Liên Thành
Đại dịch Covid-19 đã tạm qua đi, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa thế giới đã thoát khỏi hoàn toàn trước những mối đe dọa nguy hiểm đến tính mạng con người trên diện rộng liên quan đến dịch bệnh.
Theo một bài phân tích của giáo sư y khoa John Bell, tại Đại học Oxford, có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến một đại dịch khác trong tương lai nhưng dường như thế giới vẫn chưa sẵn sàng để đối phó với nó.
Theo tờ Independent, tất cả người dân đều hy vọng rằng đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt hoàn toàn, nhưng trên thực tế đại dịch tiếp theo đang đến. Sự thật phũ phàng là ngoài kia còn có rất nhiều mầm bệnh khác với khả năng gây ra sự tàn phá thậm chí còn lớn hơn nhiều.
Ký ức về đại dịch vẫn còn trong mỗi người dân kể từ khi có tuyên bố về đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử cách đây 3 năm. Và hiện tại hầu như ai ai vẫn còn cảm nhận được những tác động này.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi năm ngoái, hơn 6,8 triệu người đã tử vong, 1,6 tỷ sinh viên bị gián đoạn việc học, và nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại hơn 12,5 ngàn tỷ đô la vào năm 2024. Covid-19 đã hủy hoại thu nhập, dịch vụ y tế, sức khỏe tâm thần và việc học hành của con trẻ người ta phải làm những gì có thể để bảo đảm điều này không bao giờ xảy ra nữa.
Vấn đề ở đây không phải là liệu một đại dịch khác có xảy ra hay không, mà chính là đại dịch khác sẽ xảy ra khi nào.
Việc lập mô hình cho thấy nhân loại có thể có 38% khả năng gặp phải một đại dịch khác trong đời – đó là một rủi ro rất lớn phải gánh chịu.
Tuy nhiên, rủi ro đó chỉ là vấn đề thời gian. Trải qua một đại dịch không làm giảm mối đe dọa của đại dịch tiếp theo hoặc không có nghĩa là đại dịch tiếp theo không thể xảy ra trong năm nay hoặc năm sau.
Có một điều rõ ràng là, bất chấp tất cả những gì công chúng đã biết, vẫn chưa ai sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo và thậm chí còn phải cắt giảm cơ sở hạ tầng dành cho an ninh y tế.
Công chúng đồng ý với vấn đề này. Được công bố hôm 13/03, cuộc thăm dò từ công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh – YouGov – cho thấy hơn một nửa (59%) công chúng Anh nghĩ rằng các chính trị gia Vương quốc Anh không coi trọng mối đe dọa của đại dịch trong tương lai.
Nói rộng hơn, có một sự đồng thuận rằng các nhà lãnh đạo thế giới cũng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong cùng một cuộc thăm dò, hơn 3/4 công chúng Anh (77%) cho biết họ nghĩ rằng các chính phủ trên thế giới nên đầu tư nhiều hơn vào khả năng ứng phó với đại dịch trong tương lai của hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính quốc gia của họ, trong khi 72% cho rằng các chính phủ nên hợp tác nhiều hơn với các chính phủ khác để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng khắp thế giới.
Cuộc điều tra về đại dịch của Cựu thẩm phán Tòa phúc thẩm Nữ tước Heather Hallett sẽ mang lại những bài học quan trọng cho tương lai về cách phát triển chính sách công ở Vương quốc Anh. Trong khi đó, nhiều người làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng đã suy nghĩ sâu sắc về cách con người có thể mô phỏng lại hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ để hệ thống này có thể thích ứng với các đại dịch trong tương lai.
Vì vậy, điều con người cần phải làm là gì?
Những gì cần là một cách tiếp cận “luôn hoạt động 24/7” để tạo ra các hệ thống y tế linh hoạt hơn, có khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc lâm sàng định kỳ trong thời gian bình thường và có thể phản ứng nhanh chóng để ứng phó với đại dịch trong tương lai. Có thể tích hợp trình tự bộ gen và giám sát vào việc chăm sóc bệnh nhân thông thường, cải thiện chẩn đoán và giúp điều trị phù hợp, đồng thời duy trì khả năng chủ động xác định các mối đe dọa gây bệnh trong tương lai.
Việc tạo ra một mô hình bền vững về mặt kinh tế cho cấu trúc y tế toàn cầu “luôn hoạt động 24/24” có thể cải thiện cuộc sống trong “thời bình” cũng như bảo đảm chúng ta chuẩn bị đúng cách cho cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu tiếp theo.
Để thực hiện tầm nhìn này và thúc đẩy tiến độ, cần áp dụng cách tiếp cận tập trung vào sứ mệnh giống như cách đã thấy khi ứng phó với Covid-19 – với các mục tiêu, kinh phí và nguồn lực rõ ràng để trợ giúp thực hiện và được sự chứng thực từ các cơ quan chính phủ toàn cầu.
Trong tháng này, cùng với các đồng nghiệp tại Hiệp hội An ninh Y tế Toàn cầu, các chuyên gia y tế toàn cầu và các nhà lãnh đạo chính trị sẽ có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính sách Rhodes để xem xét điều này sẽ diễn ra như thế nào – nhằm bảo đảm những sự kiện tàn khốc của năm 2020 sẽ không bao giờ lặp lại.
Có thể học được gì từ Covid-19 và sự lây lan sớm của dịch bênh này? Làm thế nào để so sánh các phản ứng chính sách ban đầu ở các quốc gia khác nhau? Và đâu là lý do dẫn đến sự thất bại tập thể trong việc nhanh chóng tiếp cận các công nghệ cứu sinh cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng này?
Cách tiếp cận “luôn hoạt động 24/7” sẽ bảo đảm thế giới có các công cụ phù hợp, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng nghiên cứu lâm sàng có thể dự đoán sự lây lan của dịch bệnh – và phản ứng nhanh chóng để cứu người.
Cần xem xét các kịch bản đại dịch tồi tệ nhất và kích thích sự tập trung chính trị bền vững và đầu tư từ các chính phủ, tổ chức y tế toàn cầu và ngành công nghiệp vào việc chuẩn bị cho đại dịch.
Trong một thế giới mà sự chú ý đang tập trung đúng mức vào chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, các xung đột quốc tế và khủng hoảng năng lượng, sẽ dễ dàng tập trung vào việc quay trở lại hoạt động kinh doanh như thường lệ, xem Covid-19 như một cơn đại dịch xảy ra một lần rồi trở thành quá khứ.
Đáng buồn thay, bệnh tật không hẳn là như vậy – bệnh tật không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách hay biên giới.
Tin tốt là thế giới đã nâng cao kiến thức và khả năng phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa này.
Đại dịch tiếp theo có thể còn tàn khốc hơn lần trước rất nhiều.
Thế giới phải luôn trong trạng thái sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn tiếp theo – nếu không hành động ngay bây giờ, thì sẽ không có gì để bào chữa nếu điều ấy thực sự xảy ra.