ĐCSTQ tăng cường đàn áp báo chí, quấy rối và theo dõi nhiều phóng viên trong và ngoài nước
Một tổ chức báo chí nổi tiếng đã cho biết trong báo cáo thường niên của mình rằng, năm 2022 đánh dấu một năm ĐCSTQ tăng cường đàn áp báo chí ở Trung Quốc đại lục.
Báo cáo được công bố bởi Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Trung Quốc (gọi tắt là FCCC) vào ngày 1 tháng 3, dựa trên 102 trong số 166 thành viên phóng viên làm việc cho các hãng tin ở 30 quốc gia và khu vực.
Cuộc khảo sát cho thấy, 45% phóng viên nước ngoài xác nhận các đồng nghiệp Trung Quốc của họ đã bị chính quyền sách nhiễu ít nhất một lần vào năm ngoái. Đó là mức tăng 40% từ năm 2021. Thêm vào đó, 38% số người nói rằng đồng nghiệp Trung Quốc của họ đã bị công an sách nhiễu, bắt giữ, triệu tập hoặc chịu các hậu quả khác. Vào năm 2021, tỷ lệ đó vẫn ở mức 1/4.
Khi chính sách ‘Zero COVID’ của Trung Quốc vẫn được áp dụng, 47% nhà báo nước ngoài cho biết họ bị cấm đi du lịch vào một thời điểm nào đó do có vấn đề về mã sức khỏe. Tuy nhiên, những người bị giới chức Trung Quốc chặn lại, bất kể tình trạng sức khỏe của họ, lên tới 49%. Ngoài ra, 31% cho biết họ phải hủy các chuyến đi hoặc các cuộc phỏng vấn sau khi bị chính quyền đe dọa.
Trong phong trào Giấy Trắng vào tháng 11 năm ngoái, nhà báo Ed Lawrence của đài truyền hình BBC được cho là đã bị chính quyền đánh đập và bắt giữ ở Thượng Hải. Tổ chức báo chí nói rằng, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, “một loạt các hạn chế của nhà nước, việc giám sát kỹ thuật số hay quấy rối các nhà báo vẫn tồn tại. Có thể nói, những thách thức đối với quyền tự do báo chí ở Trung Quốc hiện tại vẫn chưa kết thúc.”
Vào tháng 1 năm nay, một nhóm các phóng viên đài CNN đã bị chính quyền ĐCSTQ theo dõi, khi họ đang cố gắng thu thập tình hình dịch bệnh COVID ở nông thôn Trung Quốc. Sau đó, trong khi máy quay vẫn đang quay, một sĩ quan cảnh sát đã ngang nhiên cắt ngang cuộc phỏng vấn của phóng viên Selina Wang với một người dân.
Tổ chức FCCC cho biết, “Trung Quốc tiếp tục là một trong những câu chuyện quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Nhưng kể từ khi bắt đầu đại dịch toàn cầu vào năm 2020, các quyền tự do báo chí trên khắp nước này đã giảm với tốc độ chóng mặt, và chưa biết khi nào nó sẽ hồi phục.”
Tạ Linh
Trung Quốc nói nên thúc đẩy ‘thống nhất hòa bình’ với Đài Loan
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm Chủ nhật, 5/3, cho biết chính phủ nên thúc đẩy sự phát triển hòa bình của quan hệ với Đài Loan và thúc đẩy quá trình “thống nhất hòa bình” của Trung Quốc nhưng cũng thực hiện các bước kiên quyết để phản đối nền độc lập của Đài Loan.
Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự gần hòn đảo này trong ba năm qua, đáp trả cái mà họ gọi là “sự thông đồng” giữa Đài Bắc và Washington, nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế chính của Đài Loan.
Vào tháng 8, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan để đáp lại chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.
Phát biểu khai mạc cuộc họp thường niên của quốc hội Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh tuân theo nguyên tắc “một Trung Quốc”, trong đó nêu rõ Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Ông nói với khoảng 3.000 đại biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh rằng chính phủ nên thực hiện chính sách của đảng chúng ta là “giải quyết vấn đề Đài Loan” và “thực hiện các bước kiên quyết để phản đối nền độc lập của Đài Loan và thúc đẩy thống nhất đất nước”.
“Chúng ta nên thúc đẩy sự phát triển hòa bình của các mối quan hệ xuyên eo biển và thúc đẩy quá trình thống nhất hòa bình của Trung Quốc.”
Hầu hết người dân Đài Loan đều không muốn đất nước bị cai trị bởi một Trung Quốc chuyên quyền. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Trung Quốc, nhưng bị từ chối vì Bắc Kinh cho rằng bà là một người ly khai.
Chính phủ Đài Loan phản đối mạnh mẽ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh và nói rằng chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.
Tạ Linh
‘Cầu phóng từ xe’ lần đầu đưa vào Ukraine trong gói viện trợ quân sự 400 triệu
Ngoài các loại đạn dược khác nhau, cầu phóng từ xe lần đầu tiên được đưa vào chiến trường Ukraine, trong gói viện trợ quân sự mới 400 triệu đô la Mỹ, theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken cho biết hôm 4/3.
Video về gói quân sự 400 triệu với đạn dược và cầu phóng từ xe (phút 0:50)
Gói quân sự 400 triệu đô la này sẽ gồm đạn dược các loại —tên lửa cho HIMARS, đạn cho lựu pháo, đạn cho xe Bradley, v.v— dịch vụ sửa chữa và bảo trì, các phụ tùng thay thế, cũng như dịch vụ đào tạo.
Trong đó lần đầu tiên AVLB (cầu phóng từ xe, xe phóng cầu) được đưa vào chiến trường Ukraine. Dự kiến sẽ có tác dụng lớn cho cuộc phản công của Kyiv vào mùa xuân.
Cầu phóng xe bọc thép của Hoa Kỳ có từ thời 1963, cho phép nhanh chóng triển các khúc cầu ngắn mà cho phép xe quân sự hạng nặng di chuyển qua đó.
Thiết bị này tỏ ra thực dụng khi cần đưa xe hạng nặng qua sông nhỏ, suối, các khe, chỗ lầy lội,… những điểm chiến lược cần triển khai nhanh khi tấn công.
Video phóng sự của Sky News (Anh quốc) tại hiện trường (phút 1:28) người lính Ukraine cho biết quân đội đang rút khỏi Bakhmut
Nhật Tân
The Economist: Bắc Kinh đổ lỗi Điện Kremlin vì thông tin cung cấp vũ khí bị rò rỉ
Liên quan đến cáo buộc gần đây của Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.
Ấn phẩm The Economist hôm 2 tháng 3 dẫn lời một quan chức của Liên minh châu Âu cho biết, chính quyền Trung Quốc đang cảm thấy khó chịu, vì thông tin đàm phán bán vũ khí cho Nga bị tiết lộ, và họ cáo buộc chính Điện Kremlin cố tình rò rỉ thông tin này.
Theo Economist, Trung Quốc đã khẳng định một cách rõ ràng rằng, bất kỳ sự hỗ trợ nào mà họ cung cấp cho Nga phải được bảo mật hoàn toàn, vì nếu công khai nó sẽ làm suy yếu các tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ đang ở vị thế trung lập trong cuộc chiến. Bắc Kinh cũng nhận thấy rằng, Sáng kiến hòa bình mà họ đưa ra gần đây đã bị các đồng minh của Ukraina từ chối, trong đó sự rò rỉ thông tin về khả năng cung cấp vũ khí cho Nga, làm cho sáng kiến của Bắc Kinh trông có vẻ đạo đức giả.
Kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraina nổ ra, Trung Quốc đã tuyên bố lập trường ‘trung lập’. Bắc Kinh cũng liên tục lặp đi lặp lại những tuyên truyền của Nga rằng, liên bang Nga ‘đã bị kích động’ bởi NATO và Hoa Kỳ, họ cũng không lên án cuộc xâm lược mặc – dù Bắc Kinh nói toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia phải được tôn trọng. Ngoài ra các quan chức Trung Quốc thường xuyên kêu gọi đàm phán và nói rằng, họ ‘ủng hộ hòa bình trên khắp thế giới’.
Liên Thành
Bắc Hàn kêu gọi Liên Hợp Quốc yêu cầu chấm dứt tập trận quân sự Mỹ – Nam Hàn
Bộ Ngoại giao Bắc Hàn hôm Chủ nhật (5/3) kêu gọi Liên Hợp Quốc yêu cầu ngừng ngay lập tức các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nam Hàn, cho rằng các cuộc tập trận này đang làm gia tăng căng thẳng có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các tổ chức quốc tế Kim Son Gyong cho biết trong một tuyên bố được hãng thông tấn nhà nước KCNA đăng tải rằng, các cuộc tập trận và lời lẽ của Mỹ – Hàn “làm gia tăng mức độ đối đầu một cách vô trách nhiệm”.
Hoa Kỳ và Nam Hàn sẽ tiến hành hơn 10 ngày tập trận quy mô lớn vào tháng 3, bao gồm cả đổ bộ, các quan chức của hai nước cho biết hôm thứ Sáu.
Mỹ và Nam Hàn nói rằng các cuộc tập trận là để tự vệ và cần thiết để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, vốn bị cấm bởi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên hôm thứ Bảy đổ lỗi cho Hoa Kỳ về điều mà họ gọi là sự sụp đổ của các hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế và nói rằng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là một phản ứng chính đáng để đảm bảo cân bằng quyền lực trong khu vực.
Mỹ và Nam Hàn cũng đã tiến hành một cuộc tập trận không quân kết hợp với máy bay ném bom tầm xa của Mỹ và máy bay chiến đấu của Hàn Quốc vào thứ Sáu, đồng thời đã tổ chức các cuộc tập trận kéo dài nhiều tuần cho các binh sĩ đặc biệt.
“Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế sẽ phải hối thúc mạnh mẽ Mỹ và Hàn Quốc ngay lập tức dừng các phát biểu khiêu khích và các cuộc tập trận quân sự chung”, ông Kim nói.
Ông nói: “Điều đáng tiếc là Liên Hợp Quốc đã liên tục im lặng trước các cuộc tập trận có “bản chất gây hấn rõ ràng”.
Tháng trước, ông Kim đã đưa ra một tuyên bố nói rằng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hành xử “cực kỳ bất công, không cân bằng” đối với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Ngân Hà (theo Reuters)