Vụ đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đánh nhân viên sân golf: Không khởi tố vụ án
Gần 1 tháng sự việc xảy ra, Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) có thông báo liên quan đến việc ông Nguyễn Viết Dũng – đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam hành hung nữ nhân viên sân golf.
Ngày 7/1, ông Nguyễn Công Thanh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết đã nhận được thông báo từ Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) liên quan đến việc ông Nguyễn Viết Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam hành hung nữ nhân viên sân golf ở Đà Nẵng.
“HĐND tỉnh Quảng Nam đã nhận được quyết định từ công an cho biết không khởi tố vụ án, vụ việc không cấu thành tội phạm”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng xác nhận thông tin ông Dũng có nguyện vọng xin thôi làm đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, song tới thời điểm này, Thường trực HĐND tỉnh chưa nhận được đơn chính thức từ ông Dũng. Dự kiến, Thường trực HĐND tỉnh sẽ họp và xem xét, có thể thực hiện quy trình cho ông Dũng thôi làm đại biểu HĐND tỉnh nếu ông này có nguyện vọng.
Danh sách thành viên Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam trên Website của của Đoàn đại biểu nhân dân tỉnh Quảng Nam, ngày 8/1/2023. (Ảnh chụp màn hình: dbnd.quangnam.gov.vn).
Ngoài ra, vào tối ngày 16/12, ông Trình Minh Đức – Chánh văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết ông Dũng đã có đơn xin thôi thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, hiện HĐND tỉnh Quảng Nam chưa đưa công bố chính thức về việc này. Trên website của Đoàn đại biểu nhân dân tỉnh Quảng Nam ngày 8/1, vẫn còn ảnh và thông tin của ông Dũng trong danh sách Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh.
Như đã đưa tin, ngày 6/12, một nhóm khách chơi golf đến sân golf BRG Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng). Hai nữ nhân viên phục vụ được cử phục vụ nhóm chơi này, trong đó có chị N.A.L. (SN 2002).
Trong khi chơi, do bất đồng khi tính số gậy đã chơi trong một hố, ông Dũng đã dùng gậy driver đập vào người chị L. khiến cây gậy driver bị gãy làm đôi. Chị L. bất tỉnh tại chỗ, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng.
Theo thư ngỏ của ông Nguyễn Mười – Chủ tịch CLB Golf Bách Khoa Đà Nẵng đề ngày 9/12, sau khi xảy ra sự việc, ông Dũng đã dùng quyền lực, chức vụ của mình “cấm sân golf thông báo sự vụ ra đại chúng, đồng thời cho cộng sự (giang hồ) vào sân đe dọa các bảo vệ, nhân viên, caddies…”.
Ông Dũng là đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam liên tiếp 2 khoá 2016-2021 và 2021-2026.
Khánh Vy
Gây thiệt hại 305 triệu, giám đốc và trưởng phòng cấp sở tại Bình Phước bị truy tố
Hai quản lý cấp phòng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính tỉnh Bình Phước bị cáo buộc ký “khống” vào các biên bản nghiệm thu mô hình do một trạm khuyến nông lập và đồng ý cho quyết toán gây thiệt hại ngân sách hơn 305 triệu đồng.
Ngày 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Hoa Vận Khải (SN 1971) – nguyên Phó Phòng Tài chính – Hành chính sự nghiệp, Trưởng phòng Giá – Công sản, Sở Tài chính Bình Phước và bị can Nguyễn Văn Hiếu (SN 1980) – nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng, ngày 6/9/2013, UBND tỉnh Bình Phước ban hành quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch thực hiện Kế hoạch Công nghệ cơ sở năm 2013, trong đó giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
Ngày 16/9/2013, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước đã ký 3 hợp đồng chuyển giao khoa học kỹ thuật, giao Trạm Khuyến nông huyện Bù Đăng thực hiện 3 đề tài trên với tổng giá trị 701 triệu đồng.
Sau đó, Trạm Khuyến nông huyện Bù Đăng không thực hiện nhiều nội dung hoặc thực hiện sai, thiếu so với hợp đồng đã ký. Ông Huỳnh Xuân Linh – Trạm trưởng chỉ đạo kế toán và thuộc cấp lập “khống” chứng từ để quyết toán số tiền hơn 305 triệu đồng. Hành vi của ông Linh cùng đồng phạm đã được xét xử.
Cơ quan điều tra xác định hai bị can Hiếu và Khải trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện 3 hợp đồng trên đã không kiểm tra thực tế, không giám sát, không thực hiện đầy đủ việc nghiệm thu tất cả các mô hình; trực tiếp ký “khống” vào các biên bản nghiệm thu mô hình do Trạm Khuyến nông Bù Đăng lập và đồng ý cho quyết toán, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 305 triệu đồng.
Khánh Vy
Bộ trưởng Bộ Y tế: Chưa thanh toán xong chi phí y tế 3 năm dịch COVID-19 do ‘phức tạp’
Sau 3 năm bùng phát đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), tới nay, các đại biểu Quốc hội xác nhận vẫn chưa hoàn tất việc thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19.
Chiều 7/1, Quốc hội thảo luận tại hội trường, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 với các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết đến nay, việc chi hỗ trợ cho các lực lượng địa phương thực hiện xét nghiệm, tiêm vắc-xin, các biện pháp kiểm soát dịch vẫn chưa được thực hiện, hoặc chi trả hỗ trợ chưa đầy đủ.
Ngoài ra, bà Phúc cho biết nhiều đoàn công tác từ các địa phương, các bệnh viện trung ương đã tình nguyện đến vùng dịch để thực hiện công tác phòng chống dịch. Theo đó, bà đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung các nội dung liên quan vào Nghị
Tương tự, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu băn khoăn tại sao việc thanh toán chế độ phòng chống dịch bệnh COVID-19 lại chậm và cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân gây nên việc chậm thanh toán này.
Nêu vấn đề cụ thể hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhắc lại thời điểm dịch bệnh COVID – 19 diễn ra phức tạp trên thế giới, đặc biệt với biến chủng Delta đã gây những tác hại nghiêm trọng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày, số ca nhiễm tăng rất nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1.000 ca – 5.000 ca/ngày. Thuốc điều trị, phát đồ điều trị chưa có. Vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ nhân lực y tế quá tải.
Các vấn đề đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng, tổn thương rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến kinh tế.
Ông Ngân thừa nhận Nghị quyết 30 và 6 Nghị quyết của Quốc hội, 10 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp việc kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả, huy động được nhiều lực lượng tuyến đầu tham gia tại giai đoạn cao điểm.
Cho rằng trong tình hình hiện nay dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, ông Ngân lưu ý cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung tại Nghị quyết 30, các hoạt động phòng chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch.
Tuy nhiên, ông Ngân cho hay việc thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID – 19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID – 19 sắp tới dự thảo Nghị quyết nên quy định các thủ tục phải đơn giản, rút gọn.
“Việc chậm thanh toán đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch”, ông Ngân nói.
Theo ông Ngân, nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo. Ông Ngân đề nghị tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường việc phân tích, dự báo phòng ngừa các dịch bệnh.
Tiếp nhận liên tiếp các phản ánh về việc chưa chi trả/chưa trả đủ chi phí phòng chống dịch COVID-19, bà Đào Hồng Lan, người vừa được Quốc hội bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 hồi hạ tuần tháng 10 cho hay nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn là do đây là lần đầu tiên có một đại dịch như này, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.
Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, tiếp tục rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để bổ sung thêm thông tin, số liệu, phân tích thêm các bất cập và nguyên nhân về những vướng mắc hiện nay, cũng như các vấn đề tồn đọng về các chế độ, chính sách.
Bà Lan thừa nhận các hoạt động phòng dịch, chữa trị, ứng phó tình huống phát sinh trong đại dịch COVID-19… tới nay chưa được tổng kết.
“Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương tổng kết 3 năm trong công tác phòng chống dịch. Từ đó đánh giá những mặt làm được những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới”, bà Lan cho hay.
Sơn Nguyên
Nghệ An: Cha và con gái 3 tuổi tử vong trong tư thế treo cổ
Cha 27 tuổi cùng con gái 3 tuổi được phát hiện chết trong tư thế treo cổ tại nhà riêng ở xã Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
Tối 7/1, UBND xã Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) xác nhận người bố cùng con gái 3 tuổi tử vong tại nhà riêng là anh Nguyễn V.K. (SN 1996) và bé N.N.L.S (SN 2020).
Hai cha con được phát hiện vào khoảng 8h sáng ngày 7/1, đã tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà.
Được biết, bé S. mắc bệnh tim bẩm sinh, vừa trải qua đợt phẫu thuật. Vào tối 6/1, vợ anh K. về bên ngoại, chỉ có hai cha con ở nhà.
Hiện vụ việc chưa có kết luận chính thức.
Trên Fanpage Nghệ An với gần 3 triệu lượt người theo dõi, trước thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng người cha đã thắt cổ con gái 3 tuổi rồi tự tử. Trong các bình luận để lại, người dùng mạng hoặc bày tỏ sự oán trách sự ích kỷ của người cha, hoặc đồng cảm rằng “bước tới đường cùng”, song đều cảm thương cho bé gái, khi con trẻ có quyền được sống.
Nguyễn Sơn