Người Duy Ngô Nhĩ kêu gọi Tòa án Quốc tế truy tố Tập Cận Bình tội ác diệt chủng, chống lại loài người

Liên Thành

Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. (ảnh: Guardian).

Theo đài VOA, 2 nhóm người Duy Ngô Nhĩ có trụ sở tại Washington đang kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra và truy tố các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, về tội diệt chủng và các tội ác khác chống lại loài người ở Tân Cương.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi ICC ngày 17/3 phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và 1 phụ tá của ông vì tội ác chiến tranh.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông Salih Hudayar, thủ tướng của chính phủ lưu vong Đông Turkestan và là người sáng lập Phong trào Quốc gia Đông Turkestan, cho rằng trong khi ICC mô tả tội ác của các quan chức Nga là tội ác chiến tranh, thì những tội ác mà các quan chức Trung Quốc đã và đang phạm phải chắc chắn cấu thành tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc.

Ông Hudayar tiết lộ rằng tổ chức của ông vào tháng 7/2020 đã đệ trình một hồ sơ dài 80 trang, trong đó cung cấp bằng chứng cho thấy các quan chức Trung Quốc đã phạm tội tương tự như tội ác của Putin.

Ông Hudayar lưu ý rằng trường hợp của người Duy Ngô Nhĩ có một số điểm tương đồng với trường hợp của Ukraina. Ông cho biết có bằng chứng rõ ràng rằng hơn 880.000 người Duy Ngô Nhĩ và những trẻ em gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác đã bị buộc phải rời xa gia đình và bị gửi đến các trại tẩy não. 

Tòa án Hình sự Quốc tế hiện đang xem xét các bằng chứng do nhóm của ông Khudaya đưa ra để quyết định liệu có mở cuộc điều tra về các tội ác bị cáo buộc của các quan chức Trung Quốc hay không. 

Tòa án Hình sự Quốc tế, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, là một tổ chức quốc tế độc lập không liên kết với bất kỳ tổ chức nào khác. Tuy nhiên, tòa án này được thiết lập thông qua một hiệp ước được 123 quốc gia phê chuẩn. Trung Quốc và Nga không phải là thành viên đầy đủ của ICC.

Đáp lại những cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, nói với VOA rằng cáo buộc về “lao động cưỡng bức” và “triệt sản cưỡng bức” của chính phủ Trung Quốc là vô căn cứ. Phát ngôn viên này nói rằng vấn đề liên quan đến Tân Cương hoàn toàn không phải là vấn đề nhân quyền, mà là vấn đề chống khủng bố, chống chủ nghĩa cực đoan và ly khai.

Related posts