Phóng sanh xe đạp

Du Uyên

Một người viết trên mạng xã hội: “Dân mình thật lạ! Ngày 23 tháng Chạp năm trước họ phóng sinh (thả cá chép xuống sông). Ngày 10 tháng Giêng năm sau họ sát sinh (cúng cá lóc nướng). Rồi tới rằm tháng Giêng, họ lại phóng sanh.”

Trước khi chê, Du Uyên cũng đi thử một vòng

Ðọc những lời cảm thán trên, tôi bỗng nhớ hồi tháng Giêng năm ngoái, Mùng (Mồng?) mấy thì tôi không nhớ vì tôi thường không để ý ngày tháng. Tôi thả bước dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, dưới ngọn liễu rũ. Nghe tiếng xe chạy quyện với tiếng người dừng xe lại kế kênh để thả cá phóng sanh, thả dây câu cá. Ngửi mùi hương hoa lài được trồng dọc kênh và mùi thum thủm của nước kênh hòa quyện vào nhau. Tới giữa kênh, có một chuyện hơi vui vui. Bên đây bờ, có một nhóm người có vẻ “đại gia”, hương tiền bay thoang thoảng, cùng vài vị sư đang cùng nhau vừa tụng kinh vừa thả hàng chục ký cá xuống kênh để phóng sanh, sau đó họ cầm nhang, bày trái cây ra, miệng rầm rì khấn vái… Có lẽ cầu cho gia đạo bình an, phúc-lộc đủ đầy đồ… Trùng hợp, bên kia kênh, đúng ngay đối diện bên này, cũng có nhóm người ta đang nướng cá/nướng gà bán, tuy có sẵn cá trong thùng xốp lớn, nhưng chắc nhắm không đủ bán, người ta vớt thêm cá lên từ dưới kênh bỏ vào thùng. Cá nướng này, chắc cũng bán cho người mua về cúng để cầu cho gia đạo bình an, phúc-lộc đủ đầy.

Mùi nhang hòa quyện mùi cá/gà nướng cộng với mùi tanh tanh của cá sống, mùi khói bụi mịn… nhảy vào cái mũi khó chiều của tôi, khiến tôi bị dị ứng, hắc xì liên tục, nhưng vì nhiều chuyện, tôi vẫn đứng hóng hớt tiếp.

Có lẽ biết được sự trông mong của tôi, sau một loạt thủ tục tụng kinh niệm chú, nam mô a di đà… Các vị sư lên xe ngồi trước. Một vị “trưởng lão”, có vẻ đứng đầu nhóm bên này bắt đầu buông lời chửi bên kia ì xèo vì… thất đức, dám sát sanh ngay chỗ người ta phóng sanh. Một vị “trưởng lão” đại diện phía bên kia cũng bận rộn vừa quạt lò than vừa chửi vọng lại bên này ngu dốt, quăng cá mua ngoài chợ – quen nuôi nhốt quăng xuống kênh cũng chẳng khác gì sát cá, mấy bữa nữa nó không chết vì sống không nổi với nước kênh thối thì cũng chết dưới tay dân nhậu, hoặc những vụ “cần thủ”, thích câu cá dạo. Gió như chú bồ câu đưa thư cần mẫn, gửi những lời cay đắng của hai bên cho nhau không biết mệt, nhưng có lẽ là nhiều lời quá nên Gió ôm không hết, rớt loảng xoảng giữa đàng, nên có khi nghe rõ, có khi nghe câu được câu không. Ðỉnh điểm của trận cãi là “vị trưởng lão” bên này muốn tài xế – có lẽ là con cháu trong nhà – lái xe vòng qua bờ kênh bên kia “nói chuyện phải trái”, hoặc tới đó cãi để nghe cho rõ lời nhau mà phản bác. Nhưng có lẽ đi một vòng, lửa lòng được dập sương sương, hoặc bác tài sợ qua tới đó nhìn con cá lóc nướng trui thơm phức được đắp lên lớp mỡ hành + đậu phộng béo ngậy mà cầm lòng không đặng… nên tôi đứng chờ hoài không thấy cái xe hơi 7 chỗ màu xanh đen đi tới quầy cá lóc nướng bên kia. Chỉ thấy hết chiếc xe hơi này đến xe máy khác dừng lại cái chỗ “linh thiêng” vừa rồi, lặp lại hành động như trên. Có nhóm đem theo các vị sư, có nhóm không. Có nhóm tỏ vẻ khó chịu với quầy cá nướng ở bờ kênh đối diện, có nhóm dặn người nhà lát qua bển mua con cá/gà về cúng cho tiện, khỏi phải tìm mua đâu xa xôi.

Tuy không được cho con cá/gà nào, nhưng tôi thấy “bên kia” nói đúng, kênh Nhiêu Lộc như một dòng kênh chết, người ta phải ra công rất nhiều mới được như ngày hôm nay, nhưng nó đúng là không phải chỗ cho cá sống sót. Vì sau bao lần làm sạch, nó vẫn là dòng kênh chết. Muốn phóng sanh, kênh Nhiêu Lộc không phải lựa chọn tốt. Nhưng, cái xe cá/gà nướng cũng không nên ở trên vỉa hè bờ kênh, vì đây là chỗ người dân đi bộ. Mấy điều này, nếu tôi biết thì chắc chắn cả thế giới đều biết rồi. Nhưng nó vẫn xảy ra một cách bền bỉ. Nhiều bữa muốn đi bộ dọc bờ kênh, phải đi tràn xuống lòng đường để nhường chỗ cho các “bãi giữ xe” của các quán nhậu, cà phê dọc bờ kênh…

Hà Nội cũng từng “đắp chiếu”, bỏ quên hàng đống “xe đạp tuần tra”

Những nghịch lý như vậy nó cứ diễn ra hằng ngày tại Việt, chứ không chỉ mấy bữa Tết, cũng không riêng ở chuyện phóng-sát sanh. Bởi vậy, đôi khi tôi thấy người Việt rất dễ tiêu cực hơn những người ở đất nước phát triển khác, vì họ chưa nếm được ngọt ngào đã nhớ lại vị đắng chát, vì vậy mà họ phải đề phòng trước cho an thân. Ðơn cử là tôi, khi nhìn vào ai/vấn đề gì, dù không cố ý, nhưng não cứ chạy đến các vấn đề tiêu cực nhất. Ðiều này vô tình khiến cuộc sống của tôi đỡ đơn giản và đỡ vui vẻ, vô tư rất nhiều.

Như mới đây, Sài Gòn có một dịch vụ mới, đó là cho thuê xe đạp công cộng để người dân/khách du lịch có thể dạo phố. Tất cả mọi bước để thuê xe, trả tiền đều được “số hóa” qua một app trên điện thoại di động. Nghe qua thì cũng thiệt tiện lợi và thân thiện với môi trường. Còn có vẻ văn minh khi vừa có cơ hội luyện thể thao, vừa dạo được phố, vừa tưởng tượng mình là Thủ tướng Hòa Lan – Mark Rutte – đi xe đạp đi làm… Buồn buồn rủ mấy đứa bạn thân cùng thuê đạp vòng vòng, vừa vui vừa khoẻ người vừa nhắc lại kỷ niệm thời đi học… Ði phóng sanh – thuê xe đạp. Ði bát phố – thuê xe đạp. Ði mua cá lóc nướng – thuê xe đạp. Với mức giá hiện tại – 5000 VND cho 1 tiếng đồng hồ – quá rẻ.

Nhưng… tôi từ chối sử dụng dịch vụ ngay khi nghe về nó, càng kiên định hơn khi thử dùng nó.

Vì, đời không như là mơ. Không khí Châu Âu trong lành mát mẻ, giao thông công cộng thuận tiện… nên ông Thủ tướng Hòa Lan đạp xe, mang giày, mặc vest nhìn sang gì đâu. Còn trời Sài Gòn chỉ có hai mùa, mùa nắng chói chang và mùa muốn mưa hồi nào mưa, muốn nghỉ hồi nào nghỉ. Ðất Sài Gòn cũng vậy, có mùa khô và mùa ngập hơn nửa bánh xe đạp, hai mùa đó thương yêu nhau lắm nên không tách ra, cứ trộn lẫn. Con người sống ở Sài Gòn, không phải ai cũng biết lái xe, vì đa số tài xế lái xe được ở Sài Gòn đều rất cừ khôi lạng lách hoặc giỏi chịu đựng. Phải chịu được cảnh bị xe đằng sau đụng vào đít xe khi ngừng xe chờ đèn đỏ mà không một lời thở than. Phải nhịn được cảnh, các chị “ninja” bật xi-nhan xin quẹo phải, nhưng quẹo trái, đôi khi xin quẹo trái mà đi quẹo trái thật. Ðường Sài Gòn thì nhỏ, xe máy-xe hơi-xe ba gác-xe tăng cùng nhau chạy một làn, làn đâu mà dành riêng cho xe đạp? Nên nhìn những chiếc xe đạp màu xanh mát mắt, cứ tưởng là mình vừa đạp xe vừa hát, vừa cảm nhận không khí… Nhưng vừa nhận xe, đạp chưa hết ba căn nhà đã thấy ê mông, ướt lưng. Thành ra… vừa đạp xe, vừa thở hổn hển, vừa lau mồ hôi, vừa hít khói bụi, xui xui bị xe máy nào đó đụng đít – bay xuống kênh nói chuyện với đàn cá vừa được phóng sanh luôn. Ði xe đạp tại Sài Gòn nên mặc đồ thể thao mỏng nhẹ, đóng bộ comple để đi làm hay đi du hí (chụp hình đẹp) thì về nhà có lẽ sẽ vắt ra nước (mồ hôi).

Quả tình, Tàu Cộng thử nghiệm trước Việt Nam nhiều thứ, hoặc đúng ra thì Việt Nam mình luôn muốn thử nghiệm thứ mà họ đã thử và thất bại. Vụ xe đạp công cộng, Trung quốc làm từ hơn 20 năm trước rồi. Dầu nước họ nằm trọn trong vùng ôn đới, dầu nước họ có số dân đông kinh hoàng và cũng có những bất tiện cho việc di chuyển bằng tàu điện. Kiểu như đoạn tàu tiện đó sau khi xuống bến, bạn phải đi bộ thêm 10 phút nữa vào công ty thì có thể chọn lựa việc thuê xe đạp công cộng thay vì đi bộ mệt mỏi… Nhưng nay, không khó để tìm các hình ảnh về những bãi rác xe đạp công cộng khổng lồ tại Trung Quốc. Tân Gia Ba cũng thử và thất bại, dầu hệ thống tàu điện của Sing kết hợp xe đạp này có vẻ như rất hoàn hảo. Nhưng người dân Sing cũng sợ nóng, sợ nắng chứ bộ!

Chỉ 1 tháng thí điểm… (chụp màn hình)

Lý do việc cho thuê xe đạp công cộng thất bại ở Trung Quốc được các báo trong nước đưa ra, phần lớn bởi sự vô ý thức của người thuê xe: Dùng xong thì rất ít người mang chúng về đúng vị trí. Xe đạp công cộng bị quăng khắp nơi: trên vỉa hè, dưới gầm cầu vượt, trong công viên, dựa vào tường hay nằm lăn lóc trong bãi đất trống. Không phải xe tự mua nên người thuê xe dùng không thương tiếc, tháo được cái gì thì tháo, phá được chỗ nào thì phá, có người coi cái xe đạp thuê như cái radio cũ của cha mẹ hồi nhỏ, tháo ra hết coi ở trỏng có gì? Tôi không biết có nên nói thật là, tôi tin những lý do trên hoàn toàn có thể lặp lại tại Việt Nam, thậm chí là tệ hơn như vậy. Vì mới chỉ sau 1 tháng thí điểm xe đạp công cộng, các báo đã rầm rộ đăng bài về việc ăn cắp xe công cộng, xe bị phá… Người ta cứ bàn mãi việc giáo dục trẻ con, nhưng ngay cả người lớn còn thiếu giáo dục, thì lấy ai dạy ai? Ngay cả người mang danh giáo sư lâu đời, ngồi chễm chệ trước bao nhiêu người trẻ tuổi Việt Nam khắp các trường đại học để dạy đời như bà Tiến sĩ Ðoàn Hương, còn có thể ngồi phán tỉnh bơ: “Ðừng có thèm mơ ra nước ngoài. Những thằng làm việc với tư bản đều kiệt sức. Trước dịch (COVID-19), tôi đi dạo New York city giờ tan tầm, tôi thấy cỡ 1 triệu người kiệt sức mặt cúi gằm như vậy lê bước đi làm về. Như những đàn nô lệ thời La Mã…” (Nếu bà Ðoàn Hương nói thiệt, thì tại New York – Mỹ cũng không có xe đạp công cộng cho thuê, hoặc ít. Vì bà thấy cả triệu người, không ai đạp xe.)

Tóm lại, theo tôi thì tại Sài Gòn, việc cho thuê xe đạp công cộng không hề có “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu có gợi ý, tôi nghĩ việc kinh doanh này có thể làm ở các vùng biển, các khu phố cổ như Hội An, hoặc tại nơi có khí hậu mát mẻ như Ðà Lạt… vì thời tiết và đường sá ở đó. Còn thành công không thì tùy thuộc vào nhân loài, mà đã tùy thuộc vào “nhân” thì… tốt nhất đừng cho thuê, hoặc phải chờ dân trí, quan trí, tiến sĩ trí Việt Nam cao hơn một chút rồi hẳn tính đến chuyện mà các nước láng giềng bó tay này. Giờ, chúng ta ráng đi bộ, đi xe hai bánh, để dành tiền biếu các quan xe hơi vậy. Như câu chuyện dưới đây:

Nhân ngày vía Thần Tài, chủ tịch được một vị tài phiệt ngành bất động sản tặng cho chiếc Mercedes. Chủ tịch cương quyết từ chối:

– Anh làm việc là vì dân vì nước, nên quyết không để vật chất cám dỗ. Mai anh ra thuê xe đạp công cộng đi làm, theo gương thủ tướng Hòa Lan.

Ông tài phiệt phân bua: Thôi lỡ dzồi, cái này là tấm lòng, chủ tịch nhận đỡ cho em vui. Ðây là chìa khoá xe, giấy “chính chủ”, đứng tên chủ tịch hết dzồi…

Chủ tịch: Chú làm khó anh quá, anh nói rồi, anh làm việc là vì dân vì nước, quyết không nhận quà cáp của ai hết. Tuy nhiên chú mua lỡ rồi, nếu bán rẻ lại thì anh mua, chứ tặng thì anh không dám lấy đâu..

Tài phiệt: Vâng, vậy thôi em bán rẻ lại cho ngài $50 tượng trưng thôi.

– Ok.. (chủ tịch móc bóp đưa ra tờ giấy $100)

Tài phiệt: Vâng, để em thối lại cho chủ tịch $50

Chủ tịch: Thôi… khỏi thối, chiều chú đem tới thêm 1 chiếc nữa cho chị có mà đi.

Du Uyên

Related posts