Tác giả: Đinh Lê Hồng Giang
Trong Thông điệp Liên bang ngày 21 tháng Hai năm 2023, Tổng thống V. Putin đã ra tuyên bố Nga tạm thời ngưng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược New START. Sự kiện này ngay lập tức trở thành vấn đề chính trị nóng nhất của nghị sự quốc tế. Trong bối cảnh đối đầu chiến lược gay gắt với Mỹ và phương Tây, hành động của Tổng thống Nga hoàn toàn lô-gíc song lại làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới, đe doạ an ninh toàn cầu.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược New START được ký hồi tháng Tư năm 2010 là thoả thuận song phương giữa Nga và Mỹ về kiểm soát số lượng vũ khí hạt nhân và phương tiện vận chuyển chúng. Theo đó, mỗi bên cắt giảm đầu đạn hạt nhân đã triển khai xuống 1550 đơn vị; đồng thời giới hạn tối đa 700 đơn vị đối với các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và oanh tạc cơ hạng nặng. New START là nỗ lực chung của cả Nga và Mỹ trong nhiều năm nhằm duy trì lòng tin chiến lược giữa hai siêu cường quân sự. Hiệp ước này tiếp tục được gia hạn thêm 5 năm từ tháng Một năm 2021.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga mới đây đã quyết định đình chỉ tham gia New START. Động thái này có thể xem như một hình thức đáp trả tương xứng việc Mỹ đơn phương rời bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trước đó. Trong Thông điệp Liên bang, người lãnh đạo nước Nga đã có những giải thích cho quyết định của mình. Theo Putin, Mỹ không tuân thủ các điều khoản đã được ký kết và đang sử dụng chính Hiệp ước này như một công cụ để làm suy yếu nước Nga. Ông cáo buộc các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ và các đồng minh NATO đang nhắm vào Nga; đồng thời tỏ ra lo ngại về dự án phát triển các loại vũ khí mới của họ. Trong tình huống này, Tổng thống Nga yêu cầu Bộ Quốc phòng phải đảm bảo sẵn sàng cho việc thử nghiệm hạt nhân của Nga nếu phía Mỹ tiến hành một hoạt động như vậy.
Hành động của Nga là hoàn toàn lô-gíc trong bối cảnh đối đầu chiến lược với Mỹ và phương Tây đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Hiệp ước New START được ký vào năm 2010, thời điểm Nga và Mỹ “tái thiết lập” (reset) mối quan hệ của mình, cùng nhau nỗ lực “tăng cường hợp tác chiến lược trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, cởi mở, có thể dự đoán và được hướng dẫn bởi nguyên tắc an ninh tập thể không chia cắt”. Nhưng ngày nay Mỹ cùng đồng minh phương Tây tiến hành chiến tranh uỷ nhiệm tại Ukraine và đưa ra hàng loạt các biện pháp chống Nga thì nỗ lực đó rõ ràng đã thất bại và Nga không cần thiết phải tuân thủ các điều khoản đã ký kết.
Tuy nhiên, việc Nga tuyên bố đình chỉ hiệp ước New START ngay trước dịp tròn một năm nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine mang hàm ý nhất định. Nga đang muốn răn đe các nước phương Tây bằng việc đặt hai vấn đề này lên cùng một bàn cân, rằng Nga có thể tiếp tục leo thang trong xung đột ở Ukraine nếu cần thiết để đảm bảo lợi ích quốc gia của mình; đồng thời nhắc nhở các nước phương Tây về cái giá phải trả nếu tiến hành đối đầu trực diện với một siêu cường hạt nhân như Nga.
New START là thoả thuận cuối cùng còn tồn tại giữa Nga và Mỹ trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân – lĩnh vực hợp tác duy nhất mà cả hai bên có thể hiểu nhau. Việc Nga tạm thời dừng tham gia Hiệp ước này đánh dấu sự sụp đổ gần như hoàn toàn các cơ chế song phương về “ổn định chiến lược” (strategic stability) được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh. Mô hình các hiệp ước và thoả thuận trước đó giữa hai cường quốc đã không còn phù hợp với tình hình quốc tế đương đại, do vậy cần phải tìm kiếm một mô hình mới nếu các bên còn muốn tiếp tục hợp tác và kiểm soát lẫn nhau.
Hiện nay, Nga và Mỹ đang nắm giữ hơn 90% số lượng đầu đạn hạt nhân của thế giới, đủ sức để huỷ diệt hành tinh nhiều lần. Nga là nước sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất với hơn 6000 đơn vị. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga về việc đình chỉ Hiệp ước New START đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới như đã từng diễn ra hồi những năm 70-80 của thế kỷ trước, đe doạ nghiêm trọng đến an ninh toàn cầu. Song tuyên bố của Putin hiện vẫn mang tính chất chính trị nên có thể hy vọng về một sự đảo ngược.
Bản thân Nga không muốn phá huỷ hoàn toàn cơ chế kiểm soát vũ khí chiến lược cuối cùng với Mỹ. Đó là lý do tại sao mà Tổng thống Nga không quyết định rút khỏi Hiệp ước mà chỉ tuyên bố đình chỉ tham gia. Rõ ràng, các điều khoản cam kết giữa các siêu cường hạt nhân để duy trì “ổn định chiến lược” vẫn tốt hơn so với việc để mất kiểm soát toàn diện. Sau tuyên bố của Tổng thống, Bộ Ngoại giao Nga đã lưu ý thêm rằng nước này sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế định lượng do New START quy định cho đến hết thời hạn đã được ký kết.
Tuy nhiên, để Nga có thể quay lại thực hiện New START thì Mỹ buộc phải tuân thủ các điều khoản và tôn trọng các lợi ích quốc gia của Nga. Trong tương lai gần, một thoả thuận song phương mới giữa Nga và Mỹ về lĩnh vực này dường như rất khó diễn ra. Thay vào đó sẽ là triển vọng về một hiệp ước đa phương vì Nga muốn các đồng minh của Mỹ cũng phải tham gia chung vào việc kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Đinh Lê Hồng Giang là nghiên cứu sinh chuyên ngành chính trị học tại Đại học Tổng hợp Sevastopol, Liên bang Nga.