Gần 200,000 người ở Thái Lan nhập viện vì ô nhiễm không khí

Gần 200,000 người ở Thái Lan nhập viện vì ô nhiễm không khí
Quang cảnh thành phố giữa tình trạng ô nhiễm không khí ở Bangkok, Thái Lan, hôm 02/02/2023. (Ảnh: Athit Perawongmetha/Reuters)

Hôm thứ Sáu (10/03), Bộ Y tế Thái Lan cho biết gần 200,000 người ở Thái Lan đã phải nhập viện với các bệnh về đường hô hấp liên quan đến ô nhiễm trong tuần qua khi sương khói dày đặc bao phủ các khu vực rộng lớn của nước này.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho biết Bộ này tiết lộ rằng hơn 1.3 triệu người ở Thái Lan đã ngã bệnh kể từ hồi tháng Một do ô nhiễm không khí của nước này ở các mức cao nguy hiểm.

“Mức độ PM2.5 đã vượt quá 51 microgam trên một mét khối không khí trong hơn ba ngày liên tiếp tại 15 tỉnh, bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân,” bộ trưởng y tế cộng đồng Opart Karnkawinpong cho biết.

Ông Karnkawinpong nói rằng các mức ô nhiễm không khí trong năm nay của Thái Lan cao hơn do lưu lượng giao thông gia tăng.

PM2.5 có liên quan đến đến vật chất dạng hạt mịn có đường kính từ 2.5 micromet trở xuống, có thể xâm nhập vào phổi và gây ra những rủi ro đáng kể cho sức khỏe, bao gồm các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và ung thư.

Nhà vận động Alliya Moun-Ob của tổ chức Hòa bình xanh Thái Lan cho biết số người ngã bệnh vì ô nhiễm không khí có thể là “nghiêm trọng nhất mà chúng tôi từng thấy cho đến nay”, với một vài thành phố của Thái Lan chìm trong khói bụi dày đặc.

“Chúng tôi từng có thể nhìn thấy những ngọn núi ở Chiang Mai nhưng giờ không thể nhìn thấy chúng nữa. Ở Bangkok, các tòa cao ốc chìm trong sương khói,” cô Moun-Ob nói với Đài Á Châu Tự Do.

“Chính là tình huống trở lại bình thường sau COVID. Đó là lý do tại sao tình huống này đặc biệt tồi tệ trong năm nay đối với Thái Lan. Ngoài ra, năm nay có ít mưa hơn so với năm ngoái,” cô nói thêm.

Chính phủ đã kêu gọi người dân ở trong nhà và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Cơ quan kiểm soát ô nhiễm của nước này khuyến cáo người dân sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân khi cần thiết.

Quy định không đốt lửa

Tháng trước, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã áp đặt một quy định cấm đốt lửa trong 3 tháng từ ngày 01/02 đến ngày 30/04 để hạn chế cháy rừng và khói mù. Hiện ông đã kêu gọi các nông dân hạn chế đốt rác thải nông nghiệp.

“Làm ơn, tôi không muốn sử dụng luật. Nếu sử dụng, thì tất cả quý vị sẽ phá luật. Tôi không muốn bất kỳ ai gặp rắc rối, nhưng quý vị phải nghĩ đến chất lượng cuộc sống của những người khác và sức khỏe của họ nữa”, ông Prayut nói.

Ban kiểm soát ô nhiễm trước đây nói rằng “các điều kiện thời tiết tù túng” đang khiến cho lượng khí thải xe cộ và các vụ đốt lửa theo mùa trên đất nông nghiệp thêm phần trầm trọng. Họ kêu gọi người dân giảm bớt các hoạt động ngoài trời.

Theo công ty chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir, hôm thứ Bảy (11/03), thành phố Chiang Mai của Thái Lan được xếp hạng là thành phố ô nhiễm thứ hai trên thế giới, với các mức PM2.5 đạt đến 118.4 microgam/m3.

IQAir tuyên bố rằng khí thải từ giao thông, đốt cây trồng, ô nhiễm do xây dựng, và khói thải từ các nhà máy là những yếu tố góp phần gây ra mức PM2.5 cao tại các thành phố của Thái Lan.

“Thái Lan với tư cách là một quốc gia có thể được xem là nơi có nhiều thành phố bị ô nhiễm, trong đó một số thành phố nổi tiếng về mức độ khói và sương mù,” công ty này nêu rõ, viện dẫn Bangkok và Chiang Mai là một số thành phố bị ô nhiễm của Thái Lan.

Trở lại năm 2019, chính quyền địa phương ở Chiang Mai đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi mức ô nhiễm không khí của thành phố này đạt đến “một mức thảm họa”, với các mức PM2.5 vượt quá 700 microgam/m3.

Cẩm An biên dịch

Related posts