Tạm giữ 4 tiếp viên Vietnam Airlines vận chuyển hơn 10kg ma túy
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam xác nhận, 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị đã bị tạm giữ để điều tra vụ vận chuyển 10kg ma túy từ Pháp về Việt Nam.
Zing đưa tin, ngày 17/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.HCM phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất điều tra vụ 4 tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines xách hơn 10kg thuốc lắc và ma túy trên chuyến bay VN10 từ Pháp về Việt Nam.
Theo thông tin ban đầu, chuyến bay VN10 chặng bay Charles de Gaulle (Paris, Pháp) – Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hạ cánh lúc 8h10 ngày 16/3. Qua kiểm tra hành lý 4 nữ tiếp viên tên T., Q., V., N., lực lượng chức năng phát hiện hơn 10kg ma túy được chứa trong các hộp kem đánh răng.
Vụ việc sau đó được Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất báo cho Công an TP.HCM. Các đơn vị đang phối hợp lấy lời khai các nữ tiếp viên để mở rộng điều tra.
Theo thông tin trên tờ vnexpress, các tiếp viên nói rằng không biết có ma túy trong kem đánh răng và khai rằng khi ở Pháp đã được một người (chưa xác định danh tính) nhờ “xách tay một số hàng hoá về nước” và trả công hơn 10 triệu đồng.
Tạ Linh
Nhà đầu tư từ Trung Quốc ồ ạt đến Việt Nam
Sau khi Trung Quốc kết thúc chính sách “Zero COVID” vào tháng 12/2022, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 45 dự án mới tại Việt Nam trong 50 ngày đầu năm 2023, theo Reuters dẫn dữ liệu của chính phủ Việt Nam.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, ngoài mức độ hấp dẫn cao nhờ các hiệp định thương mại tự do và vị trí gần Trung Quốc. Động lực khác dẫn tới động thái này là do chi phí lao động ngày càng tăng ở Trung Quốc, việc Hoa Kỳ gia tăng các hạn chế đối với thương mại liên quan đến công nghệ cao với Trung Quốc và việc đánh thuế ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đã dẫn tới làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trước đây.
“Việc các công ty Trung Quốc tìm hiểu về đầu tư sản xuất tại Việt Nam đã tăng theo cấp số nhân trong quý cuối cùng của năm ngoái”. “Đầu tư của Trung Quốc cũng tăng lên đáng kể”. ông Michael Chan, Giám đốc cấp cao bộ phận cho thuê của tập đoàn bất động sản công nghiệp BW Industrial Development cho biết.
Nguồn tin trên cũng cho hay, việc rời đi của Foxconn và Luxshare, các công ty lắp ráp thiết bị cho các tập đoàn nước ngoài lớn như Samsung, Canon và Apple, đã góp phần mở rộng nhanh chóng các cụm công nghiệp trong các lĩnh vực đa dạng như điện thoại thông minh và máy in ở Việt Nam.
Nhưng nguồn cung cấp cho nhiều công ty ở Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ Trung Quốc. Quốc gia này chiếm hơn 20% đầu vào nhập khẩu cho xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2021, gần gấp đôi so với năm 2017, theo tính toán của chuyên gia thương mại David Dollar thuộc Viện Brookings của Hoa Kỳ dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Các công ty nhỏ hơn cung cấp vật tư và dịch vụ cho các tập đoàn lớn hơn có cơ sở tại Việt Nam hiện chiếm phần lớn trong số các công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Nhìn chung, trong khi các nền kinh tế trên toàn thế giới gặp khó khăn trong việc trở lại hoạt động bình thường sau đại dịch và kéo theo đó là sự sụt giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các công ty Trung Quốc đã tăng gấp ba lần chi tiêu cho các địa điểm xây dựng mới ở Việt Nam trong năm nay lên 250 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu chính thức cho thấy, con số này chỉ đứng sau đầu tư từ Singapore và cao hơn cả những nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, lâu nay vẫn là các nhà đầu tư lớn hơn.
Tạ Linh
Khách hàng tố mất gần 47 tỷ đồng gửi tại Sacombank
Bà Hồ Thị Thùy Dương (46 tuổi, ngụ TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)) tố cáo việc 46,9 tỷ đồng gửi tại ngân hàng Sacombank tại thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa bị rút trái phép.
Ngày 16/3, trao đổi với với Zing, bà Hồ Thị Thùy Dương cho biết, đã có đơn gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an về việc gửi tiền vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, chi nhánh tỉnh Khánh Hòa), nhưng sau đó bị mất. Sự việc diễn ra từ tháng 5/2022 đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo bà Dương, nhiều năm trước bà có mở tài khoản tại Phòng giao dịch Cam Ranh, Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa.
Đến tháng 5/2022, bà Dương phát hiện tài khoản của mình bị mất tiền và đã đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 4/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỷ đồng.
Theo bà Dương, tất cả giao dịch đều diễn ra trong khoảng thời gian 18h-21h. “Rà soát thấy có 9 giao dịch bằng tiền mặt. Tất cả giao dịch đều không có mặt tôi và thực hiện ngoài giờ hành chính”, bà Dương nói và cho biết có một giao dịch chuyển khoản với số tiền 11 tỷ đồng.
“Tài khoản do tôi quản lý, có đăng ký biến động số dư qua tin nhắn. Tuy nhiên, tất cả 12 giao dịch trên tôi không hề nhận được tin nhắn biến động số dư nào trong suốt thời gian dài”, bà Dương nói và cho biết không ủy quyền hoặc cho ai thay mặt mình để thực hiện các giao dịch.
Cũng theo bà Dương, sau sự việc đã nhiều lần làm việc với phía Ngân hàng Sacombank để yêu cầu giải quyết vụ việc, trả tiền. “Tại các buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh (đã bị khởi tố, bắt giam_NV) và các cán bộ ngân hàng khác đã thừa nhận hành vi rút trộm tiền từ tài khoản của tôi và xác nhận số tiền rút trộm đến thời điểm thực hiện sao kê tài khoản là 46.9 tỷ đồng”, bà Dương cho biết.
Tuy nhiên, phía Ngân hàng Sacombank không thực hiện việc trả lại tiền cho bà Dương. Ngày 4/1, bà Dương đã gửi đơn tố cáo tới công an.
Sau khi bà Dương khiếu nại, phía Ngân hàng Sacombank có văn bản ủy quyền cho luật sư thông báo đến bà Dương sẽ hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng trong thời gian chờ kết quả xử lý của cơ quan Nhà nước.
“Sau khi nhận văn bản, tôi đã phúc đáp về việc không chấp nhận việc ngân hàng hỗ trợ 15 tỷ đồng. Số tiền tôi mất gần 47 tỷ đồng, đây là gia sản rất lớn và vốn làm ăn. Trong khi tôi không hề liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Phòng giao dịch Cam Ranh. Ngân hàng nói không sai, vậy sao lại có chuyện đi hỗ trợ 15 tỷ đồng cho tôi”, bà Dương nói và cho biết từ khi biết tiền bị mất, việc làm ăn của mình rất khó khăn, bạn hàng bỏ đi nơi khác, thiệt hại rất lớn.
Theo tin trên báo VOV, không riêng bà Dương mất tiền, mà nhiều khách hàng gửi tiền tại đây cũng mất tiền. Phía Sacombank đã làm hoàn trả được 35 tỷ đồng cho một số khách hàng khác.
Trong một diễn biến khác, ông Đỗ Trọng Thảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi xảy ra các sai phạm tại Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh, Hội sở Sacombank đã thay thế Giám đốc Sacombank Khánh Hòa là đơn vị chủ quản của Sacombank Cam Ranh. Đồng thời, thay thế toàn bộ nhân viên tại Phòng Giao dịch Cam Ranh.
Hội An
Tàng trữ ma túy, một nhà sư ở Hải Phòng bị bắt
Ông Nguyễn Thành Đức ở chùa Cô Sơn vừa bị bắt do “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hưng (Thái Bình) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thành Đức (SN 1982, ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) để điều tra về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Ông Nguyễn Thành Đức bị cảnh sát bắt quả tang khi tàng trữ trái phép 0,1476g Methamphetamine.
Đáng chú ý, báo Pháp Luật Việt Nam cho biết Nguyễn Thành Đức (pháp danh Thích Bản Tịnh) là đệ tử của Thượng tọa Thích Tục Bách, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận Lê Chân (trụ trì chùa Vẻn, phường Trại Cau, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) đã được thọ giới tỳ kheo năm 2017.
Từ tháng 4/2021, ông Đức về tạm trú và sinh hoạt tôn giáo tại chùa Cô Sơn (thôn Khôi Vỹ Thượng, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng) cho tới thời gian bị bắt.
Tuy nhiên, ông Thích Tục Bách phủ nhận và nói “không phải là thầy của ông Đức”; việc ông Đức bị bắt “đều không liên quan gì tới nhà chùa và các tăng ni, phật tử khác”, theo báo Tiền Phong.
Hiện Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ TP. Hải Phòng) đề nghị kỷ luật, khai trừ ông Nguyễn Thành Đức ra khỏi Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hải Phòng, thu hồi chứng điệp thọ giới và chứng nhận tăng, ni (nếu kết quả xác minh là đúng); đồng thời gửi văn bản thông báo tới các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để xử lý.
Minh Long