Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu giảm xuống mức thấp thời hậu Xô Viết
Theo số liệu thống kê của Gazprom và ước tính của tờ Reuters, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất thời hậu Xô Viết vào năm 2022. Nguyên nhân được cho là do khách hàng chính của Nga đã cắt giảm nhập khẩu sau khi chịu tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như sau khi đường ống dẫn khí đốt Nordstream phát nổ một cách bí ẩn.
Theo truyền thống, Liên minh châu Âu (EU) là khách hàng tiêu thụ dầu và khí đốt lớn nhất của Nga. Khối này vẫn luôn đề cập đến việc cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Brussels chỉ trở nên nghiêm túc về việc này sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.
Theo Giám đốc điều hành của Gazprom Alexei Miller, một đồng minh lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin, xuất khẩu của công ty này ra bên ngoài Liên Xô cũ sẽ đạt tổng cộng 100,9 tỷ mét khối (bcm) trong năm nay.
Mức này đã giảm hơn 45% so với 185,1 mét khối vào năm 2021, trong đó tính cả nguồn cung cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh của Siberia). Hồi năm ngoái, Gazprom đã cung cấp 10,39 tỷ mét khối cho Bắc Kinh thông qua đường ống này.
Xuất khẩu khí đốt trực tiếp của Nga sang Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã bị gián đoạn vào tháng 9 sau các vụ nổ tại đường ống Nord Stream ở Biển Baltic.
Thụy Điển và Đan Mạch đều kết luận rằng, bốn vụ rò rỉ trên Nord Stream 1 và 2 là do các vụ nổ gây ra, nhưng không đề cập chi tiết đến cá nhân hoặc thực thể phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã gọi thiệt hại này là một hành động phá hoại.
Nga cáo buộc lực lượng hải quân Anh đứng sau các vụ nổ. Phía London đã bác bỏ cáo buộc này.
Xuất khẩu khí đốt của Nga thông qua đường ống Nord Stream 1 đạt mức cao kỷ lục 59,2 tỷ mét khối vào năm ngoái.
Sản lượng xuất khẩu đạt 100,9 mét khối của Nga – mà Gazprom định nghĩa là xuất khẩu sang “nước ngoài” hoặc bên ngoài Liên Xô cũ – là một trong những mức xuất khẩu thấp nhất kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991.
Theo Gazprom Export, một trong những mức xuất khẩu khí đốt ra nước ngoài của Gazprom thời hậu Xô Viết thấp nhất đạt 117,4 tỷ mét khối vào năm 1995.
Trong khi đó, Nga đã tăng doanh số bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng đường biển, chủ yếu nhờ vào nhà máy Yamal LNG của tập đoàn Novatek ở Bắc Cực.
Theo cơ quan chính phủ Rosstat, sản lượng LNG của Nga đã tăng gần 10% trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay lên 29,7 triệu tấn.
Để bù đắp cho sự sụt giảm khối lượng nhập khẩu khí đốt ở thị trường châu Âu, Nga đã áp giá năng lượng cao hơn. Dự kiến doanh thu xuất khẩu năng lượng trong năm nay của nước này sẽ tăng gần 100 tỷ USD so với năm 2021.
Gazprom cũng cho biết, sản lượng xuất khí đốt năm 2022 của họ dự kiến đạt mức 412,6 tỷ mét khối, giảm từ 514,8 tỷ mét khối vào năm 2021 – mức cao nhất trong 13 năm.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch
Liên Hợp Quốc: Dân thường Ukraina thiệt mạng cao hơn con số 6.884 được công bố
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 27/12 đã công bố số lượng thường dân thương vong trong cuộc chiến của Nga với Ukraine.
Theo đó từ ngày 24 tháng 2 cho đến nay, đã có 6.884 người thiệt mạng ở Ukraine, trong đó có 429 trẻ em.
Ngoài ra, còn có khoảng 8.000 người bị thương và hơn 7 triệu người Ukraine đang tị nạn trên khắp châu Âu.
Cơ quan của Liên Hiệp Quốc còn cho biết thêm rằng, con số thương vong thực tế có thể “cao hơn đáng kể, vì việc nhận thông tin từ một số địa điểm đang diễn ra chiến sự dữ dội đã bị trì hoãn và nhiều báo cáo vẫn đang chờ xác nhận”.
Liên Thành
Bắc Kinh: Bệnh nhân nằm la liệt trên sàn vì bệnh viện quá tải
Báo Sky News của Anh hôm 27/12 đưa tin về hiện trạng dịch bệnh virus Vũ Hán (COVID) ở Bắc Kinh, đổ lỗi cho việc đột ngột dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trong khi nền tảng y tế không gánh chịu được lượng bệnh nhân tăng bất ngờ. Bài báo đánh giá, 50% dân số Bắc Kinh đã nhiễm virus, và bệnh viện trở nên quá tải, hàng loạt bệnh nhân phải nằm trên sàn.
Bên trong Bệnh viện Triều Dương phía Đông, các bệnh nhân dương tính với virus Vũ Hán lấp đầy các khu vực. Hầu hết mọi người đều đã già. Chỉ những người may mắn mới có giường. Nhiều người nằm trên sàn, theo phóng viên của Sky News.
Đây rõ ràng là nơi virus đang tăng nhanh, khi hệ thống y tế và thuốc men đang cạn kiệt,
Các dấu hiệu của cuộc khủng hoảng cũng có thể nhìn thấy bên ngoài bệnh viện, với xe cứu thương thường xuyên đến cũng như bệnh nhân được đưa vào xe lăn.
Khi các gia đình cố gắng hết sức để có giường cho những người thân đau ốm của họ, một gia đình nói với phóng viên của Sky News, “Chúng tôi đã đợi ít nhất 10 ngày. Hầu hết mọi người bên trong đều là người già và bị nhiễm bệnh.”
Các biện pháp phòng dịch zero-COVID trước đây, chỉ trong ba tuần qua, hầu hết đã được gỡ bỏ.
Người dân không còn cần phải quét mã sức khỏe vào các địa điểm công cộng, kiểm tra thường xuyên hoặc đến cơ sở kiểm dịch khi họ mắc bệnh. Visa y tế đi công tác cũng sẽ được nới lỏng. Kết quả là chỉ trong thời gian ngắn, hơn 50% người dân Bắc Kinh đã nhiễm virus.
Tờ báo bình luận, Trung Quốc là quốc gia đông dân, nhưng khả năng miễn nhiễm thấp, và hệ thống y tế lại mỏng. Tất cả các yếu tố này kết hợp lại đã dẫn đến tình trạng như hiện nay.
Thực tế cho thấy hoàn toàn khác với những con số tử vong vì virus Vũ Hán mà chính quyền công bố chính thức.
Các chuyên gia y tế nhận định, Trung Quốc sẽ không quay lại chính sách hạn chế nghiêm ngặt như zero-COVID nữa. Như giáo sư Dali Yang, chuyên gia về virus Vũ Hán, nói với Sky News:
“Trung Quốc [hiện nay] đón nhận một chiến lược hoàn toàn khác với, nhưng lại mang theo kiên quyết và nhiệt tình hoàn toàn giống với với chiến lược zero-COVID.”
“Chỉ trích nhằm vào cách tiếp cận hiện tại là [ở chỗ] các nhà chức trách đã có thời gian chuẩn bị: Lẽ ra họ có thể giáo dục công chúng, lẽ ra họ có thể thực hiện nhiều biện pháp hơn, bao gồm cả việc chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc hạ sốt cơ bản.”
Một Trung Quốc mở cửa trở lại mà không cần xét nghiệm và các quy tắc rõ ràng là nhẹ nhõm đối một số người, nhưng nó diễn ra nhanh chóng và kèm theo cái giá phải trả.
Thiên Đức (Theo Sky News)
Kyiv: Quân đội Nga ở Belarus không đủ để tấn công Ukraine
Theo tình báo Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điều động một nhóm gồm 10.200 binh sĩ đến Belarus, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine bước sang ngày thứ 308.
Trước đây, nhà lãnh đạo Nga đã làm dấy lên lời đồn đoán rằng ông có thể yêu cầu người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko mở một mặt trận mới trong cuộc chiến dọc theo biên giới Belarus – Ukraine.
Cho đến nay, Belarus đóng vai trò là “bên đồng tham chiến” trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, bằng cách cung cấp cho Nga lãnh thổ, các căn cứ quân sự và bệnh viện để hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraine của Moscow nhưng không cho quân đội của mình tham gia trực tiếp chiến đấu.
Theo một bài báo của hãng tin Ukrainska Pravda, hôm thứ Tư (28/12), ông Serhii Deineko, lãnh đạo Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine, nhận định rằng hàng nghìn binh sĩ Nga được bố trí ở Belarus không đủ để Nga phát động một cuộc tấn công vào Ukraine.
Theo một bản dịch tiếng Anh, ông Deineko lưu ý: “Họ [quân đội Nga” không thể thực hiện nhiệm vụ tấn công liên tục trên lãnh thổ của đất nước chúng tôi.”
Ông Deineko tiết lộ, tình báo Ukraine theo dõi tình hình ở Belarus hàng ngày. Ukrainska Pravda đưa tin, ông Deineko khẳng định, các quan chức Ukraine được “các trợ lý không chính thức” giúp đỡ để theo dõi hoạt động của Nga ở nước láng giềng phía bắc.
Trước đó, Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn đặt ở Hoa Kỳ, dự đoán, Nga có thể đang “chuẩn bị điều kiện” để tổ chức một cuộc tấn công mới vào Kyiv. Tuy nhiên, trong báo cáo hôm 27/12 của mình, tổ chức tư vấn này nhận định, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công như vậy từ Belarus vẫn ở mức thấp.
ISW cho hay, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cũng nhắc lại trong tuần này rằng họ không nhận thấy dấu hiệu cho thấy quân đội Nga ở Belarus đang thành lập một “nhóm tấn công”. Ngoài ra, hôm 27/12, phát ngôn viên của Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine Andriy Demchenko cũng cho biết, “tình hình ở biên giới với Belarus vẫn nằm trong tầm kiểm soát.”
Theo báo cáo của ISW, Ông Demchenko cảnh báo, Nga và Belarus đã “cố tình gây căng thẳng” dọc biên giới phía bắc Ukraine thông qua các cuộc tập trận chung và các đợt triển khai các thiết bị quân sự.
Tổng thống Putin cũng khiến Nhà Trắng phải lo ngại, đặc biệt sau cuộc gặp của nhà lãnh đạo Nga với Tổng thống Lukashenko vào đầu tuần trước. Vào thời điểm đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhấn mạnh, Hoa kỳ đang tiếp tục “giám sát chặt chẽ tình hình bố trí lực lượng của Nga”.
ISW báo cáo hôm 27/12 rằng các tổng thống Nga và Belarus đã gặp lại nhau ở St. Petersburg trong tuần này nhưng lưu ý rằng các thông tin từ cuộc họp là “mơ hồ và không cho thấy bất kỳ hoạt động quan trọng nào.” Trước đó, Newsweek đưa tin, Tổng thống Putin cho biết cuộc gặp diễn ra không chính thức, nhưng cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về “các vấn đề nghiêm trọng”.
Gia Huy (Theo Newsweek)