Chú gấu đột nhập vào xe của một phụ nữ Canada và uống sạch 69 lon nước giải khát
Một con gấu đen đã đột nhập vào ô tô của một phụ nữ ở British Columbia, Canada và uống cạn 69 lon nước giải khát trong xe. Toàn bộ quá trình “phạm tội” của nó đều được chủ nhân chiếc xe quay phim lại.
Kênh CBC của Canada đưa tin, một người phụ nữ tên là Sharon Rosel, đã bị đánh thức bởi chú chó con của mình vào khoảng 3 giờ sáng ngày 13/4. Sau khi tỉnh dậy và nhìn ra ngoài, cô bất ngờ phát hiện ra một kẻ đột nhập đầy lông lá đang phá vỡ cửa sổ ô tô của mình và “tấn công” những lon nước trong xe của cô. Khổ nỗi, cô không thể báo cảnh sát và yêu cầu đền bù cho dù cô đã mua bảo hiểm oto, vì thủ phạm lại chính là một chú gấu đen!
Từ vị trí ban công, cô Rosel cho biết mình đã cố gắng xịt nước lạnh vào “thủ phạm” nhưng điều này là vô ích. Sau đó, cô ấy còn “ngốc nghếch” cố gắng lý luận với nó rằng sáng hôm sau mình sẽ phải lái xe đó đi làm, cho nên làm ơn đừng làm tổn thương nó.
“Sau đó, tôi cố gắng đánh lạc hướng bằng cách nói với nó rằng tôi là một thợ săn gấu điệu nghệ. Dĩ nhiên điều đó cũng không có tác dụng, vì vậy tôi đành đứng nhìn nó ngấu nghiến chiếc xe của mình khoảng 1,5 giờ trong bất lực”, cô Rosel nói.
Giá mà cô ấy hiểu chú gấu có thể đang nghĩ: “Thôi nào, tôi đang rất khát, hãy chia sẻ một chút đi!”
Thoạt nhìn có vẻ như chú gấu đang rất hào hứng để được thưởng thức bữa tiệc buffet nước ngọt trong đêm. Nhiều cư dân mạng sau khi xem đoạn video về phi vụ công phá 69 lon nước ngọt của chú gấu đã nói vui rằng chắc hẳn đây là một gã “nghiện nước ngọt”. Và có lẽ nó rất tự tin nghĩ rằng uống một chút đó không làm thân hình nó “mập” thêm nữa.
Cô Rosel cho biết chú gấu đã dùng răng để mở những lon nước ngọt và uống chúng một cách say sưa. Đầu tiên nó thưởng thức các lon soda cam như một quý ông thực thụ, sau đó là Coke rồi đến bia và cuối cùng là Diet Coke.
Có tổng 72 lon nước giải khát trong xe của cô, thế nhưng chú gấu đã uống hết 69 lon, và lịch sự chừa lại 3 lon, chắc là để “an ủi” cô. Tội lỗi của nó cũng chưa dừng lại ở đó, khi uống nó còn vụng về làm đổ đầy đồ uống ra xe, đồng thời còn làm hỏng cửa sổ, làm ghế da bị rách bao gồm cả cần số của xe và các thiết bị khác.
Sáng hôm sau, cô Rosel đã chụp lại một bức ảnh về cuộc xâm lược của chú gấu. “Tôi nhìn thấy những lon nhôm nằm ngổn ngang trên xe và trên mặt đất, cảnh tượng thật là một mớ hỗn độn. Mặc dù kẻ tấn công cũng lật tung một gói khăn giấy ra, nhưng nó không biết dùng khăn giấy để lau bên trong xe,” cô nói.
Được biết, cô Rosel là người kinh doanh xe bán đồ ăn, cô đã mua đồ uống vào đêm hôm trước để phục vụ cho buổi bán hàng vào ngày hôm sau. Bởi vì cô ấy sống ở vùng khá hẻo lánh và biết rõ các hoạt động của những “tên siêu trộm lại ham ăn” nên cô đã không để thức ăn trong xe. Thế nhưng cô ấy không ngờ rằng con gấu đen lại bị soda thu hút, hơn nữa nó còn hồn nhiên quay lại để tìm kiếm vào đêm hôm sau.
Cô ấy đã chia sẻ những bức ảnh mình chụp và cảnh quay từ màn hình trên Facebook với hy vọng những người khác sẽ tránh được sai lầm của cô ấy. “Đừng đánh giá thấp khứu giác của chúng. Chúng ta phải coi chừng gấu. Khi chúng ta sống cùng khu vực với chúng, chúng sẽ nhớ và tìm đến”, cô nói.
Tổ chức phi lợi nhuận Gấu Sunshine Coast của Canada, đã lưu ý trên trang web của mình rằng gấu có trình độ cao mới có thể chui vào trong xe và gây ra thiệt hại đáng kể cho xe.
“Gấu sẽ bị thu hút bởi mùi hương dù là nhỏ nhất trong ô tô của bạn, chẳng hạn như giấy gói kẹo hoặc chất làm mát không khí. Để tránh mất mát và vô tình chạm trán, hãy đóng và khóa cửa sổ và cửa ra vào” thật kỹ lưỡng.
An Chi, Theo Epochtimes
Tạp chí Đức đăng “phỏng vấn độc quyền” do AI tạo ra, tổng biên tập bị sa thải
Tạp chí Die Aktuelle của Đức đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện bài phỏng vấn độc quyền cựu tay đua xe hơi Schumacher, khiến dư luận chỉ trích mạnh mẽ. Công ty mẹ – Tập đoàn truyền thông Funke (Funke Media Group) – thông báo sa thải tổng biên tập Anne Hoffmann và gửi lời xin lỗi tới gia đình ông Schumacher.
Tạp chí Die Aktuelle của Đức gần đây đã đăng một bức ảnh cựu tay đua Công thức 1 đang mỉm cười trên trang bìa, với tiêu đề: “Cuộc phỏng vấn đầu tiên với Schumaker”, nhưng phụ đề lại ghi: “Giống như thật”. Nhiều người hâm mộ xe hơi mua tạp chí vì tò mò, sau khi đọc xong mới phát hiện rằng họ đã bị lừa.
Từ tháng 12/2013, ông Michael Schumacher, người từng 7 lần vô địch giải đua xe Công thức 1 (F1) đã bị chấn thương sọ não nghiêm trọng trong một tai nạn trượt tuyết ở dãy núi Alps của Pháp, kể từ đó ông không còn xuất hiện công khai. Tuy nhiên, một tạp chí hàng tuần của Đức đã xuất bản một “cuộc phỏng vấn độc quyền” vào ngày 20/4. Sau khi vạch trần nội dung đối thoại là do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, nhà xuất bản đã xin lỗi gia đình ông Schumacher vào ngày 22/4 và sa thải tổng biên tập của tạp chí.
Editor of Die Aktuelle 'is fired over Michael Schumacher fake interview' https://t.co/l7QLBlOHpA pic.twitter.com/uDHuxshK8h
— Daily Mail U.K. (@DailyMailUK) April 22, 2023
Gia đình của ông Schumacher cho biết trong tuần này rằng họ dự định sẽ có hành động pháp lý đối với tuần báo Die Aktuelle, thuộc sở hữu của Funk Media Group có trụ sở tại Essen.
Funk Media Group đã đưa ra một tuyên bố trên trang web chính thức của mình để xin lỗi. Ông Bianca Pohlmann, giám đốc điều hành của Tập đoàn truyền thông Funke cho biết: “Bài báo vô vị và gây hiểu lầm này không bao giờ nên xuất hiện. Bài báo này không phù hợp với chúng tôi và không đáp ứng được kỳ vọng của độc giả về tiêu chuẩn của báo chí mà một nhà xuất bản như Funk nên có.”
“Anne Hoffmann, tổng biên tập của Die Aktuelle, người chịu trách nhiệm báo chí của tạp chí từ năm 2009, đã bị cách chức từ ngày hôm nay,” Bianca Pohlmann nói.
Dương Thiên Tư, Vision Times
Bộ tổng tham mưu Ukraine: Quân chính quy và lính đánh thuê Nga đọ súng vì cãi nhau
Quân chính quy Liên bang Nga và lính đánh thuê Wagner đã cãi nhau dẫn đến đọ súng chết người ở Stanytsia Luhansk, theo thông tin từ Bộ tổng tham mưu Ukraine, Ukraine Pravda đưa tin.
Tweet Newsweek đưa tin về đọ súng chết người giữa quân chính quy Nga và quân Wagner:
Tổng tham mưu quân đội Ukraine tuyên bố rằng do tìm cách đổ lỗi cho nhau vì “không có thành tích đáng kể nào trên chiến trường”, quân chính quy của Nga và quân Wagner đã cãi vã và tranh chấp “leo thang thành một cuộc đọ súng” dẫn đến “thương vong cả hai bên”, tuy không rõ con số thương vong cụ thể.
“Không có thành tích đáng kể nào trên chiến trường, những người lính của Lực lượng Vũ trang Nga và đại diện của PVC Wagner đang ngày càng cố gắng tìm ra ai phải chịu trách nhiệm về những tính toán chiến thuật của mình và những tổn thất gánh chịu cho nhau. Kết quả là gần đây, tại khu định cư Stanytsia Luhansk, vùng Luhansk, một cuộc tranh chấp giữa binh lính Liên bang Nga và lính đánh thuê PVC Wagner đã leo thang thành một cuộc đọ súng. Cuộc xung đột có thương vong cho cả hai bên.”
Mâu thuẫn giữa quân Wagner và quân chính quy Nga đã được giới truyền thông đưa tin nhiều lần, cũng không phải là điều mà cả 2 bên phải tìm cách che giấu.
Theo Newsweek báo cáo, họ chưa có được xác minh vụ việc từ phía Nga.
Nhật Tân
Chiến tranh ở Ukraine làm gia tăng chi tiêu quân sự toàn cầu
Reuters đưa tin, dẫn nguồn SIPRI công bố hôm Thứ Hai, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2022 tăng 3,7% đạt tới 2.240 tỷ đô la Mỹ, đạt mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh ba thập kỷ trước. Nguyên nhân chủ yếu là do chiến tranh Ukraine.
SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute), một tổ chức trụ sở tại Thụy Điển theo dõi về tình hình an ninh toàn cầu, công bố hôm 24/4 các con số của năm 2022, và chỉ ra rằng cuộc chiến Ukraine đã khiến quỹ quốc phòng của nhiều quốc gia gia tăng.
Nga, quốc gia phát động chiến tranh khi đưa quân vào Ukraine tháng 2/2022 trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” với lý do bảo vệ an ninh chủ quyền của mình trước đe dọa của phương Tây khi nguy cơ NATO mở rộng, đã tăng 9,2% chi tiêu quốc phòng.
Một báo cáo của Breitbart cho hay ngân sách quốc phòng năm 2023 của Nga tiếp tục tăng, đạt 84 tỷ đô la.
Ukraine gia tăng chi tiêu quân sự 640%, theo SIPRI, với lưu ý rằng con số này không bao gồm các khoản viện trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây.
Trước thềm chiến dịch “phản công mùa xuân” được nhắc đến nhiều trong thời gian này, chính quyền Kyiv, với hậu thuẫn của Âu Mỹ, đặt mục tiêu chiến tranh không chỉ là lấy lại những vùng lãnh thổ bị mất vào năm ngoái, mà còn chiếm lại bán đảo Crimea do Nga sáp nhập từ 9 năm trước.
Châu Âu tăng 13% chi tiêu quân sự, và dự kiến chi tiêu vẫn tiếp tục gia tăng trong năm tới, theo SIPRI. Khi vũ khí cũ trong kho đã gửi vào chiến trường Ukraine, thì các quốc gia cần gia chi tiêu quân sự vừa để phục vụ tiền tuyến, vừa để bù đắp đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng.
Hoa Kỳ, mặc dù là quốc gia chi tiêu lớn nhất cho chiến trường Ukraine, thì theo SIPRI, chi phí quân sự ở đó chỉ chiếm 2,3% tổng chi tiêu quân sự năm 2022 của Hoa Kỳ.
Trong một báo cáo khác, Reuters cho biết tính đến tháng 4/2023, Hoa Kỳ đã thực chi 35 tỷ đô la vào cho chiến trường Ukraine. Điều mà Mỹ gọi là viện trợ như một quốc gia ngoài cuộc, mặc dù giới quan sát gọi là chiến tranh ủy quyền.
Breitbart trong một báo cáo cho biết, chỉ riêng trong năm 2022 Hoa Kỳ đã duyệt ngân sách chi tiêu cho chiến trường Ukraine là 113 tỷ đô la trong cả 2022 và những năm tới.
So sánh với các con số về chiến tranh Việt Nam theo Wikipedia, trong 10 năm (từ 1955 đến 1975) Hoa Kỳ đã chi gần 135 tỷ đô la, tương đương với gần 1.300 tỷ đô la Mỹ năm 2023. Đó là gồm cả viện trợ quân sự và kinh tế cho chính quyền Sài Gòn, và cả cho quân lực Hoa Kỳ.
Nếu chỉ tính riêng phần viện trợ quân sự trong 20 năm, thì là 16 tỷ đô la, tương đương gần 154 tỷ đô la hiện nay. Lưu ý theo cách tính trong Wikipedia, thì cái gọi là “chiến tranh Việt Nam” của Mỹ là gồm cả chiến trường ở Việt Nam, Lào, và Campuchia.
Theo một thống kê của tờ Statistica hồi tháng 2, thì chi phí quân sự của Hoa Kỳ năm đầu cho Ukraine đã hơi nhỉnh hơn chi phí trung bình hàng năm của Hoa Kỳ cho chiến tranh Afghanistan giai đoạn 10 năm đầu (2001–2010).
(Video: Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói họ cung cấp vũ khí vào chiến trường Ukraine để lấy lại bán đảo Crimea)Nhật Tân
Từ chiến trường trở về và giết người một lần nữa: Dân Nga run sợ trước sự trở lại của ‘tội phạm đánh thuê’
Liên Thành
Theo Hankook Ilbo của Hàn Quốc, cộng đồng Nga đang run lên vì lo lắng khi những tên tội phạm người Nga được huy động làm ‘lính đánh thuê’ trong cuộc xâm lược Ukraina trở về quê hương của họ.
Điều này là do có một loạt trường hợp những người được ân xá vì phục vụ trong Tập đoàn Wagner, một công ty lính đánh thuê tư nhân của Nga, đã trở thành thường dân và lại phạm tội như giết người sau khi kết thúc nhiệm vụ chiến đấu.
Thậm chí không thể dự đoán khi nào cuộc chiến này sẽ kết thúc, nhưng nó là bằng chứng cho thấy hậu quả của cuộc chiến đã nổi lên trong xã hội Nga. Bất kể những tác dụng phụ này, chính phủ Nga chỉ tập trung vào việc khuyến khích nhập ngũ để giảm bớt tình trạng thiếu quân.
Theo tờ Guardian của Anh vào ngày 22 (giờ địa phương), Georgy Siukayev, người bị bắt vì tội giết một người đàn ông 38 tuổi ở Tsuhinvili, Nam Ossetia, nơi bị phe ly khai thân Nga chiếm đóng, đã được tiết lộ là một lính đánh thuê Wagner đã được gửi đến cuộc chiến ở Ukraina. Bị kết án về một vụ giết người khác, anh ta nên ở trong tù. Tuy nhiên, nhờ Wagner, người bị bắt làm tù nhân với điều kiện ‘được ân xá sau sáu tháng phục vụ’, đã được tự do.
Ivan Rossomakin (28 tuổi), kẻ đã giết Yulia Vuyskich (85 tuổi) bằng rìu ở Novivurec, một thị trấn nhỏ ở vùng Kirov, Nga, vào cuối tháng trước cũng là một tù nhân trở thành Wagner. Bị kết án 10 năm tù vì tội giết người vào năm 2020 và bị bỏ tù, anh ta tham chiến với tư cách là lính đánh thuê của Wagner và trở về quê hương khi hết hạn hợp đồng. Người thân của nạn nhân chỉ ra rằng “Tổng thống Nga Vladimir Putin và (người đứng đầu Wagner) Yevgeny Prigozhin phải chịu trách nhiệm về cái chết của Vuyskich”, và nói thêm, “Họ đã thả ‘con chó ốm’ vào xã hội”.
Những ví dụ này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Được biết, hơn 5.000 tên tội phạm đã được thả ra ngoài xã hội sau khi ký hợp đồng với Wagner và ra chiến trường. Tờ Guardian cho biết, “Mối lo ngại đang gia tăng từng ngày rằng những tên tội phạm ghê tởm đã trở lại xã hội sẽ phạm tội ác khác”.
Vấn đề là họ trở lại với tư cách ‘anh hùng’ hơn là tội nhân. “Cảnh sát đối xử với tôi như một anh hùng khi tôi trở về quê hương”, cựu tù nhân Alexei Sabichev (49 tuổi), cựu lính đánh thuê Wagner từng chiến đấu ở Bakhmut, Ukraina, nơi diễn ra trận chiến ác liệt nhất, nói với tờ Sunday Observer. Đầu năm nay, Tổng thống Putin đã thông qua luật quy định việc công khai chỉ trích lính đánh thuê của Wagner hoặc đưa ra những bình luận tiêu cực là phạm tội hình sự.
Chính phủ Nga cũng chỉ tập trung vào tuyển mộ binh sĩ. Sau khi Đạo luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi gần đây cho phép gửi thông báo gọi nhập ngũ trực tuyến, một chiến dịch khuyến khích nhập ngũ cũng đã bắt đầu. Một video tuyển dụng được phát hành gần đây cho thấy một nhân viên bảo vệ siêu thị, một huấn luyện viên thể dục và một tài xế taxi cảm thấy mình đã đạt được thành tích sau khi gia nhập quân đội. Cùng với thông điệp “hãy trở thành một người đàn ông”, những người nhập ngũ được hứa hẹn trả 204.000 rúp, gấp 4 lần mức lương trung bình hàng tháng ở Nga.
Phương tiện truyền thông độc lập của Nga, ‘Novaya Gazeta’ gần đây đã đưa tin rằng quảng cáo quân sự trên Vkontakte, dịch vụ mạng xã hội đại diện của Nga, đã tăng gấp bảy lần. Một người dân Matxcova cho biết trên mạng xã hội rằng “đường phố bị bao phủ hoàn toàn đến nỗi tôi không thể đi bộ trong hai phút mà không nhìn thấy các áp phích tuyển quân”.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp: Người Trung Quốc sẽ quyết định số phận Đài Loan
Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh truyền hình Pháp, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), đã nói về tương lai của Đài Loan rằng “Người Trung Quốc sẽ quyết định số phận của Đài Loan”. Thậm chí, ông Lư còn tức giận, mất kiểm soát và xúc phạm người dẫn chương trình, khiến dư luận dậy sóng.
Ngày 21/4, chương trình truyền hình LCI của Pháp đã phỏng vấn ông Lư Sa Dã. Người dẫn chương trình Darius Rochebin đặt câu hỏi về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Macron, tình hình hiện tại ở eo biển Đài Loan, xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự bành trướng của Trung Quốc, chiến tranh Nga-Ukraine, và lịch sử Trung Quốc.
Khi nói về vấn đề Đài Loan, người dẫn chương trình đã chiếu hoạt hình mô phỏng việc bắn đạn pháo vào Đài Loan của Trung Quốc trước kia, sau đó, hỏi ông Lư Sa Dã: “Lẽ nào đây chẳng phải một hành động xâm lược cực kỳ gây sốc sao?”
Ông Lư lập luận rằng là vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc đã bị đe dọa bởi “lực lượng ly khai Đài Loan độc lập ở Đài Loan và một số nước phương Tây”.
Người dẫn chương trình cũng đề cập rằng cuộc thăm dò mới nhất ở Đài Loan cho thấy, 64% số người được hỏi nhận mình là người Đài Loan, 30% nhận là cả người Đài Loan và người Trung Quốc, chỉ 2,4% nói mình là người Trung Quốc, và đặt câu hỏi: “Người Đài Loan không nên tự quyết định vận mệnh của mình sao? Đó là quyền tự quyết của người dân.”
Lúc này, ông Lư Sa Dã phản công: “Số phận của Đài Loan là do người Trung Quốc định đoạt.”
Ông Lư cũng đe dọa rằng Trung Quốc sẽ sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để giành lại Đài Loan, nếu không thể giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp hòa bình, “họ sẽ phải dùng đến các biện pháp khác”.
Thậm chí ông Lư Sa Dã còn chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là vi phạm luật pháp quốc tế, và tuyên bố rằng “các quốc gia không thể bán vũ khí cho các thực thể phi nhà nước.”
Người dẫn chương trình tiếp tục nói về việc khi cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1964, nhiều nước phương Tây cho rằng ông ấy đã sai, vì chính quyền Mao Trạch Đông khi đó đã “giết và tra tấn hàng triệu người”.
Người dẫn chương trình cho biết, một số nước phương Tây hiện cũng đang rất lo lắng rằng “rất có thể họ sẽ lại mắc sai lầm tương tự trong các giao dịch với Trung Quốc”.
Ông Lư Sa Dã đã nổi cơn thịnh nộ ngay tại chỗ, buộc tội người dẫn chương trình “không trung thực” vì “ngụy biện với những tin đồn thất thiệt trong quá khứ”.
Người dẫn chương trình vặn hỏi: “Hàng triệu người chết vì Mao Trạch Đông là tin thất thiệt sao?”
Tránh né vấn đề có bao nhiêu người Trung Quốc đã chết khi Mao Trạch Đông nắm quyền, thay vào đó ông Lư Sa Dã chỉ trích người dẫn chương trình: “Ông từng đi học chứ? Dừng lại ngay! Hôm nay tôi tới đây không phải để thảo luận về những tin đồn này với ông.”
Người dẫn chương trình cố gắng giải thích tầm quan trọng của việc hiểu biết về lịch sử, nhưng ông Lư Sa Dã đã ngắt lời và hét lớn: “Tôi tới đây không phải để nói về những tin đồn này. Tôi nói lại lần nữa, không cần phải nói về những thứ này, thật vô nghĩa!”
“Đừng nói với tôi về cái gọi là nhân quyền, vấn đề nhân quyền của các ông thậm chí còn nghiêm trọng hơn.”
Người dẫn chương trình đã đề cập đến chiến tranh Nga-Ukraine và hỏi ông Lư Sa Dã “Crimea có thuộc Ukraine không?” Ông Lư đáp “không chắc”. Người dẫn chương trình nhắc rằng: “Theo luật pháp quốc tế, Crimea thuộc về Ukraine.”
Tuy nhiên, ông Lư Sa Dã lại cho rằng: “Theo luật pháp quốc tế, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ này không có quy chế chủ quyền thực tế. Vì không có thỏa thuận quốc tế nào có thể cụ thể hóa địa vị quốc gia có chủ quyền của họ.”
Ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra đồng nghĩa với việc phủ nhận sự tồn tại của các quốc gia như Ukraine, Litva, Estonia, khiến dư luận từ nhiều nước châu Âu dậy sóng.
Ông Vadym Omelchenko, Đại sứ Ukraine tại Pháp, đã lên án nhận xét của ông Lư Sa Dã là “vấn đề nổi bật về hiểu biết địa lý”, và rằng nhận xét của ông Lư trái ngược với ý định “nỗ lực khôi phục hòa bình ở Ukraine” của Bắc Kinh như truyền thông nước này đưa tin.
Thông qua tuyên bố của Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkēvičs, 3 nước Baltic Litva, Latvia và Estonia cũng chỉ ra: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được những nhận xét của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp về luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia. Hy vọng phía Trung Quốc sẽ giải thích điều này và rút lại tuyên bố trên.”
Những nhận xét mất kiểm soát của ông Lư Sa Dã cũng khiến dư luận Pháp bất bình. Ngày 22/4, ông Thomas Friang, người sáng lập Viện Ngoại giao Mở, đã viết một lá thư cho JDD (Tạp chí Chủ nhật), kêu gọi Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập ông Lư Sa Dã.
“Nhà ngoại giao này phải được triệu tập và nhắc nhở về cách thức hoạt động của quốc gia có chủ quyền của chúng ta, dù là dựa trên những cân nhắc về đạo đức hay chiến lược.”
Ông François Godement, cố vấn của Viện Montaigne, và nhiều học giả khác cũng chỉ ra rằng tuyên bố của ông Lư Sa Dã đã vô tình tiết lộ thái độ thực sự của Bắc Kinh đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.
Ông Jakub Janda, Giám đốc điều hành của Trung tâm Chính sách An ninh Giá trị Châu Âu, bình luận: “Đã đến lúc thừa nhận rằng Trung Quốc là đồng minh của Nga, phải bị chế tài và trừng phạt”.
Tại Đài Loan, ngày 22/4, nhà lập pháp của Đảng Dân Tiến Vương Định Vũ (Wang Ding-yu) đã đăng trên Facebook rằng những nhận xét phóng đại của ông Lư Sa Dã đã xúc phạm một cuộc bỏ phiếu của đất nước, và đánh thẳng vào giới truyền thông, như thể ông ấy mắc chứng mất trí nhớ.
Vương Định Vũ nói thẳng: “Những lời ngụy biện của ông Lư Sa Dã đã khiến Đài Loan trở nên nổi bật hơn.”
Nhà lập pháp Tô Xảo Huệ (Su Chiao-hui) cũng thông qua Facebook chỉ ra rằng miễn là “chính sách ngoại giao chiến lang” tự đánh bại mình của ông Lư Sa Dã còn tồn tại thêm một ngày, thì cộng đồng quốc tế sẽ nhìn rõ bộ mặt của ĐCSTQ hơn. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều không phải là kẻ ngốc, “ngoại giao chiến lang” chỉ biết dùng giọng điệu nạt nộ người khác để vũ trang cho mình từ lâu đã vô hiệu.
Lý Giai Kỳ / Vision Times