Kể từ khi tổ chức nhân quyền Tây Ban Nha Safeguard Defenders công bố báo cáo về việc chính quyền Bắc Kinh thành lập “các trung tâm dịch vụ cảnh sát hải ngoại”, các trạm cảnh sát này ở các nơi như Châu Âu, Bắc Mỹ, v.v, liên tiếp bị phơi bày. Mới đây, một báo cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản chỉ ra rằng chính quyền Bắc Kinh đã thành lập hai “trạm cảnh sát hải ngoại” như vậy ở các thành phố như Tokyo.
Theo Kyodo News và Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa tin, vào ngày 19/12, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và các cơ quan chính phủ khác đã chia sẻ báo cáo của tổ chức nhân quyền tại cuộc họp chung của Ủy ban Đối ngoại của Đảng Dân chủ Tự do và các cơ quan khác. Báo cáo cho biết Bắc Kinh có thể đã thành lập hai “trung tâm dịch vụ cảnh sát ở hải ngoại” tại Nhật Bản để theo dõi và đe dọa công dân Trung Quốc ở nước ngoài. Một trong số đó được thành lập ở Tokyo bởi Cục Công an thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến; cái còn lại được thành lập bởi Cục Công an thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô và được cho là nằm ở một nơi không cho người khác biết ở Nhật Bản.
Để đối phó với vấn đề này, “Hội nghị về tôn nghiêm và lợi ích quốc gia của Nhật Bản” của nhóm nghị sĩ bảo thủ của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp tại Quốc hội vào ngày 19/12, để thúc giục Chính phủ Nhật Bản làm rõ vấn đề này.
Báo cáo cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ với Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao rằng bất kỳ hoạt động nào có thể vi phạm chủ quyền của Nhật Bản là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, báo cáo cho biết.
Hơn 100 “trạm cảnh sát” ở nước ngoài, nhằm giám sát những người Hoa lưu vong và người ở nước ngoài
Tháng 9 năm nay, tổ chức nhân quyền Tây Ban Nha Safeguard Defenders tiết lộ ĐCSTQ đã thiết lập 54 trung tâm cảnh sát hải ngoại trên khắp thế giới.
Gần đây, tổ chức này nói với CNN rằng họ đã phát hiện thêm 48 trạm cảnh sát khác của ĐCSTQ ở nước ngoài, nâng tổng số lên 102 trạm. Một số quốc gia đã biết về điều này.
Thông qua hợp tác an ninh song phương với các nước châu Âu và châu Phi, Trung Quốc không chỉ thành lập các “trung tâm dịch vụ” (trạm cảnh sát) ở nước ngoài mà còn nhận được sự hợp tác của một số nước sở tại.
Safeguard Defenders chỉ ra rằng ĐCSTQ hiện có hơn 100 trạm cảnh sát ở nước ngoài trên khắp thế giới, trực thuộc 4 đơn vị pháp lý khác nhau của Cục Công an Trung Quốc, và đang hoạt động tại ít nhất 53 quốc gia trên khắp thế giới.
Bề ngoài là giúp người Trung Quốc thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài, nhưng thực tế họ đang săn lùng và sách nhiễu những người bất đồng chính kiến.
Các cáo buộc mới của Safeguard Defenders gồm các đặc vụ bí mật của các trạm cảnh sát ĐCSTQ ở nước ngoài đã ép buộc một công dân Trung Quốc ở ngoại ô Paris trở về nước. Trước đó, tại châu Âu, có 2 người Trung Quốc lưu vong khác cũng bị cưỡng chế hồi hương, một ở Serbia và một ở Tây Ban Nha.
Vào tháng trước, khi CNN tiếp cận Bộ Ngoại giao Trung Quốc về những cáo buộc ban đầu của Safeguard Defenders, họ cho biết nhân viên tại các trạm dịch vụ ở nước ngoài đều là tình nguyện viên.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Safeguard Defenders cho biết một mạng lưới cảnh sát mà họ điều tra đã tuyển dụng 135 người cho 21 trạm cảnh sát ban đầu. Safeguard Defenders đã nhận được hợp đồng 3 năm với tư cách là nhân viên của “Trạm dịch vụ hải ngoại” Trung Quốc ở Stockholm, thủ đô của Thụy Điển.
Tháng 9 năm nay, Safeguard Defenders đã công bố báo cáo “trạm cảnh sát 110 hải ngoại: Cuộc đàn áp tội phạm xuyên quốc gia không được kiểm soát của Trung Quốc”, vạch trần việc ĐCSTQ thành lập rộng rãi các trạm cảnh sát trên khắp thế giới.
ĐCSTQ lợi dụng “thỏa thuận an ninh song phương” để thiết lập “trạm cảnh sát” ở nước ngoài
Safeguard Defenders báo cáo rằng ĐCSTQ sử dụng “các hiệp định an ninh song phương” đã ký với các nước châu Âu và châu Phi, để thiết lập các “trạm cảnh sát” ở nước ngoài.
Một số quốc gia đã hợp tác với ĐCSTQ bằng cách nhắm mắt làm ngơ và trở thành người bao che cho “kiểu chấp pháp phi pháp” này.
Hoạt động hợp tác chung giữa cảnh sát Trung Quốc và Ý, Croatia, Romania, Nam Phi và các quốc gia khác đã trở thành bàn đạp để ĐCSTQ mở rộng hoạt động giám sát công dân trên khắp thế giới.
Từ năm 2015, Ý ký một loạt thỏa thuận an ninh song phương với Trung Quốc. Từ năm 2016 – 2018, cảnh sát Ý và cảnh sát Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành tuần tra chung ở Ý, gồm Rome, Milan và Naples.
Trí Đạt