NATO cam kết sẽ kết nạp Ukraine, Nga phản ứng ra sao?

Huyền Anh

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sau cuộc họp báo chung vào ngày 20/4/2023 tại Kyiv, Ukraine. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thư ký NATO tới Ukraine kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi năm ngoái. (Ảnh: Roman Pilipey/Getty Images)

Hôm 21/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, tất cả các nước thành viên đã đồng ý để Ukraine gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương sau khi kết thúc chiến sự Nga – Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng trọng tâm chính hiện nay là đảm bảo nước này ‘phải thắng thế’ trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga.

Tuyên bố của ông Stoltenberg được đưa ra ngay trước thềm cuộc họp lần thứ 11 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO không nêu mốc thời gian cụ thể về việc Ukraine gia nhập liên minh NATO.

NATO cam kết sẽ kết nạp Ukraine

Phát biểu trước báo giới tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức ngày 21/4, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố: “Tất cả thành viên NATO đều nhất trí rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh, tuy nhiên trọng tâm hiện nay là làm thế nào để đảm bảo Ukraine sẽ giành chiến thắng (trong cuộc xung đột với Nga)”.

“Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy có kỳ vọng rất rõ ràng và chúng tôi đã thảo luận cả về vấn đề tư cách thành viên lẫn đảm bảo an ninh cho Kyiv”.

“Bởi vì hiện không ai có thể xác định thời điểm và phương thức chấm dứt chiến sự. Tuy nhiên một khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi phải đảm bảo lịch sử không lặp lại”.

Theo hãng tin The Guardian, các thông báo về vũ khí và viện trợ cũng xuất hiện bên lề cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng về viện trợ quân sự cho Ukraine diễn ra tại căn cứ không quân Ramstein, Đức. Ngoài ra, ông Stoltenberg có vẻ lạc quan về triển vọng gia nhập NATO của Ukraine trong dài hạn.

Tư cách thành viên NATO, đòi hỏi sự cam kết của tất cả các quốc gia thành viên để hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công, từ lâu đã là một yêu cầu từ Kiev. Mặc dù NATO đã nhất trí về nguyên tắc này vào năm 2008 rằng Ukraine có thể gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, nhưng hiện liên minh này vẫn chưa có lộ trình chính thức để Ukraine trở thành thành viên của NATO.

Sự bùng nổ giao tranh với Nga từ năm 2014 cũng đóng vai trò như một biện pháp răn đe hơn nữa đối với các thành viên NATO, bởi vì việc Ukraine trở thành thành viên NATO ngay lập tức sẽ kéo theo một cuộc xung đột tức thì với một cường quốc vũ khí hạt nhân. Đây là kịch bản mà Mỹ và các thành viên NATO luôn lo ngại.

Ông Zelenskyy dự kiến ​​sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO diễn ra ở thủ đô Vilnius – Lithuania vào tháng 7. Tuy nhiên, giới chức Ukraine cho biết, Tổng thống Ukraine sẽ chỉ tham dự hội nghị nếu liên minh quân sự NATO đưa ra một lộ trình cụ thể về kết nạp Ukraine, chẳng hạn như những cam kết an ninh, hợp tác chặt chẽ hơn thời hậu chiến.

Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 9 năm ngoái và yêu cầu liên minh nhanh chóng kết nạp nước này, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh của quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, một thành viên chủ chốt của NATO đã bác bỏ quyết định nhanh chóng của NATO về việc trao tư cách thành viên NATO cho Ukaine.

Phát biểu trên truyền hình Đức hôm 20/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius cho biết: “Cánh cửa đang hé mở, nhưng giờ không phải là thời khắc quyết định”. Đồng thời, ông Pistorius cho biết thêm rằng Ukraine phải nhận thức được tình hình hiện tại.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người chủ trì cuộc hội đàm tại Ramstein, cho biết, ba vấn đề chính được thảo luận tại hội nghị là “phòng không, đạn dược và các thiết bị hỗ trợ”.

Ông nhấn mạnh rằng “vấn đề cấp bách nhất” mà Ukraine cần trong cuộc xung đột với Nga hiện nay là “năng lực phòng không” để bảo vệ người dân, cơ sở hạ tầng và lực lượng quân sự của họ ở tiền tuyến.

“Chúng tôi sẽ ủng hộ Ukraine tới chừng nào có thể”, ông Austin tuyên bố.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trong cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại phòng triển lãm Manezh ở trung tâm Moscow, Nga, hôm 23/12/2021. (Ảnh: Natalia Kolesnikova/AFP/Getty Images)

Phản ứng của Nga

Trong khi đó, Nga đã lên tiếng chỉ trích cuộc hội đàm về viện trợ quân sự cho Ukraine tại Đức.

Hôm 21/4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cáo buộc NATO đang cố gắng lôi kéo Ukraine gia nhập liên minh này, đồng thời cho rằng đây là một mối đe dọa tiềm ẩn mà Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập trước khi chiến sự bùng phát.

“Chúng tôi đang đối phó với một liên minh hiếu chiến NATO. Họ vốn coi đất nước chúng tôi là kẻ thù và xâm phạm an ninh của đất nước chúng tôi”, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời ông Dmitry Peskov nói trước báo giới.

Ông Peskov nhấn mạnh rằng NATO đang tiếp tục theo đuổi chính sách kéo Ukraine vào liên minh, qua đó chứng tỏ quyết định đúng đắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

“Rõ ràng NATO vẫn tiếp tục chính sách kiểm soát Ukraine và lôi kéo nước này vào liên minh. Mối đe dọa tiềm ẩn này là điều mà Tổng thống của chúng tôi đã nhắc đến một thời gian dài trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra. Tất cả điều này một lần nữa cho thấy tính hợp lý trong quyết định của Tổng thống về việc bắt đầu chiến dịch này, dựa trên các lợi ích và nhu cầu đảm bảo an ninh của Nga”, ông nói.

Đầu tháng này, Phần Lan đã gia nhập liên minh NATO, chính thức chấm dứt lập trường trung lập của nước này kéo dài nhiều thập kỷ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Với việc kết nạp thêm Phần Lan, biên giới giữa Nga và NATO hiện đã tăng gấp đôi.

Thụy Điển dự kiến ​​cũng sẽ gia nhập liên minh NATO. Tuy nhiên, con đường gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương của nước này có vẻ gập ghềnh hơn nhiều so với Phần Lan.

Huyền Anh tổng hợp

Related posts