Tác giả Andrew Moran
Theo một báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhanh hơn so với những năm trước khi xảy ra đại dịch virus corona và sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới.
Trong báo cáo Giám sát Tài khóa mới nhất của IMF, các nhà kinh tế đã tuyên bố rằng mặc dù nợ của các chính phủ thế giới đã giảm xuống trong thời gian ngắn do việc điều chỉnh bớt các chính sách tiền tệ và tài khóa thái quá trong thời kỳ đại dịch, nhưng khoản nợ đó hiện đã bắt đầu tăng trở lại. Các nhà nghiên cứu của IMF cảnh báo rằng các mức nợ này sẽ tiếp tục tăng trong năm năm tới.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đóng góp chủ yếu vào xu hướng tăng nợ này. Ông Vitor Gaspar, giám đốc bộ phận các vấn đề tài chính của IMF cho biết, nếu hai nền kinh tế này bị loại khỏi tính toán, thì “tỷ lệ nợ công trên GDP (tổng sản phẩm quốc nội) sẽ giảm” trên toàn thế giới.
Nói chuyện trước giới báo chí ngày 11/04, ông cho biết, “Nợ công trên thế giới dự kiến sẽ đạt gần 100% GDP, trở lại mức kỷ lục được thiết lập trong năm xảy ra đại dịch.”
Các ước tính cho thấy nợ của chính phủ trên toàn cầu sẽ bằng 93.3% GDP trong năm nay, và sẽ tăng vọt lên mức 99.6% GDP vào năm 2028. Để so sánh, năm 2018, tỷ lệ nợ trên GDP là 82.8%.
Tại Hoa Kỳ, nợ công trên GDP được dự đoán sẽ tăng 3% mỗi năm và vượt mức 136% vào năm 2028. Tại Trung Quốc, con số này sẽ vượt 100% trong vòng năm năm tới.
Hai nền kinh tế lớn nhất đã là như vậy, nhưng các nền kinh tế thị trường mới nổi và tiên tiến lớn hơn khác cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng về tỷ lệ nợ công trên GDP, chẳng hạn như Brazil, Nhật Bản, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, và Vương quốc Anh.
Ông Gaspar đã lưu ý rằng nhiều quốc gia trong số các nước nghèo nhất đã áp dụng kỷ luật tài khóa một cách ấn tượng, chẳng hạn như Costa Rica, Serbia, và Uganda. Trong số các quốc gia giàu có hơn, quan chức IMF này ngụ ý nhắc đến Síp, Ireland, New Zealand, và Bồ Đào Nha như là những quốc gia đang nỗ lực hướng tới một vị thế tài chính mạnh mẽ hơn.
Hạn chế tài khóa là then chốt
Mức nợ của chính phủ tại các nền kinh tế lớn có thể vượt quá dự báo của IMF, do chi tiêu quân sự và trợ cấp của chính phủ để hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước tăng. Hơn nữa, báo cáo cảnh báo rằng những nỗ lực tài khóa khác trong vài năm qua, chẳng hạn như kiểm soát giá, trợ cấp, và hạn chế lợi nhuận đối với các tập đoàn quốc doanh, có thể “khiến lạm phát dai dẳng hơn.”
“Giống như trong giai đoạn gần đây, một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp kiểm soát giá hoặc trợ cấp, siết chặt lợi nhuận của các công ty quốc doanh, hoặc cắt giảm thuế để cố gắng hạn chế tăng giá và lạm phát,” báo cáo nêu rõ. “Tuy nhiên, những hành động như vậy có thể gây tốn kém cho ngân sách, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và việc phân phối theo hạn mức, và cuối cùng đã chứng minh là không hiệu quả, đồng thời có khả năng khiến lạm phát dai dẳng hơn.”
Báo cáo nêu trên cho rằng nợ công gia tăng đáng kể là do mức trả lãi cao hơn cho khoản nợ này. Trong năm qua, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ. Điều này đã ảnh hưởng đến các khoản thanh toán trả nợ. Nếu các chính phủ duy trì mô hình chi tiêu và vay mượn cao, áp lực lạm phát có thể kéo dài hoặc mạnh trở lại, xóa đi những kết quả mà các ngân hàng trung ương có thể đã đạt được trong 12 tháng qua.
“Lãi suất thực tăng làm tăng chi phí đi vay của các quốc gia, khiến việc quản lý này trở nên khó khăn hơn đối với các quốc gia phụ thuộc vào vay ngoại tệ,” ông Gaspar cho biết. “Các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn cũng là một nguồn gây áp lực vì tỷ giá hối đoái giảm có thể dẫn đến nợ tăng cao.”
IMF lập luận rằng, điều quan trọng là chính sách thắt chặt tài khóa bổ sung cho thắt chặt tiền tệ trong nỗ lực chung nhằm khôi phục sự ổn định giá cả. Ưu tiên hàng đầu của các chính phủ ở khắp mọi nơi là giảm thiểu “rủi ro về nợ” và xây dựng lại “các vùng đệm tài khóa” theo thời gian, những điều kiện mà có thể được sử dụng để giảm bớt những tác động của một cuộc khủng hoảng tài chính. Nếu không có những vùng đệm này, các nền kinh tế, đặc biệt là các thị trường đang phát triển, có thể phải chịu những cuộc suy thoái sâu hơn và lâu hơn và gây ra những rủi ro đáng kể cho “các nhóm dễ bị tổn thương,” chẳng hạn như các gia đình có thu nhập thấp.
Báo cáo nêu rõ: “Các quốc gia nên đẩy mạnh nỗ lực phát triển các khuôn khổ tài khóa đáng tin cậy dựa trên mức độ rủi ro để giảm thiểu các rủi ro về nợ theo thời gian và xây dựng khả năng cần thiết để ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.”
“Các khuôn khổ tài khóa cải thiện có thể kết hợp các định chế đã qua củng cố với các quy tắc tài khóa đã được sửa đổi. Các kế hoạch tài khóa trung hạn nên bao gồm cam kết chính sách đáng tin cậy để đạt được tính bền vững của nợ — nghĩa là công bố các biện pháp hoặc cải tổ chi tiêu và doanh thu cụ thể — trong khi vẫn cho phép sự linh hoạt để điều chỉnh trong các cuộc khủng hoảng.”
Vậy một khủng hoảng ngân hàng thì sao?
Lặp lại những nhận xét trước đó vào tuần này tại Cuộc họp Mùa xuân năm 2023, báo cáo Giám sát Tài khóa đã cảnh báo rằng môi trường lãi suất tăng “có thể tạo ra những phức tạp cho sự ổn định tài chính, như đã thấy trong tình trạng hỗn loạn tài chính gần đây ở Hoa Kỳ và châu Âu.” Tuy nhiên, nếu tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng được kiềm chế, thì khôi phục lại sự ổn định giá cả cần phải tiếp tục là mục tiêu hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.
Cuối cùng, tình trạng hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng vẫn tiềm ẩn rủi ro cao về việc xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính, điều sẽ làm suy yếu các sáng kiến cải thiện bảng cân đối kế toán của các chính phủ.
“Trong số những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất có thể xảy ra là những cuộc khủng hoảng mà quý vị thấy cả khủng hoảng tài chính đồng thời với khủng hoảng nợ quốc gia, và đó được gọi là ‘vòng lặp huỷ diệt,’” ông Gaspar nói. “Cần phải tránh các vòng lặp hủy diệt.”
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF được công bố hôm 10/04 nhận định khả năng xảy ra một sự kiện như vậy là 15%.
Vân Du biên dịch