Trung Quốc cạn kiệt thuốc cảm cúm buộc Đài Loan phải hành động
Cơ quan y tế Đài Loan hôm 15 tháng 12 đã tìm cách xoa dịu những lo ngại rằng nhu cầu cao về thuốc cúm của Trung Quốc có thể gây ra tình trạng thiếu thuốc ở Đài Loan.
Việc Trung Quốc đột ngột nới lỏng các quy định về phòng chống COVID vào tuần trước đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt các loại thuốc dùng để điều trị sốt và các triệu chứng cảm lạnh khác. Với việc Trung Quốc cung cấp 50% hoạt chất dược phẩm của Đài Loan, điều này làm dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt sắp xảy ra nếu Bắc Kinh ngừng xuất khẩu.
Giám đốc Trung tâm chỉ huy dịch bệnh trung ương Vương Tất Thắng cho biết hôm thứ Năm rằng Đài Loan có kho dự trữ 54 triệu viên Paracetamol và 910.000 viên Ibuprofen, chưa kể kho hoạt chất có thể được sử dụng để sản xuất thuốc.
Một quan chức của Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết việc cung cấp các loại thuốc liên quan đang được giám sát chặt chẽ và các nhà sản xuất dược phẩm trong nước đã được yêu cầu cung cấp hoạt chất từ các quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ, Pháp và Ý.
Đài Loan đã thực hiện một hệ thống báo cáo về các loại thuốc dự kiến sẽ hết trong sáu tháng. Chính phủ sẽ can thiệp bằng nhập khẩu nhanh và các hỗ trợ khác.
Các hiệu thuốc ở Đài Bắc đã báo cáo về sự gia tăng nhu cầu đối với thuốc hạ sốt bởi nó được nhiều người mua và chuyển sang Trung Quốc đại lục.
Theo Reuters, tình trạng tích trữ thuốc hạ sốt trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng ở Trung Quốc cũng đang diễn ra ở Hồng Kông, Ma Cao và Úc, với những người tranh nhau mua thuốc để gửi sang Trung Quốc.
Liên Thành
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp tiêm vaccine Covid-19 của Mỹ vì hàng nội địa không đủ an toàn
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lô Sa Dã (Lu Shaye), vài ngày trước công khai thừa nhận rằng ông đã tiêm vaccine Pfizer của Mỹ, đồng thời nói rằng tính an toàn của vaccine nội địa Trung Quốc “không được bảo đảm hoàn toàn”.
Hôm 14/12/2022, trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã công bố “Biên bản trao đổi” ngày 7/12 giữa Đại sứ Trung Quốc Lô Sa Dã với Hiệp hội Phóng viên Ngoại giao Pháp.
Trả lời câu hỏi của giới truyền thông, ông Lô Sa Dã nói rằng Trung Quốc có vaccine mRNA của riêng mình và không cần vaccine của phương Tây. Nhưng chính ông đã ngay lập tức thừa nhận rằng bản thân đã tiêm vaccine Pfizer của Mỹ.
Ông Lô cũng nói rằng, không giống như hầu hết các nước phương Tây – nơi tiêm vaccine cho người già trước, chính phủ Trung Quốc cho rằng nên tiêm vaccine cho thanh niên và trung niên trước sẽ an toàn hơn, vì “xét thấy rằng độ an toàn của vaccine không được bảo đảm hoàn toàn”. Ông nói, những người trẻ tuổi vẫn phải đi làm, do đó tiêm phòng cho họ trước cũng là để có thể sớm quay trở lại làm việc và sản xuất.
Nhà văn người Canada gốc Hoa, bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), nói với The Epoch Times vào ngày 16/12 rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn khoe khoang về vaccine của mình. Họ nói rằng vaccine Trung Quốc rất tuyệt vời, rằng vaccine của ĐCSTQ sẽ không bao giờ chấp nhận những nghi ngờ từ bên ngoài. Nhưng ông Lô Sa Dã, với tư cách là một quan chức đại diện cho ĐCSTQ tại Pháp, đã tự mình đi tiêm vaccine của Hoa Kỳ.
“Và [ông ấy] cũng nói rằng tính an toàn của vaccine Trung Quốc chưa được xác nhận. Nhưng họ lại tiêm loại vaccine như vậy cho những người trẻ tuổi, có phải tự mâu thuẫn không? ĐCSTQ hiện đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, những gì họ nói hoàn toàn là vô nghĩa”.
Bà Thịnh Tuyết nói rằng, ĐCSTQ hoàn toàn không quan tâm đến tính mạng của người dân Trung Quốc. Tỷ lệ tiêm chủng của nhóm người trẻ tuổi ở Trung Quốc rất cao, vì ĐCSTQ vô cùng sợ hãi những người trẻ tuổi và muốn kiểm soát họ về mọi mặt, vì vậy trong toàn bộ quá trình kiểm soát dịch bệnh, mục tiêu của chế độ này chủ yếu nhắm vào những người trẻ tuổi.
“Bởi vì vaccine không an toàn nên tiêm cho người trẻ tuổi trước, nó có nghĩa là họ căn bản không quan tâm đến tính mạng của người dân. Hơn nữa còn phải tiêm hai mũi, ba mũi, thậm chí bốn mũi, chính là dùng vaccine để phát tài trước nỗi khổ của nhân dân”.
Sau khi bị đăng tải lên Internet, “Biên bản trao đổi” của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội ở nước ngoài và gây ra khá nhiều tranh luận. Nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng, ông Lô Sa Dã là quan chức ĐCSTQ đầu tiên thừa nhận đã tiêm vaccine Pfizer.
Có cư dân mạng viết:
- “Quan chức ngoại giao của Trung Quốc ở Anh bị triệu hồi về nước rồi, ông đại sứ lưu manh của Trung Quốc ở Pháp cũng sẽ sớm bị gọi về nhỉ?”.
- “Một lời này đã khiến các ‘rau hẹ’ bừng tỉnh chưa?” (‘Rau hẹ’ bắt nguồn từ cụm từ ‘cắt rau hẹ’, ám chỉ việc ĐCSTQ bóc lột của cải từ mọi tầng lớp nhân dân Trung Quốc. Rau hẹ là một loại rau dễ trồng, hễ cắt lại mọc, giống như xén lông cừu).
ĐCSTQ chính thức thông báo vào tháng Bảy năm nay rằng, các nhà lãnh đạo tại nhiệm của đảng và nhà nước đã hoàn thành việc tiêm vaccine Covid-19 và tất cả đều tiêm loại được sản xuất trong nước Trung Quốc. Nhưng phía chính quyền lại không cung cấp hồ sơ tiêm chủng.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học người Hoa sống ở Úc, nói với The Epoch Times vào ngày 16/12 rằng, ông Lô Sa Dã cho biết vaccine nội địa không được bảo đảm an toàn, cũng tức là nói, loại vaccine mà ĐCSTQ cưỡng chế tiêm chủng cho người dân không có tác dụng phòng dịch? Điều này cho thấy, có lẽ tất cả các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đều đã tiêm vaccine nước ngoài.
Theo The Epoch Times tiếng Hoa
Đông Phương biên dịch
Moscow cảnh báo Mỹ về ‘hậu quả khó lường’ nếu triển khai hệ thống tên lửa Patriot tới Ukraine
Hôm 15/12, Nga đã cảnh báo Mỹ về một ‘hậu quả khó lường’ nếu Washington tiếp tục trang bị cho quân đội Ukraine các hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Hôm 15/12, Đại sứ quán Nga tại Washington cho biết trong một tuyên bố: “Một chiến dịch tuyên truyền liên quan đến việc chuẩn bị cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến cho Kyiv đã được khởi xướng tại Hoa Kỳ. Nếu thông tin này được xác nhận, chúng tôi sẽ chứng kiến thêm một bước đi khiêu khích nữa của Mỹ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng, một phát ngôn viên sẽ hồi đáp những vấn đề này vào tối ngày 15/12 (theo giờ địa phương).
Một số phương tiện truyền thông phương Tây gần đây đưa tin rằng, Washington sẵn sàng cung cấp cho Kyiv các tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến Patriot.
Nếu được Nhà Trắng thông qua, đây sẽ là hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại nhất mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào cuối tháng Hai.
Các bài báo của giới truyền thông xuất hiện ngay sau khi Kyiv liên tục yêu cầu các hệ thống phòng không tiên tiến hơn có khả năng đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của Nga.
Kể từ giữa tháng 10, các lực lượng Nga đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và pháo binh nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện thường xuyên ở nhiều vùng khác nhau của Ukraine.
Trong khi Kyiv gọi các cuộc tấn công là “tội ác chiến tranh” đối với dân thường, Moscow khẳng định rằng các lực lượng của họ triển khai vũ khí có độ chính xác cao để giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Điện Kremlin coi hệ thống Patriot là ‘mục tiêu hợp pháp’
Vào ngày 12/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã có cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo G-7, trong đó ông nhắc lại yêu cầu từ lâu của Kyiv về tên lửa tầm xa, pháo binh và các hệ thống phòng không tiên tiến.
Hai ngày sau, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby từ chối xác nhận liệu Mỹ đã có quyết định liên quan đến đề xuất chuyển giao Patriot cho Ukraine hay chưa.
Tuy nhiên, các nguồn tin cũng đủ để gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ Moscow.
Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, nói với các phóng viên hôm 14/12 rằng, nếu các khẩu đội tên lửa Patriot được bố trí ở Ukraine, quân đội Nga sẽ coi chúng là “mục tiêu hợp pháp”.
Ngày 15/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhắc lại cảnh báo trên và nói rằng, một bước đi như vậy sẽ “dẫn đến leo thang xung đột và làm tăng nguy cơ quân đội Mỹ trực tiếp tham gia chiến sự”.
Mặc dù hệ thống Patriot được thiết kế để đánh chặn máy bay không người lái, tên lửa và đạn pháo, nhưng nó cũng có thể được sử dụng để tấn công máy bay đối phương.
Hiện vẫn chưa rõ Hoa Kỳ sẽ chuyển giao cho Kyiv phiên bản nào hoặc số lượng cụ thể của hệ thống Patriot.
Cũng không rõ liệu Washington có đặt ra các hạn chế về cách thức và điều kiện sử dụng hệ thống phòng không trên chiến trường hay không.
Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) được chuyển giao trước đó cho Ukraine đã được các kỹ thuật viên Hoa Kỳ điều chỉnh để hạn chế tầm bắn của chúng tới các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine.
Cần tăng cường huấn luyện
Theo ông Andrey Kortunov, chủ tịch Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga – một nhóm chuyên gia cố vấn có liên kết với Điện Kremlin – hệ thống Patriot có thể được điều chỉnh để giảm hoặc tăng phạm vi hoạt động của nó.
“Có những phiên bản có tầm bắn 30 – 40 km, và cũng có những hệ thống có tầm bắn xa hơn, vượt quá 100 km”, ông Kortunov được hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời vào ngày 14/12.
Ông nói, việc sử dụng hệ thống này đòi hỏi phải có những nỗ lực đáng kể về đào tạo và hậu cần.
“Nếu những hệ thống như vậy bắt đầu [được chuyển giao đến Ukraine], sẽ phải mất hàng tháng để huấn luyện các binh sĩ Ukraine cách vận hành chúng”, ông Kortunov nói thêm.
Công nghệ tiên tiến của hệ thống Patriot làm dấy lên suy đoán rằng, [Ukraine] có thể sẽ cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia của Mỹ hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để vận hành hệ thống này.
Trong tuyên bố ngày 15/12, Đại sứ quán Nga cảnh báo rằng, Hoa Kỳ đang “bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc xung đột”.
“Luồng vũ khí của [Mỹ] đang tăng lên, việc huấn luyện quân nhân [Ukraine] cũng đang được mở rộng và quân đội Ukraine đang được cung cấp dữ liệu tình báo”, tuyên bố cho hay.
“Và việc cử các chuyên gia quân sự Mỹ vào vùng chiến sự đang được thảo luận ngày càng thường xuyên hơn”.
Về phần mình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhiều lần bác bỏ việc triển khai binh lính của Hoa Kỳ đến Ukraine.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch
Nhật Bản công bố kế hoạch ngân sách quốc phòng kỷ lục kể từ Thế chiến 2
Nhật Bản hôm thứ Sáu (16/12) đã công bố kế hoạch ngân sách quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai trị giá 320 tỷ USD nhằm mua tên lửa có khả năng tấn công Trung Quốc và sẵn sàng cho xung đột kéo dài, khi căng thẳng khu vực và cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra lo ngại về chiến tranh.
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết đây là câu trả lời của ông cho những thách thức an ninh khác nhau mà Nhật Bản phải đối mặt, đồng thời mô tả đất nước và người dân đang ở một “bước ngoặt lịch sử”.
Chính phủ của ông Kishida lo ngại rằng Nga đã tạo ra một tiền lệ sẽ khuyến khích Trung Quốc tấn công Đài Loan, đe dọa các đảo lân cận của Nhật Bản, làm gián đoạn nguồn cung cấp chất bán dẫn tiên tiến và có khả năng bóp nghẹt các tuyến đường biển cung cấp dầu cho Trung Đông.
Yoji Koda, cựu đô đốc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải, người chỉ huy hạm đội Nhật Bản vào năm 2008, cho biết: “Điều này đang đặt ra một hướng đi mới cho Nhật Bản. Nếu được thực thi một cách phù hợp, Lực lượng Phòng vệ sẽ là một lực lượng thực sự, hiệu quả ở đẳng cấp thế giới”.
Trong kế hoạch 5 năm này, từng là điều không tưởng ở Nhật Bản theo chủ nghĩa hòa bình, chính phủ cho biết họ cũng sẽ dự trữ phụ tùng thay thế và các loại vũ khí khác, mở rộng năng lực vận chuyển và phát triển khả năng chiến tranh mạng.
Trong bản hiến pháp thời hậu chiến do Mỹ soạn thảo, Nhật Bản đã từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh và các phương tiện để làm như vậy.
“Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là sự vi phạm nghiêm trọng luật cấm sử dụng vũ lực và đã làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế”, tài liệu chiến lược viết.
“Thách thức chiến lược do Trung Quốc đặt ra là thách thức lớn nhất mà Nhật Bản từng đối mặt”, tờ báo nói thêm, đồng thời lưu ý rằng Bắc Kinh không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.
Một tài liệu chiến lược an ninh quốc gia khác đã đề cập đến mối nguy từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, đồng thời hứa hẹn hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng chí hướng khác để ngăn chặn các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế đã được thiết lập.
“Thủ tướng đang đưa ra một tuyên bố chiến lược rõ ràng về vai trò của Nhật Bản với tư cách là bên bảo vệ an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết trong một tuyên bố.
Gặp gỡ Chủ tịch Hiệp hội Trao đổi Nhật Bản-Đài Loan Mitsuo Ohashi tại Đài Bắc vào thứ Sáu, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết bà mong đợi hợp tác quốc phòng nhiều hơn với Nhật Bản.
“Chúng tôi mong muốn Đài Loan và Nhật Bản tiếp tục tạo ra những thành tựu hợp tác mới trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng và an ninh, kinh tế, thương mại và chuyển đổi công nghiệp”, văn phòng Tổng thống dẫn lời bà Thái nói.
“Cuộc chiến Ukraine đã cho chúng ta thấy sự cần thiết của việc có thể duy trì một cuộc chiến, và đó là điều mà Nhật Bản cho đến nay vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng,” Toshimichi Nagaiwa, một tướng Lực lượng Phòng vệ Không quân đã nghỉ hưu cho biết, theo Reuters. “Nhật Bản đang xuất phát muộn, giống như chúng tôi bị tụt lại 200 mét trong cuộc chạy nước rút 400 mét,” ông nói thêm.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản vào đầu thế kỷ, và hiện có ngân sách quân sự lớn hơn gấp 4 lần. Các nguồn tin quân sự nói với Reuters rằng quá ít đạn dược và việc thiếu phụ tùng thay thế khiến máy bay phải hạ cánh và khiến các thiết bị quân sự khác ngừng hoạt động là những vấn đề cấp bách nhất mà Nhật Bản phải giải quyết.
Kế hoạch của ông Kishida sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội trong 5 năm, vượt qua giới hạn chi tiêu 1% tự đặt ra từ năm 1976.
Nó sẽ tăng ngân sách của Bộ Quốc phòng lên khoảng 1/10 tổng chi tiêu công ở mức hiện tại và sẽ đưa Nhật Bản trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, dựa trên ngân sách hiện tại.
Sự gia tăng ngân sách này sẽ mang lại việc làm cho các nhà sản xuất thiết bị quân sự Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries (MHI). Hãng dự kiến sẽ dẫn đầu việc phát triển ba trong số các tên lửa tầm xa, một phần của lực lượng tên lửa mới của Nhật Bản.
MHI cũng sẽ chế tạo máy bay chiến đấu phản lực tiếp theo của Nhật Bản cùng với BAE Systems PLC và Leonardo SPA trong một dự án chung giữa Nhật Bản, Anh và Ý được công bố vào tuần trước.
Nhật Bản cho biết họ cũng muốn các tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu của Hoa Kỳ do Raytheon Technologies chế tạo trở thành một phần của lực lượng răn đe mới.
Các mặt hàng khác trong danh sách mua sắm quân sự của Nhật Bản trong 5 năm tới bao gồm tên lửa đánh chặn để phòng thủ tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái tấn công và trinh sát, thiết bị liên lạc vệ tinh, máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay trực thăng, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay vận tải hạng nặng.
Xuân Lan (theo Reuters)