Gã khổng lồ ngân hàng HSBC đã tuyên bố mua lại công ty con của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) tại Vương quốc Anh sau khi SVB sụp đổ vào tuần trước. Vụ sụp đổ làm dấy lên lo ngại rằng lĩnh vực công nghệ của Vương quốc Anh sẽ phải gánh chịu ít nhiều tác động.
SVB có trụ sở tại Santa Clara (bang California, Mỹ) đã sụp đổ vào ngày 10/03. Các cơ quan quản lý của California yêu cầu công ty đóng cửa và chỉ định Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) làm bên tiếp nhận.
Ngày 11/03, Ngân hàng Anh (BoE) – Ngân hàng Trung ương của Vương quốc Anh – thông báo rằng SVB Anh sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Jeremy Hunt cảnh báo rằng sự sụp đổ của SVB Anh sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với ngành công nghệ và ngành khoa học sự sống của đất nước, nhiều trong số đó sử dụng dịch vụ của SVB.
Ngày 13/03, HSBC Anh đã thông báo rằng họ đang mua lại SVB Anh với giá 1 GBP (bảng Anh) (1,21 USD).
“Tài sản và nợ phải trả của các công ty mẹ của SVB Anh được loại trừ khỏi giao dịch. Giao dịch hoàn tất ngay lập tức. Việc mua lại sẽ được chi trả bằng các nguồn lực hiện có”, HSBC cho biết trong một thông báo ngày 13/03.
Tính đến ngày 10/03, SVB Anh có các khoản cho vay khoảng 5,5 tỷ GBP (6,6 tỷ USD) và các khoản tiền gửi khoảng 6,7 tỷ GBP (8,08 tỷ USD). Vốn chủ sở hữu hữu hình của SVB Anh dự tính vào khoảng 1,4 tỷ GBP (1,69 tỷ USD).
“Tính toán cuối cùng về lợi nhuận phát sinh từ việc mua lại sẽ được cung cấp trong thời gian tới”, HSBC cho biết. Ngân hàng sẽ cập nhật cho cổ đông về việc mua lại trong báo cáo kết quả quý I/2023 vào ngày 02/05/2023.
Tình hình khủng hoảng tại Vương quốc Anh
Sau khi BoE thông báo rằng SVB Anh sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, Liên minh vì Nền kinh tế Kỹ thuật số – một tổ chức phi lợi nhuận vận động cho các chính sách hỗ trợ các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số ở Vương quốc Anh – cho biết trong một tuyên bố rằng sự việc có thể có “tác động đáng kể” đến hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của đất nước này.
“Chúng tôi biết rằng có một số lượng lớn các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư trong hệ sinh thái có tiếp xúc đáng kể với SVB Anh và sẽ rất lo ngại về tình hình”, tuyên bố cho biết.
Sự việc đã buộc hơn 40 công ty niêm yết ở London phải đăng thông tin cập nhật về mức độ liên quan của họ với sự sụp đổ của SVB. Công ty thử nghiệm y tế Diaceutics thông báo họ có 22 triệu GBP (26,5 triệu USD) trong tài khoản tại SVB. Công ty bệnh phổi Polarean Imaging cho biết họ có 12,4 triệu USD tiền mặt được nắm giữ bởi SVB.
Cổ phiếu của cả hai công ty không được giao dịch tại Thị trường đầu tư thay thế – một thị trường phụ của Sở giao dịch chứng khoán London – vào thứ 2 (13/03). Một số lượng lớn các doanh nghiệp tuyên bố phải gánh chịu ít hoặc không gánh chịu tác động trực tiếp từ sự sụp đổ của SVB.
“Sáng nay, chính phủ và Ngân hàng Anh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc Ngân hàng Thung lũng Silicon Anh được bán lại theo con đường tư nhân cho HSBC. Tiền gửi sẽ được bảo vệ, không cần sự hỗ trợ của người đóng thuế. Hôm qua tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ chăm sóc lĩnh vực công nghệ của chúng ta và chúng tôi đã làm việc khẩn trương để thực hiện lời hứa đó”, ông Hunt cho biết trong một bài đăng trên Twitter ngày 13/03.
Phát biểu với các phóng viên hôm thứ 2, ông Hunt nói rằng Vương quốc Anh đang phải đối mặt với tình huống mà trong đó các công ty chiến lược nhất của đất nước có thể bị xóa sổ. Ông Hunt khẳng định rằng cuộc khủng hoảng SVB Anh không gây ra bất kỳ rủi ro nào đối với hệ thống tài chính của Anh quốc, hệ thống mà ông khẳng định là sở hữu nguồn vốn tốt.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch