Viên Minh
Lá cờ Phần Lan màu trắng xanh tung bay bên ngoài trụ sở NATO vào chiều thứ Ba (4/4), biến Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của tổ chức này, đồng thời tăng gấp đôi biên giới giữa Nga và liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Động thái này là một đòn chiến lược và chính trị đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từ lâu đã phàn nàn về việc NATO không ngừng mở rộng áp sát Nga, cũng là người một phần lấy đó làm lý do cho hành động xua quân sang đánh Ukraine – nước vẫn nuôi giấc mộng NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Những gì chúng ta thấy là Tổng thống Putin đã gây chiến với Ukraine với mục đích là ngăn NATO mở rộng hơn nhưng giờ đây ông ấy đang đạt được điều hoàn toàn ngược lại”.
Giống như tất cả các thành viên NATO, Phần Lan sẽ được hưởng lợi từ sự đảm bảo an ninh tập thể rằng cuộc tấn công vào một nước được coi là một cuộc tấn công vào tất cả.
NATO đã nói rằng họ không có ý định ngay lập tức tăng cường sự hiện diện của mình ở Phần Lan. Nhưng trong năm qua, một số thành viên NATO đã triển khai quân đội ở đó cho các trò chơi mô phỏng chiến tranh.
Nga ngay lập tức cảnh báo rằng họ sẽ tăng cường lực lượng gần biên giới Phần Lan nếu NATO gửi thêm binh lính hoặc thiết bị tới quốc gia thành viên thứ 31 của tổ chức này.
Phần Lan có lực lượng vũ trang rất đáng kể, được huấn luyện tốt độ tinh nhuệ cao, có khả năng hoạt động trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C ở vùng cực phía bắc. Quốc gia Bắc Âu này cũng có một đội quân dự bị lớn và đang đầu tư mạnh vào trang thiết bị mới, trong đó có hàng chục máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất.
Khi lá cờ Phần Lan kéo lên giữa cờ của Pháp và Estonia trong một buổi lễ được lên lịch từ trước, NATO sẽ hoàn tất quá trình gia nhập nhanh nhất trong lịch sử gần đây của tổ chức này.
Được báo động bởi cuộc tấn công Ukraine của Nga vào năm ngoái, Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 năm 2022. Nước láng giềng Thụy Điển cũng nộp đơn, nhưng quá trình gia nhập được cho là sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Buổi lễ kết nạp Phần Lan rơi đúng vào ngày kỷ niệm 74 năm thành lập của chính NATO (4/4/1949 – 4/4/2023).
“Đây sẽ là một ngày tốt lành cho an ninh của Phần Lan, cho an ninh của Bắc Âu và cho toàn bộ NATO”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên hôm thứ Hai (3/4) trước thềm cuộc họp của các ngoại trưởng liên minh ở Brussels.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo rằng Moscow sẽ tăng cường lực lượng của mình “trong trường hợp các thành viên NATO khác triển khai lực lượng trên lãnh thổ Phần Lan”.
“Chúng tôi sẽ tăng cường tiềm lực quân sự của mình ở phía tây và tây bắc”, ông Grushko nói, theo hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti, mặc dù Nga đang gặp khó khăn trong việc điều động lực lượng chống lại Ukraine vốn bị cho là yếu hơn nhiều.
Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga và không giống như hầu hết các thành viên của liên minh, Phần Lan đã không cắt giảm chi tiêu và đầu tư quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh.
“Họ đã huấn luyện và xây dựng một đội quân lớn trong nhiều năm và luôn duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao. Phần Lan cũng là quốc gia có khả năng phục hồi cực cao với sự chuẩn bị sẵn sàng trong toàn xã hội”, ông Stoltenberg nói.
Nước này cũng giúp hoàn thiện bài toán về địa lý của NATO bằng cách lấp đầy khoảng trống lớn ở khu vực Biển Baltic có tầm quan trọng chiến lược ở phía bắc châu Âu.
Hôm thứ Ba, ông Stoltenberg cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cuối cùng phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan, sẽ trao văn bản chính thức ghi nhận sự chấp thuận của nước này cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Quan chức dân sự hàng đầu của NATO cho biết sau đó ông sẽ mời Phần Lan bàn giao các tài liệu do chính nước này ký kết để hoàn tất thủ tục .
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö và Bộ trưởng Quốc phòng Antti Kaikkonen sẽ tham dự lễ thượng cờ cùng với Ngoại trưởng Pekka Haavisto.
“Đó là một khoảnh khắc lịch sử đối với chúng tôi. Đối với Phần Lan, mục tiêu quan trọng nhất tại cuộc họp sẽ là nhấn mạnh sự hỗ trợ của NATO đối với Ukraine khi Nga tiếp tục gây hấn bất hợp pháp”, Haavisto cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi tìm cách thúc đẩy sự ổn định và an ninh trên toàn khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương”.
Thủ tướng cánh tả Sanna Marin ủng hộ việc gia nhập NATO nhưng đã mất cơ hội hít thở bầu không khí NATO thêm một nhiệm kỳ khác sau khi thất cử, nhưng việc gia nhập NATO đã được sự chấp thuận rộng rãi trong công chúng Phần Lan. Nó không được coi là một yếu tố khiến bà thất bại.
Lars Kahre, một doanh nhân đến từ Helsinki, cho biết quyết định từ bỏ trạng thái trung lập của Phần lan là do những thay đổi ở châu Âu trong năm qua.
“Trong một thời gian dài, chúng tôi đã dựa vào sự độc lập và trung lập của mình và bây giờ chúng tôi nhận ra rằng đó không phải là con đường của tương lai”, ông nói với hãng tin AP. “Bây giờ chúng ta cần tìm kiếm những lựa chọn mới cho tương lai”.
Tất cả 30 đồng minh đã ký các giao thức gia nhập cho Phần Lan và Thụy Điển ngay sau khi họ nộp đơn. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã trì hoãn quá trình này trong nhiều tháng nhưng vẫn hài lòng với Phần Lan. Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm sự đảm bảo từ cả Thuỵ Điển và Phần lan, đặc biệt là để trấn áp các nhóm người Kurd. Còn yêu cầu của Hungary chưa bao giờ rõ ràng.
Tất cả thành viên NATO phải đồng ý để các thành viên mới có thể gia nhập. Đại đa số các thành viên đều mong muốn đưa Thụy Điển vào tổ chức trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người đồng cấp NATO tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo tại thủ đô Vilnius của Lithuania vào ngày 11-12/7.
“Thụy Điển không bị bỏ lại một mình”. Ông Stoltenberg cho biết, Thụy Điển đang tiến gần đến mức có thể trở thành một thành viên chính thức, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng phê chuẩn nghị định thư gia nhập của nước này. “Quan điểm của tôi là Thụy Điển đã thực hiện các cam kết mà họ đã đưa ra”, ông khẳng định.
Một sự cảnh báo rõ ràng với Moscow
Năm 2016, Tổng thống Putin tuyên bố: “Hiện nay, khi nhìn qua biên giới, chúng ta chỉ thấy Phần Lan. Nhưng nếu họ gia nhập NATO, chúng ta sẽ thấy kẻ thù”.
Bấy lâu nay, Moscow vô cùng quan ngại trước hành động mở rộng về phía Đông của NATO. Ukraine, Phần Lan, Belarus là những nước láng giềng có biên giới lớn nhất với Nga. Cuộc chiến với Kiev được phát động cũng bắt nguồn từ lo ngại của Moscow về khả năng Ukraine gia nhập NATO có thể kéo theo một nguy cơ lớn về an ninh sát sườn Nga.
Thế nhưng với việc Phần Lan tham gia vào khối NATO, biên giới của liên minh này với Nga sẽ được mở rộng gấp đôi. Chưa kể, quân đội NATO được bổ sung một lực lượng quân sự mạnh của Phần Lan, cũng như có quyền tiếp cận không phận, cảng và tuyến đường biển quan trọng của Phần Lan.
Ông Matti Pesu, một chuyên gia an ninh của Viện các vấn đề quốc tế Phần Lan, cho biết NATO cũng sẽ có khả năng bảo vệ tốt hơn các quốc gia vùng Baltic và Bắc Cực. Còn ông James G. Stavridis, cựu Đô đốc bốn sao của lực lượng Mỹ và NATO, đã gọi động thái này là “một điểm cộng rất lớn cho NATO. Về mặt địa lý, việc Phần Lan gia nhập liên minh sẽ tạo thêm một biên giới rộng lớn, làm phức tạp tính toán của ông Putin”, ông James G. Stavridis nhận định.
Biên giới dài hơn 1.300 km của Phần Lan với Nga có thể tạo ra những lỗ hổng mới, đồng thời tạo áp lực khiến Nga phải dàn trải lực lượng ra các vùng biên giới để bảo vệ các địa điểm trọng yếu. Đây sẽ là một thách thức lớn với Moscow khi họ đã huy động hầu hết lực lượng quân sự của mình cho cuộc chiến ở Ukraine.
Không giống như hầu hết các nước châu Âu, Phần Lan không thu hẹp quân đội sau sự sụp đổ của Liên Xô. Với dân số khoảng 5,6 triệu dân, Phần Lan duy trì khoảng 23.000 quân nhân tại ngũ. Nhưng khi cần, nước này có thể huy động 280.000 binh sĩ. Helsinki cũng có lực lượng pháo binh lớn nhất Tây Âu, với khoảng 1.500 khẩu pháo các loại.
Tất nhiên sẽ mất một thời gian trước khi Phần Lan và NATO có thể tích hợp đầy đủ các kế hoạch phòng thủ. Thậm chí, Phần Lan vẫn có thể quyết định liệu họ có cần sự hiện diện của quân đội nước ngoài hoặc vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình hay không. Nhưng với Nga mà nói, việc có thêm một quốc gia NATO ngay sát sườn mình là một câu chuyện không hề dễ chịu chút nào.
Dù được cho là củng cố thêm sức mạnh phòng thủ của châu Âu, bước đi này của Phần Lan cũng đem lại thêm nhiều lo ngại cho an ninh khu vực và thế giới.
Trước đây khi mới nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển chỉ phải hứng chịu một số chỉ trích và đe dọa về mặt ngoại giao từ Nga. Tuy nhiên, khi thực sự đứng về phe chống Nga, Phần Lan đang đặt an ninh quốc gia vào một vị thế nguy hiểm với một đường biên giới chung khổng lồ.
Ông Putin không đưa ra lời đe dọa trả đũa cụ thể nào với Phần Lan, nhưng ngoại trưởng Nga đã ám chỉ sẽ có trả đũa. Quyết định ngưng cung ứng điện cho Phần Lan của phía Nga được coi như dấu hiệu trả đũa ban đầu. Trong một thông cáo, công ty điện lực Nga RAO Nordic nói họ sẽ ngưng cung ứng điện cho Phần Lan và nói tới một số vấn đề về thanh toán.
Người phụ trách lưới điện quốc gia Phần Lan Reima Paivinen nói với BBC rằng việc ngưng nguồn điện từ Nga không gây ra khó khăn nào. Ông cho biết điện nhập từ Nga chỉ chiếm khoảng 10% nguồn cung điện lực quốc gia, vào cho biết thêm có thể tìm các nguồn thay thế khác.
Lựa chọn từ bỏ vị thế trung lập của Phần Lan chắc chắn sẽ kích động Nga. Theo Trung tâm An ninh Mỹ Mới, trong ngắn hạn, Nga có thể tìm cách làm suy yếu vị thế của NATO ở khu vực Bắc Âu – Baltic – Bắc Cực thông qua các chiến thuật vùng xám và quan điểm hạt nhân hung hăng hơn nhằm thay thế cho hiện diện quân sự truyền thống đang thiếu hụt. Về lâu dài, NATO cũng sẽ phải lên kế hoạch phòng thủ khi Nga lên kế hoạch tái thiết các lực lượng thông thường ở miền Bắc để đối phó với các thành viên mới của NATO.
Điều nguy hiểm nhất như nhiều chuyên gia chỉ ra, Nga đang trong tình trạng thiếu hụt về lực lượng và khí tài thông thường do cuộc chiến tại Ukraine. Điều này sẽ khiến lực lượng hạt nhân Nga có khả năng sẽ trở thành vũ khí chủ lực để Moscow giải quyết các xung đột trong tương lai. Và điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với thảm họa.
Nhưng liệu Điện Kremlin có dám thực hiện một bước đi mạo hiểm tương tự như đã từng làm với Ukraine hay không, đó vẫn là một vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Ông Putin, với sự giận dữ của mình khi chiến dịch tại Ukraine còn đang bế tắc, rất có thể sẽ cần phải tìm một đối tượng mới để trút giận. Nhưng kịch bản chiến tranh Nga – NATO có lẽ là điều cuối cùng mà đôi bên muốn xảy ra. Dù thế nào đi nữa, an ninh châu Âu đang ngày một mong manh hơn và dường như một thời kỳ đối đầu mới đã mở ra, thậm chí còn gay gắt hơn cả Chiến tranh Lạnh.
Viên Minh (Tổng hợp)