Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang nóng lên, Philippines đã nổi lên như một quốc gia quan trọng bậc nhất trong hệ thống địa chính trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã đến thăm Philippines nhằm hàn gắn mối quan hệ song phương vốn đã ‘rạn nứt’ do hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, một chuyên gia lập luận rằng chuyến thăm của ông Tần Cương có thể sẽ trở nên vô ích.
Philippines gần đây đã tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ. Năm nay, Philippines cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự, trong đó có hai căn cứ nằm hướng về phía Đài Loan. Với 4 căn cứ mới, Mỹ sẽ có tổng cộng 9 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines.
Ngoài ra, Philippines cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận chung với Mỹ nhằm tăng cường hợp tác quân sự với nước này.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Philippines và chính quyền Trung Quốc đã xấu đi do hành vi hung hăng của nước này ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã có chuyến thăm Philippines từ ngày 21/4 đến 23/4. Ông cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Philippines để giải quyết những khác biệt ở Biển Đông.
Nhưng các chuyên gia tin rằng ĐCSTQ sẽ rất khó khôi phục quan hệ với Philippines.
Philippines ‘quay lại’ với đồng minh Mỹ
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Ferdinand Marcos Jr. cam kết sẽ duy trì các chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm Duterte. Vào thời điểm đó, ông nói rằng chính sách ngoại giao của ông Rodrigo Duterte với Trung Quốc “thực sự là lựa chọn duy nhất của Philippines”.
Tuy nhiên, sau khi đắc cử vào tháng 5/2022, ông Marcos đã ngay lập tức thay đổi quan điểm. Lúc này, ông tuyên bố rằng Philippines sẽ không nhượng lại một mét vuông lãnh thổ cho bất kỳ thực thể nước ngoài nào.
Ông Song Guocheng, một học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc lập Chính trị, nói với The Epoch Times rằng có hai lý do chính dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Philippines đối với ĐCSTQ.
“Trong những ngày đầu, ông Marcos Jr. bày tỏ quan điểm tương đối thân Trung Quốc với hy vọng ĐCSTQ sẽ tăng cường đầu tư hoặc cho Philippines vay, nhưng ĐCSTQ đã không thực hiện lời hứa của mình nên ông Marcos Jr. có cảm giác như mình bị lừa”, ông lập luận.
Philippines được hưởng lợi rất ít từ các chính sách thân Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Duterte. Hãng truyền thông Nhật Bản Nikkei đưa tin rằng mặc dù ông Duterte thường xuyên đến thăm Trung Quốc và nước này thường đưa ra “những lời hứa có cánh” về việc chi hàng chục tỷ USD cho Philippines, song chưa đến một nửa trong số đó được thực hiện.
“Một lý do khác là ĐCSTQ từ lâu đã sách nhiễu ngư dân Philippines trên các đảo và rạn san hô mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Gần đây nhất là vụ việc Trung Quốc chiếu tia laser “cấp độ quân sự” vào một tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines ở Biển Đông vào hôm 13/2, gây ‘mù tạm thời’ (trong khoảng 10 – 15 giây) với thủy thủ đoàn đang làm nhiệm vụ trên tàu. Đây là một cuộc tấn công quân sự”, ông Song phân tích.
“Hai yếu tố này đã khiến ông Marcos Jr quyết tâm ‘quay lại’ với đồng minh Mỹ”.
Chuyến viếng thăm ‘gấp gáp’ của ông Tần Cương
Chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm Philippines và Hoa Kỳ mở các cuộc tập trận chung cho đến ngày 28/04, với sự tham gia của 17.000 quân nhân từ cả hai nước.
Ông Song tin rằng chuyến viếng thăm khẩn cấp của ông Tần Cương tới Philippines được thúc đẩy bởi mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines, cũng như sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Philippines. Chuyến thăm nhằm mục đích hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines thông qua các biện pháp ngoại giao hoặc khuyến khích kinh tế.
Trong chuyến thăm, ông Tần Cương tuyên bố rằng Trung Quốc mong muốn hợp tác với Philippines để giữ cho mối quan hệ Trung Quốc – Philippines đi đúng hướng, tăng cường hợp tác để “đôi bên cùng có lợi” và giải quyết thỏa đáng những khác biệt giữa hai nước.
Sau cuộc gặp với ông Tần, ông Marcos cho biết hai nước đã nhất trí thiết lập thêm các kênh đối thoại để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Song cho rằng các kênh liên lạc của ĐCSTQ đã đánh mất lòng tin của cộng đồng quốc tế, và chính ĐCSTQ đã cắt đứt các đường dây nóng được thiết lập trước đó giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ Marcos Jr. không thể duy trì quan hệ hữu nghị với ĐCSTQ. Ông đã quyết tâm xoay trục sang Hoa Kỳ. Thông qua hợp tác với Hoa Kỳ, ông ấy sẽ chống lại sự xâm lược và gây hấn của ĐCSTQ cũng như bảo vệ an ninh quốc gia và khu vực”.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch