Bảo Nguyên
Kinh tế thế giới đang chơi vơi trước nguy cơ khủng hoảng, và hẳn điều này sẽ có nhiều tác động tới tình hình của Việt Nam. Tuy vậy, rất có thể, Việt Nam sẽ gặp khó bởi chính những thách thức lớn từ nội tại.
Tình hình thế giới có nhiều biến động
Kinh tế thế giới đang ở vào hoàn cảnh rất nhạy cảm. Kinh tế Mỹ ở bờ vực của một cuộc “hạ cánh cứng” khi FED tăng mạnh lãi suất sau thời gian dài duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Theo đuổi chính sách sai lầm trong thời gian quá lâu, FED rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì phải đối mặt với cả lạm phát và nguy cơ suy giảm kinh tế. Các vụ sụp đổ ngân hàng gần đây tại Mỹ là những điềm báo trước cho một tương lai ảm đạm.
Nỗi lo lắng tại Mỹ dường như đã lan truyền ra toàn thế giới. Credit Suisse (ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ) đã nối gót Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature (hai ngân hàng của Mỹ). Ngay trong nội tại các khu vực kinh tế lớn khác, tình hình cũng rất phức tạp. Châu Âu bị tác động nặng nề bởi cuộc chiến Nga – Ukraine, bởi việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo một cách vội vã và sai lầm. Trung Quốc đã ghi nhận con số tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Cách mạng Văn hóa. Chính sách phong tỏa zero-Covid của chính quyền này đã hủy hoại nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Đáng chú ý hơn, nó còn phá hủy niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Lĩnh vực bất động sản – thứ rất quan trọng với kinh tế Trung Quốc – vẫn chìm trong khủng hoảng, trong khi nước này lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm dân số kể từ năm 1961. Cần nói thêm rằng, vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực dồi dào và rẻ mạt.
Nhìn rộng ra, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (World Bank) đều đã phát đi những cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng của kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam chắc chắn cũng khó có thể nằm ngoài xu hướng. Với độ mở lớn của nền kinh tế, hẳn Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động. Dễ thấy ngay trước mắt là lượng đơn hàng quốc tế giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải điêu đứng. Tuy nhiên, nhiều khả năng, Việt Nam sẽ gặp khó khăn bởi chính những vấn đề nội tại của mình, chứ không phải bắt nguồn từ nguyên nhân bên ngoài.
Doanh nghiệp Việt ngày một ‘ốm yếu’
Sức ép lên doanh nghiệp Việt tại thời điểm hiện tại là rất lớn. Đầu tiên phải nói tới vấn đề lao động. Việt Nam, cũng như Trung Quốc, vẫn là một nền kinh tế dựa nhiều vào lao động con người. Tuy nhiên, chi phí bảo hiểm lao động tại Việt Nam lại đang ở mức cao. Theo số liệu trên Trading Economics, chi phí bảo hiểm các loại mà doanh nghiệp phải chi trả tính theo lương là 21,5%, gần đạt mức cao nhất trong khu vực, chỉ thấp hơn Trung Quốc (28,5%). Tỷ lệ này của Indonesia là 7%, Malaysia là 13%, Singapore là 17%.
Logistics (hậu cần) là một lĩnh vực rất quan trọng trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, logistics của Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, với những vấn đề về chi phí đường xá, cầu cảng, các loại hình sách nhiễu…
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang gặp khó khăn với hàng nhập lậu, sự cạnh tranh từ doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là sự thống trị của các sàn thương mại điện tử nước ngoài.
Khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp Việt còn yếu. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước với sức ỳ lớn lại được ưu đãi vay vốn từ các ngân hàng thương mại nhà nước, thì các doanh nghiệp nhỏ chủ yếu chỉ vay được vốn từ các ngân hàng nhỏ. Ngoài ra, nguồn tín dụng là hữu hạn, và các doanh nghiệp thực sự hoạt động phải chia sẻ nguồn vốn với các doanh nghiệp “xác sống” (vốn chỉ sống được nhờ nguồn vốn vay mới, trong khi không thực sự tham gia hoạt động sản xuất). Chừng nào chưa có cơ chế phân loại các doanh nghiệp xác sống và doanh nghiệp lành mạnh, thì nguồn tiền – huyết mạch của hoạt động kinh tế – còn bị lãng phí, ứ tắc.
Với những điều kiện hiện nay, doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục lép vế trước các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng ủng hộ hệ sinh thái nước ngoài, và nguồn tiền kiếm được sẽ không chảy vào túi người dân Việt. Cả nền kinh tế sẽ ngày một ốm yếu.
Những con số đáng lo ngại của nền kinh tế
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong giai đoạn kể từ năm 2011 (nếu không tính mức tăng 3,21% của quý I/2020 – thời kỳ đại dịch).
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức giảm sâu nhất trong cùng kỳ các năm trong giai đoạn kể từ năm 2011.
Khủng hoảng bất động sản sẽ lan ra cả nền kinh tế?
Tại Mỹ, khoảng 1 năm sau khi tiền mã hóa lao dốc, các ngân hàng bắt đầu sụp đổ. Tại Việt Nam hiện nay, vấn đề với bất động sản thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều. Thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo các ngân hàng cũng đứng ngồi không yên (nợ bất động sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong hệ thống ngân hàng). Trong khi đó, các vấn đề của thị trường bất động sản sẽ khó có thể được giải quyết trong tương lai gần. Thị trường Việt Nam đã chứng kiến những cảnh báo như trường hợp của ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Vạn Thịnh Phát, nhưng vấn đề sẽ không chỉ dừng lại tại đó. Tuy nhiên, do vấn đề của bất động sản mang tính dài hạn hơn tiền mã hóa, do đó, tác động của nó có thể đến chậm hơn.
Nhìn vào cách thức đi vay của các doanh nghiệp bất động sản, người ta không khỏi giật mình. Điển hình như Novaland, doanh nghiệp này tiếp tục huy động mạnh trái phiếu, không tính đến điểm rơi đáo hạn, góp phần dẫn đến khó khăn về nợ. Có cảm tưởng, các doanh nghiệp biết rất rõ về khó khăn của mình, nhưng vẫn liều lĩnh vay tiền để duy trì sự sống. Có lẽ các trái chủ sẽ không vui vẻ gì lắm khi biết được sự thật đằng sau lượng trái phiếu mà mình đang nắm giữ.
Sự liều lĩnh, hay “hoang dã”, còn được thể hiện rõ qua những vụ bê bối với Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh. Đây đều là trường hợp các ông lớn liều lĩnh với trái phiếu và hủy đi nhiều năm uy tín của doanh nghiệp. Đặc biệt, đây đều là các đại gia trong ngành bất động sản; họ đầy quyền lực, có khả năng thao túng thị trường với hệ sinh thái khủng, có ảnh hưởng bao trùm sang cả ngân hàng. Tại sao họ lại sẩy chân với trái phiếu doanh nghiệp, vốn chỉ là một kênh mới để huy động vốn. Hẳn đằng sau còn là một câu chuyện dài hơn về cách huy động vốn, về ngân hàng và bất động sản. Các đại gia này có thể đã liều lĩnh, nhưng họ không ngờ nghệch. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tình cờ đã phơi bày ra nhiều vấn đề ẩn giấu đằng sau hệ thống tài chính và lĩnh vực bất động sản.
Nền kinh tế Việt Nam đang dần yếu đi. Trong khi thế giới đang gặp khó khăn, với độ mở lớn hơn trước và vấn đề nợ cũng nghiêm trọng hơn trước, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.
Bảo Nguyên