8-4-2023
Năm 2014, trên sóng đài truyền hình quốc gia, khi nói về mối quan hệ chiến lược của ASEAN với các nước lớn, tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao đã chỉ ra, các nước trong khối phải vừa đóng vai hòa giải vừa đóng vai điều phối để mục tiêu đạt được không chỉ là gìn giữ hòa bình khu vực mà còn phát triển kinh tế. Nếu làm tốt, ASEAN sẽ “có miếng bánh to nhất cũng như đảm bảo lợi ích bản thân lớn nhất”.
Gần 10 năm sau, 2023, cũng phủ sóng báo đài quốc nội nhưng cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái đã đích thân ngoạm “miếng bánh to” với combo giải cứu đồng bào, đồng loại; cùng các “đồng chí” Dũng, Lan, Nam, Hà… “đảm bảo lợi ích bản thân” qua những bảng báo giá áp dụng cho từng đối tượng nào là “người mãn hạn tù”, “người không có hộ chiếu”, “người ở đảo xa”…
Vì sao một người có học vị, đảm nhận vị trí “chiến lược”, là tiếng nói đại diện cho ngành ngoại giao xuất hiện ở nhiều chương trình phân tích, bình luận chính trị quốc tế; chỉ cần trong một tình huống khẩn cấp đặc biệt lại phơi bày hết những chân tướng “ăn trên đầu trên cổ” người khốn khổ?
Biết là hỏi cũng bằng thừa nhưng đọc kết luận của cơ quan điều tra, chiêu hướng dẫn doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác để được cấp nhiều chuyến bay (thì càng đầy túi tham quan), chiêu thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay để doanh nghiệp buộc phải đút lót mới được cấp giấy phép… của cựu cục trưởng cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan thì đúng là chẳng khác nào đang xem phim “đồng đội cục súc”.
Mấy tháng rồi, đi ngang qua nhiều cơ quan lãnh sự ngoại giao thấy nhiều nơi căng băng rôn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhớ về sự kiện lịch sử Hiệp định Paris như một trong những dấu son của ngành ngoại giao Việt Nam.
50 năm sau, lại là một dấu… mực, lấm lem, vấy bẩn.
Và, đâu chỉ mỗi ngành ngoại giao…