Ngoài mối đe dọa quân sự, còn 2 vấn đề khác mang tính kinh doanh hơn đang dẫn dắt làn sóng tách rời về kinh tế. Có vẻ như Đài Loan sắp sửa đa dạng hóa hoàn toàn khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mỹ đang có những động thái nhằm tách rời nền kinh tế của họ khỏi Trung Quốc. Dường như, tình hình cũng tương tự đối với Đài Loan.
Không phải chính sách của Đài Bắc bắt chước đường lối ngày càng thù địch của Washington đối với Bắc Kinh. Ngược lại, Đài Bắc dường như đi theo một đường lối ngoại giao cân bằng một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp Đài Loan, vì lợi ích của chính mình, đã nới lỏng mối quan hệ một thời là cực kỳ chặt chẽ với Trung Quốc. Một số động thái của doanh nghiệp Đài Loan phản ánh những lo ngại về ý đồ quân sự của Bắc Kinh. Dù vậy, việc nới lỏng đa phần phản ánh những đánh giá lý tính về lợi nhuận và rủi ro. Trên cơ sở đó, phong trào tách rời này dường như sẽ tiếp tục phát triển.
Bằng chứng rõ ràng nhất xuất hiện trong dòng đầu tư. Đầu tư trực tiếp của Đài Loan vào Trung Quốc đã giảm mạnh từ mức tương đương 9,0 tỷ USD năm 2017 xuống dưới 1,7 tỷ USD vào năm ngoái, giai đoạn gần đây nhất có dữ liệu đầy đủ. Đó là mức giảm 81% chỉ trong 5 năm. Cũng không phải là doanh nghiệp Đài Loan đã ngừng hoạt động đầu tư nói chung. Thay vào đó, họ đã chuyển các nỗ lực đầu tư sang nơi khác. Đông Nam Á và Ấn Độ đã chứng kiến những dòng vốn mà trước đây có thể chảy vào Trung Quốc. Ngay cả Mỹ và châu Âu cũng đã đã được lợi. Trong khi trước đây, Trung Quốc thường xuyên chiếm hoàn toàn 2/3 tổng số đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan, tỷ trọng tương đối của Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 1/3, ít hơn một chút so với riêng Singapore và ngang bằng với mức đầu tư của Đài Loan hiện nay vào Mỹ.
Phần lớn hàng xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc bao gồm các linh kiện để lắp ráp trong các cơ sở sản xuất lâu đời của Đài Loan [tại Trung Quốc]. Do đó, sự chuyển dịch đầu tư đã làm chậm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng điện tử từ Đài Loan sang Trung Quốc. Trong khi vào năm 2020, lượng xuất khẩu này tăng 24%, thì năm 2022 chỉ tăng 11%.
Nguyên nhân của sự tách rời
Sự thận trọng tự nhiên được thúc đẩy bởi các cuộc diễn tập quân sự đầy đe dọa và gây bối rối của chính quyền Trung Quốc xung quanh Đài Loan. Ngoài ra, còn có hai vấn đề khác, mang tính kinh doanh hơn, đã dẫn dắt sự thay đổi trong đầu tư. Chi phí sản xuất là yếu tố cơ bản. Tiền lương tại Trung Quốc đã tăng so với tiền lương ở nơi khác. Bên cạnh sự tương đồng về văn hóa, doanh nghiệp Đài Loan ưa chuộng đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc vì nước này cung cấp cho họ một lực lượng lao động rẻ và có kỷ luật. Tình hình đối với doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cũng tương tự như vậy.
Nhưng khi Trung Quốc phát triển, thang lương của nước này đã bắt đầu bắt kịp mức lương ở những nơi khác. Từ năm 2010 đến năm 2021, mức lương trung bình tại nhà máy ở Trung Quốc đã tăng khoảng 247,0%, khoảng 12% một năm – nhanh hơn nhiều so với mức tăng lương ở châu Âu hoặc châu Mỹ. Tiền lương ở Ấn Độ và Đông Nam Á cũng tăng nhanh hơn ở châu Âu và Mỹ nhưng không bằng Trung Quốc. Trung Quốc đã trở nên kém hấp dẫn hơn với tư cách là điểm đến cho các hoạt động sản xuất. Một nhà quan sát Đài Loan chỉ ra rằng chỉ riêng vấn đề về mức lương cũng đã đe dọa vị thế “công xưởng toàn cầu” của Trung Quốc.
Yếu tố thứ 2 khiến doanh nghiệp Đài loan xa lánh Trung Quốc là tác động của thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Các mức thuế quan đã được cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt theo từng giai đoạn trong năm 2018 và 2019. Mặc dù có xu hướng hủy bỏ tất cả những gì ông Trump đã làm, tuy nhiên, ông Biden đã giữ nguyên chúng. Bởi vì phần lớn đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc là nhằm sản xuất ra hàng hóa sau đó được vận chuyển đến Mỹ, thuế quan khiến Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều đối với doanh nghiệp Đài Loan so với trước đây.
Các nhà đầu tư Đài Loan đã bắt đầu quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang các nền kinh tế không bị áp thuế, như Ấn Độ và Việt Nam. Từ năm 2019 đến năm 2022, lượng hàng hóa công nghệ Đài Loan đến Mỹ có nguồn gốc từ Việt Nam đã tăng gấp đôi. Lượng sản phẩm công nghệ từ Ấn Độ đã tăng 72%. Chắc chắn xu hướng tập trung vào Ấn Độ của doanh nghiệp Đài Loan sẽ phát triển, khi mà Apple có kế hoạch chuyển 50% sản lượng iPhone của mình sang Ấn Độ vào năm 2027, tăng từ mức 5% hiện tại.
Các động thái tách rời phản ánh các quyết định kinh doanh từ cá nhân các doanh nghiệp hơn là chính sách do Đài Bắc đặt ra. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đe dọa sẽ trả đũa bằng cách chấm dứt Thỏa thuận khung hợp tác kinh tế (ECFA) giữa họ và Đài Loan. Thỏa thuận đó hiện chỉ tác động tới 5% tổng số sản phẩm của Đài Loan chảy vào Trung Quốc. So sánh với động thái gần đây của Quân đội Giải phóng Nhân dân, mối đe dọa này dường như nằm ở mức thấp trong thang độ đe dọa.
Thay vì cảm thấy bị đe dọa trên mặt trận thương mại, có vẻ như Đài Loan sắp sửa đa dạng hóa hoàn toàn khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi đó Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn chất bán dẫn của Đài Loan. Thật vậy, các cuộc biểu tình quân sự và những bàn luận công khai về hành động quân sự gần đây của Trung Quốc có thể cho thấy rằng, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh hiểu rõ vị thế kinh tế cửa trên của Đài Loan.
Bảo Nguyên biên dịch