Quân đội Sudan đã tiến hành các cuộc không kích vào một căn cứ của lực lượng bán quân sự gần thủ đô Khartoum vào hôm Chủ nhật (16/4) sau các cuộc đụng độ khiến nhiều chiến binh và ít nhất 56 dân thường thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.
Vào cuối ngày giao tranh ác liệt, quân đội đã tấn công một căn cứ thuộc Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự của chính phủ ở thành phố Omdurman, tiếp giáp với thủ đô Khartoum, các nhân chứng cho biết vào cuối ngày thứ Bảy (15/4).
Quân đội và RSF – ước tính có khoảng 100.000 quân – đang cạnh tranh quyền lực khi các phe phái chính trị đàm phán thành lập một chính phủ chuyển tiếp sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.
Các vụ nổ và tiếng súng vang lên trên những con đường của Khartoum hôm 15/4 sau khi RSF tuyên bố họ đã kiểm soát dinh tổng thống, sân bay Khartoum và các cơ sở quan trọng khác.
Trong khi đó, quân đội bác bỏ thông tin này. Trong một tuyên bố vào đêm 15/4, không quân Sudan kêu gọi người dân ở trong nhà khi họ không kích các căn cứ của RSF. Giao tranh vẫn tiếp tục vào ngày 16/4.
Vào đầu giờ sáng Chủ nhật (16/4), các nhân chứng đã nghe thấy tiếng pháo hạng nặng vang lên khắp Khartoum, Omdurman và Bahri gần đó, đồng thời cũng có tiếng súng ở thành phố Port Sudan bên Biển Đỏ, nơi trước đó không có báo cáo nào về giao tranh.
Coup attempt in Sudan, action of MiG-29 SE of the regular army against the coup plotters (rapid reaction force) in the city of Khartoum.
— Spriter (@Spriter99880) April 15, 2023
By the way, a few months ago, Sudan gave permission to the Russian Federation to build a base in the Red Sea. Is this the West's answer? pic.twitter.com/KWUPDsIGdM
Liên đoàn bác sĩ ở Sudan cho biết giao tranh đã khiến 56 người thiệt mạng, 595 người bị thương. Nhiều quân nhân cũng thiệt mạng, nhưng không có được con số cụ thể do thiếu thông tin trực tiếp từ nhiều bệnh viện nơi những người thương vong được điều trị.
Bakry, 24 tuổi, làm việc trong lĩnh vực tiếp thị, cho biết cư dân Khartoum chưa bao giờ chứng kiến điều gì giống như tình trạng bất ổn này. Anh mô tả khói đen bao trùm thủ đô. “Mọi người vô cùng sợ hãi và vội trở về nhà. Đường phố vắng tanh”, Barkry cho biết.
Tiếng súng và tiếng nổ có thể được nghe thấy trên khắp thủ đô, nơi các đoạn phim truyền hình cho thấy khói bốc lên từ một số quận. Các video trên mạng xã hội ghi lại cảnh các máy bay quân sự bay thấp trên thành phố, ít nhất một chiếc dường như đã bắn tên lửa.
Một nhà báo của Reuters đã nhìn thấy súng đại bác và xe bọc thép trên đường phố và nghe thấy tiếng súng hạng nặng gần trụ sở của cả quân đội và RSF.
Tổng tư lệnh quân đội Abdel Fattah Al-Burhan nói với Al Jazeera TV rằng RSF nên rút lui: “Chúng tôi nghĩ rằng nếu họ khôn ngoan thì họ sẽ rút quân đã tiến vào Khartoum. Nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng tôi sẽ phải triển khai quân vào Khartoum từ các khu vực khác trên toàn quốc”.
Quân đội cho biết họ sẽ không đàm phán với RSF trừ khi lực lượng này giải thể.
⚡️There's a bit of a mess in Sudan.
— MARIA (@its_maria012) April 15, 2023
The Sudanese Armed Forces are battling the Rapid Reaction Force.
For clarity, the Armed Forces are pro-American and the SIS is pro-Russian. To simplify as much as possible pic.twitter.com/A5efHA7VJx
Lãnh đạo RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được biết đến với cái tên Hemedti, gọi Burhan là “tội phạm” và “kẻ dối trá”.
“Chúng tôi biết ông đang trốn ở đâu và chúng tôi sẽ bắt được ông rồi giao nộp trước công lý”, Hemedti nói.
Sudan là quốc gia Bắc Phi giáp với Ai Cập, có dân số khoảng 48 triệu người. Sau cuộc đảo chính năm 2021, Sudan được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự với người đứng đầu là tướng Abdel Fattah al-Burhan.
Một cuộc đối đầu kéo dài giữa quân đội và RSF có thể đẩy Sudan vào xung đột lan rộng khi nước này phải vật lộn với sự suy sụp kinh tế và bạo lực bộ lạc, làm hỏng các nỗ lực tiến tới bầu cử.
RSF được thành lập vào năm 2013, thuộc sự quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan, tuy nhiên, trong các hoạt động quân sự, họ được chỉ huy bởi quân đội chính quy Sudan. Bạo lực bùng phát sau nhiều tuần căng thẳng ngày càng sâu sắc giữa ông al-Burhan và Mohamed Hamdan Daglo, chỉ huy RSF, về kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy.
Việc sáp nhập là yếu tố quan trọng trong các cuộc đàm phán nhằm hoàn tất một thỏa thuận đưa đất nước trở lại chế độ dân sự và chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế – chính trị do cuộc đảo chính năm 2021 gây ra.
RSF cáo buộc quân đội thực hiện âm mưu của những người trung thành với cựu Tổng thống mạnh mẽ Omar Hassan al-Bashir – người đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2019 – và tự mình thực hiện một cuộc đảo chính. Cuộc đảo chính năm 2021 đã lật đổ thủ tướng dân sự của đất nước.
Các cường quốc và tổ chức quốc tế như Mỹ, Nga, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi… đều kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm thứ Bảy (15/4) rằng ông đã tham khảo ý kiến của các Bộ trưởng ngoại giao của Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Theo đó, tất cả đã đồng ý rằng các bên liên quan ở Sudan cần phải chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch”. Ông cũng điện đàm với ông Burhan và ông Daglo, kêu gọi họ quay lại đối thoại.
Viên Minh (Tổng hợp)