Nina Nguyen
Sky News Australia tự xóa tài khoản TikTok của mình, gọi ứng dụng này là ‘mạng lưới gián điệp’
Hãng thông tấn thiên hữu Sky News Australia đã thông báo rằng họ sẽ ngừng đăng tải tin tức trên ứng dụng phổ biến của Trung Quốc là TikTok trong một nỗ lực nhằm bảo vệ các phóng viên và khán giả của mình khỏi các rủi ro bảo mật.
Sky đã gọi TikTok là “mạng lưới gián điệp giả dạng một nền tảng truyền thông xã hội” và nói rằng những rủi ro khi sử dụng TikTok là “quá lớn khiến bất kỳ nhà phát hành tin tức nghiêm túc nào cũng không thể bỏ qua” trong khi lợi nhuận thu được “khả dĩ nhất thì cũng không đáng kể.”
Hãng truyền thông này cũng chỉ trích các hãng truyền thông và các ký giả khác đã đưa tin về việc nền tảng này được sử dụng như một công cụ phục vụ cho quyền lực mềm và can thiệp ngoại quốc, nhưng sau đó chính họ lại tham gia vào TikTok. Sky News đã mô tả TikTok là một “việc làm phù phiếm” của các công ty truyền thông, những hãng xem “số liệu về lượng người xem thất thường” quan trọng hơn thực tế là họ “không thể kiếm tiền theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa.”
Cơ quan truyền thông thuộc sở hữu của News Corp này là một trong những hãng thông tấn lớn đầu tiên ở Úc công khai tẩy chay TikTok, vốn đã bị giám sát chặt chẽ trong những tháng qua vì có liên hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc.
Ông Jack Houghton, biên tập viên kỹ thuật số của Sky News Australia viết hôm thứ Hai (10/04), “Người Úc sẽ hoàn toàn không mất mát gì nếu các tổ chức truyền thông đưa ra quyết định đúng đắn và rút khỏi nền tảng này. Và các cơ quan thông tấn cũng sẽ ít chịu tổn thất.”
“Mặc dù tiền bạc không phải là yếu tố được cân nhắc trong quyết định của chúng tôi, nhưng điều đáng chú ý là ngoài các vấn đề bảo mật, TikTok còn là nền tảng truyền thông xã hội phát triển duy nhất không có một chiến lược tạo lợi nhuận phù hợp nào cho người sáng tạo nội dung.”
Hành động này được đưa ra sau khi hãng truyền thông nhà nước BBC của Vương quốc Anh và một đài truyền hình công cộng của Đan Mạch ban hành hướng dẫn cho nhân viên của mình xóa TikTok khỏi điện thoại của công ty. BBC vẫn tiếp tục phát hành nội dung trên ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc này.
TikTok đã giám sát các ký giả Hoa Kỳ
Các bản tin trước đây đã tiết lộ rằng công ty mẹ của TikTok, ByteDance, đã theo dõi bất hợp pháp các ký giả sử dụng nền tảng này bằng cách lấy địa chỉ IP của họ và dữ liệu người dùng khác.
Hồi tháng 12/2022, Forbes đã đưa tin rằng hồi tháng Mười, các nhân viên ByteDance tại Trung Quốc đang sử dụng TikTok để theo dõi vị trí thực tế của các ký giả làm việc cho hãng thông tấn này. Ấn phẩm này mô tả nỗ lực đó là một “chiến dịch giám sát bí mật” nhằm chống lại và ngăn chặn các vụ rò rỉ thông tin từ công ty này.
ByteDance được cho là đã sa thải người đứng đầu bộ phận kiểm toán nội bộ của mình, ông Chris Lepitak, người chịu trách nhiệm về nhóm dẫn dắt chiến dịch này. Vì vụ việc này mà giám đốc điều hành Tống Diệp (Song Ye) tại Trung Quốc, người nhận báo cáo từ ông Lepitak và trả lời trực tiếp cho Tổng giám đốc ByteDance Lương Nhữ Ba (Rubo Liang), đã phải từ chức.
Cuộc thăm dò của ByteDance, được biết đến với tên nội bộ là Project Raven, được cho là đã được đưa ra để phản ứng trước một câu chuyện trên Buzzfeed cho thấy các nhân viên ByteDance tại Trung Quốc đã nhiều lần truy cập dữ liệu người dùng Hoa Kỳ từ TikTok.
Bản tin của Forbes cho biết, “Project Raven có sự tham gia của Giám đốc Văn phòng Bảo mật và Quyền riêng tư của công ty này, được biết đến là Trưởng bộ phận Tuân thủ Pháp lý Toàn cầu của TikTok và đã được các nhân viên ByteDance tại Trung Quốc chấp thuận.”
“Nhóm vốn trông nom chiến dịch giám sát đó là bộ phận Kiểm toán Nội bộ và Kiểm soát Rủi ro của ByteDance, một bộ phận có trụ sở tại Bắc Kinh chịu trách nhiệm chính trong việc tiến hành điều tra các hành vi sai trái tiềm ẩn của nhân viên ByteDance hiện nay và trước đây.”
Chính phủ Úc đã cấm TikTok khỏi các thiết bị công
Quyết định tẩy chay TikTok của Sky News theo sau quyết định của Tổng Chưởng lý Úc Mark Dreyfus về việc cấm TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ cấp, với lý do rủi ro an ninh quốc gia.
Ông Dreyfus cho biết trong một tuyên bố rằng lệnh cấm này sẽ có hiệu lực “ngay khi có thể.” Ông cho biết các lệnh miễn trừ sẽ được cấp trên cơ sở từng trường hợp.
Ông Dreyfus nói, “Sau khi nhận được tư vấn từ các cơ quan tình báo và an ninh, hôm nay tôi đã ủy quyền cho thư ký của Văn phòng Tổng chưởng lý đưa ra một chỉ thị bắt buộc theo Khuôn khổ Chính sách Bảo mật An ninh để cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị do các bộ và cơ quan của Khối thịnh vượng chung cấp.”
“Chỉ thị này sẽ có hiệu lực ngay khi có thể thực hiện được.”
Tuy nhiên, ông đã lưu ý rằng các trường hợp miễn trừ có thể sẽ được cấp trên “cơ sở từng trường hợp cụ thể và có áp dụng các biện pháp giảm thiểu an ninh phù hợp.”
Thanh Nguyên biên dịch