Thị trường địa ốc Mỹ sẽ sụp đổ sớm hơn chúng ta nghĩ?

Justin Becker

Có nỗi lo ngại rằng thị trường bất động sản sẽ sớm sụp đổ. (Christopher Furlong/Getty Images)

Liệu thị trường có sụp đổ?

Những người bồn chồn lo lắng trước tin thị trường nhà ở có thể sụp đổ có đủ lý do để lo ngại. Tại sao lại như vậy? Bởi vì lần gần nhất khi thị trường địa ốc tăng vọt như thế này – nó đã châm ngòi cho một cuộc đại suy thoái khiến nhiều người rơi vào cảnh điêu đứng.

Thị trường địa ốc sẽ sụp đổ sớm hơn chúng ta nghĩ?

Các dấu hiệu rất điển hình như giá nhà tăng nhanh, nhu cầu nhà ở tăng cao, và có nhiều người kinh doanh nhà ở theo kiểu mua đi bán lại, các yếu tố này thường diễn ra trước khi thị trường địa ốc sụp đổ.

Cho đến gần đây, thị trường địa ốc đang trải qua giai đoạn có mức lãi suất thấp kỷ lục, khiến nhà ở trở nên rất phù hợp khả năng chi trả của người mua. Tuy nhiên, điều này đã khiến giá nhà tăng chóng mặt. Rõ ràng là nhu cầu đang vượt xa nguồn cung cấp. Vậy điều gì sẽ xảy ra? Liệu loại nhà di động và nhà xây theo mẫu (mobile/ modular homes) có phải là giải pháp?

Nhà di động có thể chỉ là một giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu nhà ở của người Mỹ, do tốn ít thời gian xây dựng hơn so với nhà xây trên đất.

Google đã ghi nhận câu hỏi “Khi nào thị trường nhà ở sẽ sụp đổ?” là một chủ đề nóng kể từ tháng 03/2021. Nhiều người dự đoán rằng lịch sử sẽ quay lại, với sự lặp lại của vụ sụp đổ thị trường nhà ở năm 2008.

Ngày càng có nhiều dự đoán về cách thức và thời điểm thị trường địa ốc có thể sụp đổ – nhưng trước tiên, chúng ta có thể học được gì từ vụ sụp đổ của thị trường nhà ở năm 2008? Dưới đây là một số dữ kiện đáng chú ý về các sự kiện xảy ra trước vụ sụp đổ đó.

Năm 2022, mặc dù lãi suất cho vay mua nhà cao hơn nhưng thị trường địa ốc vẫn rất nóng. (Monkey Business Images/Shutterstock)

Nguyên nhân sự sụp đổ của Thị Trường Nhà Ở năm 2008

Sự sụp đổ của thị trường nhà ở cách đây 14 năm đã châm ngòi cho một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Các lý do thuần túy dẫn đến sự sụp đổ và khủng hoảng tài chính này bắt nguồn từ hoạt động cho vay mua nhà vô tội vạ đối với khách hàng cá nhân và sự thiếu kiểm soát ở các thị trường (tài chính). Đây là những gì diễn ra trước cuộc đại suy thoái năm 2008:

Giá Nhà ở và Nhà bị tịch thu

Trước khi thị trường sụp đổ năm 2008, giá địa ốc đã tăng vọt, với những nhà đầu cơ tràn ngập trên thị trường, dẫn đến tình trạng nhu cầu vượt quá nguồn cung cấp.

Vào đầu những năm 2000, các tổ chức cho vay mua nhà đã sửa đổi các tiêu chuẩn cho vay của họ, mở ra nhiều cơ hội cho những người đi vay dưới tiêu chuẩn, cho phép họ tiếp cận các khoản vay ngân hàng và mua được nhà. Việc nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay đã tạo ra cơ hội cho nhiều người tiếp cận các khoản vay mua nhà.

Sự phát triển của sản phẩm Chứng khoán Bảo đảm bằng các khoản Nợ nhà  (Mortgage-Backed Securities, MBS) đã bị nhiều nhà đầu tư hiểu nhầm.

Nhu cầu cao trên thị trường nhà ở đã thúc đẩy các hoạt động cho vay mua nhà đầy rủi ro phát triển. Đồng thời, Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất lên 5.6% vào tháng 06/2006.

Vậy còn các khoản vay mua nhà áp dụng lãi suất điều chỉnh [theo thời kỳ] thì sao?

Trong khi rất nhiều người có các khoản vay thông thường không bị ảnh hưởng, những người có khoản vay mua nhà theo lãi suất điều chỉnh (ARM) là nạn nhân. Lao vào những khoản nợ không thể dự đoán được, nhiều người đã bị vỡ nợ, dẫn đến tình trạng tịch thu nhà trên thị trường nhà ở rất cao.

Năm 2008, số vụ tịch thu nhà tăng vọt lên mức cao kỷ lục 81%, theo báo cáo của CNN. Tổng cộng có 861,664 gia đình bị tịch thu nhà trong năm đó. Điều này dẫn đến lượng hàng tồn kho nhiều hơn và sự sụp đổ sau đó.

Hành vi nguy hiểm của các ngân hàng

Sự bùng nổ của Chứng khoán Bảo đảm bằng các khoản Nợ nhà (MBS) đã dẫn đến việc các tổ chức tài chính mở rộng hoạt động cho vay mua nhà. Nhiều ngân hàng chớp lấy cơ hội sinh lợi lâu dài này. Tất cả đều ổn cho đến khi bong bóng vỡ, để lại một lượng tài sản bảo đảm khổng lồ từ các khoản vay mua nhà dưới tiêu chuẩn.

Mặt khác, các ngân hàng ngừng cho vay lẫn nhau vì sợ bị mắc kẹt với các khoản vay mua nhà dưới chuẩn. Ngay cả sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất, điều đó vẫn không đủ để ngăn chặn nền kinh tế bị chảy máu (cơn hoảng loạn).

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán khiến nhiều người mất hết tài sản. Nguyên nhân là do sự gia tăng lượng các vụ thu giữ và sụt giá. Trên thực tế, các thị trường tài chính lớn đã mất hơn 30% giá trị vào tháng 09/2008, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 777.68 điểm, vượt quá mức giảm 684.81 điểm vào ngày 17/09/2001, ngày giao dịch đầu tiên sau cuộc tấn công ngày 11/09.

Theo báo cáo của NCBI, từ năm 2007 đến 2011, 1/4 các gia đình Mỹ đã mất ít nhất 75% tài sản và hơn một nửa số gia đình mất ít nhất 25% tài sản.

Bạn có theo dõi các sự kiện hiện nay không?

Bây giờ, quay lại hiện tại, bạn có thể thấy những điểm tương đồng không? Rõ ràng là thị trường nhà ở đang trong tình trạng bong bóng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiết lộ lý do tại sao chúng tôi cho rằng sự sụp đổ của thị trường địa ốc sắp xảy ra.

Sự sụp đổ của thị trường địa ốc sắp diễn ra?

Các nhà phân tích đã đưa ra quan điểm của họ: chính phủ liên bang đã lên tiếng, các quan điểm khác nhau đã được đưa ra nhằm phân tích kỹ lưỡng các sự kiện của thị trường nhà ở hiện tại.

Thống kê và Lịch sử

Số liệu thống kê và lịch sử đều đồng thuận. Câu hỏi duy nhất là, liệu thị trường nhà ở có sụp đổ trong năm nay?

Cho dù bạn có yêu thích các con số thống kê hay không, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng giúp bạn hiểu tại sao thị trường sẽ sụp đổ dù sớm hay muộn. Thị trường sụp đổ không xảy ra trong tích tắc; mà nó sụp đổ dần theo thời gian.

Nhìn vào các yếu tố kinh tế

Các yếu tố kinh tế (lực cung và lực cầu) có vai trò dẫn dắt một thị trường tự do như thị trường địa ốc. Ông Frank Nothaft, nhà kinh tế trưởng tại CoreLogic, một năm trước cho biết “Chúng ta thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung hàng trên thị trường đồng thời với lãi vay mua nhà thấp kỷ lục đang thúc đẩy ham muốn mua nhà của thế hệ Millennials và Gen-X.”

Giá nhà ở New York City trong số những nơi khác

Ví dụ, Bloomberg đưa tin giá nhà ở New York City đang tăng nhanh. Những người dân New York có thể làm việc tại nhà một năm trong đại dịch đang đổ xô đi khắp các khu vực để tìm kiếm nhà ở rộng rãi và rẻ hơn.

Bất cứ khi nào một bên trội hơn so bên kia, sự thiếu cân bằng được tạo ra, đó là sự bất cân đối trên thị trường. Ví dụ, kinh tế học căn bản nói rằng rằng lãi suất và giá nhà ở có mối quan hệ nghịch đảo. Như vậy, khi lãi suất thấp, giá nhà sẽ tăng. Tại sao vậy?

Điều này rất đơn giản: khi lãi suất thấp, nhà ở trở nên rẻ hơn hoặc phù hợp với khả năng chi trả hơn; do đó, tạo ra nhu cầu cao về nhà ở vì nó phù hợp khả năng chi trả vào thời điểm đó.

Các nhà đầu tư

Mặt khác, các nhà đầu tư hoặc chủ nhà sẽ cố gắng lợi dụng nhu cầu tăng cao bằng cách tăng giá. Khi giá cả tăng, nó sẽ loại bỏ một số người, họ sẽ đột nhiên không thể mua nhà nữa. Lúc này, nhu cầu được giảm xuống do sự tăng giá, do đó điều này giải thích cho mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất.

Nhiều người có các khoản vay mua nhà. Hầu như không ai muốn thấy thị trường địa ốc sụp đổ. (Ảnh: Shutterstock)

Bong bóng nhà ở vỡ vụn 

Bạn đã nghe đến thuật ngữ bong bóng nhà ở. Bạn có biết ý nghĩa là gì không? Điều gì tạo ra nó? Và nếu nó vỡ thì giọt nước làm tràn ly là do những yếu tố nào?

Ngày càng khó phủ nhận sự thật là thị trường nhà ở Hoa Kỳ đang quá nóng.

Theo một phân tích của công ty tài chính cho vay mua nhà Freddie Mac vào tháng 05/2021, trên khắp cả nước, thị trường nhà ở đang thiếu 3.8 triệu ngôi nhà loại dành riêng cho một gia đình để đáp ứng nhu cầu của cả đất nước.

Giá nhà tăng cũng hàm ý về bong bóng tài sản

COVID-19 không hề làm giảm giá nhà. Thay vào đó, giá nhà ở đã tăng vọt. Vào tháng 09/2020, Chỉ số giá nhà của Case-Shiller đã đạt mức kỷ lục $226,800.

Theo  Hiệp hội Môi giới Địa ốc Quốc gia, tỷ lệ bán hàng đạt 5.86 triệu căn vào tháng 07/2020 và đến tháng 10/2020, con số này đã tăng lên 6.86 triệu căn, đánh bại mức đỉnh trước đại dịch. Nhiều người đã tận dụng lãi suất thấp để mua nhà ở loại dành cho những người khó khăn, hoặc căn hộ chung cư cho người có thu nhập thấp, những loại nhà có vẻ như có giá cả phải chăng.

Mặt khác, COVID-19 đã làm giảm tốc của nền kinh tế dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao.

Theo  Bộ Lao động, Mỹ đã mất 140,000 việc làm chỉ riêng trong tháng 12/2020. Số lượng người mất việc làm ngày càng tăng có nghĩa là sẽ có ít người đủ tiền mua nhà, trong khi những người có khoản nợ nhà sẽ có khả năng bị vỡ nợ và làm tăng số lượng các vụ tịch thu nhà.

Mặt khác, tình trạng mất việc làm đã buộc nhiều người phải tìm đến Kế hoạch B, tìm những ngôi nhà di động có giá đặc biệt phù hợp trong giai đoạn này.

Bong bóng Nhà ở là gì?

Bong bóng nhà ở xảy ra khi giá nhà trên thị trường tăng mạnh. Thông thường, điều này xảy ra khi nhu cầu về nhà ở vượt quá nguồn cung trên thị trường. Nhu cầu tăng cao kích thích các nhà đầu cơ tham gia thị trường để kiếm lợi với hy vọng (tăng giá) trong tương lai.

Sự hiện diện của các nhà đầu cơ trên thị trường càng thúc đẩy nhu cầu tăng cao hơn.

Đúng như thế, các nhà đầu cơ tham gia vào thị trường, và để đáp lại thì giá nhà tăng vọt, kéo căng bong bóng thị trường địa ốc hơn nữa. Bây giờ đã đến thời điểm mà giá nhà không còn phù hợp với túi tiền của người mua. Tính thiếu bền vững do giá cả tăng cao dẫn đến việc những ngôi nhà bị định giá quá cao. Nói cách khác, là lạm phát giá cả.

Khi giá trở nên không bền vững và người mua rút khỏi thị trường, nhu cầu rớt xuống.

Giá cả không còn đứng vững – nhưng thú vị là nguồn cung tăng lên. Ở đây là kinh tế học đơn thuần. Bây giờ nhu cầu đã giảm, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Giá giảm và bong bóng vỡ.

Khi được hỏi về khả năng xảy ra bong bóng, Ali Wolf, nhà kinh tế trưởng của công ty chuyên nghiên cứu nhà ở Zonda, cho biết vào năm 2021, “Người mua nhà hiện đang mua vì nhiều lý do đúng đắn: Lãi suất thì thấp, được làm việc tại nhà, và gia tăng tiết kiệm là các lý do hợp lý để mua nhà. Tuy nhiên, cơn sốt mua nhà này được thúc đẩy bởi những yếu tố trên, kết hợp với nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội, có khả năng tạo ra bong bóng.”

Nguyên nhân nào gây ra bong bóng nhà ở?

Địa ốc là một thị trường tự do: quy luật cung cầu được áp dụng vô điều kiện. Khi nhu cầu về nhà ở tăng lên, kéo theo đó, giá nhà cũng tăng theo. Thông thường, nguồn cung nhà cần có thời gian để khớp với số lượng dân số trẻ Millennials đang tăng lên, đây là những người đang tìm kiếm những ngôi nhà lần đầu tiên. Đây luôn luôn là một trò chơi đuổi bắt.

Việc xây dựng một ngôi nhà mất nhiều thời gian, gây ra thiếu hụt nguồn cung và do đó cầu sẽ vượt quá nguồn cung. Dù bằng cách nào, thì giá cả cuối cùng sẽ tăng vào thời điểm nhu cầu vượt quá cung. Tóm lại, bong bóng tài sản phụ thuộc vào sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố đó là nền kinh tế lành mạnh, nơi thu nhập khả dụng tăng lên, người dân yên tâm làm việc và tự tin tìm kiếm nhà ở, làm nhu cầu tăng.

Lãi cho vay mua nhà cũng đóng một vai trò lớn trong bong bóng tài sản

Lãi suất nợ nhà thấp thúc đẩy nhu cầu. Tại sao? Các khoản vay trở nên phù hợp hơn với khả năng chi trả và việc mua nhà dễ dàng hơn rất nhiều, khiến nhiều người đi vay tìm kiếm các khoản vay giá rẻ.

Số lượng người đi vay dưới tiêu chuẩn ngày càng tăng cũng khiến nhu cầu trên thị trường thực tăng lên. Thị trường đã trải qua thời kỳ với lãi suất vay mua nhà thấp kỷ lục vào năm 2021, thúc đẩy nhu cầu nhà ở tăng thêm.

Yếu tố khác là các nhà đầu cơ luôn ở trong trạng thái chờ đợi để tận dụng cơ hội bất cứ khi nào nó xuất hiện. Nhu cầu gia tăng hơn nữa dẫn đến việc định giá nhà quá cao, điều khẳng định sự phình to của bong bóng tài sản.

Yếu tố kích nổ bong bóng

Khi lực đẩy đến mức giới hạn, và giá cả không phản ánh bất kỳ điều gì gần với các giá trị căn bản, bong bóng sẽ vỡ. Tại thời điểm này, cầu giảm trong khi nguồn cung tăng khiến giá nhà giảm mạnh.

Giá nhà giảm; mặt khác thì các nhà đầu tư thua lỗ lớn, những ngân hàng cho vay mua nhà lao đao trước nguy cơ vỡ nợ. Điều đó xảy ra như thế nào?

Đầu tiên, lãi suất tăng cao, khiến khả năng sở hữu nhà vượt xa khỏi tầm với cho một số người, trong khi đồng thời, các khoản vay mua nhà có lãi suất điều chỉnh khiến các chủ nhà không còn đủ khả năng trả nợ (vỡ nợ) và bị tịch thu tài sản.

Thứ hai, suy thoái hoặc các hoạt động kinh tế giảm sút thường dẫn đến giảm thu nhập khả dụng, ít việc làm hơn và thậm chí mất việc. Tình trạng như vậy làm giảm nhu cầu về nhà ở vì người dân không có khả năng mua nhà nữa.

Cuối cùng, khi nhu cầu cạn kiệt, trạng thái cân bằng được khôi phục, làm chậm đà tăng nhanh của giá nhà. Khi giá nhà đứng im, đình trệ, những người phụ thuộc vào chúng (giá nhà tăng) để có thu nhập có thể bị mất nhà, theo đó đem lại nhiều nguồn cung hơn cho thị trường.

Thật đau lòng khi bong bóng địa ốc vỡ vụn. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)

Lãi suất cao hơn

Như đã trình bày trước đó, lãi suất và giá nhà có mối quan hệ nghịch đảo, khi lãi suất thấp thì giá nhà tăng, và điều ngược lại cũng đúng. Lãi suất đóng một vai trò rất lớn trong sự sụp đổ của thị trường. Và nếu nó sớm xảy đến (lãi suất tăng), đây chắc chắn sẽ là một yếu tố góp phần đáng kể.

Lãi suất tăng, làm cho khoản vay mua nhà trở nên rất đắt đỏ

Lãi suất tăng không khuyến khích người đi vay vay tiền. Mặt khác, các công trình xây dựng nhà ở cũng sẽ bị ảnh hưởng, chi phí sẽ tăng cao và hậu quả tức thì là nguồn cung nhà ở trên thị trường giảm xuống. 

Tuy nhiên, lãi suất tăng ổn định sẽ không gây ra nhiều thiệt hại cho thị trường nhà ở, không giống như việc tăng mạnh đột ngột. Vào năm 2006 trước khi thị trường địa ốc  sụp đổ, nhiều người có  các khoản vay mua nhà chỉ phải trả lãi và có lãi suất được điều chỉnh, khoản vay này rất rẻ trong vòng vài năm đầu, và rồi việc điều chỉnh lãi suất sau đó làm tăng nghĩa vụ thanh toán tiền lãi hàng tháng.

Không giống như các khoản cho vay thông thường, các khoản vay mua nhà có lãi suất điều chỉnh tăng cùng với lãi suất của Fed

Từ năm 2004 đến năm 2006, Fed đã tăng lãi suất một cách nhanh chóng. Ví dụ, tỷ lệ cao nhất là 1.0% vào tháng 06/2004 và tăng gấp đôi lên 2.25% vào tháng 12. Lãi suất lại tăng gấp đôi lên 4.25% vào tháng 12/2005. Sáu tháng sau, tỷ lệ là 5.25%.

Tăng số lượng người buôn bán nhà nhà cũ

Mua bán nhà cũ về căn bản là việc một ngôi nhà đã được sử dụng được mua lại, tân trang và bán trong vòng chưa đầy một năm. Thông thường, sự gia tăng số người mua bán nhà như vậy càng làm tăng nhu cầu về nhà ở trên thị trường bất động sản, kéo theo đó là giá nhà sẽ tiếp tục tăng. Giá tăng quá cao là sự phản chiếu của bong bóng tài sản có khả năng đổ vỡ.

Hoạt động mua, tân trang và bán lại nhà ở giữ vai trò to lớn trong cuộc suy thoái 2008

Các nhà đầu cơ sẽ mua nhà, tân trang chút ít và bán lại chúng. Năm 2006, doanh số mua bán nhà như vậy chiếm 11.4%.

Theo Attom Data Solutions, trong quý 3 năm 2020, 5.1% tổng số nhà được mua là để bán lại ngay sau đó. Con số này giảm so với 6.7% doanh số bán nhà trong quý 2 năm 2020. Nó cũng thấp hơn mức cao sau suy thoái kinh tế là 7.2% trong quý 1 năm 2019.

Sự giảm sút này là do lượng nhà tồn kho giảm. Tuy nhiên, Attom Data Solutions báo cáo rằng tác động của đại dịch đối với hoạt động mua, tân trang và bán lại là khá mâu thuẫn và khó dự báo.

Có nhiều tín hiệu xấu trên thị trường địa ốc ngay lúc này. (Ảnh: Chandan Khanna/AFP qua Getty Images)

Gia tăng đáng báo động ở các công ty môi giới vay mua nhà thiếu được kiểm soát

Trong các sự kiện dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những bên cho vay mua nhà đã bơm căng thêm cho bong bóng tài sản bằng cách cho vay đối với những người đi vay có mức độ rủi ro cao. Nhiều bên cho vay đã chọn cách cấp hạn mức tín dụng [cho người vay], một chiến lược hoàn toàn khác với cách các ngân hàng và hoạt động cho vay mua nhà thông thường diễn ra dựa trên tiền đặt cọc.

Bên cho vay không phải là ngân hàng là một dấu hiệu cảnh báo về sự sụp đổ

Sự gia tăng của những bên cho vay không phải là ngân hàng là đáng báo động và là một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về những gì có thể xảy ra dù sớm hay muộn trong lĩnh vực địa ốc. Vào năm 2019, họ chiếm 54.5% tất cả các khoản vay mới. Con số này tăng từ 53.6% vào năm 2018. Sáu trong số 10 công ty cho vay mua nhà lớn nhất không phải là ngân hàng. Ba năm trước, 5 trong số 10 công ty đứng đầu không hề được kiểm soát.

Phần đáng lo ngại nhất về các công ty môi giới cho vay mua nhà không được kiểm soát này là họ không bị chính phủ giám sát như các ngân hàng. Điều này làm cho họ dễ bị sụp đổ trong trường hợp có bất cứ điều gì trái chiều xảy đến trong lĩnh vực địa ốc.

Tờ Washington Post viết: “Mặc dù các nhà quan sát nói rằng những bên cho vay không phải ngân hàng có thể không tham gia vào loại hình cho vay rủi ro đã đưa những người tiền nhiệm của họ sụp đổ, mô hình kinh doanh này vẫn khiến họ dễ bị tổn thương trước sự suy thoái của thị trường nhà ở”.

Đường cong lợi suất đảo ngược

Trước cuộc suy thoái năm 2008, 2000, 1991 và 1981, đường cong lợi suất đã đảo ngược. 

Theo định nghĩa của Investopedia, đường cong lợi suất đảo ngược thể hiện tình huống trong đó các phương tiện nợ dài hạn có lợi suất thấp hơn các phương tiện nợ ngắn hạn có cùng chất lượng tín dụng. Khi đường cong lợi suất đảo ngược, lãi suất ngắn hạn trở nên cao hơn lãi suất dài hạn.

Đường cong lợi suất đảo ngược được coi là một dự báo về suy thoái kinh tế

Thông thường, chúng thu hút sự chú ý từ mọi nơi trong thế giới tài chính. Đường cong lợi suất thông thường dốc lên phản ánh thực tế là lãi suất ngắn hạn thường thấp hơn lãi suất dài hạn.

Khủng hoảng nhà ở giá cả phải chăng

Cuộc khủng hoảng nhà ở giá phải chăng gây ra bởi sự mất cân bằng của lực cung và cầu trên thị trường. Thị trường địa ốc bùng nổ sẽ kéo theo giá nhà tăng chóng mặt. Sự khan hiếm nhà giá phải chăng trên khắp cả nước luôn là dấu hiệu cho thấy thị trường đang trong tình trạng bong bóng.

Hãy nhận biết rủi ro và lập kế hoạch nếu bạn bị ảnh hưởng khi thị trường địa ốc sụp đổ. (Ảnh: Hagen Hopkins/Getty Images)

Điểm then chốt

Vậy thị trường có sắp sụp đổ không?

Thị trường có thể sụp đổ nếu sự kết hợp của các yếu tố trên xảy ra. Đã có nhiều thứ đã xuất hiện, và khi giá nhà sụt giảm, nó chỉ ra là thị trường nhà ở Hoa Kỳ đang quá nóng.

Đại dịch đã có một phản ứng đa chiều với hoạt động ngành địa ốc

Trong khi nhiều người kỳ vọng COVID-19 sẽ làm sụp đổ thị trường địa ốc, thì lượng nhà rao bán lại tăng đột biến. Nhiều danh sách rao bán nhà đã được thực hiện vào năm ngoái, với việc mọi người đổ xô mua nhà ở các vùng ngoại ô. Các danh sách rao bán nhà tăng cao đã thúc đẩy các nhà đầu cơ gia nhập thị trường, đẩy nhu cầu lên cao hơn nữa.

Thay đổi để tránh tịch thu nhà

Ở nhiều nơi, hàng triệu người đã không thể trả được khoản nợ nhà của họ. Tuy nhiên, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) đã thực hiện các thay đổi về việc trả nợ nhà để ngăn chặn làn sóng tịch thu trong đợt COVID-19.

Quyền Giám đốc Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) Dave Uejio cho biết, “Quốc gia đã phải trải qua hơn một năm đại dịch chết người và một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Chúng ta không được quên những mối nguy mà nhiều người tiêu dùng vẫn phải đối mặt”.

Do Justin Becker của Readwrite thực hiện

ReadWrite tập hợp các cộng đồng các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu các chủ đề được quan tâm như xe hơi, nhà thông minh, AR/VR, fintech và API. https://readwrite.com/

Minh Trí biên dịch

Related posts