Các quan chức ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, cho biết tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong khu vực này là 89%, khi nước này đang phải đương đầu với sự gia tăng của các ca nhiễm bệnh và chính quyền cộng sản tiếp tục che giấu con số tử vong thực sự.
Hôm thứ Hai (09/01), tờ Nhật báo Trịnh Châu đưa tin rằng các nhà chức trách ở Hà Nam, tỉnh đông dân thứ ba của đất nước này, cho biết trong một cuộc họp báo rằng tính đến hôm 06/01, tỷ lệ lây nhiễm của tỉnh là 89%, bao gồm 89.1% ở thành phố và 88.9% ở khu vực nông thôn. Những con số đó có nghĩa là 88.5 triệu người trong tổng số 99.4 triệu dân của tỉnh này đã bị nhiễm bệnh.
Các số liệu trên phù hợp với các tuyên bố khác của các quan chức y tế về tỷ lệ lây nhiễm cao trong những tuần gần đây. Hồi tháng Mười Hai (2022), một quan chức cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở các thành phố lớn đã vượt quá 50%, và đạt 80% ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Một tài liệu bị rò rỉ từ cơ quan y tế hàng đầu của nước này cũng ước tính khoảng 250 triệu người Trung Quốc đã bị nhiễm COVID trong 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai.
Tính đến hôm 07/01, chính quyền Hà Nam cũng cho biết, 95% số giường bệnh trong tỉnh đã được sử dụng, và 82% số giường của khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) đã được sử dụng, và không xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn lực y tế. Nhận xét chính thức này hoàn toàn trái ngược với lời kể phổ biến từ nhân viên y tế và người dân Trung Quốc cho rằng các bệnh viện đã quá tải và không thể đáp ứng được lượng lớn bệnh nhân COVID.
Quan chức đó cũng tuyên bố rằng khu vực này đã vượt qua đỉnh COVID một cách “suôn sẻ.”
Trên mạng xã hội, cư dân Trung Quốc đã nghi ngờ tuyên bố của chính quyền về tình trạng thiếu hụt y tế, đồng thời chỉ trích sự thiếu minh bạch của chính quyền.
Một blogger ẩm thực Hà Nam đã viết: “Tôi được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi, và tôi đã đến bốn bệnh viện nhưng không thể nhập viện vì hết giường bệnh. Khoa nội trú của bệnh viện nào cũng không nhận bệnh nhân, có hàng trăm người ghi danh chờ giường bệnh. Nếu đây không phải là một sự thiếu hụt nguồn lực y tế nghiêm trọng, thì đó là gì? Hôm qua (08/01) tôi đi tái khám, thì bệnh viện hết thuốc.”
Một cư dân mạng khác viết: “Dữ liệu đó đến từ đâu? Không có xét nghiệm PCR, không có thống kê chứ đừng nói là báo cáo, lấy đâu ra 89%! Và làm thế nào quý vị có thể nói là ‘vượt qua suôn sẻ’? Sao không dám công bố thống kê bao nhiêu người tử vong vì COVID? Bà tôi đã qua đời vì nó đấy.”
Hôm 08/01, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, Giám đốc Cục Y tế của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc Tiêu Nhã Huy (Jiao Yahui) đã tuyên bố rằng tỷ lệ bệnh nhân COVID bị viêm phổi trong đợt bùng phát mới nhất là “tương đối thấp, khoảng 8%.”
Hôm 09/01, bà Vương, một thành viên của cộng đồng y tế ở Thượng Hải, nói với Đài Á Châu Tự do, “Tôi đã thấy rằng tỷ lệ lây nhiễm ở nhiều nơi là hơn 70%, dựa trên tỷ lệ 8%, thì 80 triệu người trên khắp đất nước đã phát triển bệnh viêm phổi.”
Nhà quan sát Trung Quốc Nhạc Sơn (Yue Shan) đã viết trong chuyên mục của mình cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng chiến lược của chế độ cộng sản này là để virus tấn công người dân mà không áp dụng bất kỳ biện pháp chăm sóc sức khỏe nào, để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Ông Nhạc cho biết một kế hoạch như vậy “hoàn toàn coi thường tính mạng con người.”
Paxlovid không được bảo hiểm chi trả
Trong khi đó, hôm 08/01, Cục An ninh Y tế Quốc gia của Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ không đưa thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer vào bảo hiểm y tế của nước này vì giá niêm yết của Pfizer quá cao.
Paxlovid được phát hiện là đã giảm khoảng 90% số ca nhập viện ở những bệnh nhân có nguy cơ cao trong một thử nghiệm lâm sàng. Nhiều người Trung Quốc đang có nhu cầu cao và cố gắng có được thuốc ngoại quốc này rồi vận chuyển về Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ các loại vaccine và phương pháp điều trị của phương Tây. Điều trị bằng thuốc uống Paxlovid là một trong số ít thuốc ngoại quốc được phê chuẩn.
Hồi tháng Hai năm ngoái (2022), Trung Quốc đã phê chuẩn Paxlovid, loại thuốc phải luôn có sẵn thông qua các bệnh viện, để điều trị cho những bệnh nhân có nguy cơ cao ở một số tỉnh. Tháng trước, Pfizer đã đạt được một thỏa thuận xuất cảng Paxlovid sang Trung Quốc thông qua một công ty địa phương để giúp loại thuốc này được phổ biến rộng rãi hơn.
Theo truyền thông trong nước, do tình trạng thiếu thuốc kháng virus trầm trọng khi 1.4 tỷ người Trung Quốc đương đầu với các ca nhiễm bệnh, nhiều người đã chuyển sang các kênh ngầm để mua Paxlovid và các loại thuốc khác. Những kẻ đầu cơ tính phí tới 50,000 nhân dân tệ (7,260 USD) cho một hộp Paxlovid, gấp hơn 20 lần giá ban đầu là 2,300 nhân dân tệ.
Nếu loại thuốc này được bảo hiểm y tế quốc gia của Trung Quốc chi trả, thì bệnh nhân sẽ chỉ phải trả 189 nhân dân tệ mỗi hộp (28 USD), theo hãng thông tấn Tài Kinh (Caijing) của Trung Quốc đại lục.
Hôm 09/01, Giám đốc điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Paxlovid đã đổ vỡ sau khi Trung Quốc yêu cầu một mức giá thấp hơn mức giá mà Pfizer đang tính cho hầu hết các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
“Họ là nền kinh tế cao thứ hai trên thế giới và tôi không nghĩ rằng họ nên trả ít hơn El Salvador,” ông Bourla nói.
Chi phí thuốc này ở Trung Quốc bằng khoảng một nửa giá được tính ở Hoa Kỳ.
Hôm 09/01, ông Huệ Hổ Vũ (Hui Huyu), một nhà bình luận cao cấp về các vấn đề thời sự, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không chi trả bảo hiểm cho Paxlovid “vì họ không sẵn sàng chi tiền cho cuộc sống của người dân Trung Quốc.”
“Khi thuốc này được đưa vào bảo hiểm y tế quốc gia, thì chính phủ phải trả một phần lớn, và người dân thường trả một phần nhỏ. Sau đó, chi phí bảo hiểm y tế của chính phủ sẽ rất lớn,” ông Huệ nói.
“Chế độ ĐCSTQ luôn không muốn đầu tư một số tiền lớn vào bảo hiểm y tế của người dân Trung Quốc. Do đó, loại thuốc này không thể được đưa vào bảo hiểm y tế.”
Bà Alex Wu là một cây bút của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế. Bản tin có sự đóng góp của Reuters, Lạc Á, và Trình Tĩnh
Thanh Tâm biên dịch