Tin thế giới trưa thứ Hai: Ngoại trưởng Trung Quốc có tín hiệu quan hệ sâu sắc hơn với Nga

Ngoại trưởng Trung Quốc có tín hiệu quan hệ sâu sắc hơn với Nga

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ Nhật (25/12) đã bảo vệ điều mà ông nói là lập trường “khách quan và vô tư” của nước này trong cuộc chiến ở Ukraine, và có tín hiệu rằng Trung Quốc sẽ thắt chặt quan hệ với Nga trong năm tới, theo AP báo cáo.

Phát biểu qua video tại một hội nghị ở thủ đô Trung Quốc, ông Vương cũng đổ lỗi cho Mỹ về quan hệ xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nói rằng Trung Quốc “kiên quyết bác bỏ chính sách sai lầm về Trung Quốc của Hoa Kỳ.”

AP cho hay Trung Quốc đã đẩy lùi áp lực của phương Tây về thương mại, công nghệ, nhân quyền, và đã tuyên bố yêu sách của họ đối với một vùng rộng lớn ở phía tây Thái Bình Dương, cũng như cáo buộc Hoa Kỳ “bắt nạt”. Việc họ từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine và từ chối tham gia cùng các nước khác trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã làm rạn nứt thêm mối quan hệ và thúc đẩy sự chia rẽ đang nổi lên với phần lớn châu Âu.

Ông Vương nói rằng Trung Quốc sẽ “làm sâu sắc thêm lòng tin chiến lược lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi” với Nga. Tàu chiến của hai nước đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Hoa Đông vào tuần trước.

“Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, chúng tôi luôn duy trì các nguyên tắc cơ bản về tính khách quan và vô tư, không thiên vị bên này hay bên kia, hay đổ thêm dầu vào lửa, càng không tìm kiếm lợi ích ích kỷ từ tình hình,” ông Vương nói, theo một văn bản chính thức có nhận xét của ông.

Ngay cả khi Trung Quốc đã tìm thấy điểm chung với Nga khi cả hai đều chịu áp lực của phương Tây, thì tương lai kinh tế của nước này vẫn gắn liền với thị trường và công nghệ của Hoa Kỳ và châu Âu. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang thúc đẩy ngành công nghiệp Trung Quốc trở nên tự cung tự cấp hơn, nhưng ông Vương thừa nhận rằng kinh nghiệm đã cho thấy “rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ không thể tách rời hoặc cắt đứt chuỗi cung ứng.”

Ông nói rằng Trung Quốc sẽ cố gắng đưa quan hệ với Mỹ trở lại đúng lộ trình, nói rằng họ đã thất vọng vì “Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính, cũng như tham gia vào các cuộc phong tỏa, đàn áp, và khiêu khích trắng trợn chống Trung Quốc.”

Vương Nghị và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói chuyện qua điện thoại vào cuối tuần trước. Bộ Ngoại giao cho biết ông Blinken đã thảo luận về sự cần thiết phải quản lý mối quan hệ Mỹ-Trung một cách có trách nhiệm và nêu lên những lo ngại về cuộc chiến của Nga tấn công Ukraine và các mối đe dọa mà nó gây ra đối với an ninh và ổn định kinh tế toàn cầu.

Ông Vương cáo buộc Mỹ “bắt nạt đơn phương” và nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine theo cách riêng của mình, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Thiên Đức

Ông Putin: Nga chắc chắn sẽ tiêu diệt hệ thống Patriot mà Mỹ cung cấp cho Ukraine

Hệ thống phòng không Patriot. (Ảnh: Mike Mareen/Shutterstock)

Mỹ sẽ cung cấp hệ thống Patriot tân tiến bậc nhất cho Ukraine, tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hôm 25/12 rằng Moscow sẽ phá huỷ loại vũ khí này nếu Mỹ cung cấp cho Ukraine. Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiêu diệt chúng, 100%!”.

Ngày 22/12, ông Putin đã mô tả hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine là vũ khí lỗi thời mà Nga sẽ có thể chống lại. Khi đó, ông Putin đã nói với các nhà báo rằng: “Patriot là một hệ thống khá lỗi thời, nó không hoạt động tốt như tên lửa đất đối không S-300 của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tính đến điều này. Đó chỉ là một cách để kéo dài xung đột… Họ muốn cung cấp Patriot. Hãy để họ cung cấp, chúng tôi sẽ đập vỡ chúng như hạt dẻ”.

Patriot được mô tả là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ, có thể chặn bất cứ đe dọa nào từ trên không trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống này bao gồm bệ phóng đặt trên xe tải, radar và trạm điều khiển, được giới quan sát đánh giá là rất hữu hiệu cho Ukraine trong điều kiện gần đây liên tục bị Nga tấn công bằng tên lửa.

Hôm 21/12, ngay trước cuộc gặp của Tổng thống Volodymyr Zelensky với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington, D.C, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 1,85 tỷ USD cho Ukraine, trong đó bao gồm hệ thống Patriot.

Việc có thêm loại vũ khí này được cho là sẽ giúp Ukraine xây dựng được lớp phòng thủ đa tầng với các hệ thống tầm thấp, trung, cao để chống lại các mối đe dọa khác nhau.

Phan Anh

Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán về vấn đề Ukraine

Tổng thống Nga Putin. (Ảnh: Shag 7799/Shutterstock)

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng Nga sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột diễn ra tại Ukraine. Tuy nhiên, ông cho biết Kyiv và các nước phương Tây đã từ chối tham gia cuộc đàm phán, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga, Tổng thống Putin cho hay: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan về những giải pháp chấp nhận được, nhưng điều này phụ thuộc vào họ, chúng tôi không phải phía đã từ chối đàm phán”.

Phát biểu trước báo giới hôm 22/12, Tổng thống Putin cũng đã khẳng định Nga mong muốn chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và chắc chắn sẽ cần phải có một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này.

Phát biểu được nhà lãnh đạo Nga đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến thăm Mỹ và gặp người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden. Đây được cho là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Zelensky kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công tại Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay.

Trong khi đó, ngày 25/12, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Moscow hi vọng khởi động đối thoại với các nước phương Tây về việc gỡ phong tỏa tài sản của nhau. Ông Siluanov cho hay rằng phía Nga đã nhiều lần đề xuất về việc này, nhưng tất cả phụ thuộc vào thiện chí của bên còn lại.

Ông Siluanov tuyên bố: “Chúng tôi hi vọng vấn đề này cuối cùng sẽ được quan tâm, và chúng tôi có thể tham gia các cuộc đàm phán [về việc gỡ bỏ phong tỏa tài sản]”.

Các lệnh trừng phạt, trong đó có việc phong tỏa tài sản đối với các cá nhân và tổ chức của Nga, được các nước phương Tây triển khai không lâu sau khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát. Kể từ đó tới nay, nhiều vòng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã diễn ra nhưng không đạt được kết quả khả quan.

Phan Anh

Related posts