Huyền Anh
Một báo cáo mới đây cho thấy các chính sách Zero Covid hà khắc của Bắc Kinh trong thời kỳ đại dịch đã khiến ảnh hưởng của nước này ở châu Á giảm mạnh. Trong khi đó, Úc, quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn, đang rút ngắn khoảng cách đáng kể để vượt Nga.
Theo ấn bản mới nhất về Chỉ số sức mạnh châu Á của Viện Lowy, Sức mạnh tổng thể của Trung Quốc ở châu Á giảm mạnh nhất vào năm 2022. trong khi sức mạnh tổng thể của hầu hết các quốc gia đang suy giảm, Úc là cường quốc hạng trung ít bị ảnh hưởng nhất và tiếp tục thu hẹp khoảng cách với Nga ở vị trí thứ năm.
Được công bố lần đầu tiên vào năm 2018, Chỉ số đánh giá cán cân quyền lực ở châu Á thông qua 133 chỉ số trong 8 tiêu chí đánh giá theo chủ đề: năng lực quân sự và mạng lưới phòng thủ, năng lực kinh tế và các mối quan hệ, ảnh hưởng ngoại giao và văn hóa, cũng như khả năng phục hồi và các nguồn lực trong tương lai.
Năm nay, Chỉ số này bao gồm ba chỉ số mới theo dõi sự hợp tác ngoại giao cấp cao giữa tất cả các quốc gia, cho phép so sánh mới về ảnh hưởng ngoại giao và quốc phòng trên khắp châu Á.
Xếp ở vị trí đầu tiên trong báo cáo là Hoa Kỳ, với số điểm là 80,7; Trung Quốc đứng thứ hai với số điểm 72,5.
Báo cáo cho thấy, điểm số của Trung Quốc về các biện pháp đo lường sức mạnh kinh tế và sử dụng nó để đạt được lợi thế địa chính trị đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm thứ hai trong gần 50 năm qua, đưa Hoa Kỳ trở lại vị trí đầu tiên.
“Lợi thế khu vực của Trung Quốc luôn là sự gần gũi và mức độ kết nối với các quốc gia khác ở châu Á”, bà Susannah Patton, người đứng đầu dự án này của Viện Lowy, nói với tờ Sydney Morning Herald.
“Nhưng trên tất cả các chỉ số mà chúng tôi đã xem xét, dù là kết nối chuyến bay, lưu lượng khách du lịch, lưu lượng sinh viên quốc tế, lưu lượng doanh nhân, lưu chuyển vốn, thì Trung Quốc thực sự đã phải chịu thiệt hại trong suốt đại dịch”.
Bất chấp các biện pháp Zero Covid hà khắc, Bắc Kinh suýt chút nữa đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng ngoại giao lớn nhất ở châu Á vào năm 2022 trong việc tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo và bộ trưởng ngoại giao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực.
“[Trung Quốc] tiếp tục đặt ra một thách thức ghê gớm và ngày càng tăng đối với sức mạnh của Hoa Kỳ ở châu Á thông qua việc đạt được năng lực quân sự”, một tuyên bố của Viện Lowy cho hay.
“Hoa Kỳ đã đạt được những bước tiến hàng năm trong Mạng lưới Quốc phòng vượt trội của mình và chất lượng của các Mối quan hệ Kinh tế trong khu vực, mặc dù xuất phát điểm ở mức rất thấp”.
Úc bắt kịp Nga
Tầm ảnh hưởng và uy tín ngoại giao của Nga đã giảm mạnh kể từ khi nước này đem quân xâm lược Ukraine, dẫn đến ảnh hưởng của quốc gia này ở châu Á giảm mạnh. Chỉ số sức mạnh ở châu Á của quốc gia này là 31,60 điểm.
Với tư cách là một cường quốc tầm trung, điểm số của Úc (30,9) đã bắt kịp Nga, giữ vị trí thứ sáu – dưới Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga nhưng trên các quốc gia đông dân hơn, bao gồm Hàn Quốc và Indonesia.
Trong năm qua, Úc đã đạt được những thành tựu đáng kể về ảnh hưởng ngoại giao, nhưng điểm số của nước này trong các chỉ số quốc phòng đã giảm.
Báo cáo cho biết: “Nhìn chung, Úc là cường quốc hạng trung ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch. Mặc dù ảnh hưởng trong khu vực giảm sút trong gần hai năm đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, nhưng sức mạnh tổng thể của quốc gia này hiện gần như trở lại mức trước đại dịch”.
10 quốc gia hàng đầu về sức mạnh tổng thể là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Quốc gia duy nhất đạt được sức mạnh tổng thể là Campuchia, tăng hai bậc.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch