút thực hiện phẫu thuật đốt mỡ với thuốc gây tê, từ đó xảy ra sốc phản vệ gây chết người nói trên là một ví dụ.

Thạch Lam

Related posts