Tin VN sáng thứ Ba: 14 người Việt Nam thiệt mạng trên biển khi tìm cách vượt biên từ Phúc Kiến vào Đài Loan

14 người Việt Nam thiệt mạng trên biển khi tìm cách vượt biên từ Phúc Kiến vào Đài Loan

Thi thể được trục vớt từ bở biển Đài Loan từ 18/2 đến 11/4 (Ảnh: CNA dẫn nguồn từ cơ quan thực thi pháp luật địa phương)

Hôm 13/4, cơ quan thông tấn quốc gia Đài Loan (CNA) dẫn nguồn tin từ Cục Điều tra Hình sự (CIB) cho biết trong số 25 thi thể được trục vớt từ vùng biển xung quanh Đài Loan kể từ cuối tháng Hai đã xác định có 10 người là công dân Việt Nam, 14 người là công dân Đài Loan. Danh tính của một thi thể khác vẫn chưa được xác định.

Người đứng đầu Bộ phận Các vấn đề Hình sự Quốc tế của CIB Lee Yang-chi cho biết từ ngày 18/2 đến ngày 11/4, cảnh sát biển đã vớt được tổng cộng 25 thi thể từ các vùng biển trên khắp đất nước.

Theo CIB, các thi thể được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi Đào Viên, Đài Nam, Vân Lâm, Gia Nghĩa, Chương Hóa, Cơ Long, Cao Hùng, Hsinchu và Đài Đông.

CIB cho biết 10 công dân Việt Nam thiệt mạng gồm 8 người đàn ông và 2 phụ nữ ở độ tuổi 30-42.

Dựa trên lời kể của các thành viên gia đình, CIB cho biết có tổng cộng 14 công dân Việt Nam đã rời đất nước vào khoảng ngày 14/2 theo đường bộ vào khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc.

Sau đó, họ đến tỉnh Phúc Kiến bằng phương tiện giao thông công cộng và rời khỏi Trung Quốc bằng tàu. 14 người Việt Nam liên lạc lần cuối với các thành viên gia đình của họ vào ngày 18/2, ngày mà họ được cho là đã rời Phúc Kiến để đến Đài Loan qua bờ biển Đài Trung.

CIB cho biết thêm rằng họ vẫn đang tìm kiếm 4 phụ nữ Việt Nam mất tích có liên quan đến các thi thể được tìm thấy.

Cơ quan chức năng Đài Loan và Việt Nam đã thành lập một đội đặc nhiệm chung để điều tra vụ việc, nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa được tìm thấy có liên quan đến bất kỳ đường dây buôn người nào ở Đài Loan, văn phòng cho biết.

Liên quan đến 14 thi thể người Đài Loan, văn phòng hôm thứ Tư cho biết họ đã thông báo cho các thành viên gia đình của những người quá cố, đồng thời nói thêm rằng cái chết của họ không liên quan đến việc người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp.

RFA hôm 20/4 cho biết cảnh sát Đài Loan xác định rằng sau khi xuất phát từ Phúc Kiến để đi hành trình dài 160km qua eo biển Đài Loan, thuyền của họ đã bị lật trên biển, khiến 9 người đàn ông và 5 phụ nữ thiệt mạng.

Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy tất cả những người di cư này trước đây đã làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan và đã bị trục xuất vì vi phạm luật lao động. Luật cấm tái nhập cảnh trong vài năm sau khi bị trục xuất.

“Chín người trong nhóm này trước đó đã vượt biên sang Đài Loan để làm việc bất hợp pháp, trong khi năm người còn lại đến Đài Loan để làm việc hợp pháp nhưng sau đó bắt đầu hoạt động chui,” ông Lee nói.

Theo số liệu do Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan công bố, tính đến năm 2019, người Việt Nam chiếm 45% tổng số lao động bất hợp pháp tại đây.

Xuân Lan

Rút đơn kháng cáo, Nguyễn Võ Quỳnh Trang chấp nhận mức án tử hình

Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: vov.vn)

Kháng cáo vì cho rằng mức án quá nặng, bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (người bạo hành dã man khiến bé gái 8 tuổi ở TP.HCM tử vong) mới đây đã rút đơn, chấp nhận mức án tử hình.

Ngày 24/4, Trại giam T30 Chí Hoà cho biết đơn rút kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1996) về tội “Giết người” và “Hành hạ người khác” đang được chuyển cho TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Quyết định này của bị cáo Trang được đưa ra trước phiên phúc thẩm (ngày 28/4) vài ngày. Lý do bị cáo rút kháng cáo chưa được luật sư và trại giam công bố. Trong khi đó, phía tòa phúc thẩm cho biết đã được trại giam thông báo về việc Trang rút kháng cáo nhưng chưa nhận được văn bản.

Trước đó, giữa tháng 12/2022, sau khi bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án tử hình, Trang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do mức án trên là “quá nặng” so với hành vi phạm tội của mình.

Theo quy định, nếu bị cáo rút kháng cáo, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trang. HĐXX sẽ xem xét kháng cáo của luật sư bảo vệ cho gia đình bé Vân An – đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra Nguyễn Kim Trung Thái (cha bé Vân An) phạm tội “Giết người” với vai trò đồng phạm của Trang.

Theo luật sư, mức hình phạt 8 năm tù tòa tuyên đối với bị cáo Thái về hai tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm” là quá nhẹ, chưa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và không đúng với bản chất hành vi tàn ác của Thái. Bị cáo là cha đẻ, trực tiếp chăm sóc bé Vân An, nhưng đã cùng Trang bạo hành con gái trong suốt thời gian dài với nhiều vết thương trên cơ thể.

Đáng nói, ngày 22/12/2021, sau khi biết Trang đánh cháu A. tử vong, bị cáo Thái đã đăng nhập vào ứng dụng quản lý camera xóa toàn bộ dữ liệu của 4 camera trong căn hộ nhằm che giấu hành vi phạm tội của Trang.

Dự kiến, trong phiên phúc thẩm lần này, tòa sẽ triệu tập 5 nhân chứng gồm: người giúp việc, hàng xóm, bảo vệ chung cư… và 2 giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM tham gia phiên tòa.

Theo cáo trạng, từ tháng 9/2020, sau khi ly hôn, Thái nuôi bé Vân An và sống như vợ chồng với Trang tại chung cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh). Do cha mẹ Thái không đồng ý cho kết hôn, Thái cũng không muốn có thêm con nên Trang luôn ghen tuông, tức tối.

Từ tháng 10/2021, trong thời gian được Thái giao chăm sóc Vân An (bé học trực tuyến tại nhà), Trang nhiều lần đánh đập con riêng của người tình.

Trong những ngày 7 đến ngày 22/12/2021, bị cáo Trang liên tục dùng roi mây, cây gỗ đánh bé An. Có lần cô ta không cho An mặc quần áo, bắt quỳ gối, giơ hai tay lên cao cho mình đánh; nhốt vào chuồng chó hoặc bắt cháu quỳ gối để học bài trong nhiều giờ.

Khuya 10/12/2021 đến hơn 2h sáng hôm sau, Trang và Thái thay nhau hành hạ và đánh vào vùng trọng yếu của cô bé. Riêng ngày 21/12/2021, từ 14h đến 18h, Trang liên tục đánh bé An bằng cây gỗ, đạp vào người… khiến nạn nhân bất tỉnh, sau đó tử vong.

HĐXX sơ thẩm nhận định hành vi của bị cáo Trang là quá tàn ác đối với người lệ thuộc mình, mất nhân tính, thực hiện vì động cơ đê hèn, có tính chất côn đồ, phạm tội với trẻ em… nên tuyên phạt bị cáo mức án tử hình về tội “Giết người”; 3 năm tù về tội “Hành hạ người khác”; tổng hợp hình phạt là tử hình.

Khánh Vy

Chương trình Vua Tiếng Việt sai chính tả

Tập 28 của Chương trình Vua Tiếng Việt phát sóng trên VTV3, người chơi được yêu cầu chọn đáp án đúng giữa hai phương án “trậm trễ” hay “chậm chễ”. (Ảnh chụp màn hình)

Tập 28 chương trình Vua Tiếng Việt của VTV khiến nhiều người bức xúc khi viết sai chính tả một từ khá phổ biến.

Tập 28 của Chương trình Vua Tiếng Việt phát sóng trên VTV3, người chơi được yêu cầu chọn đáp án đúng giữa hai phương án “trậm trễ” hay “chậm chễ”.

Sau khi người chơi chọn đáp án “chậm chễ”, MC Xuân Bắc khẳng định đáp án của người chơi là đúng.

Ông Hoàng Tuấn Công, một nhà nghiên cứu về Tiếng Việt, cho biết trên báo VTC rằng, có thể nói là những người làm VTV đã sai ngay từ câu hỏi. Trong Tiếng Việt không có từ nào viết là “trậm trễ” hay “chậm chễ”, mà chỉ có từ “chậm trễ”.

“Chậm trễ là từ ghép đẳng lập, trong đó chậm nghĩa là muộn, trễ; Trễ cũng có nghĩa là chậm, muộn. Như vậy, nghĩa đẳng lập của “chậm” và “trễ” rất rõ ràng. Thế nhưng VTV lại biến “trễ” thành “chễ” một cách rất vô nghĩa”, ông giải thích.

Ông cho rằng những người làm đề cương, kịch bản, cố vấn của chương trình đã không hiểu gì về chính cái từ mà mình đưa ra để thử thách người chơi. Ông bức xúc khi nói rằng chương trình không chỉ chủ quan mà còn rất cẩu thả.

Phía nhà đài đã sửa lại bằng cách chạy dòng chữ đính chính phía dưới màn hình ở tập 29 rằng “Trong tập 28, ban biên tập chương trình đã có một câu hỏi chính tả sai đáp án. Chúng tôi xin đính chính đáp án đúng của câu hỏi này là “chậm trễ””.

Tuy nhiên, ông Công cho rằng việc cần sửa nhất là cắt bỏ chỗ sai trong chương trình có lỗi, bởi đâu phải ai xem tập sai chính tả cũng xem tập tiếp theo có lời đính chính.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trương Quý, một trong những cố vấn của chương trình, cho biết ban cố vấn chỉ được xem qua nội dung chương trình trước 15 phút, và đã có góp ý cho lỗi sai này nhưng có lẽ vì một lỗi kỹ thuật nào đó mà lỗi sai chính tả vẫn không được khắc phục khi phát sóng chương trình.

“Đây là một lỗi sai chính tả đáng tiếc”, ông nói và mong khán giả rộng lượng bởi bất cứ ai cũng có thể mắc sai sót, những người làm chương trình đều rất tâm huyết.

Ông Quý nói thêm trong bối cảnh chính tả tiếng Việt còn nhiều thứ chưa được thống nhất một cách chặt chẽ, chính ban cố vấn của chương trình cũng từng có lúc không đồng ý với phương án chính tả trong từ điển.

Vua Tiếng Việt là một gameshow của VTV không chỉ giúp cho các người chơi mà còn cả các khán giả thêm phần hiểu biết và yêu mến tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, đây cũng không phải lần đầu chương trình gặp phải những tranh cãi.

Minh Long

‘Chiêu’ lừa du thuyền Hạ Long 5 sao giảm giá khiến nhiều người mất tiền khi đặt cọc 50%

Anh Phạm Ngọc Linh (TP. Hà Nội) bị lừa đảo 7 triệu đồng khi mua voucher du thuyền Hạ Long 5 sao. (Ảnh: Phạm Ngọc Linh/Facebook)

Những ngày qua, nhiều du khách bị lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc khi mua voucher du thuyền Hạ Long 5 sao.

Một trong những nạn nhân là anh Phạm Ngọc Linh (TP. Hà Nội) cho biết đầu tháng 4 vừa qua, anh lên mạng tìm kiếm thông tin về tour du lịch thì thấy trên Facebook có bài quảng cáo với nội dung “Chương trình khuyến mãi du thuyền Hạ Long Ambassador 5 sao, 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 1.999k/khách”.

Do đang có ý định tổ chức kỳ nghỉ trên du thuyền Hạ Long cho cả gia đình bên và thấy bài quảng cáo có mức giá tốt nên anh Linh đặt mua voucher du lịch vào tháng 5 tới cho 9 người trong gia đình với giá 2 triệu đồng/người lớn và 1 triệu đồng/trẻ em, bé dưới 6 tuổi được miễn phí. Phía bên tour du lịch yêu cầu anh Linh phải đặt cọc 50% để đặt chỗ trong tổng số tiền tour 14 triệu đồng.

Ngày 8/4, anh Linh chuyển khoản cọc 7 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng có số đuôi 9999 và tên chủ tài khoản là DU THUYỀN HA LONG. Anh Linh cho biết anh không hề băn khoăn hay nghi ngờ và nghĩ rằng cũng chẳng cần xác minh gì. Hơn nữa, anh là người chủ động liên hệ tìm kiếm sản phẩm dịch vụ chứ không phải bị tiếp cận, chào mời lừa đảo.

Đến ngày 20/4, anh Linh phát hiện bị chặn tài khoản, anh liền liên hệ, tìm hiểu thông tin qua đơn vị cung cấp loại hình tương tự thì được biết hiện không đơn vị nào bán voucher với mức giá anh đã mua.

Anh Linh gửi email phản hồi mail đã xác thực thanh toán trước đó, yêu cầu trả lại tiền thì phát hiện email đó cũng bị xoá.

Theo anh Linh, anh bị lừa vì thủ đoạn này quá tinh vi, đây là lần đầu tiên anh bị lừa tiền trên mạng. Khi anh gọi điện cho một đơn vị cung cấp dịch vụ du thuyền ở Hạ Long để xác thực thì mới biết có rất nhiều người bị lừa như anh.

Qua trường hợp của mình, anh Linh khuyên mọi người nên cẩn trọng khi mua dịch vụ trên mạng. Trước khi chuyển khoản thanh toán hay đặt cọc cần xác thực thông tin dựa trên mức độ uy tín của đơn vị mình sử dụng dịch vụ, ví dụ như website, số điện thoại cố định, địa chỉ email bằng tên miền.

Hiện anh Linh đã gửi đơn tố cáo tới Công an phường Giảng Võ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Đồng thời, anh cũng đăng cảnh báo lên trang cá nhân để mọi người biết và lưu ý. Qua đó, nhiều người phản hồi cho biết cũng bị lừa đảo như vậy.

Tương tự như trường hợp của anh Linh, đầu tháng 4 vừa qua, chị Thu Hiền (TP. Hà Nội) cũng nhận được quảng cáo “Combo du thuyền 5 sao Ambassador và khách sạn ở Hạ Long 3 ngày 2 đêm giá 2 triệu đồng một khách”.

Chị Hiền được tư vấn chuyển 50% tiền cọc cho 4 khách, số tiền 4 triệu đồng để đặt chỗ cho ngày đi từ 15/4 đến 17/4. Sau khi chị Hiền chuyển tiền thành công, đại lý đã chặn Facebook chị Hiền, trong khi vẫn trả lời những người khác.

Về chuyện này, đại diện Du thuyền Ambassador cho biết từ tháng 2 đến nay đã nhận được phản ánh từ hơn 20 khách hàng kể cả trong và ngoài nước về việc bị lừa đảo khi đặt combo Du thuyền Ambassador & Khách sạn với giá 2 triệu đồng/người từ fanpage có tên “Du thuyền Hạ Long”.

Công ty đã tìm hiểu cách thức hoạt động của fanpage giả mạo “Du thuyền Hạ Long”.

Thủ đoạn của họ rất tinh vi, từ việc xây dựng fanpage sao chép hình ảnh và nội dung y hệt fanpage chính chủ của Du thuyền Ambassador, thông tin tài khoản ngân hàng đến mẫu hoá đơn đều được đăng ký dưới dạng doanh nghiệp tạo độ uy tín, khiến khách hàng dễ bị thuyết phục và đồng ý giao dịch.

Vị đại diện cho biết khi thử nhắn tin tới fanpage đó với tư cách là khách hàng cần tư vấn combo du thuyền và nhận thấy admin trả lời rất chuyên nghiệp, tuy nhiên khi hỏi một số thông tin đánh động đến hành vi lừa đảo thì không nhận được câu trả lời.

Ngoài ra, công ty cũng cử nhân viên tới địa chỉ được chia sẻ của đối tượng lừa đảo ở Hạ Long thì biết được đó là địa chỉ giả mạo, ở đó không hề có đại lý du lịch nào.

Theo vị đại diện, tình trạng lừa đảo này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu du thuyền và vô cùng bức xúc trước thực trạng này.

Trong suốt thời gian điều tra và tìm giải pháp, bên phía du thuyền đã tìm nhiều biện pháp để báo cáo đến bộ phận hỗ trợ Facebook về thông tin giả mạo này. Cho đến ngày 15/4/2022, địa chỉ page lừa đảo “Du thuyền Hạ Long” đã không còn hoạt động nữa.

Được biết, mức giá tour du thuyền của đơn vị này là gần 4 triệu đồng/người/đêm và gần 8 triệu đồng/người/2 đêm, tức là gấp 4 lần so với giá kẻ lừa đảo đưa ra. Không có chuyện 2 triệu đồng một người cho chuyến nghỉ dưỡng 2 đêm trên du thuyền 5 sao.

Hiện nay, các trò lừa đảo không chỉ nhắm đến du thuyền nghỉ dưỡng mà còn nhiều dịch vụ khác như vé máy bay, phòng khách sạn, tour. Những trường hợp này thường có điểm chung là mức giá tốt để thu hút sự chú ý khách hàng giao dịch.

Một số điểm nhận biết lừa đảo mà đại diện các công ty lữ hành tư vấn gồm: mức giá quá chênh lệch; hóa đơn thanh toán không có dấu đỏ; kiểm tra tên website và tên miền. Các website giả sẽ cố bắt chước tên website thật nhưng sẽ thêm hoặc thiếu một số ký tự. Bên cạnh đó, tên miền thường dài, sử dụng ký tự lạ.

Thạch Lam

Related posts