Bộ Quốc phòng Nga thông báo một máy bay chiến đấu MiG-31 của nước này đã bị rơi trong một chuyến bay huấn luyện.
“Một tiêm kích MiG-31 rơi khi thực hiện chuyến bay huấn luyện theo kế hoạch ở tỉnh Murmansk. Tiêm kích rơi ở khu vực vắng vẻ”, Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/4 thông báo. Giới chức Nga chưa công bố nguyên nhân khiến tiêm kích MiG-31 rơi.
Một nguồn tin địa phương cho biết “một trong hai động cơ của chiếc MiG-31 bốc cháy khi đang bay, tiêm kích sau đó lao xuống hồ”. Vụ tai nạn xảy ra ở khu vực cách thành phố Monchegorsk của tỉnh Murmansk khoảng 10 km.
Các video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy đám lửa lớn và vệt khói đen bốc lên từ máy bay chiến đấu của Nga khi MiG-31 đang bay trên trời.
Theo một nguồn tin từ cơ quan an ninh Nga, một trong những động cơ của MiG-31 đã bốc cháy khi máy bay đang hoạt động. Nguồn tin nói rằng, theo thông tin sơ bộ, máy bay “đã rơi xuống hồ”.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hai phi công trên chiếc MiG-31 đều thoát ra ngoài, được lực lượng cứu hộ cứu nạn sơ tán bằng trực thăng, không gặp nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe. Tỉnh trưởng Murmansk Andrey Chibis thông báo tiêm kích MiG-31 bị rơi không gây ra thiệt hại cho hạ tầng dưới mặt đất.
Các video trên mạng xã hội cho thấy các phi công dường như cố gắng chuyển hướng máy bay ra khỏi khu dân cư vào thời điểm máy bay gặp nạn.
Một sự cố tương tự đã xảy ra ở khu vực Belgorod của Nga giáp Ukraine vào cuối tháng 2. Khi đó, một máy bay yểm trợ tầm gần Su-25 đã bị rơi do trục trặc kỹ thuật. Phi công điều khiển máy bay đã thiệt mạng. Máy bay bị rơi ở khu vực không có dân cư sinh sống, không gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng hay thương vong trên mặt đất.
Trước đó, một chiếc MiG-31 đã bị rơi cách căn cứ không quân Tsentralnaya Uglovaya gần thành phố Vladivostok khoảng 26km hồi năm 2013. Nguyên nhân máy bay gặp nạn được cho là do sự cố kỹ thuật.
MiG-31 có nhiệm vụ đánh chặn và tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không từ khoảng cách xa. Tiêm kích có khả năng đạt tốc độ tối đa 3.000 km/h, tầm bay tối đa lên tới 5.400 km. Liên Xô phát triển tiêm kích MiG-31 từ những năm 1970 và biên chế tháng 5/1981, hơn 500 chiếc đã xuất xưởng.
Với radar Zaslon M, MiG-31BM có thể cùng lúc truy quét 10 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu khác nhau với khoảng cách phát hiện lên tới 320km. Theo các chuyên gia quân sự, sau khi cải tiến, khả năng chiến đấu của MiG-31BM tăng lên gấp đôi so với thế hệ đầu MiG-31, xứng đáng với tên gọi “sát thủ đánh chặn” trong quân đội Nga.
Một đặc điểm ấn tượng ở dòng MiG-31 chính là khả năng tác chiến trên cao. Năm 2019, Nga từng chiếu cảnh máy bay MiG-31 bay tới độ cao 21.500m. Các chuyến bay ở độ cao vượt qua giới hạn Armstrong thường gây ra rung lắc rất mạnh ở phần thân máy bay. Vì vậy, chỉ các máy bay được thiết kế đặc biệt mới có thể chịu được độ cao như vậy mà không bị rơi.
Biến thể MiG-31K được chỉnh sửa để mang Kinzhal, mẫu tên lửa siêu vượt âm có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân mạnh 5-50 kiloton, có sức công phá tương đương 5.000 – 50.000 tấn thuốc nổ TNT.
Trong một nghiên cứu của viện RUSI (Anh), các chuyên gia nhận định, MiG-31 đã chứng minh hiệu quả cao trong việc loại bỏ tiêm kích và chiến đấu cơ Ukraine. MiG-31 vượt trội hơn hẳn về tốc độ, cao độ và tầm bay so với tiêm kích đánh chặn tốt nhất trong kho vũ khí của Ukraine là Su-27. Với tầm hoạt động như vậy, MiG-31 nằm ngoài tầm mọi hệ thống phòng thủ của Ukraine sở hữu, cũng như vượt trội so với tầm tấn công của các máy bay chiến đấu Kyiv.
Viên Minh (Tổng hợp)