Đài Loan trục xuất hai phóng viên Trung Quốc do vi phạm quy định địa phương

  • Như Ngọc

Hai phóng viên Trung Quốc đại lục đã rời Đài Loan vào ngày 3/7 sau khi bị giới chức hòn đảo dân chủ này trục xuất vì cho rằng họ đã vi phạm các quy định địa phương quản lý các phóng viên Trung Quốc đang làm việc tại Đài Loan.

Buổi tọa đàm chính trị trên Đài Truyền hình Đông Nam.
Buổi tọa đàm chính trị trên Đài Truyền hình Đông Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Hai phóng viên Trung Quốc vừa bị Đài Loan trục xuất là Ai Kezhu và Lu Qiang. Cả hai đều là phóng viên của Đài Truyền hình Đông Nam Trung Quốc, kênh truyền hình nhà nước có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến.

Hội đồng Sự vụ Đại lục của Đài Loan (MAC) – cơ quan chịu trách nhiệm hàng đầu về xử lý các sự vụ xuyên eo biển cho biết hai phóng viên Ai Kezhu và Lu Qiang đã thực hiện các chương trình tọa đàm (talk show) tại Đài Loan mà không đưa vào thông tin mô tả công việc khi họ nộp đơn xin giấy phép tác nghiệp truyền thông tại Đài Loan.

Bộ Văn hóa Đài Loan (MOC), cơ quan chịu trách nhiệm cấp phát và thu hồi thẻ tác nghiệp báo chí đối với phóng viên Trung Quốc cho biết hai phóng viên Ai Kezhu và Lu Qiang lẽ ra phải báo cáo với Bộ về bất kỳ thay đổi nào trong nhiệm vụ của họ tại Đài Loan. MOC nói rằng thẻ tác nghiệp của hai phóng viên này cũng hết hạn lần lượt vào các ngày 30/6 và 2/7.

Ai Kezhu và Lu Qiang lần đầu đến Đài Loan vào tháng 12/2019, theo thông tin từ báo chí địa phương.

Hội đồng Sự vụ Đại lục của Đài Loan không nói rõ liệu nội dung của các buổi tọa đàm do hai phóng viên Trung Quốc vừa bị trục xuất thực hiện có bị cấm ở Đài Loan hay không.

Mặc dù các chương trình tọa đàm của hai phóng viên Trung Quốc nêu trên không chiếu trên mạng truyền hình cáp Đài Loan, nhưng Đài Truyền hình Đông Nam Trung Quốc đã đăng các buổi tọa đàm chính trị này lên kênh YouTube của họ. Trong một tập tọa đàm gần đây do phóng viên Ai Kezhu dẫn chương trình, một học giả Đài Loan đã chỉ trích Văn phòng Dịch vụ và Trao đổi Đài Loan – Hồng Kông, một cơ quan mới thành lập là chỉ mang giá trị “biểu tượng”.

Học giả Đài Loan nêu trên cũng nói rằng nếu chính phủ Đài Loan “rất chủ động” trong việc ủng hộ người dân Hồng Kông, thì người dân Đài Loan “sẽ coi điều đó là không thể chấp nhận được”.

Học giả nêu trên là cựu nhà lập pháp Chiu Yi của Quốc Dân Đảng. Đây là một nhân vật gây tranh cãi đã bị cáo buộc có xu hướng ủng hộ Bắc Kinh. Ông này là khách mời thường xuyên của các chương trình tọa đàm do hai phóng viên Ai Kezhu và Lu Qiang thực hiện tại Đài Loan, theo Taiwan News.

Văn phòng Dịch vụ và Trao đổi Đài Loan – Hồng Kông vừa đi vào hoạt động từ ngày 1/7 để giúp những người Hồng Kông trốn chạy bức hại chính trị có thể học tập, làm việc hoặc đầu tư tại Đài Loan.

Từ khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô lớn bùng phát tại Hồng Kông vào năm ngoái, hàng nghìn người biểu tình đã bị bắt giam. Nhiều người đã trốn chạy sang nước láng giềng Đài Loan, nơi phong trào dân chủ Hồng Kông nhận được sự ủng hộ rộng lớn của công chúng. Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan cho biết có hơn 200 người biểu tình Hồng Kông đã trốn chạy sang Đài Loan kể từ tháng Sáu năm ngoái, theo tờ nhật báo The Liberty Times.

Vào cuối tháng Năm vừa qua, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã loan báo rằng chính quyền của bà sẽ thành lập một văn phòng mới để trợ giúp những người biểu tình Hồng Kông đã đang trốn chạy tới hòn đảo dân chủ này.

Thời gian ngắn sau đó, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông, làm gia tăng lo ngại rằng những người phê bình chế độ Trung Quốc sẽ bị bức hại và bỏ tù.

Trao đổi về thông tin hai phóng viên Trung Quốc vừa bị trục xuất, Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương trong cuộc họp báo hôm 4/7 đã nói rằng “mặc dù tự do báo chí của chúng ta được công nhận toàn cầu, nhưng chính phủ phải bảo vệ lợi ích của đất nước mình và sự an toàn của công dân mình. Do đó, các phóng viên đến từ bất kỳ quốc gia nào khác đều phải tuân thủ các quy định địa phương”.

Từ năm 2000, Đài Loan đã cho phép các phóng viên Trung Quốc đại lục được thường trú tại hòn đảo này. Theo báo chí địa phương, sau khi hai phóng viên Ai Kezhu và Lu Qiang bị trục xuất, thì số phóng viên Đại Lục còn lại tại Đài Loan là 22 người từ 10 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo.

Bình luận viên chính trị Xia Xiaoqiang tại Mỹ hôm 4/7 đã viết bài bình luận đăng trên trang blog cá nhân nói rằng ông đã sốc khi thấy phát ngôn của học giả Đài Loan kể trên không khác nhiều so với những quan điểm mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra.

Tập tọa đàm này cho thấy rằng nhiệm vụ của Đài Truyền hình Đông Nam tại Đài Loan là để thúc đẩy cái gọi là ‘tiếng nói Đài Loan’ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn và muốn công dân của họ nghe”, ông Xia Xiaoqiang viết.

Nhà lập pháp Đài Loan Wang Ting-yu của Đảng Dân Tiến cầm quyền nói với The Epoch Times Đài Loan rằng chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa thay vì chỉ trục xuất các phóng viên Đại lục vi phạm các quy định địa phương.

Nhà lập pháp Wang Ting-yu cho biết các tổ chức truyền thông Trung Quốc không tin vào tự do báo chí; họ tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Wang Ting-yu nói rằng ông sẽ yêu cầu Cục An ninh Quốc gia Đài Loan và Cục Điều tra của Bộ Tư pháp Đài Loan phải tìm hiểu xem liệu hai phóng viên vừa bị trục xuất có vi phạm các luật khác của Đài Loan như Đạo luật An ninh Quốc gia hoặc luật hình sự hay không. Đạo luật An ninh Quốc gia quy định trừng phạt việc thành lập các tổ chức hoặc thu thập các thông tin nhạy cảm có lợi cho Trung Quốc. Trong khi, luật hình sự có quy định về tội phản quốc.

Ông Wang Ting-yu nói thêm rằng giới chức Đài Loan nên mở rộng các cuộc điều tra tới các phóng viên Trung Quốc khác vẫn đang thường trú tại hòn đảo dân chủ này.

Taiwan News dẫn thông tin từ MAC cho biết CCTV (Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc) và FJTV (Đài Truyền hình Phúc Kiến) cũng thành lập các trường quay tại Đài Loan và thực hiện các chương trình tọa đàm chính trị được cho là cũng vi phạm các quy định của Đài Loan. Các nhà điều tra Đài Loan đang tiến hành xác minh các sai phạm của CCTV và FJTV.

Như Ngọc

Related posts