Fan Yu
Hệ thống tài chính Hoa Kỳ sẽ không thể tiếp tục chịu đựng được cơn hoảng loạn về sức khỏe của hệ thống ngân hàng và về mức độ an toàn của các khoản tiền gửi.
Sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, nói trước Thượng viện Hoa Kỳ hôm 22/03 rằng các cơ quan quản lý ngân hàng liên bang chưa tính đến phương án “bảo vệ cho tất cả các khoản tiền gửi”, thị trường chứng khoán – và cụ thể hơn là cổ phiếu ngân hàng – đã giảm chóng mặt.
Ngay ngày hôm sau, bà Yellen dường như đã rút lại lời tuyên bố trước đó của mình. Trong một bài phát biểu trước Hạ viện Hoa Kỳ, bà Yellen nói rằng, về việc bảo vệ tiền gửi của khách hàng, Bộ Tài chính sẽ “sẵn sàng thực hiện các hành động bổ sung nếu cần thiết”.
Hai ngày đó đã chứng minh điều này: Khả năng hoạt động và thành công của bất kỳ hệ thống tài chính nào đều dựa trên niềm tin.
Nếu các tổ chức tài chính đánh mất niềm tin, thì không biết điều gì sẽ có thể xảy ra.
Lấy ví dụ như ngân hàng First Republic. Tổ chức có trụ sở tại San Francisco này là một trong những thương hiệu có uy tín nhất trong lĩnh vực ngân hàng. Trong vài năm qua, First Republic đã có rất nhiều khách hàng giàu có và đã đưa ra “các khoản cho vay được bảo đảm bởi tài sản thế chấp” (mortgage) cũng như “các khoản cho vay cá nhân” (personal loan) với lãi suất rất thấp – điều tuyệt vời dành cho khách hàng của họ; nhưng hiện giờ, chúng lại đột nhiên trở nên xấu tệ trên bảng cân đối kế toán vì mức lãi suất liên bang và chi phí vốn của ngân hàng đã cao hơn nhiều.
Trong những lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trước đây, First Republic mất đi đôi chút lợi nhuận nhưng vẫn sẽ duy trì hoạt động.
Còn hiện nay thì sao? Việc FED tăng lãi suất khiến cổ phiếu của ngân hàng này có thể giảm đến 90% và cần được các ngân hàng khác giải cứu.
First Republic chắc chắn không phải là ngân hàng duy nhất “run rẩy” trong một môi trường mà FED đang tăng lãi suất ở mức chưa từng có. Rõ ràng, bản thân việc tăng lãi suất không phải là điều chưa từng xảy ra, nhưng tốc độ và tần suất của chúng là chưa từng có và do vậy, đã “hủy hoại” bảng cân đối kế toán của tất cả các ngân hàng.
Đợi đã – tất cả các ngân hàng sao? Vậy thì tại sao trong khi các ngân hàng khu vực gặp khó khăn, thì giá cổ phiếu của những ngân hàng lớn nhất như JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo lại tăng lên?
Một lần nữa, đó là vấn đề về niềm tin.
Chúng ta biết rằng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ có chính sách bảo vệ cho tất cả các khoản tiền gửi dưới 250.000 USD. Vì vậy, về mặt lý thuyết, tất cả các khoản tiền gửi dưới ngưỡng đó sẽ an toàn, cho dù ngân hàng đó nhỏ đến đâu.
Nhưng những khoản tiền vượt ngưỡng 250.000 USD thì sao? Quan điểm của thị trường và của người gửi tiền là chúng chỉ an toàn nếu được cất giữ tại các ngân hàng lớn nhất — những ngân hàng được coi là “quá lớn để sụp đổ” — và trong trường hợp họ vỡ nợ, họ sẽ được chính phủ Hoa Kỳ cứu trợ.
Đây là lý do tại sao chính phủ liên bang cần ra tay và hỗ trợ mạnh mẽ tất cả các ngân hàng, đồng thời cần khiến công chúng nhận thức rằng tất cả các khoản tiền gửi trong ngân hàng sẽ được bảo vệ. Điều này không có nghĩa là khái niệm “quá lớn để sụp đổ” là đúng đắn; nhưng vì thị trường và các nhà đầu tư rõ ràng coi đó là một thực tế, nên các ngân hàng lớn không nên được hưởng lợi thế chỉ đơn giản vì họ lớn hơn.
Và nếu FED hoặc FDIC không thể đảm nhận vai trò này, thì các ngân hàng nên thành lập một liên minh và thành lập một quỹ bảo hiểm hoặc công ty bảo hiểm của riêng họ để bảo vệ cho tất cả các khoản tiền gửi. Bất luận như thế nào, tất cả các khoản tiền gửi phải được bảo vệ. Thật là điều khó khăn đối với những người dân phổ thông khi thức dậy vào một buổi sáng và thấy khoản tiết kiệm phải vất vả làm lụng mới có được của họ đã biến mất.
Điều này cần phải được thực hiện để làm dịu thị trường và xua đi căng thẳng, bởi vì tất cả các ngân hàng khu vực và ngân hàng nhỏ hơn đang bị cuốn vào cơn hoảng loạn của người gửi tiền, bất kể tình hình bảng cân đối kế toán hay khoản cho vay mà các ngân hàng này nắm giữ tốt xấu ra sao.
Trừ khi người ta tin rằng tất cả các ngân hàng địa phương nên ngừng tồn tại và tin rằng hệ thống ngân hàng Mỹ tốt hơn hết là trở nên tập quyền (oligopoly – thị trường bị kiểm soát chỉ bởi một số công ty) bởi 5 tổ chức tài chính lớn nhất. Và đó đơn giản không thể là giải pháp. Các ngân hàng khu vực và địa phương là trụ cột tài chính cho cộng đồng, cung cấp các hạn mức tín dụng, khoản cho vay kinh doanh và giải pháp bất động sản hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty khởi nghiệp, những đối tượng mà những ngân hàng tầm cỡ như JPMorgans sẽ không hợp tác cùng.
Hãy làm rõ: Lập luận trên không ủng hộ việc giải cứu ngân hàng hoặc việc bảo vệ các chủ sở hữu vốn cổ phần (các nhà đầu tư) hay các chủ nợ của ngân hàng, mà chỉ ủng hộ việc bảo vệ các khoản tiền gửi tại ngân hàng. Tất cả các nhà đầu tư nên chịu thiệt hại cùng ngân hàng nếu ngân hàng đó sụp đổ; và nếu các nhà điều hành hoặc nhà quản lý ngân hàng hành động liều lĩnh, họ nên bị truy tố. Nhưng người gửi tiền không nên bị tổn hại chỉ vì đặt niềm tin vào ngân hàng địa phương của họ.
Có rất nhiều người chỉ trích ý kiến này, chẳng hạn như nhà đầu tư và ngôi sao truyền thông Kevin O’Leary. Ông O’Leary cho rằng những người gửi tiền nên tự thẩm định xem họ giao dịch với ai. Những người theo chủ nghĩa tự do nói rằng, khách hàng cần tự chịu trách nhiệm (caveat emptor).
Nhưng đó đơn giản là một yêu cầu vô lý và bất khả thi đối với 99% dân số.
Các khoản tiền gửi tiết kiệm không phải là các khoản đầu tư – vốn có mức độ rủi ro tiềm ẩn nhất định. Nếu quý vị đang mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán, v.v., thì có thể quý vị sẽ mất hoàn toàn khoản đầu tư đó của mình. Hầu hết những người lý trí đều hiểu điều này.
Nhưng “tiền trong ngân hàng”, như người xưa vẫn nói, cần phải an toàn. Nó cần phải được giả định là an toàn. Đó là một trong những điều duy nhất mà người dân phổ thông nên coi là điều hiển nhiên.
Thật là vô lý khi cho rằng trước khi đến gửi số tiền phải làm lụng vất vả mới kiếm được, những người về hưu hoặc những chủ doanh nghiệp nhỏ trong khu phố của quý vị lại cần phải tự tìm hiểu sâu về tình hình tài chính của các chi nhánh ngân hàng địa phương.
Ngay cả các nhà quản lý rủi ro ngân hàng, các nhà phân tích ngân hàng của Phố Wall và các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp gần như cũng không thể phân tích bảng cân đối của các ngân hàng. Và rủi ro thì thay đổi theo thời gian. Một ngân hàng đang hoạt động tốt cách đây 6 tháng có thể đột nhiên hoạt động không tốt mà không có cảnh báo trước.
Vì vậy, chúng ta có nên yêu cầu những người dân phổ thông thực hiện việc thẩm định ở cấp độ MBA [cấp độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh] đối với ngân hàng địa phương của họ và đánh giá triển vọng lãi suất và kinh tế vĩ mô của ngân hàng này 3 tháng/lần không? Hay là chúng ta đề nghị họ cất tất cả tiền mặt dưới đệm, hoặc mua vàng miếng và cạo một ít mỗi khi họ phải trả tiền cho nhà thầu xây dựng, cho người giao hàng FedEx và người bán thực phẩm?
Câu trả lời của quý vị là “không” phải không? Vậy thì, tất cả các khoản tiền gửi cần được bảo vệ.
Cần phải thường xuyên nhấn mạnh về điều này: Niềm tin là thứ tồn tại một cách thực tế trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Chúng ta cho rằng bất kỳ khoản tiền gửi nào dưới 250.000 USD đều an toàn. Nhưng FDIC hiện không có đủ tài sản để chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo vệ theo luật (hiện tại là những khoản dưới 250.000 USD) tại Hoa Kỳ. Tính đến tháng 12/2022, FDIC có lượng tài sản trị giá 128 tỷ USD trong Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi của họ. Họ cũng có thể vay 100 tỷ USD từ Bộ Tài chính Mỹ và lên tới 500 tỷ USD với sự chấp thuận của FED.
Vì vậy, giả sử FDIC có thể chi trả tới khoảng 700 tỷ USD tiền bảo vệ, thì con số này vẫn ít hơn nhiều so với tổng số tiền gửi được bảo vệ theo luật tại các ngân hàng ở Mỹ. Các ước tính đưa ra các con số khác nhau về tổng số tiền chính xác, nhưng nó ở đâu đó khoảng 9.000 tỷ USD.
Nói cách khác, như với bất kỳ công ty bảo hiểm nào, nếu tất cả khách hàng của họ nộp đơn yêu cầu bồi thường cùng một lúc thì công ty đó sẽ không thể chi trả hết.
Vì vậy, đề xuất bảo vệ cho tất cả các khoản tiền gửi trên 250.000 USD – ước tính tổng cộng khoảng 18.000 tỷ USD ở Hoa Kỳ – không tạo ra nhiều khác biệt so với tỷ lệ có thể bảo vệ của FDIC hiện nay (tỷ lệ bảo vệ này sẽ giảm từ 8% xuống 4%).
Tóm lại: FDIC thực sự không thể bảo vệ cho tất cả các khoản tiền gửi dưới 250.000 USD. Nhưng bởi vì chính phủ Hoa Kỳ có cơ chế này, nên có sự tin tưởng vào điều đó. Nó có thể là niềm tin đặt nhầm chỗ, nhưng nó làm được điều tối thiểu để ngăn chặn việc rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng. Và đó là tất cả những gì chúng ta cần tại thời điểm hiện nay.
Sự khác biệt nằm ở nhận thức về sự an toàn của khách hàng và sự tự tin mà nó tạo ra. Và đó có thể là tất cả những gì cần thiết để xoa dịu thị trường hiện nay, để tất cả chúng ta có thể quay trở lại công việc bình thường.
Theo The Epoch Times
Cát Duyên biên dịch