Ba năm ròng rã chịu đựng các biện pháp phong tỏa cực đoan chống COVID-19 đã khiến nhiều người Trung Quốc khao khát chạy thoát khỏi đất nước này bằng mọi giá.
Một số người đã thành công ra được nước ngoài, trong khi những người khác đang tìm kiếm cơ hội như vậy. Bất chấp nguy hiểm, bất chấp một tương lai còn mờ mịt, họ vẫn tin rằng việc được hít thở bầu không khí tự do xứng đáng để họ mạo hiểm.
Sàn lạnh, nhưng không vấn đề gì
“Tôi phải chạy trốn bằng mọi giá”, bà Chen Ping (hóa danh) nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times tại sân bay quốc tế Belgrade (Serbia) vào ngày 25/03.
Bà Chen đã ngoài 60 tuổi, đến từ Thẩm Dương, một thành phố công nghiệp ở đông bắc Trung Quốc. Bà ở lại sân bay để chờ chuyến bay tiếp theo.
“Sàn lạnh, nhưng tôi không thấy có vấn đề gì”, bà nói.
Bà Chen đã trả tiền cho một người mà bà chưa từng gặp mặt để giúp bà rời khỏi Trung Quốc. Cách duy nhất bà liên lạc với người này là thông qua điện thoại. Bà không muốn chia sẻ quá nhiều chi tiết của cuộc trốn chạy, bao gồm cả nơi bà sẽ đến tiếp theo, do lo ngại về an ninh.
Bà Chen không nói được tiếng Anh và chưa từng đi máy bay trước đó, nhưng bà đã quyết định rời khỏi Trung Quốc vào đầu tháng 3 năm nay mà không hề do dự. Điểm dừng chân đầu tiên của bà là Hong Kong. Không có nhiều tiền, bà ngủ trên băng ghế nhựa ở sân bay trong 8 ngày trước khi bay đến Serbia.
Trước khi rời Trung Quốc, bà nói với con trai rằng cơ hội sống sót duy nhất của bà là đi khỏi đất nước.
Từ năm 2002 , bà Chen và chồng bà liên tiếp bị chính quyền địa phương trả thù sau khi gia đình bà dũng cảm vạch trần hành vi xấu xa của một cựu bí thư xã – người đã biển thủ một số tiền lớn của nông dân.
Trong nhiều năm, hai vợ chồng bà đã lên Bắc Kinh thỉnh nguyện mặc dù sau đó, họ nhiều lần bị bỏ tù, bị đánh đập và bị đưa đến các trại lao động, bao gồm cả trại lao động cưỡng bức khét tiếng Mã Tam Gia. Năm 2011, bà Chen bị kết án 2 năm lao động khổ sai chỉ vì bà đã kiên định đi thỉnh nguyện. Lối vào trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, gần Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh: The Epoch Times)
Bà đã từ chối nhận tội và điều đó khiến bà phải chịu mức chỉ tiêu công việc nhiều gấp đôi tại trại lao động. Bà Chen thường xuyên bị đánh đập vì không đạt chỉ tiêu.
Các tù nhân chỉ được phép đi vệ sinh 2 lần/ngày. Đồng thời, do liên tiếp phải chịu tra tấn, bà Chen đã mắc bệnh tim, bị huyết áp cao và viêm thận.
Giờ đây, tại một sân bay ở Serbia, đối mặt tương lai chưa xác định, bà Chen nói rằng bà quyết tâm rời khỏi Trung Quốc bất kể khó khăn thế nào.
“Tôi đã sẵn sàng cho mọi thử thách”, bà nói.
Khao khát được sống trong tự do
Anh Roy (hóa danh) đã trở thành đối tượng bị chính quyền Trung Quốc giám sát chặt chẽ sau khi anh đến đường Urumqi ở Thượng Hải vào ngày 27/11/2022, nơi người dân tập trung để bày tỏ nỗi bất bình trước vụ việc các biện pháp phong tỏa hà khắc đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng trong một vụ cháy chung cư ở Tân Cương.
Anh muốn chụp các bức ảnh của sự kiện này, nhưng cảnh sát mặc thường phục đã bắt anh và đưa anh đến một đồn cảnh sát, nơi anh bị thẩm vấn và bị đánh đập. Cảnh sát đã tịch thu điện thoại di động của anh, đồng thời cảnh báo anh không được tham gia các sự kiện tương tự. Người biểu tình ở Bắc Kinh giơ cao các tờ giấy trắng để phản đối các biện pháp chống COVID-19 hà khắc và các biện pháp kiểm duyệt thông tin vô lý của chính quyền Trung Quốc (phong trào giấy trắng), ngày 27/11/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
Kể từ đó, cảnh sát thi thoảng lại điện gọi cho anh, yêu cầu anh báo cáo các hoạt động trong cuộc sống thường ngày.
“Tôi thực sự lo lắng”, anh Roy nói với The Epoch Times vào ngày 24/03.
Ông bà của anh Roy đều đã qua đời vào cuối năm 2022 trong trận đại dịch. Ý nghĩ phải thoát khỏi Trung Quốc ngày càng ám ảnh tâm trí anh, đặc biệt là sau khi các đợt phong tỏa và phong trào giấy trắng diễn ra.
Từ hồi còn học lớp 6, anh Roy đã biết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không cho phép người dân sử dụng Internet một cách tự do. Khi đó, các thành viên trong gia đình đã hướng dẫn anh cách vượt tường lửa để tìm hiểu thông tin bên ngoài Trung Quốc.
Anh đã có nhiều lời bình luận trực tuyến bị chính quyền coi là nhạy cảm, và tài khoản mạng xã hội của anh đã bị chặn.
Chuyến đi Hoa Kỳ khi còn là sinh viên đại học đã truyền cảm hứng cho anh trong hành trình tìm kiếm tự do và dân chủ.
Anh biết về một con đường trốn thoát khỏi Trung Quốc qua rừng nhiệt đới Panama nhưng anh do dự vì con đường này tương đối nguy hiểm. Tuy vậy, anh vẫn luôn nghĩ rằng xây dựng lại từ đầu ở một nơi xa lạ là tất cả những gì anh có thể làm, nếu anh muốn sống trong một xã hội tự do.
Hiện anh Roy đang tìm mọi cách để có thể rời khỏi Trung Quốc.
‘Mạng sống của con người chẳng có giá trị gì’
Ông Antao (hóa danh) là một bác sĩ ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Trong đại dịch, bệnh viện nơi ông làm việc luôn chật kín bệnh nhân, nhiều nhân viên y tế cũng bị nhiễm bệnh, ông nói với The Epoch Times vào ngày 22/03.
Giống như các bệnh viện khác, bệnh viện của ông cũng hết thuốc. “Bệnh viện thậm chí còn hết sạch khẩu trang và cồn – những thứ cơ bản nhất”, ông nói. Theo ông Antao, sự thiếu hụt này là lỗi của chính quyền.
Ông Antao đã lên kế hoạch trốn khỏi Trung Quốc để đến Hoa Kỳ cùng một người bạn vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, vì lo lắng cho người mẹ 80 tuổi nhiều bệnh tật, ông đã ở lại. Người bạn của ông hiện đã có việc làm và đang tận hưởng một cuộc sống bình thường ở Mỹ.
“Mạng sống của con người chẳng có giá trị gì ở Trung Quốc”, ông Antao nói như vậy khi suy ngẫm về những gì ông chứng kiến trong 3 năm xảy ra đại dịch. “Tôi sẽ không từ bỏ việc thoát khỏi Trung Quốc”, ông nói.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch