Liên Thành
Sau phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông, việc thành lập Luật An ninh Quốc gia và tuyên thệ trung thành bắt buộc đối với công chức đã làm gia tăng làn sóng công chức từ chức.
Số lượng công chức từ chức trong năm 2021-2022 đã đạt mức cao mới kể từ khi Hồng Kông được bàn giao chủ quyền cho Trung Quốc vào năm 1997, với 3.734 công chức từ chức. Trong đó, số lượng công chức cận tuổi nghỉ hưu xin thôi việc cao gấp đôi so với năm 2020-2021.
Cục Dịch vụ Dân sự Hồng Kông mới đây tiết lộ rằng, 3.734 công chức đã từ chức từ năm 2021 đến 2022, cao gấp đôi số công chức từ chức từ năm 2020 đến 2021 (1.863 người), và cao gấp 3 số công chức từ chức từ năm 2017 đến 2018 (1.333 người).
313 thành viên Lực lượng Cảnh sát từ chức, Cục Sở hữu trí tuệ có tỷ lệ từ chức cao nhất
Về số lượng, Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông có 313 đơn từ chức từ năm 2021 đến năm 2022, cao nhất trong số tất cả các cơ quan chính phủ.
Tỷ lệ cao nhất trong tất cả các cơ quan chính phủ là Cục Sở hữu trí tuệ. 15 người đã rời cơ quan này trong hai năm 2021 và 2022, nhiều hơn 11 người so với năm trước, chiếm 7,94% tổng số đơn xin nghỉ việc. Đài Truyền hình Hồng Kông đứng thứ hai về tỷ lệ từ chức, với 42 người từ chức, gấp 2,5 lần so với con số 12 người của năm trước.
Đài Truyền hình Hồng Kông đã bị chính phủ thanh trừng trong những năm gần đây, đặc biệt là khi Lý Bá Toàn (李百全/Li Baiquan) trở thành giám đốc chương trình phát thanh truyền hình vào tháng 3 năm 2021. Sau khi Lý nhậm chức, ông đã thành lập một ban biên tập để xem xét việc sản xuất chương trình.
Trong số đó, các chương trình như “Hong Kong connection”, “This week” và “Hong Kong Stories” đã bị bêu tên và yêu cầu được duyệt trước khi phát sóng.
Các nhân viên của Đài Truyền hình Hồng Kông đã từ chức sau khi ông Lý nhậm chức, bao gồm cả Vương Lộc Hà (Wang Luxia), giám đốc nhóm quan hệ công chúng của bộ phận truyền hình.
Vào thời điểm đó, có thông tin cho rằng Lý Hiền Triết (Li Xianzhe), người đã giành được Giải thưởng Báo chí Nhân quyền, đã bị ban quản lý từ chối đưa tin về “Vụ thảm sát ngày 4 tháng 6” và “sự kiện 21/7”, và Đài phát thanh truyền hình được lệnh chỉ đưa tin về các vấn đề sinh kế của người dân, điều này cuối cùng đã khiến Lý Hiền Triết phải từ chức. Đài Truyền hình Hồng Kông cho biết từ tháng 3 đến tháng 5 sau khi Lý Bá Toàn nhậm chức, có tổng cộng 18 công chức từ chức.
129 người từ chối ký lời thề trung thành cưỡng chế
Cuối năm 2020, chính quyền Hồng Kông bắt đầu yêu cầu công chức tuyên thệ, yêu cầu công chức mới tuyển dụng và công chức hiện tại ký vào bản tuyên bố ủng hộ “Luật cơ bản”, cam kết trung thành với Đặc khu hành chính Hồng Kông.
Cục trưởng Các vấn đề Hiến pháp và Đại lục Hồng Kông, Tsang Kwok-wai, đã trả lời trước Hội đồng Lập pháp vào năm ngoái rằng có tổng cộng 129 công chức phớt lờ hoặc từ chối ký và gửi lại bản tuyên bố mà không có lời giải thích hợp lý. Tất cả các nhân viên có liên quan đều đã rời khỏi chính phủ vào hoặc trước cuối năm 2021.
Hồ Hoành Tuấn (Hu Hongjun), cựu giám đốc khoa học cấp cao của Đài quan sát từng tuyên bố rằng, ông từ chức vì không chịu tuyên thệ, chỉ ra rằng việc thực hiện luật “An ninh quốc gia Hồng Kông” và yêu cầu tuyên thệ đã gây ra làn sóng từ chức của công chức.