Lam Giang
Hôm thứ Hai (20/3), Mỹ, Trung Quốc và Nga đã có màn tranh cãi kịch liệt trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm cho hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Hôm 20/3, Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên đã họp thảo luận vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 của Triều Tiên hôm 16/3. Theo hãng tin Reuters, Triều Tiên đã hứng chịu các lệnh trừng phạt của LHQ về các chương trình tên lửa và hạt nhân kể từ năm 2006.
Tại cuộc họp, Trung Quốc và Nga đổ lỗi cho các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc vì đã khiêu khích Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo, trong khi Washington cáo buộc Bắc Kinh và Moscow khuyến khích Triều Tiên bằng cách bảo vệ nước này trước các lệnh trừng phạt.
Một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại cuộc họp cho hay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres “quan ngại sâu sắc về tình trạng chia rẽ đã ngăn cản cộng đồng quốc tế hành động về vấn đề này”.
Phó Đại sứ tại LHQ của Nga Anna Evstigneeva mô tả hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc là “chưa từng có”, trong khi Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng hoài nghi về việc, liệu các cuộc tập trận Mỹ – Hàn có phải là các cuộc tập trận phòng thủ thực sự hay không. Ông Cảnh Sảng cũng cáo buộc Washington và Seoul đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết: “Những cuộc tập trận này đã có từ lâu và là hoạt động thường kỳ, hoàn toàn mang tính chất phòng thủ. Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên”.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 20/3, Đại sứ Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc và Nga từ chối “tham gia chính sách ngoại giao thiện chí”, cáo buộc “chủ nghĩa cản trở” của họ tại Hội đồng Bảo an đã khuyến khích Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo mà không bị trừng phạt”. Đồng thời bà cũng lên án việc Bắc Kinh và Seoul khuyến khích Bình Nhưỡng phát triển các loại vũ khí nguy hiểm và tinh vi hơn.
Hãng tin AP đưa tin, sau cuộc họp, bà thay mặt cho các thành viên hội đồng gồm: Albania, Ecuador, Pháp, Nhật Bản, Malta, Thụy Sĩ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vương quốc Anh, cùng với Hàn Quốc, đọc một tuyên bố lên án vụ phóng.
Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có quyền phủ quyết. Quyền lực này giúp họ ngăn chặn việc thông qua các nghị quyết, bất kể số phiếu bầu nhận được tại Hội đồng.
Vào tháng 5/2022, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết Hội đồng Bảo an nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Lệnh này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các vụ phóng ICBM của Bình Nhưỡng, bao gồm xuất khẩu dầu mỏ.
Trong những năm gần đây, Hội đồng Bảo an LHQ đã bị chia rẽ về cách đối phó với Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc thì nói rằng việc LHQ siết chặt các biện pháp trừng phạt sẽ chẳng ích gì và tốt hơn hết là nên nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên. Ông Cảnh Sảng cho hay đây là một cử chỉ “thiện chí” để cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa hoãn.
Đáp lại, bà Thomas-Greenfield cho biết việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của LHQ sẽ tưởng thưởng cho Bình Nhưỡng “vì họ đã không làm gì để tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”. Bà cáo buộc Bình Nhưỡng đã tước đi những viện trợ nhân đạo vô cùng thiết yếu của người dân Triều Tiên.
“Những gì Triều Tiên đang làm là tước đi nguồn viện trợ nhân đạo thiết yếu của chính người dân của họ. Cộng đồng quốc tế luôn sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Triều Tiên để xoa dịu nỗi đau ấy”, bà Thomas -Greenfield cho hay.
Tại cuộc họp, Nga và Trung Quốc cũng một lần nữa nêu lên những lo ngại về vấn đề hạt nhân đối với thỏa thuận an ninh AUKUS, trong đó Úc sẽ phát triển chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cùng với Mỹ và Anh.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Anh đều bác bỏ những lo ngại này và cho rằng thỏa thuận AUKUS không vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
“Các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân phi pháp của Triều Tiên vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Vì vậy, đơn giản là không có gì có thể so sánh với AUKUS”, Phó Đại sứ Anh tại LHQ James Kariuki phát biểu trước Hội đồng.
Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006, Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và công bố thêm hơn 10 nghị quyết nhằm cố gắng kiềm chế các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân cũng như cắt giảm nguồn thu của Triều Tiên.
Nghị quyết trừng phạt gần đây nhất mà Hội đồng Bảo an LHQ thông qua vào tháng 12/2017 cam kết tiếp tục hạn chế xuất khẩu xăng dầu của Triều Tiên nếu nước này thực hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới tầm bắn xuyên lục địa.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận chung “Lá chắn tự do” lớn nhất trong 5 năm qua.
Buổi diễn tập có sự tham gia của các máy bay chiến đấu tàng hình F-35A của Hàn Quốc và máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Máy bay ném bom chiến lược B-1B có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Washington được triển khai tới bán đảo ngày 3/3 cũng có mặt tại cuộc tập trận hôm 19/3.
Trước đó, truyền thông Hàn Quốc và Nhật Bản thông báo Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo vào ngày 19/3. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa xuyên lục địa (ICBM) nhằm phản ứng trước cuộc tập trận Mỹ – Hàn Quốc và hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản – Hàn Quốc.
Tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang khi các bên không ngừng tiến hành hoạt động quân sự.
Triều Tiên nhiều lần tuyên bố rằng họ coi các cuộc tập trận quân sự thường xuyên giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực là mối đe dọa an ninh lớn của nước này. Bình Nhưỡng cảnh báo động thái tập trận quân sự đã đạt đến “lằn ranh đỏ cực điểm” và đe dọa sẽ biến Thái Bình Dương thành “trường bắn”.
Lam Giang tổng hợp